Chàng bình luận viên “phủi”

Mê nghề bình luận bóng đá đến nỗi, dành hẳn một năm để tập nói giọng Hà Nội chuẩn, nhiều lần lặn lội ra Thủ đô để thi tuyển làm bình luận viên bóng đá chuyên nghiệp, Nguyễn Thành Nhân (sinh năm 1988, cựu sinh viên Điện tử Viễn thông, trường ĐH Nguyễn Tất Thành) được giới sinh viên tham gia các giải “phủi”(bóng đá phong trào tại TP. HCM) biết đến với cái tên: BLV Bạch Long.

Chứng minh nhân dân của Long rất đặc biệt, khi ghi cả hai tên: “Nguyễn Thành Nhân, tức Bạch Long”. Anh cho biết: “Mình người Quảng Trị, gốc ở Huế. Khi lớn lên, mình được phụ huynh đổi tên cải họ nên chứng minh nhân dân mới có hai tên như thế. Gọi mình là Nguyễn Thành Nhân hay Bạch Long đều được”.


Bạch Long (thứ hai, từ phải sang) đang bình luận một trận bóng ở sân Celadon City, Q. Tân Phú, TP. HCM.

Bạch Long (thứ hai, từ phải sang) đang bình luận một trận bóng ở sân Celadon City, Q. Tân Phú, TP. HCM.

Bình luận viên bóng đá: Mê lắm !

Đam mê làm bình luận viên bóng đá của Long có từ nhỏ. Khi xem các trận đấu bóng đá, Long không chỉ mê từng đường bóng mà còn hết sức thích thú với công việc của bình luận viên.

Long nói: “Thần tượng của mình là BLV Quang Huy. Mình muốn sau này lớn được làm bình luận viên trên truyền hình cả nước. Nhưng mình làm bình luận viên thế nào được, khi giọng khó nghe, chỉ cần đi ra khỏi vùng miền của mình mà nói thì đã chẳng mấy ai hiểu được?”.

Lúc còn là học sinh, Long bỏ ra một năm tự tập nói giọng Hà Nội chuẩn. Cách học là xem tivi, đọc sách báo. Sau một năm học “giọng”, Long dành thêm một năm tìm hiểu nghề bình luận viên bóng đá truyền hình. “Bình luận viên chuyên nghiệp có những kỹ năng nghề nhất định. Một số tình huống bóng cần phải nói thế nào, mình đều học theo và thực hành bằng cách vừa chơi game bóng đá vừa bình luận”, Long cho biết.

Năm 2006, VTV3 tổ chức cuộc thi tìm kiếm bình luận viên bóng đá. Dù hôm sau phải đi thi tốt nghiệp nhưng anh chàng vẫn thuyết phục được gia đình, rồi tự mình ra Hà Nội thi tuyển bình luận viên. Long nhớ lại: “Đợt đó, mình thi chung với các bạn hiện tại có tên tuổi như Tạ Biên Cương, Việt Khuê, Tiểu Huyền… Khi đó, mình còn nhỏ quá nên xác định thi để trải nghiệm. Mọi người nhận xét giọng mình vẫn không chuẩn”.

Sau cuộc thi, Long tức tốc trở về Quảng Trị thi tốt nghiệp, rồi theo học Điện tử Viễn thông tại TP. HCM. Nhưng ước mơ trở thành bình luận viên bóng đá vẫn nguyên vẹn. Năm 2012, tốt nghiệp và trở về Quảng Trị tìm việc, Long tiếp tục “Bắc tiến”, khi đăng ký tham gia cuộc thi Người truyền lửa, một chương trình truyền hình thực tế của K+, với hy vọng lọt vào được Top 10 để được đào tạo thành bình luận viên bóng đá chuyên nghiệp nhưng rốt cuộc, anh chỉ lọt vào Top 25.

Sau cuộc thi này, năm 2014, Long lại tham gia Người truyền lửa khu vực TP.HCM và lọt vào vòng Chung kết toàn quốc, ở Hà Nội. Nhưng một lần nữa, anh lại bị loại. Long kể: “Nhà báo Hà Quang Minh khuyên mình nên khai thác thế mạnh bình luận bóng đá phong trào. Mình suy nghĩ lại, thật nghiêm túc”.

Sống với đam mê

Hiện nay, số lượng bình luận viên các giải bóng đá phong trào tại TP. HCM đếm trên đầu ngón tay, chỉ có 3 người tạo được tên tuổi ở các giải đấu. Cơ duyên làm bình luận viên bóng đá phong trào đến với Long năm 2012.

Quay lại TP. HCM tìm việc đúng chuyên ngành Điện tử Viễn Thông, chưa tìm được việc thì anh biết được thông tin một giải bóng đang tuyển bình luận viên cho giải đấu kéo dài cả năm. Long đăng ký ứng tuyển và được nhận. Bước ngoặt với nghề bình luận viên các giải “phủi” bắt đầu.

Long kể: “Năm 2012, mình chưa có tên tuổi, bình luận một trận được trả 50.000 đồng. Đến nay, một trận phong trào mình được trả 200.000 đồng. Giải lớn, ban tổ chức có thể trả 1 – 1,5 triệu đồng/ngày.

Giải kinh phí ít, họ chỉ thuê bình luận viên trận khai mạc và chung kết. Nhưng các giải có tài trợ, mình bình luận ít nhất 2 trận/buổi và bình luận suốt các vòng đấu. Nhu cầu bình luận viên tại TP. HCM hiện nay rất lớn. Trong một giải đấu, có khi chi phí thuê bình luận viên còn cao hơn cả giải thưởng cho đội bóng vô địch”.

Hiện nay, thu nhập của Long từ nghề bình luận viên là trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Cũng nhờ đam mê này, Long có được một công việc chính thức là biên tập viên bóng đá ở một trang web thể thao.

Long chia sẻ: “Mình độc thân, thu nhập từ hai công việc có thể sống tốt. Nhưng quan trọng là mình được làm công việc yêu thích, được sống trong không khí bóng đá. Tuy nhiên, làm công việc này, nếu có bạn gái thì cũng hơi khó. Mình toàn đi làm vào những giờ mà các cặp tình nhân dành để hẹn hò”.

Long tâm sự: “Đam mê bình luận bóng đá lại mang đến cho mình những cơ hội nghề nghiệp bất ngờ. Mình vẫn chưa thể trở thành một bình luận viên bóng đá chuyên nghiệp như ước mơ thuở nhỏ nhưng biết đam mê, biết trải nghiệm và nhận đúng khả năng của mình, cuộc sống sẽ luôn mở ra những cơ hội và “bố trí” công việc hợp lý cho mình”.

Bình luận viên bóng đá “phủi” có đặc thù rất riêng. Nếu như bình luận viên chuyên nghiệp ngồi trước màn hình thì những bình luận viên “phủi” như Long phải ngồi ngoài đường biên, cầm micro nói trực tiếp. Công việc nhạy cảm vì bình luận viên và trọng tài là hai đối tượng rất dễ bị phản ứng, thậm chí, bị hành hung.

Long cho biết: “Mình phải biết tiết chế trong bình luận. Khi một cầu thủ sút dở, không thể chê phũ phàng mà phải động viên họ làm tốt hơn lần sau. Bình luận viên không nên gây ức chế cho cầu thủ. Trong một buổi bình luận, ngoài truyền cảm hứng cho cầu thủ, mình còn phải làm cho khán giả tập trung vào trận đấu”.

 

Theo Xuân Huy

Sinh viên Việt Nam