Chưa bao giờ hôn bố mẹ - giờ chẳng thể...
(Dân trí) - "Khi đến phòng bệnh, giường bố vẫn nằm chỉ còn một màu trắng toát, đôi dép giữa nền, chai nước và khăn mặt nằm lặng im. Điều hối hận nhất cho đến bây giờ là tôi đã không ôm bố, hôn bố khi ông còn sống"...
Chia sẻ của cô giáo trẻ Nguyễn Thu Thủy, Trường THCS Lương Thế Vinh, Nha Trang, Khánh Hòa tại buổi trà đàm ra mắt cuốn sách "Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?" của nhà văn Võ Thu Hương tại TPHCM làm nhiều người nghẹn lòng, thổn thức và cũng phải giật mình thoảng thốt. Buổi trà đàm với nội dung này cũng diễn ra cùng lúc tại Hà Nội nhân mùa Vu Lan báo hiếu.
Chị Thủy kể, những ngày cuối đời của bố là ở bệnh viện. Hàng ngày chị mang cơm vào, ngồi ăn cơm cùng bố lại tất bật về lo việc nhà cửa, đi dạy thêm. Chị vẫn cứ mình mình cần cố gắng, mình quán xuyến được mọi việc và... nghĩ bố vẫn còn đó. 2 giờ sáng ngày hôm đó, bố rơi vào hôn mê, lúc đó chị không ở cạnh, cho đến gần sáng thì chị nghe tin bố mất.
Chị chết điếng, chạy nhanh vào bệnh viện. Khi đến nơi, chiếc giường bố nằm vẫn nằm chỉ còn một màu trắng toát, đôi dép giữa nền, chai nước và khăn mặt nằm lặng im đến lạnh người. Bố đâu rồi? Chị gục xuống đau đớn vẫn không thể nhìn thẳng vào sự thật mình mất bố thật rồi.
"Điều duy nhất tôi hối hận là đã không ôm bố và hôn bố. Giờ bố là thinh không, tôi ôm thế nào được? Giờ tôi có gọi bố đến cạn lời thì bố cũng không thể hiện diện trước mặt tôi, để tôi ôm tấm lưng gầy của ông được nữa", cô giáo trẻ trút lòng.
Sau mất mát không bao giờ bù đắp được đó, chị tự hỏi: "Tại sao không không mấy ai trong chúng ta ôm hôn, bày tỏ tình cảm với bố mẹ. Hay chỉ khi còn thơ dại mới thể hiện trọn vẹn thương yêu cha mẹ. Còn khi trưởng thành, người ta tất bật mưu sinh, yêu địa vị, yêu công việc, yêu các mối quan hệ, yêu bản thân mà vô tâm? Sao lại để cái ôm hôn mẹ cha, lại trở nên ngại ngùng?"
Tác giả Võ Thu Hương bộc bạch, chị cũng là người sớm mất mẹ và nhận ra, nỗi đau lớn nhất của đời người có lẽ là phải nói lời chia tay với cha mẹ. Dù biết rằng, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng phải đến lúc phải chia xa, mối nhân duyên của cha mẹ và con cái cũng vậy. Chị đã gặp biết bao nhiêu người chưa kịp hôn bố mẹ, giờ chẳng thể...
Khi mẹ mất, chị đã từng đặt câu hỏi "Tuổi nào mất mẹ thì đau?". Và chị nhìn thấy, một cô bé mất mẹ khi tuổi mới lên 3, dù cho họ hàng có sẻ chia với em nhiều bao nhiêu cũng không thể khỏa lấp được khoảng trống quá lớn trong lòng. Đến độ giờ em tâm sự, chỉ mong mình sống đến 50 tuổi để kịp ở bên con gái lúc con lấy chồng, sinh nở. Trải qua những thời khắc thiêng liêng nhất của đời người phụ nữ, lần nào em cũng khóc cạn nước mắt. Đơn giản vì em đâu còn mẹ!
Rồi có bà cụ tuổi ngoài 70 mới phải nói lời chia tay với mẹ nhưng vẫn bị sốc đến nỗi phải nằm viện. Ở bên mẹ đến chừng ấy năm, dường như người ta càng khó để nói lời chia tay. Chị tìm được câu trả lời: Tuổi nào, mất mẹ cũng đau như nhau cả.
Với nhà văn Võ Thu Hương, tình yêu là một hành trình dài vô tận. Cha mẹ yêu thương ta, con người sống trong tình yêu thương rồi sẽ biết yêu thương người khác. Cứ thế nối dài vô tận từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đâu chỉ có người lớn dạy con trẻ biết yêu thương, đôi khi người lớn cũng được những bài học thương yêu ngọt ngào từ lũ nhóc và cũng mong chờ tình yêu thương của lũ nhóc.
Tại buổi tọa đàm, nhiều người cũng giãi bày băn khoăn, làm sao để thể hiện tình yêu với cha mẹ, làm sao để bớt khoảng cách thế hệ, làm sao để thấu hiểu tâm lý người lớn tuổi... Một số bạn trẻ đặt câu hỏi, con cái yêu thương, hiếu thảo với bố mẹ nhưng yêu cầu của cuộc sống, tình yêu thương liệu chăng cần phải có tiền bạc, có sự thành công...
Có ý kiến thẳng thắn đặt ra phải chăng mình học giỏi, kiếm được nhiều tiền, mình thành công trong sự nghiệp cũng là một cách yêu thương, cũng là một cách báo hiếu.
Đại đức Thích Hạnh Tuệ cho rằng mong muốn có đời sống đầy đủ, thành công trong sự nghiệp, cuộc sống... là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Đó cũng là động lực để mọi người luôn cố gắng để khẳng định mình.
Nhưng với tình yêu thương dành cho bố mẹ thì không nhất thiết phải có tiền, thành công mới bộc bạch được. Mỗi người ai cũng có thể thể hiện tình cảm yêu thương với cha mẹ bằng sự quan tâm, chân thành với một chút tâm lý và "công phu" dành cho người lớn tuổi.
Yêu thương không thể chờ đợi, nói như cô giáo Nguyễn Thu Thủy, cha mẹ không sống trọn đời cùng chúng ta, không sống đủ dài để chờ chúng ta hối hận.
Mùa Vu Lan đang về, đừng ai chần chừ nắm chặt tay cha mẹ, ôm chặt lấy bố mẹ, cũng đừng ngại ngần nói lời yêu thương với bố mẹ, tiếp thêm sức sống cho họ và thấy mình là người hạnh phúc khi còn bố còn mẹ.
Hoài Nam