"Búp bê vàng" thể dục xa con 4 tháng vì dịch Covid-19
(Dân trí) - Đã gần 4 tháng, Ngân Thương và các đồng đội, cán bộ, vận động viên của Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia không được về nhà vì cách ly chống dịch.
Từng được mệnh danh là "búp bê vàng" thể dục dụng cụ với những thành tích đáng nể trên cả đấu trường quốc tế và trong nước, Đỗ Thị Ngân Thương hiện nay đang là Huấn luyện viên trưởng trẻ đội tuyển nữ thể dục dụng cụ Quốc gia.
Chuyển sang công tác huấn luyện, cũng là thời điểm lập gia đình, sinh con, cựu vận động viên trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ việc tuyển quân, đi công tác, tu nghiệp huấn luyện nước ngoài, dẫn đội tuyển đi thi đấu... tới câu chuyện xa nhà, xa con thời gian dài vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo Ngân Thương, ngay từ đầu tháng 5, Trung tâm huấn luyện đã thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện cấm trại trước lệnh giãn cách xã hội của thành phố. Vận động viên, huấn luyện viên đang tập luyện, nghỉ lễ, thăm gia đình ở nhiều địa điểm khác nhau ngoài Trung tâm cũng đã được nhanh chóng gọi về, nội bất xuất, ngoại bất nhập, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm nguồn dịch vào "nơi ăn chốn ở" của các vận động viên và huấn luyện viên.
Đỗ Thị Ngân Thương (sinh năm 1989), vận động viên thể dục dụng cụ của Việt Nam.
Tính đến thời điểm hết năm 2011, cô đã đoạt được 7 huy chương vàng SEA Games dưới màu áo tuyển Việt Nam tại các hạng mục của môn thể dục dụng cụ, và từng được đặc cách đại diện khu vực Đông Nam Á tham dự Thế vận hội mùa hè 2008 tổ chức tại Bắc Kinh và sau đó là Olympic 2012.
Do khuôn mặt bầu bĩnh và vóc dáng nhỏ nhắn, cô từng được giới truyền thông mệnh danh là cô gái búp bê hoặc "búp bê vàng" của thể thao Việt Nam.
Ngân Thương chia sẻ: "Do tình hình dịch bệnh nên Trung tâm có sắp xếp lịch trình phun khử khuẩn toàn bộ không gian, có chai rửa tay diệt khuẩn ở cổng ra vào các phòng tập luyện, và tất cả mọi người đều phải khai báo y tế rõ ràng. Về vấn đề ăn uống của các vận động viên đã có nhà ăn phụ trách đầy đủ về chất lượng và bảo đảm an toàn sự sạch sẽ, tuyệt đối không để vận động viên bị ngộ độc thức ăn. Cùng với đó, ban huấn luyện thường xuyên nhắc nhở vận động viên uống nhiều nước, bổ sung vitamin, thuốc bổ dinh dưỡng… được cấp phát theo đúng tiêu chuẩn, quy định về chế độ dinh dưỡng".
Đã gần 4 tháng ở lại Trung tâm, Ngân Thương cho biết dù có nhớ gia đình, nhớ con nhỏ, nhưng tất cả phải gạt sang một bên để thực hiện nhiệm vụ. "Ngay khi Ban lãnh đạo Trung tâm ra quyết định, mình cùng nhiều thầy cô, cán bộ, công nhân viên ở đây đã nhanh chóng thu xếp tư trang, động viên người thân rồi quay trở lại Trung tâm.
Đối với những vận động viên, huấn luyện viên như mình, các đợt "cấm trại" không quá lạ lẫm, mình đã làm quen với việc xa gia đình từ khi còn bé. Lần này thì khác một chút là mình phải xa con lâu hơn và chưa biết ngày nào sẽ được về nhà.
Bé ở nhà với ông bà chăm, trộm vía được mọi người yêu thương nên bé vẫn khỏe mạnh, tăng cân đều và không khóc đòi mẹ. Mỗi ngày mình đều gọi điện về hỏi thăm, tâm sự với bố mẹ, ông xã và bé con, nỗi nhớ vì thế cũng nguôi ngoai phần nào.
Rất "thèm" hơi con nhưng thấy các y, bác sĩ và tuyến đầu còn vất vả hơn mình gấp trăm, nghìn lần nên tự nhắc nhở bản thân phải bình tĩnh, kìm tâm sự riêng và ý thức hơn nữa. Đây là khó khăn chung của cả nước, chứ không của riêng ai" - nữ Huấn luyện viên cho biết.
Hàng ngày, công việc của đội tuyển bắt đầu từ sáng sớm với các bài tập khởi động, luyện kĩ thuật, tập động tác... đến 6 giờ chiều mới kết thúc. Ngoài khung giờ huấn luyện chính và trò chuyện cùng gia đình, Ngân Thương cùng các HLV cùng nhau tập bơi, tập chơi bi-a, bóng bàn để giải trí, tâm sự, nói chuyện với các vận động viên nhỏ tuổi và dành thời gian cho sở thích hội họa.
"Cô gái vàng" thể dục cũng chia sẻ thêm các học trò của mình ở đội tuyển trẻ đều đã theo tập từ khi còn bé, khoảng 5-6 tuổi nên cô trò cũng đã đủ hiểu nhau, yêu thương và thông cảm cho những đặc thù của nghiệp thể thao. Trong thời điểm giãn cách, nhiều thời gian trống, cô trò sẽ cùng nhau bày ra những trò chơi dân gian tập thể như ném lon, trốn tìm quanh trung tâm... Đây cũng là cơ hội để Ngân Thương được trải nghiệm cảm giác tuổi thơ mộc mạc, vô tư một lần nữa.
Thời gian qua, Ngân Thương cùng các đồng đội, các học trò của mình có thêm một hoạt động thú vị, là dõi theo các đồng đội đang thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Cô cho biết bản thân rất hồi hộp, thấy tự hào các vận động viên của Việt Nam đã thi đấu rất quyết tâm dù trong người đều có chấn thương.
"Là người đã có vinh dự tranh tài tại 2 kì thế vận hội, mình hiểu rất rõ tâm trạng, tinh thần của các đồng đội mình. Mỗi vận động viên đã đi đến sân chơi lớn nhất thế giới đó và khoác lên mình màu cờ sắc áo dân tộc thì đều mong muốn thể hiện được hết khả năng của mình, họ đã quá tuyệt vời rồi. Hy vọng những bé học trò của mình cũng sẽ có được cơ hội cao quý như vậy trong tương lai".
Năm 2021, nhiều giải đấu trong nước đã bị hủy bỏ vì ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng Ngân Thương và các học trò, đồng đội của mình vẫn duy trì việc tập luyện theo hệ thống chương trình đã được sắp xếp sẵn.
Là một cô "búp bê" mạnh mẽ, kiên cường, Ngân Thương luôn giữ được tinh thần lạc quan, ý chí vững vàng, bởi "khóc, hay stress, áp lực cũng không giúp giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch, không giúp mình được về nhà sớm hơn".
Cô tin tưởng rằng sau một thời gian, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì các giải đấu sẽ tiếp tục được tổ chức trở lại, cũng như nhịp sống của tất cả mọi người sẽ quay lại trạng thái bình thường mới. Khi đó, các vận động viên, huấn luyện viên và những người đang công tác tại Trung tâm sẽ được đoàn tụ cùng gia đình nhỏ của mình.