Chuyện người trẻ và du ký

Xê dịch chỉ là đam mê, không nên xem nó như một thứ tôn giáo. Bạn không nên cho rằng, chuyện “phượt” của mình là thiêng liêng và nhân danh tình yêu “phượt” để hành động thiếu cân nhắc…

Đinh Hằng là nữ travel blogger thực hiện chuyến “Đi bụi” đến nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là chuyến hành trình dọc châu Mỹ.

 

TS Trần Lê Hoa Tranh (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) là người có nhiều bài phân tích và nghiên cứu về thể tài du ký, như: “Tầm quan trọng của “không gian” trong du ký của một số nhà văn nữ đương đại Việt Nam; “hiện tượng “đi” và “về” của các nhà văn đương đại Việt Nam” …

 

Cả hai đã có những góc nhìn về bức tranh xê dịch, cũng như thể tài du ký đang được các bạn trẻ Việt Nam đón nhận vài năm gần đây.

  

TS Hoa Tranh (phải) và Đinh Hằng (bên trái) đang chia sẻ về những chuyến du ký.
TS Hoa Tranh (phải) và Đinh Hằng (bên trái) đang chia sẻ về những chuyến du ký.

 

Nam, nữ và chuyện du ký

 

Thưa Đinh Hằng và TS Hoa Tranh, làm thế nào để phân biệt sách du ký với cẩm nang du lịch?

 

TS Hoa Tranh: Hiện nay, nhiều bạn trẻ đang nhầm lẫn giữa các từ: “Du lịch lữ hành”, “du ký”, “hành hương”, “du khảo”… Du ký là chuyện đi và có ghi chép lại, chia sẻ lại dưới nhiều dạng, như: Bài đăng báo, bài đăng blog, viết sách… Người thực hiện chuyến du ký có khả năng khám phá văn hóa, con người, tự  nhiên… ở các vùng đất.

 

Khi bạn có năng lực của một người đi và khám phá kết hợp với viết lách chia sẻ thì bạn hoàn toàn có thể trở thành một tác giả du ký. Du ký, ban đầu được hiểu là người đi viết lại 100% sự thật về hành trình khám phá. Sau này, nó không còn hoàn toàn là 100% sự thật. Nó có thể có cốt truyện và trở thành tiểu thuyết du ký, nếu có vần điệu thì trở thành thơ du ký.

 

Đinh Hằng: Đề tài du ký đúng nghĩa cần đảm bảo 100% sự thật. Nhưng nó khác cẩm nang du lịch ở chỗ, người viết gửi gắm tình cảm vào đó. Người đọc được tham gia chuyến trải nghiệm thật, cảm xúc thật cùng người viết.

 

Nếu như đọc tác phẩm của nhà văn, người ta có thể đặt câu hỏi: “Chi tiết có thật không?” thì ở du ký, sự thật làm nên một sách du ký hay, tác giả du ký thành công.

 

Người trẻ khi trải nghiệm và quyết định viết về chuyến đi của mình thường gặp trở ngại vì nơi mình đặt chân đến đã có nhiều người từng đề cập đến. Làm sao để viết hay và đưa những trải nghiệm cá nhân của chuyến đi thành du ký?

 

Đinh Hằng: Bạn có thể đọc nhiều bài viết về một địa điểm và thấy người ta viết, cảm nhận khác nhau, với câu chuyện khác nhau. Có bạn nói, đọc thấy người ta viết ở một địa điểm có nhiều hoa đẹp nhưng khi đến không thấy hoa, có cảm giác khó chịu như bị lừa đảo.

 

Sự thật trong du ký sẽ được nhìn nhận thông qua góc nhìn và tình cảm của người viết, ở một thời điểm nhất định. Mùa này hay mùa khác, khung cảnh đã khác. Không có gì đứng yên. Trước khi đi, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin và chuẩn bị tâm lý cho những sự đổi thay. Từ đó, bạn sẽ không thấy khó chịu mà thậm chí còn thú vị, ngạc nhiên với những sự thay đổi.

 

Hãy ghi chép lại bằng bút, bằng chiếc máy ảnh của bạn. Có những địa danh, những món ăn… có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, bạn không thể nhớ được. Khi trở về, chỉ cần lật những tấm ảnh, những cảm xúc sẽ sống lại dồi dào. Nó thôi thúc bạn ngồi vào bàn và viết về những góc nhìn mới, cảm xúc của chính bạn, không lẫn với ai.

 

Vì sao gần đây lại nở rộ trào lưu du ký và những cái tên tác giả nữ giới xuất hiện nhiều?

