Chàng trai “mê” khí tượng

(Dân trí) - Mới chạm ngõ tuổi 28, Ngô Đức Thành - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Nhật Bản - đã là chủ nhân của nhiều giải thưởng lớn về khoa học cơ bản và ứng dụng. Ở chàng trai này có 1 niềm đam mê kỳ lạ với khí tượng - ngành học mà đa số người trẻ lờ đi vì chẳng “thời thượng” tẹo nào.

Mê khí tượng, ngưỡng mộ sức làm việc của người Nhật

 

Năm 1997, được tuyển thẳng vào ĐH Bách khoa Hà Nội, Thành vẫn đăng ký thi vào ĐH Khoa học Tự nhiên chuyên ngành Khoa học trái đất. Hồi đó đề thi Vật lý của ĐH Quốc gia Hà Nội bị sai một bài. Khi công bố điểm xong, Thành và hai bạn nữa đã kiến nghị lên ban giám đốc. Tất nhiên, môn Vật lý nhanh chóng được chấm lại.

 

Với số điểm đáng nể (29,5/30) Thành được vào lớp đào tạo cử nhân tài năng khóa 1, ĐH Khoa học Tự nhiên. Hai năm sau anh lên đường sang Pháp du học.

 

Điều ấn tượng nhất đối với Thành là nền giáo dục nước bạn đã tạo cho sinh viên tính độc lập và tính tập thể cao. “Mới nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra đây là điều rất cần thiết để tồn tại, để làm việc trong những môi trường khác nhau”. Tính độc lập tạo cho sinh viên khả năng sáng tạo và phong cách riêng để rồi những cái riêng đó lại phục vụ cho thành công của tập thể.

 

Trên con đường nghiên cứu khoa học, Thành gặp không ít khó khăn khi “động đến những vấn đề chưa ai làm bao giờ, và không biết phải bắt đầu từ đâu”. Những lúc như vậy, anh thường tìm đến bạn bè cùng đi chụp ảnh, chơi thể thao để nhanh chóng lấy lại khí thế đi tiếp con đường chưa ai mở ấy. Lòng đam mê và sự kiên trì đã giúp anh vững vàng trên những con đường chưa nhiều dấu chân đi.

 

Luận án tiến sĩ của Thành có đến 3 giáo sư hướng dẫn, giúp anh xây dựng được một bộ số liệu khí tượng đầu vào cho các mô hình mặt đất ở mức độ toàn cầu với phân giải cao và thời gian cho 53 năm (từ 1948 - 2000).

 

Bộ số liệu này rất quan trọng cho việc nghiên cứu các quá trình diễn ra trên mặt đất trong nửa thế kỷ qua. Hiện chúng đang được sử dụng bởi nhiều nhóm nghiên cứu ở một số nước như: Mỹ, Pháp, Úc, Nhật Bản...

 

Thành cũng đưa ra một giả thuyết quan trọng liên quan đến sự nóng lên của toàn cầu. Anh phát hiện ra khi trái đất ấm lên lượng nước trên các lục địa cũng tăng cao, làm cho mực nước biển giảm đi một phần.

 

Giả thuyết này được chọn làm bài nhấn của tạp chí Geophysical Research Letters và nhiều nhóm nghiên cứu đã sử dụng trích dẫn. 

Tháng 9 năm 2005 khi mới tròn 26 tuổi, anh đã bảo vệ xuất sắc Luận án tiến sĩ “Mô hình hóa cân bằng nước lục địa, sự thay đổi giữa các năm và xu hướng phát triển. So sánh với quan trắc”. Đây là luận án được Viện hàn lâm Khoa học nông nghiệp Pháp đánh giá là một trong những luận án xuất sắc nhất trong năm 2005.

 

Anh kể lại rằng, khi đang học cao học và tìm đề tài cho luận án, Thành may mắn được gặp gỡ và thảo luận với những thầy cô giáo có tiếng trên thế giới. Đề tài các thầy cô đưa ra là nghiên cứu về nước với những công cụ tiên tiến nhất, kết hợp giữa mô phỏng bằng các mô hình máy tính và các số liệu vệ tinh. “Thật đúng với nguyện vọng, ý tưởng mình đang tìm kiếm”, thế là làm thôi!

