“Chiêu đào mỏ” của nữ sinh

Không hẳn là bố mẹ họ giàu, mà vì chiếc ví của họ luôn được “lấp đầy” bởi người yêu giàu có.

“Chiêu đào mỏ” của nữ sinh - 1

Chỉ để có tiền thỏa mãn nhu cầu mua sắm, chưng diện, nhiều nữ sinh viên sẵn sàng đánh đổi tất cả... (Hình ảnh chỉ có tính minh họa)
 

Trong khi nhiều bạn bè vất vả cày cuốc với những công việc làm thêm để có thể trang trải chi phí sinh hoạt, học hành thì lại có những sinh viên thoải mái tiêu xài mà không phải động chân tay...

 

Tự hào khi được gắn mác “thợ mỏ”

 

“Đào mỏ” là từ ngữ không mấy hay ho dành cho những cô nàng, anh chàng chuyên “đục khoét” túi tiền của nửa kia. Thế nhưng, hiện nay có không ít sinh viên (SV) lại tự hào khi được bạn bè gắn cho nickname “thợ mỏ”. Và họ sẵn sàng “chia sẻ kinh nghiệm” với bạn bè về những chiêu “đào” sao cho hay, cho ấn tượng mà đối phương vẫn vui vẻ cung phụng.

 

Ôm chiếc laptop mới cứng đặt lên bàn, T. An (SV năm 3, trường ĐH XH..) hớn hở khoe: “Nhóm mình bữa nay khỏi phải lo mượn máy thuyết trình nữa nhé”. Nhóm bạn nhao nhao đòi khao vì tưởng An mới mua laptop, nhưng hóa ra đó là máy của bạn trai An, cô nàng bảo là “mượn”. Nhưng mọi người ai cũng lạ vì chiếc laptop có in logo của một tờ báo tên tuổi luôn “đồng hành” cùng An mọi lúc mọi nơi suốt cả năm học. Và cuối cùng thì bạn bè mới vỡ lẽ ra cái chiêu “mượn” của An cũng như việc cố tình “khoe” việc có bạn trai là nhà báo của cô nàng.

 

Cứ dăm bữa nửa tháng, nhóm của An lại tụ tập để khoe “chiến tích” mới với vẻ tự hào không thoáng chút ngại ngần. “Lão ý mới mua cho tớ cái lắc này đấy, trông có được không. Vòi mãi mới chịu mua, điên cả người”. Cô nàng vừa kể vừa đưa tay khoe chiếc lắc vàng tây.

 

Một cô bạn trong nhóm cũng không kém cạnh khi thảy ra bàn chiếc điện thoại di động mới và bảo: “Sản phẩm của một tên dại gái” và cả hội rú lên cười.

 

Đã có bạn trai ở quê, nhưng vào Sài Gòn học, H, tên một cô bạn trong nhóm An vẫn cố tình tung tăng thêm với mấy chàng nữa. Bố mẹ ở quê chu cấp khá hạn chế, nhưng tài khoản điện thoại của H lúc nào cũng cao ngất ngưởng. Đó là do mỗi khi chat bằng tin nhắn được đôi ba tin, H lại thỏ thẻ nhờ “đối phương” nạp tiền hộ vì máy hết tiền.

 

Nghỉ hè, bạn trai muốn H về quê ít ngày để gặp thì H không ngần ngại ra điều kiện: “Mua sẵn vé Việt Nam Airlines khứ hồi, anh gửi thêm cho em 2 triệu mua sắm nữa thì em mới về”. “Chiêu” mà nhóm SV này hay xài nhất là đòi “người yêu” đưa đi dạo phố, ngó thấy món đồ nào ưng ý là vào xem. Thử xong xuôi, mang ra đến quầy thì các SV tinh quái này mới giả vờ: “Thôi chết, em quên tiền ở nhà mất rồi. Lần sau em quay lại, tiếc quá...”. Có đấng nam nhi nào mà lại nỡ không móc ví thanh toán hộ em trong hoàn cảnh ấy! Chưa kể, các cô bạn SV trong nhóm An còn làm một cuộc phân loại “mỏ đồng, mỏ vàng, mỏ chì” để đánh giá bạn trai, còn chàng nào thuộc vào hạng "mỏ kim cương” thì dĩ nhiên được các nàng khai thác triệt để.

