Chuyên gia tâm lý: Trẻ sử dụng Youtube sớm do bố mẹ không có thời gian cho con
(Dân trí) - “Nguyên nhân con trẻ tiếp xúc với Youtube sớm quá là vì chúng ta quá bận, chúng ta không có thời gian cho con. Cách thức dễ dàng nhất để con không đeo bám mình làm việc là vứt cho con một cái điện thoại hoặc một cái iPad”, Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam nói tại hội thảo “Youtube an toàn cho trẻ”.
Youtube là trang web chia sẻ video, cho phép người dùng đăng, tải, theo dõi các video trong cùng cộng đồng. Tuy nhiên, với sự phổ biến rộng rãi cũng như sức lan tỏa của mình, Youtube cũng đang dần trở nên thiếu an toàn, đặc biệt là với trẻ em.
Nhằm truyền tải thông điệp tới các bậc phụ huynh về sự đe dọa của Youtube tới con em họ và tầm quan trọng của việc kiểm soát nội dung của các video trên Youtube, chung tay xây dựng một môi trường Youtube an toàn, lành mạnh cho trẻ em, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã mời các chuyên gia tới chia sẻ trong buổi talkshow “Youtube an toàn cho trẻ”: chuyên gia Đỗ Vân Nguyệt (Tổ chức Live & Learn), nhà báo Hoàng Thị Thu Hường (Phó Giám đốc tổ chức ISEE) và Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Quốc Gia Hà Nội).
Thói quen sử dụng Youtube của trẻ do bố mẹ không có thời gian dành cho con
Trong bối ảnh thời đại số, Cách mạng 4.0 như hiện nay các chuyên gia cho rằng con trẻ có rất nhiều cách để tiếp cận với Internet nói chung, đặc biệt là Youtube.
Nhà báo Hoàng Hường cho rằng ngay từ khi 2-3 tuổi chị đã cho con sử dụng máy tính. Khi con bắt đầu học nói chị cho con học đánh máy và coi đó như trò chơi. Tuy nhiên, chị yêu cầu con dùng máy tính nhưng phải dùng 10 ngón, nếu làm đúng yêu cầu thì sẽ được chơi.
“Tôi rất thoải mái cho con tiếp cận, từ chơi trò chơi, Internet đến xem phim cũng từ rất sớm. Con tôi chưa bao giờ đến lớp học tiếng Anh nào mà cách dạy tiếng Anh của tôi là tất cả chương trình con quan tâm đều phải sử dụng tiếng Anh, từ trò chơi đến người hướng dẫn đều phải bằng tiếng Anh, nên khả năng nghe hiểu tiếng Anh của con tốt.
Trên Youtube, ngày nào con cũng phải nghe, phải hiểu. Cách dạy thoáng trong vấn đề để cho các con tìm hiểu, tiếp cận Internet, chúng tôi chọn cách trò chuyện cởi mở, thẳng thắn không tạo ra vùng cấm nhất định nào. Tôi chỉ định hướng ở lứa tuổi của con thì cái gì là quan trọng”, Nhà báo Hoàng Hường chia sẻ.
Trái ngược với quan điểm của nhà báo Hường, Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam cho rằng: “Tất cả các lý do mà bố mẹ nói rằng tiếp cận tiếng Anh đó chỉ là lời xin lỗi, còn nguyên nhân con trẻ tiếp xúc với Youtube sớm quá là vì chúng ta quá bận, chúng ta không có thời gian cho con.
Đến khi 3-4 tuổi bắt đầu các em bị hấp dẫn bởi các yếu tố bên ngoài như âm thanh, tiếng động, màu sắc. Và cách thức dễ dàng nhất để con không đeo bám mình làm việc là vứt cho nó một cái điện thoại hoặc một cái iPad.
Khi con đã vào điện thoại và iPad thì con phải chơi, phải khám phá cái này cái khác nhưng có một nội dung cực kỳ phong phú, cập nhật dài kỳ đó là Youtube”.
Theo TS Nam, thói quen sử dụng Youtube của con em xuất phát từ sự gợi ý của bố mẹ và gián tiếp từ chính Youtube. Bố mẹ gợi ra clip và nghĩ rằng phù hợp với con nhưng cứ xem hết một clip, tự động Youtube sẽ có một số video clip gợi ý và “next”.
Trong quá trình xem cũng có một số quảng cáo chèn vào đó, nhiều trường hợp hết nhóm nội dung này lại nhảy sang một nội dung hoàn toàn khác mà phụ huynh không thể kiểm soát được.
Trước quan điểm Youtube được coi như một “phần thưởng”, nhà báo Hoàng Hường bày tỏ quan điểm: “Trong thời đại công nghệ phải chấp nhận thực tế rằng chúng ta không thể sống xa công nghệ, máy tính,.. đó là giải trí, thông tin và rất nhiều thứ.
Với bố mẹ cũng như vậy, con cũng vậy, chúng ta không thể đưa ra một luật cho riêng mình và con một luật mới. Chúng ta không thể máy móc cho rằng Youtube là phần thưởng, hình phạt hay gì cả, đơn giản đó chỉ là một nhu cầu.
Trong một ngày con có nhu cầu thời gian nói chuyện với bố mẹ, từng này thời gian chơi với chó và thời gian cho Youtube. Con cần có thời gian riêng và được sử dụng thời gian riêng theo cách mà con muốn”.
Đồng tình Internet hiện nay quan trọng, không thể thiếu nhưng TS Nam cho rằng phụ huynh phải biết cái gì là tốt cho con. Người lớn có thể tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình nhưng con cái phải dựa trên bằng chứng khoa học.
Tiến sĩ dẫn chứng từ các nhà thần kinh học: Trước 2 tuổi, thời gian tiếp xúc với màn hình là không được tiếp xúc. 2-16 tuổi nó những khung giờ tối đa cho các em để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho các em. Vì sự phát triển của các em không chỉ là sự phát triển của não mà còn thị giác, thính giác và phải phát triển toàn phần.
Chuyên gia Đỗ Vân Nguyệt bày tỏ, chị cũng là một người rất hay phàn nàn về việc người lớn đưa cho trẻ em xem Youtube mà không hề quan sát. Dễ nhìn thấy phản ứng cáu giận không nghe, lờ đi của trẻ ở rất nhiều gia đình và ở bất cứ đâu. Không những vậy hành động này còn ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ:
“Trên chuyến tàu tôi được chứng kiến có ông bà đưa cháu từ Nam Định ra Hà Nội khám mắt và bạn nhỏ chỉ khoảng 4-5 tuổi. Bố mẹ đi làm xa để iPad ở nhà gọi điện cho ông bà nhưng cuối cùng bạn nhỏ sờ được.
Khi ra viện khám thì mắt đã cận đến 7 độ. Đến lúc ngồi trên tàu vẫn thấy bạn ấy ôm khư khư một chỗ khóc đòi máy. Vì vậy việc sử dụng này còn liên quan đến tâm lý, sức khỏe, sự phát triển thông minh của trẻ.
Tôi vẫn hay nhắc trẻ ở độ tuổi nào nên xem 5 phút, hay mỗi lần 15, 20 phút khác nhau. Cái này thì thực sự các bậc phụ huynh, người xung quanh phải có nguyên tắc đối với việc sử dụng này”.
Chuyên gia cũng dẫn chứng theo báo cáo của UNICEF, việc sử dụng các kênh Internet quá nhiều sẽ tạo ra “văn hóa bedroom”, làm cho trẻ thu mình lại, chỉ thích sống với hình ảnh, ở trong không gian đó khiến chúng khép kín hơn chứ không mở ra, kết bạn hay có những nhóm chơi ở trên mạng.
“Lợi ích của Internet không thể phủ nhận tuy nhiên nếu cùng xem các kênh nào đang được trẻ xem nhiều thì bản thân tôi thấy nó cũng chỉ thu hút một lứa tuổi nào đấy.
Còn lại sẽ xem những thứ khác mà phụ huynh không thể biết được nên chúng ta phải thực sự đồng hành, cùng xem, trò chuyện cùng các con. Trong một khu rừng nhiều màu sắc, các cháu không thể biết đâu là đẹp, xấu nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt chú ý”, chuyên gia Vân Nguyệt nói.
