Cha tìm được con gái bị thất lạc xứ người nhờ... thơ

Sức khỏe yếu, gia cảnh lại quá khó khăn, không cho phép ông Nức rong ruổi trên đường. Trong một đêm mất ngủ, vùi mình trong nhớ, thương, đau khổ, ông nảy ra ý định tìm con bằng thơ.

Cha tìm được con gái bị thất lạc xứ người nhờ... thơ - 1

Hiền (áo vàng) trong ngày đoàn tụ với đại gia đình. 


Với động lực đặc biệt ấy, ông Nức, nguyên bảo vệ ở UBND thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã sáng tác hơn 400 bài thơ. "Hồi đó, chuyện lừa người ra nước ngoài bán chưa phổ biến như bây giờ nên khi con gái biệt tích, tôi cứ đinh ninh là nó đi lạc. Cũng vì thế mà tôi mới có ý định viết thơ đăng báo, mong con lạc ở đâu đọc được, tìm về với gia đình”, ông Nguyễn Văn Nức tâm sự.

 

Sinh ra ở huyện Ứng Hòa, Hà Tây, ông Nức từng là sĩ quan quân đội rồi chuyển về nhà máy Z191 công tác sau khi bị ảnh hưởng do sức ép của bom trong một trận đánh ở thành cổ Quảng Trị. Vốn yêu văn thơ, những ngày trong quân ngũ, ông làm vài bài, được đăng trên tuần báo văn nghệ. Khi xuất ngũ, ông tạm gác văn thơ để lo cuộc sống gia đình.

 

Ngày 14/9/1995, ông Nức từ quê ra cơ quan cũ ở thị trấn Cầu Diễn, lĩnh lương hưu. Khi quay về, nghe vợ hỏi: “Con Hiền cũng ra Cầu Diễn tìm ông, sao hai bố con không về cùng nhau?”, ông đoán con bị lạc nên vội vàng trở lại đơn vị cũ, nhưng không thấy Nguyễn Thị Hiền, người con thứ tư của ông. Những ngày sau, ông và gia đình tìm kiếm khắp nơi trong vô vọng. Ông đau đớn và day dứt khi biết Hiền đi tìm bố vì khoản tiền xây dựng đầu năm học.

 

Theo lời ông Nức, ngày đó Hiền đang học lớp 11 còn em trai mới vào lớp 10 nên cùng một lúc gia đình không thể lo đủ tiền cho hai chị em. Biết bố ra Hà Nội lĩnh lương hưu, Hiền xin được đóng sau nhưng thầy giáo không nghe, bắt em phải về lấy tiền nộp mới cho học. Vì đã vài lần được bố dẫn tới cơ quan chơi nên cô bé quyết định ra Hà Nội tìm bố, không ngờ chuyến đi ấy làm thay đổi số phận cô gái.
 
Cha tìm được con gái bị thất lạc xứ người nhờ... thơ - 2

Ông Nức giở bài thơ được đăng trên tuyển tập Hương đất Việt

 

Không thấy con, ông Nức quyết định làm thơ, đăng báo với mong muốn con gái ở đâu, đọc được tìm về với gia đình. Những bài thơ chứa chan nỗi nhớ nhung của người cha nối nhau ra đời; nhiều bài được đăng lên báo nhưng con ông vẫn bặt tin. 13 năm sau, cứ tưởng không còn hy vọng, Hiền đột ngột trở về.

 

Hiền kể, sau khi theo chân mấy người làng ra Hà Nội, tới Cầu Giấy, cô quả quyết biết đường về chỗ bố nên họ chia tay từ đấy. Hiền xuống xe đi bộ về Cầu Diễn còn những người kia đi tiếp lên Yên Bái.

 

Một phụ nữ bụng chửa vượt mặt, từ trong ngõ chạy ra, ấn vào tay Hiền đứa trẻ đang gào khóc, nhờ dỗ hộ. Cô bé không nề hà, dừng lại chơi với đứa trẻ. Một lát sau, cậu bé lim dim ngủ, Hiền trả lại cho mẹ nó và được chị ta trả ơn bằng cốc nước cam. Ngần ngại, Hiền không nhận thì người phụ nữ giục: “Uống nhanh rồi về kẻo cha mẹ mong”. Hiền bạo dạn. Cô uống cạn cốc nước và mụ mị từ đó.

 

Choàng tỉnh sau giấc ngủ dài, Hiền thấy xung quanh nhốn nháo toàn người lạ. Một người đàn ông khoảng 40 tuổi cầm con dao rựa, dắt Hiền ra phía ngoài, khua tay ra hiệu điều gì đó rồi chém phập một nhát vào bậu cửa như muốn bảo nếu cô bước ra khỏi chỗ đó sẽ chặt chân. Từ hôm đó, cô trở thành đàn bà, lần lượt sinh cho người đàn ông này ba đứa con. Để hòa nhập, Hiền học nói theo tiếng của nhà chồng, sau này mới biết nơi mình đang sống ở một vùng rừng núi thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

 

Thấy Hiền ngoan ngoãn, không có ý định bỏ trốn, gia đình chồng xin cho cô vào làm công nhân một nhà máy may, cách nhà 600 km, ba đứa con ở nhà với bố. Một ngày nọ, cô ghé vào gánh hàng trứng vịt lộn rong của một phụ nữ người Việt, vô tình đọc được bài thơ của bố. Nỗi nhớ nhà ùa đến, cô dành dụm tiền, tìm cách liên lạc về quê rồi xin phép gia đình chồng đưa hai con về nước thăm cha mẹ.

 

Giơ tấm ảnh ba mẹ con Hiền chụp chung với đại gia đình, ông Nức hoan hỉ: “Nó ở nhà được 10 ngày thì dẫn con quay lại Trung Quốc vì hết phép, thi thoảng có gọi điện về thăm nhà”. Nói đến chuyện làm thơ, ông cho biết, ba năm sau kể từ ngày lạc mất con, ông chuyển cả gia đình ra Hà Nội để “có làm thơ còn dễ gửi đăng báo”…

 

Theo Thu Trinh

Báo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm