Chàng trai được giải thưởng UNESCO và 19 năm miệt mài “sách hóa nông thôn”
(Dân trí) - Hơn 19 năm qua, Nguyễn Quang Thạch (sinh năm 1975) - người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn vừa giành Giải thưởng của UNESCO - đã miệt mài và bền bỉ thực hiện ước mơ “phủ sách” khắp mọi vùng nông thôn Việt Nam.
“Mong muốn mọi đứa trẻ Việt Nam đều có sách để đọc”
Ý tưởng chương trình Sách hóa Nông thôn được anh Thạch ấp ủ từ khi còn là sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Vinh (1997). Anh đã bị ám ảnh trước sự vô cảm của nhiều sinh viên nên muốn nâng cao dân trí trên quy mô quốc gia, xây dựng tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội. Theo anh, tất cả những thứ như bạo lực, dối trá, sự vô cảm với đồng loại… “đều có gốc rễ từ sự kém hiểu biết”, và khi dân trí tăng thì những vấn đề kia sẽ giảm dần.
Sinh ra trong gia đình mà người thân có nhiều đóng góp cho việc giáo dục ở quê hương như người cha dành 20 năm để dạy toán và tiếng Anh miễn phí cho hàng trăm đứa trẻ trong xã làng, anh Thạch hiểu rõ tầm quan trọng của việc đọc sách. “Tôi muốn làm tiếp những công việc cha ông tôi đã làm. Tôi muốn mọi đứa trẻ Việt Nam đều có sách để đọc”, anh Thạch chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Thạch cũng muốn xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn trong việc tiếp cận tri thức. Nhiều trẻ em nông thôn chỉ biết đến sách giáo khoa, nên tạo ra sự chênh lệch tri thức, văn hóa so với trẻ em thành phố.
Chính vì vậy mà khi tốt nghiệp xong đại học, anh đã xác định con đường cả đời của mình: xây dựng hệ thống thư viện dân sự, đưa sách về cho hơn 10 triệu học sinh nông thôn.
Anh từng bộc bạch: “Chúng ta nói rất nhiều về người Việt thiếu phát minh, sáng tạo nhưng mấy ai hiểu rằng muốn thế thì phải cho con trẻ đọc những bộ sách như Tập làm phát minh hay Khoa học thật dễ. Thực hành làm theo sách từ nhỏ, khi lớn lên, các em có lũy tích cơ bản để sáng tạo, sáng chế, hình thành kỹ năng và giá trị sống thông qua sự giao hòa giữa lao động chân tay và trí óc”.
Hành trình miệt mài “phủ sách nông thôn”
Sau 10 năm nghiên cứu lý thuyết, năm 2007, anh Thạch đã bắt tay xây dựng 3 tủ sách dòng họ đầu tiên bằng chính số tiền tiết kiệm và tiếp tục mở rộng tủ sách ở những năm tháng sau đó.
Tháng 9/2009, mô hình tủ sách dòng họ đã giành giải thưởng 400 triệu đồng trong cuộc thi "Ideas to serve the community" (Ý tưởng phục vụ cộng đồng). Cũng năm đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra công văn về việc triển khai xây dựng thí điểm và chuẩn hóa mô hình Tủ sách dòng họ tại nhiều xã tỉnh Thái Bình.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong hơn 19 năm của anh Thạch đã đem lại kết quả hơn 10.000 tủ sách các loại được gây dựng, giúp khoảng nửa triệu người dân, trẻ em nông thôn tiếp cận sách.
Để kêu gọi các thành viên xã hội đưa sách về dòng họ và tạo nhận thức xã hội về thư viện, anh Thạch thực hiện chuyến đi xe máy xuyên Việt với quãng đường 1.939km vào Tết âm lịch 2010. Trở ngại lớn nhất anh Thạch gặp phải là việc thiếu thốn sách hàng thập kỷ qua đã khiến cho cả phụ huynh, giáo viên và học sinh đều không cảm nhận được tầm quan trọng của sách và thư viện.
“Họ chỉ tập trung vào sách giáo khoa và coi đó là kinh thánh cho giáo dục, nên nơi dừng chân nào, tôi cũng trò chuyện và vận động thành lập tủ sách, sau đó, lại bền bỉ áp dụng các mô hình đã thành công đến với những địa phương khác”, anh nói.