 

Ngay sau khi kết quả nghiên cứu của anh được công bố, nhiều cơ quan khoa học của Pháp, Mỹ... mời Thành cộng tác nhưng anh đã chọn ĐH Tokyo (Nhật Bản) làm điểm đến. Lý giải cho sự lựa chọn này, anh cho biết: Đây là một trong những trường tốt nhất thế giới mà lâu nay Thành vẫn “ngưỡng mộ sự nghiêm túc và làm việc hết mình của người Nhật. Họ rất quan tâm, đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam”. Vì thế, Thành quyết định đặt niềm đam mê của mình vào xứ sở hoa anh đào này.

 

Hiện tại, Thành đang nghiên cứu xây dựng mô hình cảnh báo lũ cho khu vực Đông Nam Á và tham gia phát triển mô hình thuỷ văn ở Nhật. Trước đây mình nghiên cứu chủ yếu ở quy mô toàn cầu, nhưng từ khi sang Nhật mình chú trọng tìm hiểu về vùng Đông Nam Á. Phương pháp của mình là kết hợp giữa mô hình toàn cầu, mô hình dự báo thời tiết và mô hình thuỷ văn khu vực để dự báo lưu lượng dòng chảy trên các con sông.

 

Những động lực “ngầm”

 

Trong cuộc đời mình, không biết đã gắn bó với bao bạn bè nhưng Thành nhớ nhất người bạn trai thân thiết thuở bé. "Bạn ấy không may có tật ở bàn tay phải, mọi việc phải dồn vào tay trái nhưng không vì thế mà bạn chịu thua kém mọi người. Mỗi lần nghĩ đến bạn, mình thấy thật cảm động và tăng thêm nghị lực để phấn đấu", anh tâm sự.

Tự nhận mình là ngưi ham chơi, rt thích t tp bn bè và tham gia các hot đng th thao nên cuc sng thời sinh viên ca Thành cực vui và ý nghĩa.

 

Trở thành tiến sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng cuộc sống của Thành không cứ phải vùi đầu vào sách vở. Đến bây giờ, khi nghĩ về những năm tháng sinh viên, Thành vẫn không giấu được nụ cười thích thú và tự hào. Với anh, đó là phần tuổi trẻ tích luỹ được nhiều năng lượng để anh tự tin bước tiếp.

 

Ngoài việc được học tập và làm việc trong một môi trường tốt, Thành còn có thêm sự quan tâm, hậu thuẫn của gia đình. Người vợ cùng du học ở Pháp với anh và cậu con trai nhỏ luôn là nguồn động viên để anh hoàn thành tốt công việc. Với Thành, đó là động lực lớn nhất trên con đường sự nghiệp của mình. Dự định năm 2008 về Việt Nam sinh sống và làm việc cũng bởi một phần “ở Việt Nam có gia đình”. 

 

Hiện Thành đã từ chối một hợp đồng làm việc trong 5 năm tới với Nhật và khước từ lời mời quay về Pháp cùng với một thầy giáo.

 

“Việt Nam bây giờ đang thay đổi nhanh chóng” - Thành nói, và điều mà Thành mong muốn là khi về nước sẽ tiếp tục được làm công tác nghiên cứu hoặc có thể làm giảng viên ĐH. Đối với Thành, “làm việc trong hay ngoài nước đều tốt cả, chỉ cần mỗi người phải xác định rõ mình cần gì và thích hợp với cuộc sống ở đâu” .

 

Vài nét về Ngô Đức Thành (SN 1979) 

 

- Tháng 9/2005: Bảo vệ xuất sắc Luận án tiến sĩ khi mới 26 tuổi. 

 

- Ngay sau đó được nhiều cơ quan khoa học của Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Nhật Bản mời cộng tác, làm việc. Và anh đã chọn Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản, 10/2005). 

 

- Tháng 8/2006: Thành có các báo cáo tại hội thảo khoa học quốc tế tại Singapo về phương pháp cảnh báo nhanh lũ lụt và nước dâng tại các nước Đông Nam Á và Đông Dương. 

 

- Tháng 10/2006: Được Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Cộng hoà Pháp trao huy chương Bạc cho Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất trong lĩnh vực khoa học cuộc sống. 

 

- Tháng 12/2006: Được Hiệp hội các trường Đại học tại Paris trao giải thưởng cho một trong hai luận án về khoa học cơ bản xuất sắc.

 

Quỳnh Hoa