Con gái bị lừa bán, cha “học tiếng” để tìm con
Sáng 22/8/2007, Thảo, con gái út ông Thắng, khi đó đang học lớp 10, xin phép bố đi sinh nhật bạn rồi biệt tích từ đó. Vậy là, cũng bắt đầu từ những khó nhọc, người cha hết lòng vì con này đã “xuất cảnh” để tìm con nơi xứ người…
Giở cuốn sổ tay, ông Thắng chỉ những địa danh đã đi qua...
Đến chợ Nhật Tân, hỏi người bố đi học tiếng Trung để tìm con, bà hàng nước cạnh cổng chợ chỉ ngay sang bên đường, nơi có một chiếc ô cũ kỹ dựng trước con ngõ nhỏ. “Nhà Thắng đấy, nó lại vừa đi Trung Quốc về. Nghe đâu có hai gia đình đến mượn đi tìm con”.
Một chiếc bàn quây bằng vài tấm gỗ tạp, bên trên có vài chai nước ngọt, mấy chiếc cốc thủy tinh đã lên màu thời gian và một tích trà nóng, xung quanh lỏng chỏng mấy cái ghế nhựa chẳng cái nào lành lặn, là gia tài để ông Thắng mưu sinh, nuôi sống cả gia đình. Thấy tôi tò mò về việc sang Trung Quốc tìm con, ông bảo: “trường kỳ lắm cô ơi, đi hơn 10 chuyến mới gặp được con. Cũng may là chỉ hơn một năm tìm kiếm, tiêu tốn hơn trăm triệu, tôi đã tìm được con, không thì…”. Trả lời câu nói nửa chừng của ông Thắng là một căn nhà không có gì trống rỗng hơn bởi tất cả tài sản đã “đội nón” ra đi cùng với những chuyến tìm con của người bố.
Về “hưu non” từ năm 1990, vợ chồng ông Thắng bươn chải đủ các nghề, kiếm tiền nuôi ba con ăn học. Nhà gần chợ hoa Nhật Tân, sáng sáng chị vợ gánh hàng hoa đi bán rong còn anh Thắng miệt mài với quán nước chè nhỏ, nhặt nhạnh từng hào lẻ. Cuộc sống cứ giản dị trôi qua cho đến sáng 22/8/2007, Thảo, con gái út ông Thắng, khi đó đang học lớp 10, xin phép bố đi sinh nhật bạn rồi biệt tích từ đó.
Cả ngày hôm đó, không thấy con về, ông Thắng tất tả ngược xuôi khắp nơi tìm con nhưng không thấy. Ông sang cả bến xe Gia Lâm, sục sạo vào từng xe khách tìm con, nhưng vẫn biệt tăm. Một tháng liền, ông đóng giả là khách làng chơi, tìm đến các quán “đèn mờ” ở các tỉnh lân cận nhưng cuộc tìm kiếm của ông vẫn không kết quả. Linh cảm con gái bị lừa bán sang Trung Quốc, ông quyết định làm hộ chiếu, ra nước ngoài tìm con.
Chuyến đầu tiên, ông Thắng lên Lạng Sơn, qua bạn bè làm ăn buôn bán ở đây, thuê một người TQ, dẫn đường sang Trung Quốc. Người này dẫn ông đến đồn Công an Bằng Tường trình báo rồi đưa đi một số nhà hàng có gái mại dâm để tìm. Đi đến đâu, ông cẩn thận đánh dấu vào tấm bản đồ mang theo để khỏi quên. Sau một tuần gần như lục tung các khu phố “đèn đỏ”, không tìm được con, ông đành quay về.
Đầu tháng 3/2008, gom được ít tiền, ông Thắng lại sang Trung Quốc nhưng vì người dẫn đường lần trước bận việc nên ông phải đi một mình. Để giúp ông Thắng, người đàn ông này viết cho mấy câu giao tiếp thông dụng, khoanh vùng những khu vực hay có gái mại dâm người Việt.
Như người mù đi giữa phố đông, gặp ai, ông Thắng cũng giơ cuốn sổ viết sẵn mấy câu tiếng Trung và tấm ảnh của con gái song chỉ nhận được những cái lắc đầu. Hơn một tuần trời lùng sục khắp các thị trấn Ninh Minh, Sùng Trổ, Long Châu, Giang Châu, Đại Tân của tỉnh Quảng Tây, không thấy, ông Thắng lầm lũi quay về. Một ý nghĩ chợt lóe lên, ông quyết định: “Phải đi học tiếng Trung, mới có cơ hội tìm thấy con”.
Vậy là tuần ba buổi, ông đạp xe sang ĐH sư phạm, tham gia lớp học tiếng Trung buổi tối. Nhờ sự giúp đỡ của cô giáo dạy tiếng, ông tích cóp được vốn từ kha khá, đủ để giao tiếp. Vay mượn bạn bè ít tiền, ông tiếp tục hành trình tìm con. Lần này ông quyết định ra Móng Cái sang Quảng Tây. Qua những câu chuyện với dân buôn bán người Việt Nam, ông hiểu rằng gái Việt sang bán dâm đa số ở các thị trấn, vùng miền núi chứ không “lọt” được vào những khu đô thị, thành phố. Sau khi đánh dấu đỏ vào những thị trấn gần khu vực cửa khẩu, ông Thắng tiếp tục hành trình tìm con.
Gần 100 triệu đồng “tan” theo những lần ông đi Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang, để sang Trung Quốc tìm con nhưng cô bé vẫn “bóng chim, tăm cá”.
Cuối năm 2008, ông quay lại Lạng Sơn , đúng lúc Công an Trung Quốc tổ chức đợt quét vét các tụ điểm mại dâm. Biết tin, ông đến Công an Bằng Tường tìm kiếm sự may rủi và bất ngờ tìm được con trong số những cô gái đó.
Sau lần tìm được con, ông đã mấy lần sang Trung Quốc tìm con hộ hai gia đình ở Bắc Ninh, Nam Định nhưng do chuyến đi ngắn nên chưa thành công. Ông bảo từ giờ đến cuối năm sẽ lên Lạng Sơn chuyến nữa, cảm ơn những người bạn đã giúp đỡ ông những ngày lưu lạc ở đây. Nhờ họ mà ông thông thạo nhiều điều không có trong sách vở nơi xứ người. Nói đến đây, ông Thắng xua nỗi buồn, cười lạc quan: "Giờ tôi có thể làm hướng dẫn viên du lịch được rồi"...
Theo Thu Trinh
Báo Đất Việt
(Còn nữa)