Chàng trai sinh năm 2000 bán hàng lề đường kiếm 34 triệu đồng/tháng

Nghi Phương

(Dân trí) - Tiểu Dân (sống tại Trung Quốc) chọn làm việc ban ngày ở công xưởng, ban đêm mở gian hàng bán đồ tạp hóa để trả nợ.

Gần đây, các chủ đề như "Trả hết khoản nợ hàng triệu USD" hay "Kiếm 9.000 NDT (30 triệu đồng) mỗi ngày bằng nghề bán hàng rong" nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ Trung Quốc.

Mở một gian hàng bán hàng rong thực sự có đơn giản và kiếm được nhiều lợi nhuận đến như vậy?

Trang Sina đã có cuộc trò chuyện với một chủ gian hàng sinh năm 2000 để hiểu hơn về câu chuyện đằng sau gian hàng tồn tại suốt 1,5 năm.

"Hàng mua lúc mới khai trương đến giờ vẫn chưa bán hết"

Thành phố Vĩnh Khang (tỉnh Chiết Giang) là thị trường về vật liệu xây dựng chuyên nghiệp, lớn nhất ở Trung Quốc. Phía Bắc thành phố Vĩnh Khang là Nghĩa Ô - trung tâm phân phối hàng hóa nhỏ lớn nhất thế giới.

Năm 2019, Tiểu Dân chưa đầy 20 tuổi khởi hành từ quê hương Đô Quân ở tỉnh Quý Châu đến thành phố Vĩnh Khang một mình để tìm kiếm cơ hội cho cuộc đời.

Chàng trai sinh năm 2000 bán hàng lề đường kiếm 34 triệu đồng/tháng - 1

Tiểu Dân chuyển hướng theo nghề bán hàng trên đường phố thay vì làm trong công xưởng. (Ảnh: Sina).

"Tôi không có học vấn cao, điều kiện tài chính gia đình không tốt và tôi đã vay nợ ở nước ngoài. Một người bạn ở Vĩnh Khang nói rằng tiền lương làm việc cho nhà máy tại đây không tệ nên tôi đi đến Quý Châu xin việc", Tiểu Dân chia sẻ.

Khi mới đến Vĩnh Khang, Tiểu Dân chỉ còn 120 NDT (410.000 đồng). Không lâu sau, anh tìm được công việc "thợ vặn ốc vít" trong một nhà máy.

Ban đầu, Tiểu Dân có thể kiếm được khoảng 100 NDT/ngày (hơn 340.000 đồng). Khi tay nghề thành thạo hơn, chàng trai có thể kiếm được tới 300 NDT/ngày (hơn 1 triệu đồng).

Tháng 10/2021, sau gần 2 năm, anh trả hết được nợ nước ngoài, đồng thời đưa ra quyết định ban ngày tiếp tục công việc vặn ốc vít, ban đêm bày sạp bán tạp hóa ngoài đường.

"Tôi sống hướng nội và muốn rèn luyện bản thân bằng cách mở một gian hàng. Lý do quan trọng hơn là tôi đã có lý tưởng kinh doanh từ khi còn nhỏ", Tiểu Dân nói.

Để bắt đầu mở gian hàng, Tiểu Dân noi gương những tiểu thương khác. Anh nhập hàng từ Nghĩa Ô và bán lại.

"Lúc mới bắt đầu, tôi không biết bán gì, cũng không biết mặt hàng nào được ưa chuộng nên chỉ mua đồ rẻ rồi bán. Tuy nhiên, cửa hàng của tôi ế ẩm và chẳng kiếm được đồng nào. Khi đó, tôi đã nhập bột giặt nhưng không thể bán được, đến nay vẫn tồn ở nhà", Tiểu Dân chia sẻ.

Chàng trai sinh năm 2000 bán hàng lề đường kiếm 34 triệu đồng/tháng - 2
Những gian hàng được bày bán trên đường phố không dễ để thu hút khách hàng. (Ảnh: New York Times).

Kinh doanh giống như đi tàu lượn siêu tốc

Trong thời gian dài, Tiểu Dân đã "làm việc" tại nhà máy vào ban ngày, bày hàng lúc 5h chiều và đóng cửa hàng lúc 10h tối.

Việc kinh doanh gian hàng liên tục ế ẩm và Tiểu Dân phải nghĩ cách giải quyết vấn đề.

Sau đó, chàng trai thử bán một số đồ ăn nhẹ "hot" trên mạng, đồng thời livestream cuộc sống bán hàng mỗi ngày, đăng tải một số video ngắn lên mạng xã hội và dần tích lũy được lượng người theo dõi đáng kể. Chẳng mấy chốc, việc kinh doanh của anh cũng được cải thiện.