 

TS Hoa Tranh: Giai đoạn được xem là hoàng kim của du ký là khoảng thế kỷ XVI – XVI, kỷ nguyên khám phá. Đến thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phương tiện đi lại phát triển, du ký phát triển rầm rộ. Ở hai giai đoạn này, những cái tên tác giả du ký đa phần là nam giới.

 

Riêng trong đợt nở rộ tác phẩm du ký cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, các tác giả nữ nhiều hơn. Sự phát triển của Internet đã làm thay đổi tất cả. Người ta có thể cập nhật mạng xã hội “ngay và luôn”.

 

Bên cạnh đó, vai trò nữ giới đã thay đổi. Quan niệm “Tứ hải chi nội giai huynh đệ” trước đây chỉ nhắc đến cánh mày râu. Đến nay, phụ nữ đi và viết du ký nhiều hơn.

 

Có thể thấy, gần đây, bên cạnh những cây bút nam viết du ký, như: Trương Anh Ngọc, Hồ Anh Thái, Tiến Đạt, Nguyễn Văn Mỹ… còn có hàng loạt tác giả nữ, như: Di Li, Trang Hạ, Huyền Chip, Phan Việt, Dương Thụy, Ngô Thị Giáng Uyên… Thể tài này phát triển tốt, lành mạnh và tích cực.

 

Ở tác giả nữ, yếu tố tự truyện nổi trội. Họ thiên về phơi bày cảm xúc, khuynh hướng “tự ăn mình”. Các đề tài du ký nữ nhìn chung hướng đến bất bình đẳng, sốc văn hóa, hoài hương, nhân thân, bản thể…

 

Trong khi đó, người viết du ký nam tạo một khoảng cách giữa bản thân mình với sự việc viết ra. Họ có thể đề cập đến những vấn đề vĩ mô, khách quan hơn. Tất nhiên, mọi thứ chỉ có tính tương đối.

 

Đi an toàn và văn minh

 

Gần đây, nhiều thông tin tai nạn từ những chuyến đi của các bạn trẻ khiến xã hội lo âu. Điều đó có ảnh hưởng đến cảm hứng đi của giới trẻ?

 

Đinh Hằng: Chuyện hoang mang là hệ lụy của truyền thông, không ảnh hưởng nhiều đến đam mê khám phá của giới trẻ. Sau những bài viết trên blog, tôi nhận được nhiều “comment” hỏi về chuyện đi thế nào cho an toàn. Các bạn nói về nỗi sợ khi chưa lên đường. Tôi có viết bài “Sợ thì ở nhà!”.

 

Theo tôi, nếu đi là đam mê thì bạn cứ mạnh dạn. Nhưng bạn cũng nên hiểu, đi chỉ một mình bạn. Chắc chắn, bạn không muốn đối mặt nguy hiểm hay bỏ mạng lại một nơi mà không ai có thể biết bạn, đưa bạn về.

 

Trước chuyến đi, tôi tìm hiểu kỹ văn hóa, tình hình an ninh nơi mình đến. Chẳng hạn, đến vùng Trung Đông, bạn gái nên mang nhẫn cưới giả ở ngón áp út, hoặc cần một bạn đồng hành nam. Trước chuyến đi, tôi thường lên danh sách 4 trang những thứ phải chuẩn bị. Tuy vậy, những khó khăn, nguy hiểm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào mà bạn không lường hết được.

 

“Phượt văn minh” là cụm từ nóng hổi trên nhiều diễn đàn “phượt”. Diễn giả có thể chia sẻ trải nghiệm và suy nghĩ đằng sau cụm từ này?

 

Đinh Hằng: Tôi cho rằng, câu nói: “Không lấy đi gì ngoài những tấm ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” là cách hành xử văn minh của những người trẻ.

 

Xê dịch chỉ là đam mê, không nên xem nó như một thứ tôn giáo. Bạn không nên cho rằng, chuyện “phượt” của mình là thiêng liêng và nhân danh tình yêu “phượt” để hành động thiếu cân nhắc.

 

Tôi từng đến thung lũng của các vị vua Ai Cập, bước chân vào hầm mộ và thấy choáng ngợp. Nhưng cũng như nhiều người khách du lịch khác, tôi phải tôn trọng luật không chụp ảnh. Ánh sáng của đèn máy ảnh có thể ảnh hưởng đến di sản.

 

Sau này, tôi đã phẫn nộ trước tin tức về một cậu thiếu niên Trung Quốc vẽ bậy lên tường của di tích này. Những công trình đó không còn là của riêng Ai Cập. Nó là di sản cho cả nhân loại chúng ta.

 

Xin cảm ơn Đinh Hằng và TS Hoa Tranh!

 

Theo Xuân Huy

Sinh viên Việt Nam