Giải pháp sử dụng Youtube lành mạnh cho trẻ em
Nhà báo Hoàng Hường cho rằng, trong thời đại 4.0, không phải con cứ ở trước mặt là an toàn. Chị cho rằng: “Chúng ta đang sống trong thế “thập diện mai phục”, rất nhiều nguy cơ và vấn đề. Không thể tránh được những nguy cơ đó, cũng như chúng ta sợ tai nạn giao thông nhưng không phải vì thế mà không tham gia giao thông. Cách của tôi là tôi không đặt con trong lồng kính, không muốn con lớn lên một cách thuần túy.
Tôi không mong thế giới có thể dành cho con tôi một sự an toàn tuyệt đối. Tôi rất sợ những đứa trẻ quá trong sáng, bao bọc vì ra ngoài rất dễ bị tổn thương. Tôi dặn con rằng người ta có thể đối xử với con theo cách con không mong muốn con cũng phải chấp nhận vì đó là ngoại cảnh. Không bao giờ thay đổi được ngoại cảnh, cái thay đổi được là cái mình tiếp nhận ngoại cảnh đó.
Bố mẹ như một món ăn truyền thống, trong khi Youtube là buffet, con được lựa chọn những gì con thích. Bố mẹ dù cố gắng cũng chỉ hướng dẫn con trong một phạm vi nào đó còn Youtube giúp con thỏa sức tìm tòi học hỏi thì làm sao bố mẹ có thể hấp dẫn hơn Youtube được. Đây là quan điểm thực tế.
Tôi không trông chờ việc mình có thể giỏi công nghệ hơn con nên mình không thể kiểm soát hay cấm đoán. Nếu làm vậy sẽ chỉ dựng lên một hàng rào ngăn cách, tôi chấp nhận ở mặt nào đó tôi thua nó, kém nó và tôi phải học nó”.
Theo Nhà báo Hường, việc xem phim cùng con là một biện pháp giúp chị hiểu được suy nghĩ của con, qua thảo luận đó sẽ biết được trong cuộc sống của con đang diễn ra cái gì, suy nghĩ trải nghiệm của con. “Chúng tôi xem cùng con và thảo luận vì những điều đó trong cuộc sống hoàn toàn có thể xảy ra. Việc cho các con tham gia hoạt động thực tế theo sở thích của con cũng giúp kéo con thoát ra được những cám dỗ của Youtube, Internet”, chị nói.
Về phía TS Nam, anh cho rằng không thể phủ nhận lợi ích của Youtube, nó không chỉ là kênh giải trí mà còn là kênh để các em thu thập kiến thức và là kênh để các em tương tác, mở rộng mối quan hệ.
“Những người xây dựng kênh Youtube đều có mục đích của họ nên bao giờ họ cũng nghiên cứu đặc điểm lứa tuổi của trẻ cực kỳ sát, đến tuổi nào bị hấp dẫn bởi cái gì. Với mức độ phát triển của não bộ trẻ thì các bé chỉ cần thấy như thế là thích rồi. Những clip đó họ tìm rất nhiều cách để thu hút mà bố mẹ không thể đấu lại được. Con đã dính vào cũng sẽ dễ gây nghiện, quan trọng là bố mẹ phải làm gì.
Bố mẹ phải kịp thời nhận ra như thế nào là con mình có dấu hiệu nghiện kênh, ví dụ như cáu kỉnh, không làm được việc gì, chửi bới. Thứ hai là là phải dạy đứa trẻ biết đưa ra yêu cầu giúp đỡ khi con gặp một tình huống khó xử trên mạng mà nó cảm thấy không an toàn. Thứ ba là bố mẹ trang bị kiến thức, đặt ra những bộ lọc để giúp con chỉ xem những video lành mạnh.
Đối với trẻ nên có một hình thức giáo dục chính thống, đưa việc giáo dục an toàn mạng vào trong nhà trường. Về mặt nghiên cứu của chuyên gia thì cần phải nghiên cứu mang tính chất khoa học, cung cấp bằng chứng, phối hợp với cơ quan chức năng đưa ra những chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn”, TS Nam đưa ra giải pháp.
Kim Bảo Ngân