Vào tháng 5/2010, tủ sách phụ huynh đầu tiên được triển khai ở trường THCS An Dục (tỉnh Thái Bình) với chi phí do anh Thạch ủng hộ 500.000 đồng và 37 phụ huynh đóng góp 1.850.000 đồng.
Một thời gian ngắn sau, anh Thạch thành lập Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng (trực thuộc Hội Liên hiệp Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam) để đẩy mạnh tiến trình sách hóa nông thôn.
Không dành thời gian để quây quần, hội tụ bên gia đình, dịp Tết 2015, anh Thạch lại thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào Sài Gòn để vận động chính sách và kêu gọi các thành viên xã hội đưa sách về nông thôn.
Phải hành động mới thay đổi được nhận thức của người khác
Những hành động liên tục của anh Thạch đã thúc đẩy ngành giáo dục, văn hóa và nhiều cá nhân tham gia sách hóa nông thôn. Kết quả là hơn 10.000 tủ sách các loại được gây dựng: Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em, Tủ sách Lớp học, Tủ sách Hậu phương chiến sĩ và Tủ sách Giáo xứ, giúp khoảng nửa triệu người dân, trẻ em nông thôn tiếp cận sách. Bộ GD& ĐT cũng đã có Công văn 6841 gửi các sở GD khuyến khích nhân rộng tủ sách đến các lớp học.
“Tôi muốn dùng sự tận tâm của mình để đánh thức người khác làm gì đó cho xã hội, chứ đừng ngồi yên một chỗ chỉ trích, chê bai mà không làm gì. Phải thực sự hành động mới thay đổi được nhận thức và khiến người khác làm theo...", anh Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.
Và ngày 1/9 vừa qua, anh Thạch đã đoạt giải King Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí. Với anh, đó là niềm vui, nhưng vẫn nặng những nỗi buồn, sự trăn trở vì chưa đạt được sự kỳ vọng.
“Đấy là sức nặng của gần 15 triệu học sinh nông thôn chưa có sách đọc. Tháng 4/2016 vừa rồi, tôi đi bộ từ Sài Gòn tới Cà Mau nhưng được vài chục cây số, vì bị đau chân nên phải dừng lại. Thời gian tới, nếu tốc độ “phủ hóa” sách chậm, tôi dự định sẽ đi xe lăn trên những nẻo đường Việt để vận động và thay đổi nhận thức xã hội”, anh chia sẻ.
Với anh Thạch, đó là điều luôn thôi thúc anh nỗ lực và kiên trì đến cùng, dù có khó khăn ra sao. Anh muốn kích thích tầng lớp trung lưu cấp tiến trong nước hành động, để thêm những người chủ động mang tủ sách về trường cũ của mình.
Chàng trai sinh năm 1975 nói tiếp: “Tôi muốn dùng sự tận tâm của mình để đánh thức người khác làm gì đó cho xã hội, chứ đừng ngồi yên một chỗ chỉ trích, chê bai mà không làm gì. Phải thực sự hành động mới thay đổi được nhận thức và khiến người khác làm theo. Giờ đây, đang có nhiều thay đổi tích cực, nên chúng ta hãy tin rằng vài năm nữa, xã hội sẽ phủ sách bởi hàng trăm nghìn thư viện”.
Anh Thạch cho biết, Sách hóa nông thôn tiếp tục nhân rộng tủ sách đến các lớp học mầm non thuộc huyện Thái Thụy, Thái Bình, để các bé được nghe sách từ thầy cô giáo. Đồng thời, anh cũng đưa ra mô hình ông bà, cha mẹ đọc sách cùng con cháu để làm hình mẫu cho cả nước.
“Tôi không chỉ mong trẻ em nông thôn được đọc sách như ở thành thị, mà còn có thể sánh ngang trẻ em Đức, Mỹ… Ở nước ngoài, người ta đọc sách cho con từ khi 1 tuổi. Mình phải thực hiện trong lòng nông thôn để họ tham gia giải quyết được vấn đề của họ, xây dựng được tương lai của con họ, chứ không thể gửi gắm tất cả vào trường học. Bởi lẽ giáo dục phải được thực hiện đồng bộ từ 3 phía: gia đình, nhà trường và xã hội”, anh khẳng định.
Không dừng lại ở Việt Nam, anh Thạch còn mong muốn mở rộng ý tưởng của mình sang những quốc gia khác như Ấn Độ, các nước châu Phi…để trẻ em nghèo trên toàn thế giới đều có sách để đọc.
Hoài Thư