Chàng trai 9X “thổi hồn” cho những món ăn đẹp (P.2)

(Dân trí) - Bằng niềm đam mê, sáng tạo và khéo léo, Bùi Lý Tiến Nguyên (1990) đã trở thành food stylist (người tạo phong cách cho món ăn) trẻ của Việt Nam gặt hái được không ít thành tựu. <br><a href='http://dantri.com.vn/nhip-song-tre/thom-them-voi-nhung-mon-an-ngon-mat-p1-944293.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;“Thòm thèm” với những món ăn ngon mắt (P.1)</b></a>

Đến với nghề khá muộn (2012), nhưng chỉ một năm trở lại đây, Tiến Nguyên đã phụ trách “làm đẹp” cho hàng trăm sản phẩm quảng cáo trên truyền thông của các thương hiệu nổi tiếng trong nước về bánh, kem, fastfood, pizza, nước mắm…

 

Học ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính (trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) song Tiến Nguyên lại có niềm đam mê với hình ảnh đẹp của thực phẩm nên đã tự tìm hiểu thông tin trên mạng.

 

Không ngại thử và sai, Tiến Nguyên rút kinh nghiệm dần qua mỗi lần thất bại. Cùng lúc đó, anh học thêm kiến thức về nấu nướng, cách sơ chế, chế biến các loại nguyên liệu, bảo quản khi di chuyển xa, trong thời gian dài…và chăm chỉ xem quảng cáo.
 
Food stylist Bùi Lý Tiến Nguyên.
"Food stylist" Bùi Lý Tiến Nguyên.
 
Tiến Nguyên cho biết, food stylist là nghề dành cho ai đam mê sáng tạo với đồ ăn, không dừng lại ở việc chọn thực phẩm, sắp đặt mà còn là nghệ thuật của trình diễn và tạo kiểu để lên hình cho các sản phẩm in ấn, quảng cáo, TVC, menu nhà hàng...

 

Khác với đầu bếp nấu những món ngon và đẹp mắt, food stylist đòi hỏi tính sáng tạo, óc tổ chức và con mắt thẩm mĩ cao. Đó là sự kết hợp giữa cảm quan mắt nhìn và sự tỉ mỉ trong từng chi tiết, giúp món ăn khoe được nét đẹp tự nhiên của thực phẩm giúp người xem thích thú, thèm ăn.

 

Đồng thời người làm công việc này phải hiểu cách sắp xếp món ăn sao cho phù hợp với góc máy ảnh, camera, kéo dài thời gian tươi mới của thực phẩm và sử dụng đạo cụ trang trí thêm để tăng điểm nhấn cho bức hình.

 

Tiến Nguyên chia sẻ: “Khi làm việc dưới sức nóng của đèn studio, thực phẩm nhanh héo hơn so với bình thường, do đó đôi khi phải chuẩn bị một số lượng nguyên liệu lớn để thay thế. Ví dụ để làm một tô mì gói có khi phải tốn tới cả thùng hay cần rổ lớn rau củ chỉ để dự phòng cho một đĩa salad.

 

Một số thứ đơn giản như chén cơm trắng đôi khi phải xếp lại từng hạt cơm để chén cơm nhìn đầy đặn hạt cơm đều tơi xốp không bị vón hay dính lì vào nhau… Food stylist luôn phải rất chú ý từng chi tiết vô cùng nhỏ nhặt để có một hình ảnh hoàn hảo”.
 
Food stylist Bùi Lý Tiến Nguyên.
Các "food stylist" phải sắp xếp, tạo hình từ những đạo cụ phụ trợ như quả ớt, lát hành, rau thơm... để món ăn thật bắt mắt.

 

Hơn nữa, chuyên trách mảng quảng cáo, TVC, menu cho nhà hàng, anh phải đảm bảo các yêu cầu khắt khe, sự hoàn hảo của hình ảnh nên cần sự chuyên môn hóa cao và sử dụng thêm các thủ thuật “giả y như thật”. Ngoài ra, Tiến Nguyên luôn  cố gắng làm việc “ăn ý” với 3 bên còn lại trong một dự án: nhà sản xuất, nhiếp ảnh gia và khách hàng.

