Chàng trai đi phượt 41 tỉnh, thành trong một năm bằng xe máy
(Dân trí) - Đam mê du lịch "bụi", Nguyễn Quốc Huy cùng những người bạn của mình đã đi qua 41 tỉnh, thành trong một năm bằng xe phân khối lớn. Trong đó có những chuyến đi mệnh danh là "tour hành xác".
Làm thêm ngoài giờ để có tiền "xê dịch"
Đầu năm ngoái, anh Nguyễn Quốc Huy (Hà Nội) bắt đầu hành trình đi phượt bằng xe phân khối lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, chàng trai 27 tuổi đã đi qua 41 tỉnh, thành, bao gồm 23 tỉnh ở miền Bắc, 14 tỉnh miền Trung và 4 tỉnh miền Nam. Chuyến đi phượt xa nhất của anh là từ Hà Nội vào TPHCM trong 3 ngày 2 đêm diễn ra hồi tháng 2/2022.
Chàng trai Hà Nội từng làm nhân viên pha chế tại quán trà sữa, bán hàng, học nhạc trước khi đỗ vào Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội vào năm 2016. Năm 2020, anh tốt nghiệp ngành Thiết kế nội thất tại ngôi trường này.
Sau 2 năm có công việc kinh doanh ổn định, anh tự thưởng cho mình một chiếc xe phân khối lớn đã qua sử dụng, với giá 245 triệu đồng. Anh chi thêm 28 triệu đồng cho 2 bộ đồ bảo hộ để bắt đầu hành trình "xê dịch" khắp mọi miền Tổ quốc.
"Tôi đam mê xe phân khối lớn từ khi còn học phổ thông. Ngày đó tôi ao ước có một chiếc xe để cùng bạn bè thực hiện những chuyến đi dài. Một trong những mục tiêu đầu tiên của tôi khi ra trường là kiếm tiền và sắm cho mình một chiếc xe phân khối lớn, du lịch và tìm hiểu văn hóa các địa phương trên khắp dải đất hình chữ S", anh Huy cho biết.
Trước mỗi chuyến đi, anh Huy tranh thủ sắp xếp công việc tại cửa hàng, làm việc gấp đôi để bù vào những ngày du lịch. "Làm sao để khi bước lên xe là mình chỉ khám phá, không còn vướng bận gì về công việc", anh Huy nói.
Những vật dụng không thể thiếu cho mỗi chuyến du lịch "bụi" của anh Huy là bộ giáp, mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn; dụng cụ y tế, thuốc men cơ bản phòng các trường hợp tai nạn, ốm đau không may xảy ra; dụng cụ sửa xe, bơm lốp điện tử, bộ đàm…
Để có tiền phục vụ đam mê "xê dịch", anh làm thêm các công việc ngoài giờ như tổ chức tour cho các câu lạc bộ xe phân khối lớn, sắp xếp, tư vấn lịch trình đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi, tổ chức sự kiện cho khách du lịch.
Chi phí cho mỗi chuyến đi của anh Huy dao động từ 2-4 triệu đồng, bao gồm tiền xăng dầu, ăn uống, nghỉ ngơi. Chuyến phượt tốn của anh nhiều tiền nhất là đến biển Hải Tiến (Thanh Hóa). Lần đó, anh gặp một tai nạn, chiếc xe bị gãy bộ phận đổi số, phải thay mất 2,5 triệu đồng cộng thêm các chi phí đi lại tốn hơn 9 triệu đồng.
Theo anh Huy, cũng có những chuyến đi chỉ mất khoảng vài trăm nghìn, anh gọi là "phượt thanh cảnh". Chẳng hạn như lúc căng thẳng vì công việc, anh chạy xe lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để uống cà phê, ngắm thành phố từ trên cao rồi lại quay về Hà Nội.
Những chuyến đi mệnh danh là "tour hành xác"
Anh Huy cho biết, những chuyến du lịch của anh thường được mọi người gọi là "tour bạo lực" vì đi quãng đường dài trong một thời gian rất ngắn. Anh cùng bạn đường dành phần lớn thời gian trên xe để ngắm cảnh đẹp dọc các cung đường, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Một trong những "tour bạo lực" của anh là đi từ Hà Nội lên Sa Pa (Lào Cai) chỉ để ăn nồi lẩu thắng cố. Chàng trai cùng nhóm bạn xuất phát lúc 4 giờ sáng từ Hà Nội lên đèo Ô Quy Hồ (Sa Pa), ăn uống xong nghỉ ngơi trong chốc lát rồi lên xe về. Nhóm bạn có mặt tại Hà Nội vào 22 giờ cùng ngày, hành trình này dài hơn 750km.
"Phải là người có thể lực tốt, có bạn đường là những người giàu kinh nghiệm phượt thì mới nên thực hiện chuyến đi "hành xác" như vậy. Bạn nào chưa có nhiều trải nghiệm, không có người đi cùng hướng dẫn thì nên bắt đầu bằng những tour ngắn, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Điều quan trọng nữa là các bạn phải đảm bảo an toàn giao thông, đi đúng luật giao thông, tìm hiểu kỹ nơi mình sẽ đến và đoạn đường mình phải đi qua để dự tính được những khó khăn, thuận lợi trước mắt", anh Huy nói.
Anh Huy cho biết, trong nhóm đam mê du lịch "bụi" của anh đặt ra các quy định riêng đảm bảo mỗi cá nhân phượt có ý thức. Thành viên nào chạy xe cẩu thả, nguy hiểm hay có các hành vi phá hoại môi trường, cảnh quan nơi mình đến sẽ bị bài trừ.
"Nhóm xác định mục đích chính của các chuyến đi là trải nghiệm, khám phá chứ không đi theo phong trào, phá hoại môi trường. Muốn có những hành trình thú vị, hình ảnh đẹp thì chúng ta phải bảo vệ cảnh quan. Chúng tôi cũng lên kế hoạch đẩy mạnh các dự án từ thiện, trồng cây tại những nơi mình đi qua", anh Huy nói.
Theo anh Huy, không chỉ người có điều kiện kinh tế mà ai cũng có thể thực hiện đam mê "xê dịch". Du lịch "bụi" tốn nhiều hay ít tiền là do nhu cầu của mỗi người. Chi phí để thỏa mãn đam mê có nhiều mức độ, điều kiện đáp ứng được mức độ nào thì người đi sử dụng tới đó.
"Suy cho cùng cũng chỉ là mình và một chiếc xe máy. Những chi phí khác phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng chi trả của mình. Các bạn trẻ chưa khá giả thì có thể chọn chỗ ăn, chỗ ở bình dân, đi loại xe tốn ít nhiên liệu. Không nhất thiết phải là xe phân khối lớn mà xe máy bình thường cũng có thể phượt", anh Huy nói.