8X Việt lên báo Mỹ nhờ mô hình “độc” kết nối cộng đồng nhập cư

(Dân trí) - Trang tin uy tín của Mỹ, Bloomberg từng giới thiệu một tiện ích mới mẻ, hữu ích dành cho người nhập cư khắp thế giới đến nước Mỹ - Greenhandshake. “Cha đẻ” của mô hình này là Sơn Nguyễn - một chàng trai Việt.

Ý tưởng khởi nghiệp ra đời từ bế tắc bản thân

Tốt nghiệp cử nhân Kỹ sư máy tính tại trường Đại học Công nghệ Quốc gia Nga, Nguyễn Hoàng Sơn qua Mỹ học tiếp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh chuyên sâu về Quản lý công nghệ thông tin và Kinh tế thế giới tại trường Đại học California Lutheran năm 2009.

Ra trường, Sơn từng tham gia phát triển một sản phẩm công nghệ với trường Đại học Harvard và làm qua một số ngành nghề như xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và tài chính trước khi khởi nghiệp với Greenhandshake.

Ý tưởng sáng lập Greenhandshake - mạng lưới kết nối cộng đồng kiều bào Mỹ với người sắp nhập cư vào Mỹ hình thành khi anh chàng quyết định ở lại Mỹ làm việc và phải đối mặt với vô vàn rào cản về giấy tờ, thiếu thông tin.


Sơn Nguyễn – “cha đẻ” của sản phẩm công nghệ độc đáo, mới mẻ dành riêng cho đối tượng cộng đồng người nhập cư vào Mỹ.

Sơn Nguyễn – “cha đẻ” của sản phẩm công nghệ độc đáo, mới mẻ dành riêng cho đối tượng cộng đồng người nhập cư vào Mỹ.

Là một du học sinh nên nguồn thông tin gần nhất cũng đến từ chính những bạn bè xung quanh, nhưng lúc này Sơn nhận ra là mọi người đều gần giống mình và chỉ có thể cố gắng chia sẻ những kinh nghiệm có phần vụn vặt của bản thân.

“Khi bạn phải bắt đầu hòa nhập với một cuộc sống hoàn toàn mới, vùng đất mới và ngôn ngữ mới… thì mọi thứ dù nhỏ nhặt nhất nhiều lúc cũng trở thành sự khó khăn. Thiếu thông tin là điều nguy hiểm nhất. Khi ấy mình băn khoăn là có cách nào tìm được một người đã từng đi chính con đường giống mình có thể chia sẻ những kinh nghiệm, thủ tục… không?”, Sơn kể.

Lúc đó, chàng trai Việt liền nghĩ tới một dịch vụ nào đó trả tiền để được tư vấn “đường đi nước bước” vì dài hạn sẽ tiết kiệm rất nhiều cả thời gian và tiền bạc nhưng tìm mãi cũng không thấy dịch vụ nào thỏa mãn nhu cầu đó.

Vậy là, Sơn lao vào thực hiện ước mơ gây dựng một sản phẩm của người Việt trở thành công cụ hữu hiệu cho cộng đồng người nhập cư tại Mỹ từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Năm 2014, Sơn đầu tư 50.000 USD để xây dựng Greenhandshake theo mô hình kinh tế chia sẻ. Khác với các kênh tư vấn truyền thống, mô hình này này đóng vai trò trung gian phân loại và kết nối người mới đến với đồng hương tại Mỹ.

8X Việt lên báo Mỹ nhờ mô hình “độc” kết nối cộng đồng nhập cư - 2

Ngoài tư vấn đa dạng nhiều chủ đề qua internet, cộng đồng nhập cư còn có dịp tiếp xúc trực tiếp với nhau qua công việc đời thực như đưa đón, hướng dẫn viên du lịch, trợ giảng… Những người nhập cư có thể được giúp đỡ từ những việc đơn giản nhất như đưa đón tại sân bay, cách lấy bằng lái xe, cách đăng ký học, tư vấn du học cho đến những vấn đề về thủ tục giấy tờ di trú tại Hoa Kỳ.

Mới hoạt động gần 1 năm nhưng Greenhandshake hiện đã tập hợp được hơn 1.000 thành viên phủ khắp 50 bang, kể cả những nơi xa lục địa Mỹ như Hawaii và Alaska. Dù chưa hề quảng bá ra ngoài nước Mỹ, nhưng tháng nào mô hình này cũng xuất hiện trên 10 yêu cầu cần giúp đỡ từ dân mới nhập cư và du học sinh ngoài Mỹ.