"Việc kinh doanh ban đầu không thuận lợi, vài ngày liền không bán được chút gì. Đây là thời điểm mọi người dễ bỏ cuộc. Tuy nhiên, tôi đã kiên trì và tìm hiểu nhiều hơn về mặt hàng.

Giờ đây, tôi có thể bán được hơn 100 NDT/ngày (hơn 340.000 đồng), cũng có ngày may mắn bán được hơn 1.000 NDT (3,4 triệu đồng), nhưng khả năng cao là ngày hôm sau kinh doanh sẽ không tốt, rất không ổn định khiến tâm lý người bán lúc lên lúc xuống, thất thường", Tiểu Dân tiết lộ.

Cùng với thu nhập "lên xuống như tàu lượn siêu tốc", Tiểu Dân phải liên tục chuyển "nơi bán hàng".

"Tôi đã thay đổi 4-5 địa điểm kể từ khi bắt đầu mở gian hàng. Đương nhiên những nơi này đều phải tập trung đông người", Tiểu Dân nói.

Chàng trai sinh năm 2000 bán hàng lề đường kiếm 34 triệu đồng/tháng - 3
Nhiều bạn trẻ lựa chọn khởi nghiệp để tích lũy thêm kinh nghiệm. (Ảnh: The Conversation).

Sau này, Tiểu Dân bỏ nghề vặn ốc vít tại công xưởng vì công việc bán hàng đã ổn định, tuy nhiên không thể tránh những ngày thu nhập vẫn bấp bênh.

"Thu nhập trung bình hàng ngày là khoảng 300 NDT (hơn 1 triệu đồng), cao hơn nhiều so với làm việc trong nhà máy. Mỗi ngày tôi chỉ phải bán hàng 5 tiếng đồng hồ", chàng trai Trung Quốc chia sẻ.

Mỗi khi dựng hàng, Tiểu Dân sử dụng điện thoại di động để phát trực tiếp. Trong 1,5 năm, tài khoản mạng xã hội của anh thu hút được 100.000 lượt theo dõi. Vào ban ngày khi không phải bán hàng, anh sẽ nghĩ cách quay những video ngắn ở nhà.

"Nội dung của video là cuộc sống hàng ngày của tôi cùng gian hàng tạp hóa. Tôi sẽ thêm vào đoạn giao tiếp với khách hàng, âm thanh tiền đến tài khoản và lời kể của tôi để video có tính chân thực, đáng tin cậy hơn", Tiểu Dân cho hay.

Trung bình mỗi tháng Tiểu Dân có thể kiếm được ít nhất 10.000 NDT (hơn 34 triệu đồng).

Trang Sina cho biết, số liệu thu nhập bình quân đầu người của người dân ở thành phố Vĩnh Khang là 5.662 NDT (gần 20 triệu đồng)/tháng vào năm 2022.

Không bao giờ chịu nằm yên

Về việc mở gian hàng, Tiểu Dân thừa nhận, anh có những cân nhắc thực tế: "Tôi không thể tìm được công việc nào có lợi hơn công việc này vào thời điểm hiện tại".

Tuy nhiên, chàng trai sinh năm 2000 không hài lòng khi bị gắn mác "nằm yên" mặc kệ cuộc đời. "Nằm yên" là từ chỉ cách sống buông xuôi, nhanh chóng từ bỏ của bộ phận giới trẻ Trung Quốc.

"Khi tôi mở gian hàng, một số người nói tôi kinh doanh khi còn trẻ vì không muốn đi làm, không thích ràng buộc và lười biếng", Tiểu Dân kể.

Tiểu Dân thẳng thắn nói một số người chọn nghề bán hàng mưu sinh vì tâm lý "nằm yên". Nhưng theo quan điểm của anh, bán hàng là bàn đạp và tích góp kinh nghiệm, kiếm thêm thu nhập.

"Bán hàng cũng là kinh doanh. Nếu bạn muốn khởi nghiệp, tại sao không thử. Tôi không bán hàng cả đời, tôi đợi tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm sẽ làm việc khác", Tiểu Dân nói.

Hàng ngày, chàng trai sinh năm 2000 nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi anh cách lập gian hàng và cách kiếm tiền. Anh thường trả lời bằng hai câu: Một là "kiên trì đến cùng, không thì đừng làm", hai là "bán hàng đường phố vô cùng rủi ro, mọi người hãy suy xét thật kĩ".

"Bày sạp bán hàng không dễ như tưởng tượng nên tôi khuyên các bạn đừng mù quáng chạy theo trào lưu mà hãy tính đến sự phát triển trong tương lai", Tiểu Dân cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm