Chuyện chưa kể về nam sinh thiết kế "áo mới" độc đáo cho sách giáo khoa

Mai Hương

(Dân trí) - 6 môn học với 6 chiếc "áo mới". Mỗi thiết kế, Nam Bảo đều dành rất nhiều công sức và tâm tư để hướng tới hiệu quả tối ưu, vừa phải mới lạ vừa phải đẹp và hút mắt.

Trần Lâm Nam Bảo (sinh năm 2004) hiện là học sinh lớp 12 tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM). Những ngày vừa qua, cậu đã gây sốt cộng đồng mạng với bản thiết kế "khoác áo mới" cho sách giáo khoa thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác.

Chuyện chưa kể về nam sinh thiết kế áo mới độc đáo cho sách giáo khoa - 1

Trần Lâm Nam Bảo (sinh năm 2004, tại TPHCM) là tác giả của dự án "khoác áo mới" cho sách giáo khoa.

Áo mới, góc nhìn mới

Là một học sinh luôn tìm kiếm những cái mới giúp cho việc học của các bạn học sinh cùng thế hệ được hiệu quả và hứng thú hơn, Nam Bảo đã nảy ra ý tưởng cho dự án này. Dự án là tập hợp của 6 bản thiết kế lại của 6 bộ môn khác nhau gồm Vật lí, Ngữ văn, Lịch sử, Hóa học, Địa lý và Sinh học mà vẫn giữ nguyên nội dung trong sách.

Bảo đã ấp ủ ý tưởng này từ cuối năm trước, cho đến Tết năm nay cậu nhận thấy đây là thời điểm tốt nhất để bắt tay thực hiện dự án. Nam sinh lớp 12 mong muốn mang đến cho các bạn học sinh một góc nhìn mới lạ về sách giáo khoa, cũng như nâng cao nhận thức về sự ảnh hưởng của thẩm mỹ đối với hiệu quả học tập.

"Như ấn tượng đầu tiên giữa con người với nhau, để thích và có hứng thú khám phá một cuốn sách, thứ đầu tiên người ta xét đến là thẩm mỹ là vẻ ngoài, còn nếu để gắn bó với cuốn sách đó lâu dài thì thứ quan trọng nhất chính là nội dung và hơn hết là cách truyền tải nội dung. Bản thân những kiến thức trên trường lớp không chán, chỉ là cách thể hiện chưa phù hợp với đa số học sinh", Bảo chia sẻ.

6 môn học với 6 chiếc áo mới, mỗi chiếc áo Nam Bảo đều dành rất nhiều công sức và tâm tư để hướng tới hiệu quả tối ưu, vừa phải mới lạ vừa phải đẹp và hút mắt người nhìn.

"Ở sách Ngữ văn, mình vẫn giữ nét hoài cổ và lãng mạn như những gì mọi người thường hình dung về bộ môn này với hình ảnh bìa là người lái đò sông Đà. Những bài thơ, bài văn không còn được thể hiện chỉ qua những con chữ, mà bên cạnh đó còn là những hình vẽ minh họa giúp học sinh có góc nhìn khái quát về mỗi tác phẩm.

Chuyện chưa kể về nam sinh thiết kế áo mới độc đáo cho sách giáo khoa - 2
Bản thiết kế sách giáo khoa Ngữ văn và sách giáo khoa Lịch Sử của Nam Bảo.

Với sách Sinh học, bộ môn có nhiều công thức lạ lẫm khi lên cấp 3 nên mình mong muốn thể hiện bộ môn này theo cách gần gũi, thân thiện và đáng yêu nhất có thể, dễ tiếp cận hơn. Còn sách Vật lí, bìa mình chọn hình ảnh lăng kính và hiện tượng tán sắc ánh sáng. Ở đây, mình hy sinh tính đồng bộ để mang lại sự đa dạng về cá tính cho mỗi bộ môn, như đi ngược với nét xưa cũ của những cuốn khác, Vật lí lại mang một màu sắc hiện đại hơn.

Chuyện chưa kể về nam sinh thiết kế áo mới độc đáo cho sách giáo khoa - 3
Thiết kế sách giáo khoa Sinh học và Vật lí.

Sách Địa lý nổi bật ở trang bìa là "Nóc nhà Đông Dương" Fansipan với phong cách hiện đại, hợp thời, những số liệu và biểu đồ quan trọng cũng được nhấn mạnh bằng màu sắc nổi bật. Môn Hóa học đòi hỏi lượng kiến thức khổng lồ nên mình hướng tới sự tối giản hóa thông tin và sơ đồ tư duy chính là phương pháp mình nghĩ sẽ mang lại hiệu quả cao nhất để học bộ môn này.