Mô hình sẽ “chết” nếu thiếu sự sẻ chia

Vì là mô hình hoàn toàn mới nên khi gây dựng Greenhandshake, Sơn phải bắt đầu từ con số 0. Có nhiều tháng Sơn trăn trở vì những thuật toán như người đăng việc rồi kết nối họ lại rồi quản lý ra sao, họ trả tiền bằng cách nào hay quản lý người tham gia như thế nào vừa thoải mái mà đảm bảo tính an toàn? Có những lúc website tưởng như hoàn thiện thì cuối cùng lại có “lỗi” trong một bước nào đó và phải sửa lại từ đầu.

Một khó khăn lớn khác là vốn. Anh chàng lần mò đi hỏi những công ty của Mỹ thì chi phí thực hiện quá cao; các công ty Việt Nam thì ít chịu làm những dự án kiểu này vì sợ rủi ro cao.

Greenhandshake được đánh giá cao vì hàng năm ở Mỹ có hàng ngàn ý tưởng mới ra đời phục vụ đời sống mọi người nhưng chưa có một sản phẩm công nghệ nào dành riêng cho đối tượng cộng đồng người nhập cư, dù rằng người nhập cư cũng chính là người Mỹ và họ là những đối tượng nhạy cảm, cần sự giúp đỡ nhất.

Yếu tố làm nên sức lan tỏa của mạng lưới này là sự chia sẻ của những người giúp đỡ và cần được giúp đỡ. Mặt khác, Greenhandshake bù đắp lại những khiếm khuyết của mô hình phi lợi nhuận.


Bài viết trên Bloomberg về mô hình Greenhandshake mà Sơn thực hiện.

Bài viết trên Bloomberg về mô hình Greenhandshake mà Sơn thực hiện.

Sơn lấy ví dụ, “chẳng hạn, mình rất muốn đặt vấn đề như có thể đón mình ở sân bay hay chỉ dẫn mình cách thuê nhà ngay khi sang Mỹ nhưng bình thường, động đến vấn đề tiền bạc thì cả 2 đều rất e dè trong chuyện này.

Bên cần giúp thì khá ngại khi đề nghị bằng tiền và xen lẫn tình cảm nên không biết ra giá bao nhiêu là đủ, còn bên muốn giúp thì thực sự không biết thông tin xác thực đến đâu. Họ cũng chưa biết mình là ai? Thế nào? Nên nếu có một bên trung gian đứng giữa sẽ xử lý được vấn đề này”.

Lý giải về cái tên Green Handshake, chàng trai Việt cho biết: “Green” nghĩa là màu xanh là biểu tượng của sự trẻ trung và hy vọng. Hơn nữa nếu là người nhập cư tại Mỹ thì không ai không biết Green Card (thẻ xanh) như là một biểu tượng của sự tự do; còn “Handshake” là cái bắt tay.

“Mình chọn từ Handshake nghĩa là cái bắt tay. Từ xưa đến này bắt tay trong cả văn hóa phương Đông và phương Tây là một biểu tượng của sự hợp tác. Và mình nghĩ nó phù hợp với tiêu chí của Greenhandshake là đánh giá cao sự hợp tác, chia sẻ.Thiếu tiền không giết chết mô hình này. Nhưng mô hình này sẽ chết nếu thiếu cái tâm giúp nhau của cộng đồng những người nhập cư”, 8X Việt khẳng định.

Nói về câu chuyện khởi nghiệp bước đầu thành công ở đất Mỹ, Sơn chia sẻ: “Nhiều người nói tôi không đủ tiền hay đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Nhưng mình thấy đó là do người đó thiếu khát vọng. Nếu chúng ta thực sự yêu thích hay đam mê thì những rào cản đó không phải không xóa bỏ được.

Không phải khởi nghiệp là đeo đuổi ngay lập tức cái dự án đó khi mình chưa đủ vốn và kinh nghiệm mà là trăn trở tìm ra cái khả thi nhất trong hoàn cảnh đó và tìm mọi cách để đưa nó trở thành hiện thực”.

Lệ Thu

(Ảnh NVCC)