Bị "ném đá" trên mạng xã hội, làm thế nào để ứng phó?

(Dân trí) - Vừa qua, các bạn học sinh, sinh viên Hà Nội đã có cơ hội lắng nghe những người trẻ tài năng chia sẻ về kĩ năng ứng phó với các “cơn bão” dư luận trên mạng xã hội trong chương trình "Tôi là ai khi online".

Buổi chia sẻ đặt ra vấn đề hiện nay nhiều người trẻ dùng mạng xã hội thường bị cuốn vào những cuộc tranh cãi nảy lửa “lâu đến hồi kết”. Điều này xuất phát từ việc bản thân người dùng tạo ra các chủ đề để tranh luận, hoặc vô tình bị cuốn vào vòng xoáy dư luận những vấn đề “nóng” xung quanh.

Theo Lê Nguyễn Nhật Linh (nhà văn và làm về thương hiệu khách hàng), việc chia sẻ, bày tỏ quan điểm, tư tưởng của mình về các vấn đề xã hội, là một nhu cầu của mỗi người, nên rất khó để kiềm chế hay kiểm soát.

“Trên mạng xã hội, có nhiều luồng gió khác nhau, đôi khi chúng ta không thể biết được hướng gió sẽ đi đến đâu. Nhiều khi chúng ta chỉ muốn chia sẻ thông tin hữu ích, hoặc vô tư trình bày quan điểm về vấn đề gì đó, nhưng lại có nhiều luồng phản hồi trái chiều, chứa cả tích cực và tiêu cực.

Cho nên, trước khi đặt tay gõ bàn phím, bạn phải đặt ra cho mình câu hỏi: Có cần thiết phải đi vào tâm bão không? Vì chắc chắn, nếu rơi vào vòng xoáy của tranh cãi, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều hệ quả, như sự tổn thương, bực bội, mệt mỏi. Nếu chúng ta không có bản lĩnh hoặc khả năng đi ra thì ngay từ đầu không nên đi vào”, Nhật Linh chia sẻ.


Các khách mời chia sẻ cách ứng phó khi cá nhân lỡ trở thành tâm điểm của ném đá hội đồng.

Các khách mời chia sẻ cách ứng phó khi cá nhân lỡ trở thành tâm điểm của "ném đá hội đồng".

Với Nguyễn Thành Long (Giám đốc trường học về Marketing online), mỗi người dùng mạng xã hội đều phải học cách chấp nhận trong cuộc sống của mình, luôn có người thích, người ghét, luôn có những phản hồi tích cực hoặc tiêu cực.

“Ở trên mạng, vì đối phương không nhìn thấy mặt chúng ta, nên dễ buông lời cay nghiệt. Để hạn chế mức thấp nhất sự tổn thương, chúng ta hãy tảng lờ những phản ứng tiêu cực, không cần để tâm vào nó”, anh Thành Long đưa ra lời khuyên.

Anh Long cho rằng, rất nhiều bạn luôn cảm thấy nặng nề vì bị người khác hiểu nhầm, phải phân trần, thanh minh, nên những cuộc tranh cãi cứ kéo dài, kéo dài – là việc không cần thiết và lãng phí nhiều thời gian: “Nếu không thích đọc, hoặc không có khả năng đối mặt với nó, bạn hãy cứ xóa bình luận, thậm chí block (chặn) tài khoản đối phương luôn”.

Đôi khi vì thiếu cẩn trọng, chưa rõ thực hư câu chuyện, nhiều người vô tình “ném đá hội đồng”, a dua theo số đông chỉ trích đối tượng hoặc vấn đề tiêu điểm. Điều này được thể hiện rất rõ trong một vụ việc mới xảy ra gần đây khi nữ sinh xinh đẹp trường ĐH Kinh tế Quốc dân bị “cộng đồng mạng” nhầm lẫn thành má mì đường dây bán dâm.

Chưa tìm hiểu thực hư câu chuyện, nhiều bạn trẻ đã nhanh chóng chia sẻ, lan truyền thông tin này, hoặc bình luận câu chuyện với những lời lẽ không hay về phẩm chất cô gái.

Vì vậy, để trở thành công dân mạng có ý thức, không gây ra những cuộc tranh cãi, những cơn “bão” không cần thiết trên mạng, Võ Thành Vin (quản trị viên phát triển thị trường quốc tế của một công ty lớn tại Việt Nam) luôn tách bạch hai quan điểm: một là ý kiến, hai là con người.

“Nhiều khi chúng ta đánh đồng cả hai trong phản biện. Chúng ta tranh luận trên ý kiến đó chứ không phán xét con người đó, không công kích cá nhân.

Ai cũng có quyền nói ra chia sẻ của mình, suy nghĩ không có đúng hay sai, chỉ có ý kiến đó là đúng hay sai, phù hợp hoặc không phù hợp. Trước khi đưa ra quan điểm, mỗi người cần tìm hiểu cụ thể, sâu sắc vấn đề.

Và khi tranh luận, chúng ta cũng phải có những lập luận logic, bằng chứng dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng, chứ không phát biểu một cách cảm tính”, anh Vin đánh giá.


Anh Võ Thành Vin đang chia sẻ về một công dân mạng có ý thức.

Anh Võ Thành Vin đang chia sẻ về một công dân mạng "có ý thức".

Chị Vũ Lan Hương (Cán bộ truyền thông tại Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cũng cho rằng, facebook là nơi duy nhất mọi người được phép quay mặt vào tường và nói chuyện.

Hiện nay, chuyện gì cũng bị nhiều bạn trẻ “tung hê” lên mạng xã hội, nên vòng xoáy của dư luận đi quá xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng được. Đó là lý do các cuộc chiến dư luận trên mạng xã hội luôn để lại nhiều hệ quả đau đớn.

Lan Hương khuyên các bạn trẻ rằng: “Khi sắp sửa viết điều gì, chúng ta nên suy nghĩ xem có sẵn sàng nói điều ấy trước 100 người không? Nếu không sẵn sàng nói điều ấy trước 100 người, thì chúng ta đừng viết trên mạng xã hội, vì không phải 100 người, mà 100 triệu người đọc được bạn”.

Làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân “đủ mạnh”?

Cũng trong buổi hội thảo Tôi là ai khi online, các bạn trẻ còn được tiếp cận với khái niệm thương hiệu cá nhân và cách thức gây dựng một hình ảnh tốt trên mạng xã hội, từ đó tạo sự ảnh hưởng tới cộng đồng hoặc tận dụng các cơ hội từ nhà tuyển dụng.

Trần Thị Thùy Trang (một trong tám người được diện kiến Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (năm 2012, tham gia Hội nghị doanh nhân trẻ toàn cầu 2014) cho biết: “Thương hiệu cá nhân không hẳn là tất cả suy nghĩ của mọi người về bạn, mà đôi khi là sự định hình về hình ảnh của bạn trong một cộng đồng nhất định đã gây được tầm ảnh hưởng.

Những gì người khác nghĩ về bạn có giống những gì bạn nghĩ về bản thân hay không, cũng là cơ sở quyết định bạn có xây dựng được thương hiệu cá nhân tốt hay không”.

Theo anh Võ Thành Vin việc tạo dựng thương hiệu cá nhân tốt là vô cùng quan trọng. “Hiện tại, các nhà tuyển dụng thường truy cập vào các tài khoản mạng xã hội của bạn như facebook, twitter, hoặc linkedin…để tìm hiểu về con người bạn trên đó.

Giờ đây người ta quan tâm về trí tuệ cảm xúc hơn là chỉ số thông minh thông thường. Nếu bạn gây dựng hình ảnh không đẹp, thì sẽ khó để có các cơ hội trải nghiệm và làm việc”.

Để xây dựng được thương hiệu cá nhân, ban đầu mỗi người phải hiểu mình, xác định mục đích và đối tượng. Sau khi hiểu bản thân và tìm thấy mục tiêu, người trẻ cần quan tâm tới cách thức truyền thông điệp của mình tới đối tượng.

Nhật Linh khuyến khích người trẻ quan sát, tìm hiểu, học hỏi phương pháp truyền tải thông điệp của những người đã thành công để tìm thấy cách thức phù hợp nhất cho bản thân.

“Có thể 5 bài đầu tiên viết không ai quan tâm, nhưng cứ kiên trì, với thời gian cố định, nhất quán, thì dần dần những thông điệp đó sẽ ngấm.

Một giọt nước không thể làm nên biển cả nhưng chúng ta tát từng xô một thì sẽ khiến trong trí nhớ của người khác dần khắc sâu hình ảnh của bạn trong lĩnh vực đang theo đuổi”, Linh khẳng định.

Hoài Thư