Chuyện chưa kể về nam sinh thiết kế áo mới độc đáo cho sách giáo khoa - 4
Thiết kế sách giáo khoa Địa lý và Hóa học.

Lịch sử là bộ môn mình thiết kế cuối cùng, nếu như những cuốn khác được thể hiện theo phong cách nước ngoài thì sách Lịch sử mình thiết kế mang đậm chất Việt Nam với mục đích thể hiện sử ta bằng cách kể chuyện qua hình ảnh, nhấn mạnh bài học từ cha ông ngày xưa", Bảo chia sẻ.

Mạnh dạn thay đổi cái cũ, không ngại khen chê

Chỉ sau vài ngày đăng tải, bài đăng của Nam Bảo đã nhận được hàng chục nghìn lượt tương tác với rất nhiều bình luận cả khen cả chê. Cho đến thời điểm hiện tại cậu cũng nhận ra bản thân cần làm quen với điều đó khi là một người sáng tạo cái mới.

"Mình thực hiện dự án để hướng tới đa số thế hệ các bạn học sinh nên mình biết đứa con tinh thần của mình sẽ được nhiều sự đón nhận, nhưng thành thật mà nói thì mình không nghĩ rằng nó sẽ phủ sóng và tạo ra sự ảnh hưởng lớn như vậy.

Khi bài mới đăng được 10 phút thì có rất nhiều phản hồi tích cực làm mình rất vui, nhưng dần dần thì những bình luận tiêu cực, thậm chí là mang tính đả kích bắt đầu nhiều hơn, tâm trạng mình cũng hơi trùng xuống vì đây là lần đầu tiên mình nhận nhiều sự tiêu cực như vậy. Tuy nhiên, nhìn lại hành trình trưởng thành của bản thân cũng như những lời động viên và khen ngợi của mọi người, mình nhận ra bao giờ một sản phẩm được nhiều người biết đến cũng sẽ có những luồng ý kiến trái chiều và người sáng tạo như mình nên tập cách làm quen với nó", Bảo chia sẻ.

Chuyện chưa kể về nam sinh thiết kế áo mới độc đáo cho sách giáo khoa - 5
Bài đăng của Nam Bảo trong nhóm Facebook "Đại học đừng học đại" đã thu hút lượt tương tác khủng (Ảnh: Chụp màn hình).

Ban đầu, khi ấp ủ và bắt tay vào thực hiện ý tưởng, Bảo biết rằng phần nào đó mình sẽ gặp khó khăn hoặc ý kiến trái chiều vì thay đổi một thứ đã quá quen thuộc. Bên cạnh đó, nam sinh lớp 12 cũng tự nhận thức được rằng bản thiết kế của mình vẫn còn nhiều thiếu sót nên Bảo không ngần ngại nhận những góp ý chân thành.

"Trong quá trình làm dự án mình cũng nhận thức được mình chưa tới trình độ để cân bằng hoàn hảo 2 thứ: thẩm mỹ và tính ứng dụng. Vì vậy, mình biết sẽ có những ý kiến không tích cực nhưng tính cách mình chưa bao giờ sợ thất bại hay những lời dèm pha. Mình biết dự án của mình có khuyết điểm về chi phí, tính ứng dụng tuy nhiên mình không đặt nặng về chuyện nó có được hiện thực hóa hay không, mình chỉ muốn cho mọi người một cái nhìn mới về sách giáo khoa, về một thứ đã cũ.

Thực hiện dự án trong hơn 1 tuần nghỉ Tết với những ngày ngồi ở bàn làm việc từ sáng đến khuya để hoàn thành mục tiêu - mỗi ngày một bộ môn khiến thời gian đó mình khá mệt mỏi nên "trái ngọt" hiện tại mình thấy rất xứng đáng

Đối với bình luận tiêu cực, đây là thứ chắc chắn không ai mong muốn nhận được khi giới thiệu đứa con tinh thần của mình. Tất nhiên, mình cũng không thể chỉ nhận những lời khen vì mình biết bản thân mình còn nhiều thiếu sót vì vậy mình cũng luôn sẵn sàng đón nhận những góp ý mang tính xây dựng", Bảo chia sẻ.

Với Nam Bảo, chỉ mới thử sức với lĩnh vực thiết kế 3 năm nên cậu cần nhiều thời gian hơn để hình thành phong cách thiết kế, khám phá bản thân và trong tương lai cậu vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi con đường thiết kế đồ họa.

Chuyện chưa kể về nam sinh thiết kế áo mới độc đáo cho sách giáo khoa - 6
Trong tương lai, Nam Bảo sẽ tiếp tục đi theo con đường thiết kế đồ họa.

Ảnh: NVCC