Chuyện những bạn trẻ 9x bỏ đất liền ra đảo... nuôi rùa

(Dân trí) - Đó là những người kiểm lâm trẻ tuổi tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ở huyện đảo xa xôi nơi chẳng có sóng điện thoại, chỉ có sóng biển bạc đầu vỗ rìa rào, những chàng trai 9x ấy ngày đêm bảo vệ rùa mẹ, rùa con, giữ gìn an toàn các vùng biển, đảo trên 16 hòn đảo nhỏ thuộc Côn Đảo.

Những “bà đỡ” của rùa biển

Côn Đảo có 14 đảo thì 12 đảo có trạm kiểm lâm như đảo Hòn Tre Lớn, đảo Bảy Cạnh, Hòn Cau... Rùa biển vốn rất sợ âm thanh, ánh sáng, bởi vậy mỗi trạm kiểm lâm chỉ có khoảng 5-8 người, đều là lính trẻ làm việc và sinh sống.

Để được làm việc tại hạt kiểm lâm Côn Đảo, các kiểm lâm 9x tại đây đều phải học qua các trường về ngành nông - lâm, và thêm nhiều khóa đào tạo khác về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các kĩ năng sinh tồn trên biển đảo.

Đặc biệt, phần lớn các chiến sĩ này đều đến từ những vùng quê miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... và một phần nhỏ được sinh ra và lớn lên ở đảo Lớn (đảo Côn Sơn).

Hồ Việt Dũng (sinh năm 1992, quê ở Nghệ An) cho biết: “Nhà mình không có điều kiện nên chỉ có 2 chị gái lớn đi học đại học, còn mình xin mẹ vào Vũng Tàu học trường Sơ cấp Kiểm lâm và theo nghề từ khi 18 tuổi. Rất may là mẹ cho phép con trai út được “bay cao, nhảy xa” nên hiện giờ mình đã gắn bó với cuộc sống trên đảo được 5 năm.”


Hồ Việt Dũng trong một buổi kiểm tra san hô dưới đáy biển

Hồ Việt Dũng trong một buổi kiểm tra san hô dưới đáy biển


... và tuần tra mũi Con Chuột – hòn Tre Lớn – Côn Đảo

... và tuần tra mũi Con Chuột – hòn Tre Lớn – Côn Đảo

Chăm sóc rùa biển chiếm phần lớn thời gian của cán bộ kiểm lâm trên các bãi rùa. Cần mẫn, kiên trì, tỉ mỉ, chăm chút, những “bà đỡ” của rùa biển làm nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ loài động vật nằm trong “sách đỏ”.

Vào ban đêm, họ thay phiên nhau theo dõi rùa mẹ đẻ trứng trong bóng tối trên những bãi biển đầy cát trắng, gắn thẻ cho con mẹ rồi lấy những quả trứng để mang về nhà và ấp trong hồ ấp. Khi rùa con chào đời, những người kiểm lâm mẫn cán ấy lại thay nhau thả rùa con về biển, ngắm nhìn những sứ giả đại dương mang đầy những niềm hy vọng. Hàng triệu con rùa biển đã được sinh ra trên những bãi biển tại Côn Đảo trong nhiều năm qua.

Song song với nghĩa vụ bảo tồn rùa biển và các loài động vật hoang dã thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo, các kiểm lâm bảo vệ, bảo tồn diện tích rừng ngập mặn, lãnh thổ biển. Sáng canh rừng, chiều đi tuần tra các bãi san hô, đêm thức cùng rùa biển, mọi việc được các chiến sĩ kiểm lâm chia nhau làm.

Chỉ vài tháng sống và làm việc trên các đảo nhỏ, mỗi người đều thuộc lòng từng đường mòn trong rừng, từng gốc cây là nơi trú ngụ của chim gì, đâu là hang rắn hay tắc kè, hay đêm nay thủy triều sẽ lên vào lúc mấy giờ. Có thể nói, dù chẳng hề được học qua sách vở hay trường lớp về khoa học tự nhiên nào, nhưng các bạn trẻ 9x đang làm việc trên đảo đều là những nhà tự nhiên học, những chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học thực thụ.


Ao Hoàng Sáng thả rùa con về biển

Ao Hoàng Sáng thả rùa con về biển


Và dọn rác trên bãi Cát Lớn – đảo Bảy Cạnh – Côn Đảo

Và dọn rác trên bãi Cát Lớn – đảo Bảy Cạnh – Côn Đảo

Cuộc sống ở nơi rùa nhiều hơn người

Một tháng, lính kiểm lâm được về đảo Lớn dăm ngày để thăm gia đình, mua vật dụng cá nhân. Hầu hết những người canh giữ biển đảo nơi đây cập nhật tin tức của thế giới bên ngoài bằng radio. Sống cách biệt đất liền, không điện, thiếu nước ngọt, mọi thứ đều phải “nhập khẩu” từ bờ, vậy mà chưa khi nào trên gương mặt các chàng trai 9x thiếu vắng nụ cười.

Mùa khô, cứ hai tuần một lần, tàu từ đất liền sẽ tiếp tế lương thực, thực phẩm và nước ngọt ra tận nơi. Nhưng vào mùa biển động, có khi cả tháng mới có canô tiếp tế. Do đó, lính kiểm lâm ở các đảo nhỏ ngoài giờ làm việc thường tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn.

Có cơm ăn cơm, có rau ăn rau, món cứu đói trường kì là mì gói nhưng anh em trong trạm luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Giữa biển cả mênh mông, tình đồng chí lại càng thêm nồng ấm.


