Chia tay vì… thầy bói

Dù rất yêu nhau nhưng do thầy bói phán tuổi “xung khắc” nên nhiều cặp đôi đành ngậm ngùi “bái bai” nhau. Nên trách ông thấy bói hay trách các bạn quá… mê tín đây?

Em và người ấy đang tiến triển bình thường thì bỗng anh ấy nói muốn chia tay với em mà không nói lí do vì sao. Em đã cố gắng rất nhiều để có thể níu kéo nhưng không được, mọi thứ diễn ra quá nhanh.

 

Qua một người bạn em mới biết được lí do là do người đó xem bói biết tuổi của em với người đó xung khắc, khi người đó quen em thì gia đình em xảy ra nhiều chuyện (trùng hợp lúc đó thì gia đình em cũng có người mất và một số chuyện khác).

 

Thật sự em không tin vào mấy cái này, nhưng lúc em biết thì đã quá muộn và em không có cơ hội giải thích. Em cũng nhờ người bạn đó khuyên nhưng người ấy vẫn không nghe và luôn cho rằng mình đúng. Em và người đó vẫn còn rất yêu nhau. Bây giờ em không biết phải làm gì, xin chuyên gia hãy cho em lời khuyên. (Cơn gió lạ, Hà Nội, 19 tuổi)

 

Nếu lý do chia tay thật sự đúng như bạn ấy nói cho thấy bạn ấy yêu bạn rất nhiều và luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với bạn. Bạn cần bình tĩnh và cố gắng sống tốt để không phụ lòng bạn ấy.

 

Tuy nhiên, phân tích ở góc độ khác thì bạn ấy là quả là một người “cuồng tín”, cái gì cũng dựa vào tuổi tác, số phận, tin vào điều mơ hồ hơn bản thân và người yêu và vì một lời “phán” đã cắt đứt hẳn tình yêu không hề nuối tiếc, không cho bạn một cơ hội nào. E rằng, phía sau lý do này còn có điều gì khó nói ra.

 

Nếu bạn không cam lòng thì hãy tìm hiểu thêm xem ai nói, nói ở đâu. Bạn yêu cầu bạn ấy cho gặp một lần để giải toả mọi thắc mắc. Nếu thật sự tuổi tác là trở ngại quá lớn mà bạn ấy không thể vượt qua thì cả 2 vẫn có thể xem nhau như là bạn bè. Theo thời gian, mối quan hệ bạn bè của các bạn có thể trả lời cho nhiều vấn đề. Mong bạn đủ niềm tin và sáng suốt. (Cô Nguyễn Thị Ngọc, bộ môn Tâm lí giáo dục - ĐH Sài Gòn tư vấn)

 
Chia tay vì… thầy bói
 

Làm sao để mình biết người ta có thích mình không? Người ta hay gọi điện, nhắn tin hỏi thăm mình còn đối với bạn bè trong lớp thì rất ít và hầu như là không, gần đây thì mình có tình cảm với người đó mà lỡ mình nói ra mà người đó chỉ xem mình là bạn thì mình rất sợ. Trước đó người ta và nhỏ bạn mình quen nhau mà họ đã chia tay rồi, bây giờ mình phải làm sao đây? (Nhocodon, Long An)

 

Nếu nhạy cảm thì chỉ cần một ánh mắt cũng có thể nhận ra “người ta thích mình”. Ánh mắt thông thường ít có độ sáng và độ rung so với ánh mắt có tình cảm riêng tư. Người ta hay gọi điện, nhắn tin hỏi thăm … là việc thể hiện sự quan tâm hoặc là do nơi họ “cô đơn” mà bạn lại là người có thể chia sẻ.

 

Dù là thế nào thì đó cũng là cơ hội thiết lập quan hệ cao hơn. Nhưng mới chỉ là cơ hội mà cơ hội thì cũng có thể lỡ cơ hội hoặc hủy hoại cơ hội. Bạn nói đúng, khi “lỡ mình nói ra mà người đó xem mình là bạn thì mình rất sợ”, vì cơ hội chưa đủ chín.

 

Nếu vội ăn trái xanh thì chát, đắng … và nuốt không được; nhưng nếu để chín quá, trái lên men thì ăn cũng không được. Bạn xem lại độ chín của mối quan hệ này và thận trọng không nên vội “có cảm tình”, vì “trước đó người ta và nhỏ bạn mình quen nhau mà họ đã chia tay rồi”. Họ mới chia tay mà “nhỏ bạn” đã đến với bạn thì phải thận trọng vì “bạn là kẻ lấp chỗ trống” đấy.

