Bí thư chi Đoàn thu nhập 300 triệu/năm từ nấm
Nhờ những sáng tạo trong việc trồng nấm và mộc nhĩ, cơ sở sản xuất của anh thu lãi hơn 300 triệu đồng/ năm, đồng thời cũng tạo ra việc làm thêm tăng thu nhập cho trên 30 lao động.
Không chỉ năng động trong công tác đoàn, An Nguyễn Đức Tình – bí thư chi đoàn 8, Phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên còn giỏi làm kinh tế. Nhờ những sáng tạo trong việc trồng nấm và mộc nhĩ, cơ sở sản xuất của anh thu lãi hơn 300 triệu đồng/ năm, đồng thời cũng tạo ra việc làm thêm tăng thu nhập cho trên 30 lao động.
“Biến” nấm thành rau sạch
Mới 27 tuổi nhưng anh Tình đã có 4 năm trên cương vị Bí thư chi đoàn và 5 năm kinh nghiệm phát triển mô hình trồng nấm sò và mộc nhĩ sạch. Anh tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi có đi học nghề như bạn bè nhưng thấy học xong mình cũng chỉ là người đi làm thuê tối mặt tối mũi với đồng lương không cao. Tôi muốn tự mình lựa chọn hướng đi mới không giống những người khác để có thể làm giàu. Sau khi tìm hiểu, học hỏi từ mọi nơi, tôi đã quyết định trồng nấm”.
Năm 2010, anh Tình nung nấu ý tưởng làm giàu bằng nấm, muốn biến nấm thành một loại rau sạch được bày bán thông dụng trên thị trường. Anh cất công lặn lội đến các cơ sở nấm tại thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội). Anh xin vào học trồng nấm và bắt tay làm vào việc để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức từ thực tế khi trồng nấm.
Ròng rã hơn 2 tháng nghiêm túc tìm hiểu về quy trình trồng và sản xuất nấm, anh Tình trở về quê, tận dụng hơn 1000m2 nhà xưởng làm đồ hộp của gia đình để phát triển cơ sở sản xuất nấm và mộc nhĩ. Với số vốn ít ỏi do người thân hỗ trợ, anh đã thử nghiệm trồng hơn 1000 bịch nấm sò và mộc nhĩ.
Bằng những sáng tạo của riêng mình, anh Tình đã phát triển mô hình trồng nấm và mộc nhĩ ngoài trời. Đặc biệt, anh biết cách tận dụng nguồn nguyên liệu ngay tại địa phương để trồng nấm sò cho hiệu quả cao.
Anh cho biết: “Sau mỗi mùa gặt lúa, người dân quê tôi thường chất rơm thành từng đống đốt làm khói ngút trời, thậm chí rơm bị vứt ra đường vừa làm mất mỹ quan của phố lại có thể dẫn đến các tai nạn giao thông. Bởi vậy tôi đã nghĩ đến việc tận dụng nguyên liệu thừa này. Tôi đi thu lượm rơm của bà con rồi mang về dự trữ để dự trữ trồng nấm sò”.
Trồng mộc nhĩ chủ yếu bằng mùn cưa nên anh tìm đến các xưởng làm mộc lớn tại Bắc Ninh, Bắc Giang để thu mua mùn cưa đem về xử lý và đóng gói rồi đưa ra nơi nuôi trồng. Anh Tình cho hay: “Trong quá trình thu hoạch, tôi lấy cả rễ mộc nhĩ để mộc nhĩ không bị mốc trong quá trình phơi khô. Mộc nhĩ khi được phơi tự nhiên vừa giữ được màu sắc và đảm bảo chất lượng ngon, sạch vừa bớt được nhiều chi phí hơn nếu phải đưa vào lò sấy”.
Anh Tình đã kết hợp thí nghiệm trồng nấm sò bằng rơm kết hợp với lượng mùn thải ra từ việc trồng mộc nhĩ cho hiệu quả cao
Qua nuôi trồng, anh Tình đã thử làm thí nghiệm để trồng nấm sò bằng rơm kết hợp với lượng mùn thải ra từ trồng mộc nhĩ. “Kết quả bất ngờ là khi trồng nấm sò bằng phương pháp này còn cho ra năng suất cao hơn và giảm được thời gian cũng như chi phí chuẩn bị nguyên liệu nuôi trồng”, anh Tình cho biết.
Thu lãi 300 triệu đồng mỗi năm
Dẫn khách đi tham quan cơ sở trồng nấm, anh Tình vui vẻ cho hay, việc trồng nấm sò, mộc nhĩ mang lại hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật trồng lại không hề khó như mọi người suy nghĩ, vốn đầu tư ít và cũng không mất quá nhiều thời gian chăm sóc.
“Tôi nhận thấy đây là một sản phẩm rau sạch, giá cả ổn định, không lo mất mùa, thị trường tiêu thụ khá tốt, đặc biệt vào dịp Tết còn cháy hàng. Với thành công bước đầu từ mô hình trồng nấm khép kín lớn nhất của Hưng Yên, sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm cơ sở sản xuất và nhân rộng hơn cho bà con địa phương phát triển mô hình kinh tế hiệu quả này”, anh chia sẻ.
Sau hơn 5 năm gắn bó với nghề trồng nấm, đến nay, cơ sở sản xuất của anh Tình có diện tích xưởng 4000m2 và khoảng 8000m2 nuôi trồng. Mỗi vụ anh trồng được hơn 2 vạn bịch nấm các loại trong đó nhiều nhất là nấm sò và mộc nhĩ, cho thu sản lượng là gần 2 tạ nấm.
Giá bán buôn các loại nấm như: mộc nhĩ 140 ngàn đồng/kg, nấm sò 35 ngàn đồng/kg, nấm linh chi 600 ngàn đồng/kg, nấm mỡ 45 ngàn đồng/ kg. Sau khi trừ đi mọi chi phí, anh Tình thu lãi đến hơn 300 triệu đồng từ nấm.
Không chỉ trồng nấm để bán ra ngoài thị trường, anh Tình còn cấy giống các loại nấm để bán sang các tỉnh lân cận và bán cho những đoàn viên trong tỉnh có ý định phát triển mô hình nấm làm giàu.
Anh Tình chia sẻ: “Việc trồng nấm không hề khó, người dân có thể tận dụng các khoảng trống ở ruộng vườn là có thể nuôi trồng nấm. Cơ sở sẽ giúp bà con ươm sẵn nấm trong các bịch, hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và cách phòng chống sâu bệnh cho nấm đạt hiệu quả cao. Sản phẩm sau đó sẽ được giúp tiêu thụ ra thị trường”.
Cơ sở sản xuất của anh Tình hiện tại còn tạo việc làm cho trên 30 lao động với mức lương trung bình 3 – 4 triệu đồng/tháng. Vào mùa thu hoạch nấm, số lao động còn lên đến hơn 50 người.
Ngoài việc sáng tạo làm giàu, anh Nguyễn Đức Tình còn là một cán bộ đoàn năng nổ và nhiệt tình. Anh sắp xếp thời gian vừa tăng gia sản xuất vừa tham gia đóng góp hết mình cho việc tổ chức các phong trào tại địa phương và của Thành đoàn Hưng Yên.
Năm 2013, anh Tình vinh dự được nhận Bằng khen của Tỉnh đoàn về “mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu”, bằng khen của Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cụm đồng bằng sông Hồng.
Theo Hồng Vũ
Dân Việt