Bỏ phố về quê, đôi bạn trẻ trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả cao

(Dân trí) - Bỏ việc ở phố thị với mức lương hấp dẫn, đôi bạn Huỳnh Tiến Sĩ (SN 1983, quê Đà Nẵng) và Hồ Công Thái (SN 1981, quê Quảng Nam) đã cùng nhau về quê trồng rau sạch cho thu nhập cao.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn rau thủy canh của mình, anh Huỳnh Tiến Sĩ chỉ vào những cây rau cải xanh mướt và nói: “Xuất phát từ nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng, chúng tôi mạnh dạn tìm tòi và học hỏi trồng rau thủy canh.

Mặc dù chi phí đầu tư đầu vào khá cao nhưng bù lại tuổi thọ của công trình lâu dài (lên đến 15-20 năm), chủ động được nguồn nước tưới, phân bón…, hơn hết là mình được sống với đam mê làm nông nghiệp sạch, tự làm chủ công việc của bản thân…”.

Mô hình rau thủy canh hồi lưu của hai anh Hồ Công Thái và Huỳnh Tiến Sĩ đã bước đầu mang lại hiệu quả và được thị trường đón nhận
Mô hình rau thủy canh hồi lưu của hai anh Hồ Công Thái và Huỳnh Tiến Sĩ đã bước đầu mang lại hiệu quả và được thị trường đón nhận

Mô hình này được đôi bạn xây dựng vào cuối tháng 4/2017 trên diện tích 2.000m² với kinh phí hơn 800 triệu đồng được đặt tại thôn 2 Thái Sơn (xã Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam). Các giá đỡ trồng cây được đặt hàng sản xuất đảm bảo chất lượng với phương pháp thủy canh hồi lưu.

Giá đỡ trồng cây được đặt cách mặt đất 120cm nên luôn chủ động vào mùa mưa lũ, phía trên là hệ thống phun sương luôn giữ ẩm cho rau vào mùa nắng nóng.

Do đó, anh Sĩ có thể chủ động được các yếu tố môi trường và có thể trồng nhiều loại rau có giá trị dinh dưỡng như xà lách mỡ, xà lách tím, xà lách roman… Những loại rau này trồng theo phương pháp truyền thống rất khó và cho năng suất thấp.

Với dòng sản phẩm trồng theo phương pháp sạch, an toàn đã chinh phục được những “khách hàng khó tính” tại thị trường Đà Nẵng, Hội An để có đầu ra ổn định
Với dòng sản phẩm trồng theo phương pháp sạch, an toàn đã chinh phục được những “khách hàng khó tính” tại thị trường Đà Nẵng, Hội An để có đầu ra ổn định

Theo anh Hồ Công Thái, trồng rau thủy canh phải chú trọng khâu chọn giống. Anh đã đặt mua hạt giống F1 có nguồn gốc Hà Lan với tỉ lệ nảy mầm cao trên 95% chống lại sâu bệnh và thích nghi tốt với môi trường.

Xung quanh vườn thủy canh được bao bọc bằng lưới ngăn côn trùng nên hạn chế sâu bệnh, côn trùng gây hại. Trong trồng rau, anh chỉ sử dụng chế phẩm sinh học.

Hiện thị trường rất yêu chuộng sản phẩm sạch, an toàn nên trồng đến đâu bán hết đến đó
Hiện thị trường rất yêu chuộng sản phẩm sạch, an toàn nên trồng đến đâu bán hết đến đó

“Ưu điểm của trồng rau thủy canh hồi lưu là sử dụng bơm tuần hoàn hai chiều nên có thể điều khiển tự động bơm dinh dưỡng cho cây khi có nhu cầu. Phần dinh dưỡng dư sẽ được hoàn lại về thùng chứa, chính vì thế sẽ tiết kiệm được nước và năng lượng điện sử dụng.

Giảm chi phí lao động do không phải làm một số khâu như làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới tạo ra sản phẩm rau an toàn đối với người sử dụng. Trồng được rau trái vụ do chủ động được yếu tố môi trường…”, anh Thái cho biết.

Mỗi đợt rau có thời gian khoảng 45 ngày. Để tiết kiệm thời gian, hai anh đã ươm trước đó rồi mới đưa lên giá thì chỉ mất 25 ngày là có thể thu hoạch.

Anh Hồ Công Thái cho biết, mỗi mét vuông sản xuất theo phương pháp thủy canh sẽ cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với phương pháp sản xuất rau truyền thống.

Với sự đầu tư và tính toán bài bản, anh đã cung cấp rau sạch đến những “khách hàng khó tính” tại Đà Nẵng, Hội An như các siêu thị cung cấp thực phẩm an toàn, quầy giới thiệu thực phẩm sạch, khách sạn 4-5 sao… với mức giá từ 55-70 ngàn/kg tùy từng loại rau.

Hiện hai anh đang định mở rộng mô hình, đồng thời phổ biến kiến thức cho người dân để cùng làm theo và sẽ bao tiêu sản phẩm cho ai có nhu cầu
Hiện hai anh đang định mở rộng mô hình, đồng thời phổ biến kiến thức cho người dân để cùng làm theo và sẽ bao tiêu sản phẩm cho ai có nhu cầu

“Hiện chúng tôi đang có ý định mở rộng thêm nơi sản xuất rau để cung ứng thị trường vì nhu cầu rau sạch, an toàn rất lớn. Nhưng cái khó là vốn đầu tư, nên hy vọng sẽ được các cấp ngành quan tâm tạo điều kiện để chúng tôi phát triển thêm.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đề cấp đến các cấp, nếu người dân nào có nhu cầu trồng rau thủy canh chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bao tiêu đầu ra để mọi người cùng phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương”, anh Hồ Công Thái chia sẻ thêm.

Mô hình rau thủy canh hồi lưu

Ông Lê Đức Chơi (Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn) cho biết: “Hiện mô hình trồng rau sạch, an toàn dù bỏ ra công sức lớn nhưng nguồn thu lại khá cao, được thị trường ưa chuộng và tin tưởng.

Thị xã Điện Bàn cũng đang cố gắng phát triển nông nghiệp đô thị, hướng tới sản phẩm rau sạch-an toàn nên chúng tôi rất quan tâm đến mô hình phát triển của anh Thái. Tôi đề nghị anh Thái nên có một bản đề án hoàn chỉnh để chúng tôi trình phòng Kinh tế - hạ tầng xem xét, quan tâm trình các cấp.

Chúng tôi sẽ cố gắng quan tâm, tạo điều kiện để mô hình này mở rộng hơn nữa và nhân rộng thêm nhiều nơi ở thị xã Điện Bàn”.

N.Linh