Bí quyết nào giúp nhóm SV Thái Nguyên giành giải Nhất “Ý tưởng khởi nghiệp”?
(Dân trí) - Nhóm sinh viên chủ nhân dự án "Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước” - giải nhất “Start-up Student Ideas” giải quyết mâu thuẫn bằng cách cùng nhau ngồi lại, phân tích điều đúng điều sai và bỏ đi “cái tôi cá nhân” hướng tới mục tiêu chung.
"Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước và tự động thu thập dữ liệu về chỉ số nước tiêu thụ cho các nhà máy nước tại Việt Nam" của nhóm sinh viên Đại học CNTT&TT Thái Nguyên giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên “Start-up Student Ideas” năm 2016 ngày 18/3 vừa qua.
Đây là dự án khởi nghiệp nhằm tự động hóa việc thu thập chỉ số nước sinh hoạt và chất lượng nguồn nước cho nhà máy nước tại Việt Nam, đồng thời đánh giá các chỉ số chất lượng nước sạch trong thực tế sử dụng của người dân.
Điểm mới của sản phẩm giám sát chất lượng nguồn nước so với những dự án cùng đề tài và những sản phẩm đo lường chất lượng đã có mặt trên thị trường trong nước là: “Xây dựng hệ thống toàn diện từ thiết bị phần cứng tới hệ thống website phần mềm và tự động hóa hoàn toàn”, nhóm tác giả chia sẻ.
Đối tượng khách hàng của dự án tập trung vào các nhà máy nước và các hộ dân tiêu thụ nước. Theo đó, giá thành dự kiến của sản phẩm phần cứng trong giải pháp này tùy thuộc vào giá cả linh kiện trên thị trường. Do đang trong thời gian thử nghiệm nên các bạn trẻ chưa thể đưa ra mức giá chính xác cho sản phẩm.
Nhóm khởi nghiệp sinh viên đến từ Thái Nguyên nhận được giải thưởng 50 triệu tiền mặt và số tiền đầu tư cho dự án có thể lên tới 500 triệu đồng từ cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên. Chia sẻ về giải thương, trưởng nhóm Dương Quang Đạt cho hay: “Nhóm rất bất ngờ và vui khi giành được giải Nhất cuộc thi. Đây là sự nỗ lực của 3 thành viên trong suốt hơn 1 năm làm dự án. Chúng em hi vọng sẽ khởi nghiệp thành công, đưa ý tưởng và sản phẩm của mình vào thực tiễn”.
Nhóm khởi nghiệp gồm 3 thành viên, mỗi người có nhiệm vụ cụ thể: Dương Quang Đạt (trưởng nhóm): lập trình- thiết kế mạch điện, truyền thông cho dự án, thuyết trình; Trương Phương Nam: lập trình - thiết kế mạch điện, thiết kế hình dáng cho sản phẩm; Nguyễn Đức Tú: lập trình server, tìm hiểu nghiên cứu thị trường.
Các thành viên trong nhóm khởi nghiệp này đều đang là sinh viên, người trẻ nhất mới học năm thứ 2 đại học. Nam và Đạt học cùng lớp nên sớm có cơ hội giao lưu, chia sẻ đam mê sáng tạo. Hai bạn cùng nhau phát triển các dự án khởi nghiệp từ năm 3 đại học. Sau đó, Nam và Đạt gặp Tú trong một dự án chuyển giao khoa học công nghệ của trường (ICTU). Các bạn trẻ nhanh chóng trở thành “tri kỷ” và cùng nhau lập nhóm khởi nghiệp này.
Giữa ba bạn trẻ Đạt, Nam và Tú có một điểm chung là tinh thần máu lửa YOLO (you only live one) nên không chấp nhận dừng lại khi chưa đi đến đích. Đó cũng chính là bí quyết thành công của nhóm.
Nhóm bắt đầu nhen nhóm ý tưởng "Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước” từ cuối năm 2015 và bắt đầu thực hiện từ năm 2016. Đến nay, khi dự án của nhóm giành được giải nhất, các bạn vẫn rất khiêm tốn cho rằng nhóm còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện sản phẩm đưa vào thị trường.
Nhóm trưởng Dương Quang Đạt chia sẻ: “Chúng em đều là sinh viên nên phải cân đối thời gian học trên giảng đường với thời gian tiến hành dự án, lại hạn hẹp về kinh phí do hỏng hóc vi mạch khi thử nghiệm nên gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều lần cả nhóm phải góp 2/3 tiền ăn hàng tháng để mua linh kiện điện tử và phí duy trì server, phí duy trì các module truyền thông...”.
Một năm làm việc cùng nhau trong nội bộ nhóm cũng đã có những lúc xảy ra mâu thuẫn do quá trình thử nghiệm vấp phải nhiều lần thất bại. Tuy vậy, khi xảy ra mâu thuẫn, các thành viên trong nhóm luôn cùng nhau giải quyết bằng cách ngồi lại và phân tích điều đúng điều sai và bỏ đi “cái tôi cá nhân” hướng tới mục tiêu chung.
Quang Đạt nói: “Nhiều lúc chúng em cũng thực sự khó khăn tưởng chừng như phải dừng lại tuy nhiên anh em trong nhóm luôn luôn động viên nhau giúp đỡ nhau trong công việc và được sự động viên của gia đình, bạn bè, thầy cô nên nhóm lại vững bước trên con đường phát triển sự nghiệp.
Bên cạnh đó, chúng em cũng được bạn bè thân thiết trong và ngoài trường - những người trẻ có cùng đam mê khởi nghiệp hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện. Đó cũng là một nguồn động lực không nhỏ”.
Trong khi các bạn trẻ miệt mài nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm từ phần cứng cho tới phần mềm, TS. Vũ Chiến Thắng - trưởng bộ môn Công nghệ điện tử truyền thông trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên là người luôn luôn theo sát và cố vấn về kỹ thuật cho nhóm từ những ngày đầu hình thành ý tưởng. Thầy giáo đã giúp đỡ cho các bạn trẻ rất nhiều và còn động viên tinh thần cho cả nhóm trong những thời điểm khó khăn nhất.
Quang Đạt cho rằng, khởi nghiệp đang là xu hướng của thời đại. Ở trường của các bạn, có hàng chục, hàng trăm nhóm khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí là được đào tạo về công nghệ thông tin nhưng các bạn lại muốn làm nông nghiệp thông minh, thiết bị tự động hóa trong gia đình…. Nhiều nhóm đã có những dự án đem đi dự thi và thành công bước đầu trong việc đưa sản phẩm từ dự án đi đến thực tế.
Mai Châm