 

Trong quá trình làm, anh cũng thường gặp khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên liệu phải nhập khẩu cần thiết cho công việc, có thể vì giá quá cao, khó tìm ở Việt Nam như: bông lúa mì, đá giả, một số chất tạo hình… Hay nhiều lần anh rơi vào cảnh trong phòng chụp hình không có bếp nấu, tủ lạnh và điều hòa. “Con đường trở thành Food Stylist là thử thách, cần lòng kiên trì và và đam mê đủ lớn để vượt qua các khó khăn đó”.

 
 

Để có khả năng kiểm soát, luôn ở trạng thái sẵn sàng chấp nhận và giải quyết các sự cố, anh phải thường xuyên tự tìm hiểu, nâng cao kiến thức. “Mỗi người có cách nhìn nhận ẩm thực khác nhau và có ý tưởng riêng cho việc trình diễn chúng, đồng nghĩa với việc mình phải thay đổi nó, luôn trong tư thế cần phải chỉnh sửa, hoặc làm lại từ đầu để làm hài lòng khách hàng”, Tiến Nguyên nói.

 

Cũng như đa số Food Stylist khác ở Việt Nam – hoạt động freelance, anh cũng phải trang bị cho mình kiến thức kinh doanh: kỹ năng phát triển và giới thiệu bản thân tới khách hàng, biết cách tính toán chi phí hoạt động, lập lịch làm việc và giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại buổi làm việc…
 
Từ việc chuẩn bị...
Từ việc chuẩn bị...
 
Từ việc chuẩn bị...
...cho tới khi khuôn hình hoàn tất đòi hỏi sự khéo léo, óc sáng tạo và kiên nhẫn của "food stylist".

 

Theo Tiến Nguyên, làm xong món ăn, không đồng nghĩa với việc đã hoàn thành trách nhiệm và giao cho chụp ảnh mà trong quá trình ấy phải luôn đồng hành để giải quyết vấn đề dễ gặp phải: thực phẩm luôn có xu hướng khô héo, nhăn nheo, hoặc chảy lan, nghiêng ngả… theo thời gian, nhìn rất lộn xộn, kém ngon mắt.

 

Tiến Nguyên chia sẻ: “Công việc hiện tại mang lại cho mình nhiều niềm vui, thú vị hơn ngày còn học máy tính. Khi được làm thứ thực sự đam mê, khó khăn nhiều khi càng giúp cho mình nỗ lực được làm tốt hơn. Bên cạnh đó, mình có được những trải nghiệm mới với ẩm thực, có cơ hội tiếp xúc với nhiều món ăn và biết thêm bạn bè cùng sở thích.

 

Mình từng nghĩ cuộc sống nhân viên văn phòng sẽ “ổn” với bản thân vì tính cách khá trầm và nhát, trong khi đó, việc thay đổi thường xuyên, tiếp xúc với mọi người dễ khiến mình cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên hoá ra không phải, mình thích một công việc luôn mới mẻ, luôn thử thách nhưng khi làm lại đòi hỏi bình tĩnh, vui vẻ và chút trầm tính. Và food stylist đáp ứng được những điều đó”.
 
Từ việc chuẩn bị...

 

Sở hữu một bàn tay khéo léo với óc sáng tạo, lượng đơn hàng đều đặn trong một năm trở lại đây, anh đã có thu nhập tương đối ổn định. Tiến Nguyên cho biết, giá thường dao động ở mức vài ngàn USD cho cả ekip.

 

Mặc dù là một food stylist, nhưng anh không ngại thực hiện thêm nhiều việc không quá liên quan để mang lại kỹ năng cho mình: hỗ trợ tổ chức bữa tiệc từ thiện, tham gia viết bài cho tạp chí, fanpage, làm coppywriter cho sản phẩm thuộc chương trình truyền hình về ẩm thực.

 

Tiến Nguyên mơ ước mở một lớp về food stylist tại Việt Nam – nơi chia sẻ kiến thức về cách sắp đặt bài trí và chuẩn bị món ăn khi chụp hình, dành cho các bạn có chung đam mê. Hiện tại, anh đang dần “hiện thực hóa” điều đó bằng việc viết bài chia sẻ kiến thức cơ bản về nghề food stylist trên website cũng như fanpage riêng của mình.

 

Hoàng Dung