Chỉ tại lời nói dối ngày “cá tháng 4”
(Dân trí) - Ngày “cá tháng 4” là một ngày đặc biệt trong năm. Vào ngày này, mọi người cảm thấy rất vui khi được “lừa” người khác và ngược lại. Nhưng với Hoa, đứa bạn thân của tôi là cả một sự hối hận mà suốt cuộc đời này có lẽ nó không bao giờ quên.
Đúng 0h ngày 1/4, ba năm trước. Cả đêm Hoa không ngủ, nó chỉ chăm chăm vào cái điện thoại để nhắn tin trêu lũ bạn. Ban đầu là những tin nhắn vui, hài hước, nó gửi đến mọi người để rồi nhận được những trận cười sảng khoái. Nó cảm thấy thích thú với những lời nói dối của mình.
Nhắn tin chưa đủ, Hoa cầm điện thoại gọi cho Quang, đứa bạn thận từ hồi cấp 2, với giọng run rẩy: “Quang ơi, Hoa bị cướp xe rồi, Quang có thể đến rạp chiếu phim X đón Hoa được không?”. Không chần chừ, Quang bảo: “Hoa chờ ở đó Quang sẽ đến ngay!”
Nó cười thích thú “thế là tao lừa được nó rồi, thích quá”. 30 phút, 1 tiếng rồi 2 tiếng, vẫn chưa thấy Quang gọi điện, Hoa nói “chắc nó biết tao lừa nó rồi nên nó không đến, thôi không đùa nữa, ngủ thôi nào”.
Một cú điện thoại làm 2 đứa lạnh cả người. “Bọn mày ơi, Quang bị tai nạn lúc đêm, chắc không qua nổi, bọn mày đến bệnh viện Y nhanh lên” - Hùng, thằng bạn trong nhóm gọi cho tôi và Hoa. Mặt Hoa tái mét, nó không nói được lời nào nữa. Đến bệnh viện thì không kịp nữa rồi, Quang đã đến với một chân trời khác, xa lắm.
Tiếng khóc xót thương của người thân và cả lũ bạn như xé nát tim Hoa. Nó không nấc được thành lời. Có lẽ chỉ có Hoa và tôi mới biết được vì sao Quang ra đi.
Cho đến bây giờ Hoa vẫn tự dằn vặt mình về cái chết của Quang. Từ khi Quang mất, cái ngày cá tháng 4 đối với Hoa không còn ý nghĩa, nó không còn nhắn tin hay gọi điện để nói dối người khác như trước đây nữa.
Ngày cá tháng Tư đáng nhớ của lưu học sinh
Tuệ Minh (lưu học sinh Trung Quốc): Đó là một ngày cá mà cô sinh viên ĐH KHXH&NV Hà Nội này thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Tuệ Minh là cô gái rất thông minh và nhanh nhẹn. Sau một thời gian sang Việt Nam học tập, cô tìm cho mình một việc làm thêm là bán card điện thoại. Nhưng một ngày tệ hại không mời mà đến, một ngày mà khá nhiều vốn và lãi của cô không cánh mà bay. Đó chính là ngày 1/4.
Đến giờ kể lại mà Tuệ Minh vẫn còn bức xúc: Sáng hôm đó đang ngồi trên lớp học thì một loạt tin nhắn của các bạn thân bảo cào thẻ, mà toàn thẻ 100.000. Mình cắm cổ cắm đầu cào thẻ và nhắn lại mã số thẻ cho từng người, chẳng còn nghĩ gì đến việc học nữa.
Tan học chạy vội về KTX, tất cả đã tập trung đông đủ ở phòng mình, khi mình đòi tiền chỉ thấy các bạn cười như nắc nẻ và nói: “Trời đất! Mày tham tiền đến mức lú lẫn nên quên hôm nay là ngày gì à?” Lúc đấy mình mới nhớ ra là ngày cá tháng 4!
Hic! Số thẻ đã cào rồi giờ tính sao, bởi chẳng đứa nào lấy cho cả. Cuối cùng mình phải nạp hết vào máy mình một lúc 10 cái thẻ. Mỏi tay cào rồi mỏi tay nạp, uất ức lắm nhưng không làm gì được. Tuy nhiên mình cũng rút kinh nghiệm cho những năm sau, vào ngày này mình không bán, nếu ai cần thì đến tận phòng mình mua “tiền trao cháo múc” mới chắc ăn (cười).
