Chàng trai 8x sở hữu kho sách cũ, sách hiếm hơn 20.000 cuốn
(Dân trí) - Khát khao tri thức của một cậu học trò vùng quê đã trở thành động lực để anh Lê Văn Hợp sưu tầm sách trong gần 20 năm qua, để rồi lập được một kho sách hơn 20.000 cuốn.
Kho sách 20.000 cuốn
Trong thế giới công nghệ, khi mà địa vị của sách đang bị đe dọa bởi thông tin online, vẫn có một chàng trai trẻ gửi tình yêu vào sách. Đó là anh Lê Văn Hợp (sinh năm 1984), ngụ tại phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Anh đã dành hơn 19 năm sưu tầm sách và hiện đang sở hữu một trung tâm sách cũ "cỡ bự" với hơn 20.000 đầu sách.
Trung tâm sách này được những người thân quen gọi với cái tên Kho sách cũ Hà thành. Kho này quy tụ đủ loại đầu sách: từ điển, ngôn ngữ, sách khoa học thần bí, sách y học, sức khỏe, sách kinh tế, văn học… Nhiều tới mức những giá sách anh Hợp dựng nên đã không còn đủ chỗ. Có những cuốn sách anh phải đặt ở dưới cầu thang, ven lối đi…
Để mở kho sách này, anh Hợp đã trưng cầu ý kiến của các thành viên trong gia đình. Bởi sách chiếm dụng phần lớn không gian trong nhà, bố mẹ anh cũng phải thích nghi với không gian chật chội ấy. May mắn là anh được gia đình hiểu và ủng hộ cho đam mê của anh.
“Hồi học cấp 1, mình không được tiếp xúc với sách nhiều vì mình sống ở dưới quê (ngoài sách giáo khoa phục vụ học tập). Lên cấp 2 mình ra Hà Nội và có được những cuốn sách đầu tiên. Khoảng những năm 1998-1999 mình bắt đầu sưu tầm những cuốn sách mình thích.
Sau này mình có được một kho sách như các bạn thấy. Năm 2012, mình mới mở page “Sách cũ Hà Thành” để chia sẻ với mọi người những cuốn sách hay, những kỉ niệm với sách, tạo sân chơi cho những người yêu sách”, anh Hợp chia sẻ về đam mê sách của mình.
Khi còn bé, anh Hợp dành dụm tiền ăn sáng để mua sách. Lớn lên anh tự kiếm tiền mua sách. Có những quyển đã ố vàng, bụi bặm với giá hàng triệu đồng. Sau gần 20 năm tích lũy, chàng cựu sinh viên Bách khoa thu thập được hơn 15.000 cuốn sách. Có cuốn có tuổi đời trên 100 năm như “Lược sử vương quốc An Nam” xuất bản năm 1906 hay “Truyện Kiều” bằng tiếng Pháp cũng đã gần 90 năm. Có những tác phẩm kinh điển của thế giới như “Chiến tranh và hòa bình”, “Những người khốn khổ”, “Cuốn theo chiều gió”, “Ruồi trâu”… hay Tứ đại kỳ thư Trung Hoa như bộ “Tam quốc”, “Hồng lâu mộng”, “Tây du ký”… với nhiều phiên bản khác nhau cũng có thể tìm thấy được ở kho sách này.
Anh Hợp tâm sự : “Săn lùng sách giống như cái duyên, may rủi là chuyện thường. Có thể mất vài tháng, nhưng cũng có thể kéo dài đến cả năm mới tìm được cuốn sách mình cần”. Nhiều khi những cuốn sách Hợp tìm được thường bị sờn gáy, rách, mất bìa. Mỗi lần như vậy anh lại phục chế bằng cách đổ keo, đóng gáy hay thậm chí tìm bằng được bìa gốc trên mạng, đem đi scan lại để lưu trữ.
Giá trị của sách cũ
Kho sách của anh Hợp được xây dựng giống như một không gian sách cộng đồng, nơi mọi người có thể đến để thoải mái tìm đọc những cuốn mình yêu thích. Ông chủ tiệm 8x cũng bán sách cho những người có nhu cầu để mưu sinh. Tuy vậy, những cuốn sách hiếm anh vẫn giữ lại để đảm bảo sự phong phú của kho sách.
Là một độc giả quen thuộc của kho sách cũ này, ông Hoàng Hoa Cương (ở quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Đến cửa hàng sách này là một thói quen của tôi. Ở đây sách gì cũng có mà tôi bây giờ nghỉ hưu cũng không có thú vui gì hơn đọc sách. Trước đây những người buôn sách cũ cũng là những người chơi sách. Họ đọc và biết giá trị từng quyển. Bây giờ rất hiếm những chủ tiệm sách cũ, nhất là người trẻ như anh Hợp”.
Sách cũ có nhiều cái hay mà sách mới không có được. Mà cái hay ở đây thiên nhiều về cảm xúc, đó là cái mùi giấy cũ kỹ, lâu năm, đó là cảm giác được chạm tay lên những bìa sách đã sờn hay chiêm ngưỡng những bìa sách được vẽ tay rất... cũ.
Nhưng cái hay nhất, theo anh Hợp chia sẻ, đó là dấu ấn cá nhân của những người chủ trên mỗi cuốn sách. Mỗi cuốn sách ở đây, bạn có thể tình cờ bắt gặp những lời đề tặng, những dòng cảm nhận rất sâu sắc… mà anh cho rằng, đó là thứ “giá trị thân thương” mà sách mới ra lò ngoài thị trường không có.
Có những độc giả tha thiết tìm đến anh nhờ tìm giúp những cuốn sách mà họ đã đọc được từ lâu, như là tìm về mảnh ký ức ấu thơ. Suy ngẫm về công việc sưu tập sách, chàng trai sinh năm 1984 nói rằng anh cảm thấy mình đang gián tiếp “cứu” những cuốn sách cũ. Những cuốn sách cũ cũng có số phận của riêng nó, có thể bị cho đi, có thể “nằm chờ” trong những nhà máy nghiền để tái chế nhưng cũng có thể đến tay những người cần để được nâng niu, trân trọng.
Bởi vậy, ý muốn của anh là nhân rộng mô hình này và phát triển nó thành cafe sách, để người yêu sách có cơ hội được tìm đến, giao lưu, chia sẻ những đam mê đối với tri thức của mình. Anh Lê Văn Hợp chia sẻ: “Sau này mình muốn phát triển page Sách cũ Hà thành và phát triển mô hình kho sách cả trong Sài Gòn. Mình muốn sưu tầm nhiều sách đa dạng hơn”.
Mai Châm
Ảnh: NVCC