 

Bạn hãy giữ liên hệ tốt với người đó và tập trung vào học tập, làm việc của mình, đừng “tỏ tình cảm” vội. Sáng suốt, bình tĩnh, thận trọng và sống có lý tưởng là sức mạnh của con trai. (Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Gia Hiền tư vấn)

 

A và em đã từng thích nhau một thời gian nhưng vì một vài lý do nên không quen nhau. Sau này, em quen B, do hay nói chuyện và chia sẻ nên lâu ngày em cũng có cảm tình. Rồi thời gian sau A lại nói muốn quay trở lại và mong em chấp nhận tình cảm đó. Em bây giờ không biết phải chọn ai,  em không muốn mang tiếng bắt cá hai tay. A thì rất quan tâm và hiểu em, còn B thì luôn chia sẻ và động viên. Em mong nhận được lời khuyên chính xác. Em cám ơn. (Hani, 17 tuổi)

 

Em gái thân mến! Thích và yêu là hai chuyện khác nhau. Người ta được quyền có cảm giác thích một vài người nhưng sau đó chỉ chọn một người để yêu. Quy trình là khi thích - qua bước tìm hiểu - rồi mới yêu.

 

Do đó, em chưa nên quyết định yêu ai ngay bây giờ mà cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu kỹ lưỡng về họ, thử thách sự chân thành trong tình cảm của họ, xem họ yêu mình vì động cơ gì, họ là người thế nào. Sau đó dùng lý trí để so sánh giữa đôi bên để có thêm cơ sở đưa ra quyết định.

 

Song song đó, để biết có nên yêu một người hay không người ta phải nhìn vào sự rung động trong trái tim mình. Sự quan tâm của anh A chưa đủ căn cứ để quyết định, sự động viên của anh B cũng chưa đủ để em lựa chọn, mà em phải xem người nào làm cho em rung động nhiều hơn, tạo cho em cảm giác yêu và được yêu. Muốn có điều đó, em cũng phải có thời gian tìm hiểu và tiếp xúc với họ.

 

Như vậy, điều em nên làm là chỉ chấp nhận ở mức độ tìm hiểu như hiện tại, em không nên có những hành động thân mật quá mức với bất cứ bên nào để khỏi mang tiếng bắt cá hai tay. Em đừng sợ nếu hai người kia chờ đợi và bỏ cuộc, bởi đó cũng là cách để em thử thách xem ai kiên nhẫn trong tình cảm và thích em thật lòng.

 

Yêu là chuyện lớn, hãy cẩn trọng trước khi trao trái tim mình cho ai đó em nhé! (Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa tâm lí - giáo dục ĐH Sư Phạm tư vấn)

 

Em là nữ, hồi lớp 5 em có đi học võ, nhưng cuối năm lớp 6 em phải nghỉ vì không có thời gian. Nhưng không hiểu tại sao thì sau đó, bắp chuối (bắp đùi) của em bỗng to lên rất nhiều, ba mẹ em nói đó là hậu quả của việc đi học võ nửa chừng rồi nghỉ nên bị “phá tướng”. Ba mẹ còn nói em phải chịu như vậy vĩnh viễn. Em cảm thấy xấu hổ khi mặc váy hoặc mặc quần soọc thì thấy cái chân "to như voi" của mình. Có cách nào khắc phục không ạ? Xin hãy cho em hướng giải quyết. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều ạ. (Em, 16 tuổi)

 

“Bắp chuối” chỉ bụng cơ cẳng chân, không phải bắp đùi. Trong 3 ý cha mẹ em nói thì đúng 2 ý đầu : do em học võ (nhất là những môn dùng đòn chân nhiều) nên bắp chuối to ra và do em ngừng tập luyện nên bắp cơ trở nên thô kệch kém thon gọn. Ý sau cùng thì cần xem lại.

 

Cơ là một tổ chức co giãn, có đặc thù là công cán ( vận động, thể thao) nhiều thì phồng lên (to ra), ở không nhiều thì tóp lại. Các động viên thể hình phải tập luyện thường xuyên để tránh “nhàn cư vi bất thiện” khiến các bó cơ tóp lại.

 

Do vậy, thật ra không mấy khó để xóa bỏ thành tích võ luyện ở bắp chuối của em bằng thời gian, hoặc nếu cần thì tiếp tục học võ để duy trì sự nở nang ở mức gọn ghẽ hơn. (Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn tư vấn)

 

Theo Mực Tím

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm