Chuyện “hậu trường” của hotboy giữ trẻ

Toàn là đàn ông, “chuẩn men” 100%, lại làm “người giữ em”. Buổi đầu đến lớp bị các em nhỏ gọi nhầm là “cô giáo” lúng túng mãi không biết xử trí ra sao cuối cùng thầy cũng thắt bím tóc, chăm trò chẳng kém các cô.

Thầy giáo “ba trong một”

 

Đến cổng trường Mầm non Bé Ngoan, hỏi thầy giáo Nguyễn Hữu Toàn (25 tuổi, giáo viên lớp lá ở Trường Mầm non Bé Ngoan - đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.Hồ Chí Minh) một phụ huynh học sinh chỉ tay phía dãy nhà 3 tầng: “Thầy Toàn “ba trong một” à, thầy dạy trên lầu 1”.

 

Thấy khách tròn mắt ngạc nhiên, chị phụ huynh giải thích: “Ba trong một vì thầy Toàn vừa là giáo viên, vừa làm bảo mẫu, vừa là người anh công bình thân thiết của nhiều trẻ. Thầy có rất nhiều tài lẻ chăm sóc các cháu. Con tui cũng học thầy Toàn, thầy là người duy nhất dạy trẻ ở quận một này đấy”. Đồng nghiệp cũng gọi Toàn là “Thầy giáo ba trong một”, các em học sinh gọi là “Ba Toàn”.

 

Một ngày làm việc của thầy giáo đặc biệt Nguyễn Hữu Toàn bắt đầu từ 6 giờ sáng. Sau đoạn đường từ nhà riêng ở quận Phú Nhuận đến trường, là công việc đón trẻ vào lớp, kiểm tra vệ sinh. Bao giờ cũng thế, trước giờ tập thể dục sáng, thầy hướng dẫn cho các em xếp đặt giày dép, ba lô quần áo đúng vị trí qui định.

 

Thầy giáo trẻ ân cần: “Đến giờ thể dục rồi, các con ra xếp hàng nha”. Khi các em xếp hàng ngay ngắn, thầy Toàn không quên nói lời “thầy chào các con”. Ngay lập tức hơn 30 đứa trẻ khoanh tay trước ngực đồng thanh hô “chúng con chào thầy ạ”.

 

“Hôm nay con nào cũng ngoan, khỏe mạnh và sạch sẽ. Thầy chúc các con có một ngày học tập thật tốt, ai cũng ngoan ngoãn nha”. Sau lời động viên khích lệ ấy, thầy Toàn bắt đầu của hướng dẫn viên với những động tác mẫu mềm dẻo, linh hoạt để các bé làm theo trong tiếng nhạc rộn ràng “em yêu trường em, có bao bạn thân, và cô giáo hiền, em yêu quê hương, cắp sách tới trường trong muôn vàn yêu thương”.

 
Chuyện “hậu trường” của hotboy giữ trẻ
 

Sau giờ thể dục, đến giờ tập tô. Mỗi khi có bé nào đó gọi “thầy ơi giúp con tô con ốc, thầy ơi chì con không ra màu, thầy ơi con chưa có vở”, Toàn đến tận nơi hướng dẫn các em. Sang giờ ăn, thầy giáo nhẫn nại tay bưng tô tô, tay cầm thìa, miệng nựng các bé “con ăn nào, hôm nay con ngoan lắm”. Mỗi lần bé ăn hết miếng cơm, thầy lại khen “ồ, con gái hôm nay ngoan quá”. Quay sang đứa trẻ khác, Toàn khéo léo hơn “hôm nay con phải ăn giỏi hơn các bạn nha”.

 

Kết thúc giờ ăn là thời gian các bé ngủ trưa. Toàn lại tranh thủ đi lau nhà, sắp lại giá giày dép bị xô lệch hoặc xem vở tập tô của các em. Hai tiếng ngủ trưa đối với các em học sinh ngắn ngủi, nhưng đối với Toàn đủ để làm nhiều việc giúp bọn trẻ.