Giơly (lưu học sinh Lào): Hồi học lớp 12, mình là một học sinh giỏi của trường, vào ngày 1/4 năm đó bố mẹ mình đi vắng nên mình và nhóm bạn thân cùng nghĩ ra một câu chuyện để lừa cả làng. Đó là tung tin Giơly lấy vợ, bởi điều này sẽ gây ngạc nhiên cho mọi người, sẽ không ai tin nổi một học sinh giỏi như mình lại đột nhiên cưới khi đang học phổ thông.
Mình và nhóm bạn chuẩn bị rất công phu, làm cả thiếp mời cho cả làng. Hồi đó ở chỗ mình còn chưa có máy in như bây giờ, đành phải đánh mày bằng một cái máy chữ của nhà đứa bạn và cho giấy mời vào phong bì thơm. Thật không ngờ nhóm bạn mình nhân cơ hội này đã lừa lại mình, bọn chúng đảm nhận phần thiếp mời và bảo mình cứ yên tâm ngồi nhà đón tiếp mọi người.
Nào ngờ thay vì mời cả làng thì các bạn mời duy nhất cô bạn gái mình. Điều này khiến cô ấy bất ngờ tưởng như không tin nổi, đã khóc rất nhiều vì tên cô dâu lại là người khác. Cô không thể nào đến dự đám cưới của người yêu, và đã nhờ bố mẹ đi giúp. Khi bố mẹ cô ấy đến nhà, mình cũng ngạc nhiên, không còn cách nào khác, bọn mình đành giải thích cho hai bác ý.
Nhưng những người già ở làng mình không hiểu về ngày này lắm nên họ không tha thứ, và cho rằng bọn mình là lũ thành niên láo lếu và tức giận bỏ về.
Hôm sau bọn mình đã đến tận nhà xin lỗi hai bác mà vẫn không được chấp nhận. Thậm chí mình còn nhờ già làng nói giúp nhưng cũng không làm bố mẹ bạn gái mình nguôi giận. Cuối cùng họ đã cấm con gái yêu mình.
Tình yêu của mình đã kết thúc từ trò dùa dại dột đó. Mình cũng cảm thấy hối hận, giá như mình không đùa quá đáng như vậy.
Nolubsiab (lưu học sinh Cămpuchia): Anh chàng sinh viên trường Đại học Kiến trúc này cũng chỉ biết cười trừ khi nói về ngày cá tháng 4, bởi kể từ khi sang Việt Nam học năm nào Nolubsiab cũng bị các bạn sinh viên Việt cho những cú lừa ngoạn mục.
Nhưng lần làm cậu nhớ nhất là năm đầu tiên khi mình đang học tiếng Việt ở trường Hữu Nghị 80 trên Sơn Tây.
Những ngày đầu xa nhà, cảm giác nhớ nhà luôn đè nặng, thỉnh thoảng các bạn ở đây cũng có người nhà sang thăm, mình cũng mong được như vậy. Hôm đó là ngày ¼, đang ở trên lớp, lúc đó là giờ ra chơi, cô bạn người Việt Nam mình mới quen chạy từ đâu đến vừa thở hổn hển vừa nói: “Nolu, bố bạn sang thăm bạn đấy. Bác ấy đang ở cổng trường ý, xuống ngay đi”.
Trời ạ! Mình nhảy lên vì sung sướng rồi chạy như điên xuống cổng trường mà không biết mệt. Nhưng mình chẳng thấy bố mình đâu cả, thậm chí còn chẳng có một bóng người nào. Mình lại hùng hục chạy đi tìm cô bạn gái kia hỏi lại, cô ấy nói chắc bố bạn đợi lâu quá, hay bạn về phòng xem biết đâu bác ở đó.
Thấy cô ấy nói có lý, mình lại một lần nữa chạy về phòng để lại đằng sau những tiếng cười khúc khích, mình cũng chẳng quan tâm làm gì. Về phòng chẳng thấy bố đâu, hỏi mọi người ai cũng bảo không biết, mình tiu nghỉu lên lớp. Gặp lại cô bạn chỉ thấy cô ấy nhìn mình cười ngặt nghẽo, cô ấy còn gõ vào đầu mình và nói: “Đồ ngốc. Hôm nay là ngày gì hả? Ngày cá tháng tư, gì mà cả tin thế?”
Lúc đó mình mới ngớ người ra và cười trừ, bởi chẳng biết làm sao cả, tại mình không tỉnh táo thôi, ngày này thì không trách được ai cả - Nolu vui vẻ cho biết. |
G.L.H - Phan Thảo