 

“Hôm nay tao quyết định làm lành với lão ý”, T. Thùy, SV ĐH H.B bô bô với hội bạn. Không có tình cảm gì với Tùng, bạn trai hiện nay nhưng cô nàng vẫn cứ nhất quyết “yêu cái đã”, bởi lý do đơn giản là Tùng giàu, có thể đáp ứng được những nhu cầu về mua sắm, ăn chơi của Thùy. "Chiêu” cô nàng thường bày ra nhất là giận dỗi vì bất cứ lý do gì, người yêu muốn làm lành thì phải “dâng” quà tới, quà càng giá trị thì mới mong tìm được nụ cười trên môi bạn gái.

 

Đằng sau “mác” thợ mỏ

 

Chính là cái nhìn không hay của bạn bè, và sự xuống cấp về đạo đức của những sinh viên chuyên lấy việc “đào mỏ” làm niềm vui này.

 

“Nhờ người ta nạp tiền hộ rồi, chẳng lẽ lại làm ngơ không nhắn tin, gọi điện lại?”, H nói. Chính vì lý do này mà chiếc điện thoại không lúc nào ngơi nghỉ trên tay H. Mùa học thi, chỉ riêng việc chia “lịch” đi với các “mỏ” sao cho khỏi trùng cũng đã khiến H quay như chong chóng. Hôm nay anh X hẹn uống nước, hôm sau anh Y hẹn đi chơi. Cứ như thế lịch thi của H cũng được song hành cùng lịch “hẹn”. Thế nên bảng điểm của H tỷ lệ nghịch với số tiền trong tài khoản điện thoại cũng là điều dễ hiểu. Cái “mỏ vàng” của H. cũng một đi không trở lại với lời nhắn: “Anh cảm thấy em yêu tiền hơn cả yêu anh”...

 

Học hành chưa đến đầu đến đũa, nhưng ai ai trong lớp cũng biết An sẽ có việc ở một tòa soạn báo khá danh tiếng ngay khi ra trường, bằng chứng là cái laptop in logo của báo lúc nào cũng kè kè bên mình cô bạn. Nhưng cái An nhận được ở bạn bè không phải là sự nể phục mà là những câu dè bĩu: “Chỉ được cái đào mỏ là giỏi thôi, chứ kiến thức lõm bà lõm bõm như nhỏ ấy thì làm được gì. Mang danh SV mà làm những việc đáng xấu hổ”. Và dĩ nhiên, để có được những món đồ trên thì cái giá mà An phải trả cũng không hề nhỏ, bởi bạn bè trong lớp không dưới chục lần chứng kiến “anh nhà báo” mặt mũi ngái ngủ lò lò đi ra từ phòng An mỗi sáng sớm.

 

Chả thế mà đám con trai trong lớp kháo nhau: “Muốn quen được mấy em ngây thơ bé bỏng của nhóm "thợ mỏ" thì chuẩn bị cái ví cho thật xôm để các em đào cho thỏa rồi mới mong được yêu”.

 

Mặc dù đã yêu đơn phương anh bạn lớp trưởng gần năm nay và “đối phương” cũng tỏ dấu hiệu “bật đèn xanh” trở lại, nhưng Thùy vẫn không thể chia tay với Tùng. Đơn giản bởi cô SV này đã quen với sự bày tỏ bằng vật chất mà Tùng mang đến. Cái danh “thợ mỏ” bạn bè đặt cho càng làm cô bạn thấy xấu hổ khi gặp anh bạn kia mỗi ngày. Thế nhưng, không phải ngày một ngày hai mà xóa đi hình ảnh xấu kia được…

 

Theo Mực Tím