 

Khó có thể hình dung một thanh niên vốn “thô ráp” lại làm những công việc của một bảo mẫu cẩn thận đến từng li từng tí, đó là chải đầu, búi tóc cho các bé gái, mặc đồ cho các bé trai. Chải tóc thế nào cho các bé gái không đau, không sợ và không “gây xúc cảm tâm lý của mình” là một điều không phải ai cũng làm được.

 

Toàn chia sẻ: “Ngày đầu dạy trẻ, tôi vô cùng bỡ ngỡ, không biết bắt đầu từ đâu, làm việc gì đầu tiên, khi giữa lý thuyết học ở trường và thực tiễn có sự khác biệt. Trở ngại lớn nhất của tôi những ngày đâu là áp lực của những công việc vốn chỉ hợp với cô giáo.

 

Ban đầu vào nghề, tôi không thể cột tóc cho trẻ gái, phụ huynh cảm thấy lo lắng, còn bây giờ thì tôi có thể thắt bím tóc cho các cháu đẹp chẳng kém gì các cô, bất cứ việc gì các cô làm được là tôi làm được”.

 

Hướng dẫn các em tập tô màu.
Hướng dẫn các em tập tô màu.

 

Người đàn ông “giữ em”

 

Với Toàn, việc chọn nghề “gõ đầu trẻ” không phải do không có năng lực làm được nhiều nghề khác, mà vì nuôi dưỡng ước mơ đến Trường Sa dạy học. 15 năm trước, khi bằng tuổi các bé bây giờ, Toàn nghe cô giáo đọc bài thơ “Chú bộ đội Hải quân, đứng canh ngày canh đêm, ngoài xa vời hải đảo, dưới trời xanh trứng sáo”. Bài thơ đã thắp sáng trong Toàn ước mơ làm thầy giáo.

 

Nói về đồng lương của giáo viên mầm non, Toàn chia sẻ: “Trong khi bạn bè mình làm những nghề hái ra tiền như tài chính, ngân hàng, thì tôi lại thích nghề dạy trẻ. Với tôi nghề nào cũng quí. Nghề dạy mẫu giáo luôn đem lại cho tôi niềm vui. Ở đấy không có sự bon chen ích kỷ, chỉ có tình thương yêu và trách nhiệm với các bé, đó chính là điểm tựa vững chắc để tôi yên tâm với nghề.

 

Người xưa có câu “phong lưu là đứa đi học, khó nhọc là đứa giữ em”, tôi là “người giữ em” trong đại gia đình ấy. Càng gắn bó với các bé, tôi càng hiểu ra một chân lý, vui nhất là được làm những việc mình thích, hạnh phúc nhất là được chia sẻ với người mình thương yêu. Nghề dạy trẻ là niềm vui của tôi, các bé là những người tôi yêu thương nhất”.

 

Hơn 4 năm gắn bó với Trường mẫu giáo là ngần ấy thời gian Toàn “ba cùng” với các bé. Hết đút cơm cho các “con”, dắt các “con” lên cầu thang, cầm tay bao nhiêu các “con” tập tô màu trên vở, và một kỷ niệm không bao giờ quên là ngày đầu tiên khi các em nhỏ gọi thầy là “cô giáo.

 

“Lúc đó tôi lúng túng không biết làm thế nào, vừa ngượng, vừa thấy tủi thân. Cũng có người nhìn thầy giáo mầm non e ngại. Lúc đó buồn lắm, tôi muốn bỏ nghề, nhưng nhìn các em nhỏ tim tôi lại nhân lên niềm vui.

 

Có hôm đi dạy về, nhớ các bé quá tôi lấy xe phóng đi đến nhà các bé, đêm ấy về ngủ ngon hơn. Còn bây giờ tôi yên tâm rồi. Ngôi trường luôn là điểm tựa, các bé là niềm vui để tôi yên tâm với nghề”.

 

Chiều cuối tuần, trong khi đám bạn cùng tuổi đang hẹn hò cho những buổi du lịch, gặp gỡ, trong căn nhà nhỏ ở quận Nhú nhuận, Toàn cần mẫn chấm điểm tập vở tô màu của học trò. Anh mong hai ngày nghỉ qua mau để sáng thứ hai bước vào một ngày dạy học mới và gặp lại đàn “con” thơ.

 

Theo Mai Thắng

Pháp luật Việt Nam