Vũ Hoài Nam – kiểm lâm tại hòn Tre Lớn – Côn Đảo nhận thức ăn do cano tiếp tế từ đảo Lớn ra

Vũ Hoài Nam – kiểm lâm tại hòn Tre Lớn – Côn Đảo nhận thức ăn do cano tiếp tế từ đảo Lớn ra

Trước đây, nước ngọt khan hiếm, những can nước chuyển từ đảo Lớn chỉ cho tiêu chuẩn mỗi người 10 lít một ngày. Bây giờ, hầu hết các đảo có bể hứng nước mưa nên anh em trồng được rau, bầu bí, đu đủ...

Vui mừng nhất là vài đảo có tủ lạnh nhỏ để làm đá và trữ đồ tươi sống. 6 năm đạp sóng, phơi gió trên khắp đảo lớn, đảo nhỏ, khi được hỏi hạnh phúc nhất trong đời là gì, Nguyễn Thanh Cường (sinh năm 1990) thật thà: "Lần đầu tiên pha cà phê mà có cục đá lạnh bỏ vô!"

Xa quê, xa gia đình để đến với nơi không điện, không sóng điện thoại, không mạng internet, nước ngọt được lưu trữ từ những cơn mưa, lại chẳng có nhiều bạn bè bên cạnh, cực khổ là vậy mà dường như chẳng ai cảm thấy cô đơn.

Ao Hoàng Sáng (sinh năm 1990) hào hứng: “Làm bạn với rùa thú vị lắm! Đến mùa rùa lên đẻ, ngày nào anh em cũng thức trắng để dời trứng vào hồ. Một đêm, một người có thể dời 7 – 8 ổ trứng, mỗi ổ hơn 100 quả mà chẳng hề thấy mệt”.

Hoàng Sáng cũng cho biết thêm: “Ở các đảo nhỏ, sóng điện thoại chập chờn nên chẳng mấy khi dùng đến. Nhưng ai cũng cố gắng sắm cho mình một chiếc thật “xịn”, để chụp lại ảnh những người bạn rùa rồi thỉnh thoảng ngắm lại”.


Chàng kiểm lâm 9X Nguyễn Thanh Cường

Chàng kiểm lâm 9X Nguyễn Thanh Cường

Vài năm trở lại đây, khi hình thức du lịch sinh thái phát triển mạnh ở Côn Đảo, khách đến với các đảo nhỏ như hòn Bảy Cạnh, hòn Tre Lớn, hòn Cau ngày một đông. Vậy là đội ngũ kiểm lâm 9x lại đảm nhận vai trò mới, hướng dẫn viên du lịch.

Chẳng hề học qua trường lớp hướng dẫn viên, cũng chẳng thể ăn nói khéo léo như những người làm du lịch chuyên nghiệp, nhưng sự hiểu biết rõ về đặc tính từng loài vật trên đảo, cũng như tình yêu đong đầy với từng góc rừng, đường núi, rặng san hô dưới đáy biển, sự chân thành, thật thà và giọng nói chan chứa tình cảm với biển đảo quê hương của mỗi chàng trai trên đảo đều để lại những ấn tượng không thể mờ đối với du khách.

Trong quá trình dẫn khách đi tham quan, các anh cũng không quên nhắn nhủ đến mọi người phương cách bảo vệ rùa và tài nguyên thiên nhiên biển để góp phần gìn giữ hệ sinh thái nơi đây.

Chuyện tình vượt sóng đại dương

Những người kiểm lâm đang làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió này đều đang ở độ tuổi trẻ, khỏe, năng động và tràn đầy nhựa sống. Vậy chuyện đôi lứa của họ như thế nào? Không ít chiến sỹ đã sớm tìm được một nửa yêu thương, thông cảm cho công việc tại đảo xa của họ.

Tuy vậy, với quy chế làm việc khắc nghiệt của các Trạm kiểm lâm, những chuyện tình của các chiến sĩ kiểm lâm trẻ tuổi vẫn được coi như “Ngưu Lang - Chức Nữ” khi họ chỉ được gặp nhau vài lần trong năm.


Trong số các chiến sĩ kiểm lâm Côn Đảo, Hoàng Sáng là người may mắn có được tình yêu đẹp với người bạn gái biết thấu hiểu, cảm thông cho công việc của mình

Trong số các chiến sĩ kiểm lâm Côn Đảo, Hoàng Sáng là người may mắn có được tình yêu đẹp với người bạn gái biết thấu hiểu, cảm thông cho công việc của mình

Chuyện tình của chàng kiểm lâm Ao Hoàng Sáng và bạn gái Nguyễn Thị Mỹ Phượng luôn được các đồng nghiệp nhắc đến như một mối tình đẹp vượt sóng đại dương. Một người làm việc ở đảo biệt lập, một người đang học Đại học ở Huế, nhưng cả hai luôn quan tâm và thông cảm cho công việc của nhau.

Những cuộc điện thoại hỏi thăm, chia sẻ chỉ dứt khi mất sóng, những cơ hội gặp mặt ngắn ngủi khi dịp nghỉ lễ của cả hai khớp nhau... Cứ thế, tình yêu của Sáng và Phượng đã được hơn 2 năm bền chặt.

Bên cạnh những người có gia đình, có bạn gái, cũng còn đó rất nhiều chiến sĩ kiểm lâm trẻ khác còn độc thân. Họ cho biết, sẽ cố gắng kiếm "mối tình vắt vai" và đưa vợ ra đảo lớn sinh sống như những đàn anh đi trước.

Sinh sống và làm việc trong điều kiện khó khăn, biệt lập, nhưngvới sức trẻ, tình yêu quê hương, đất nước, họ đang ngày đêm chung vai, chung sức cùng với nhân dân huyện đảo và cả nước giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng như gìn giữ môi trường sinh thái biển ngày càng trong xanh, tươi đẹp.

Tùng Lâm