Bé gái thực hiện lời hứa cắt phăng mái tóc như suối mây vì lý do đặc biệt
(Dân trí) - Trước khi quyết định cắt đi mái tóc dài nuôi suốt 12 năm, Antonella Bordon đã trăn trở nhiều đêm.
Sẵn sàng đổi mái tóc dài để được đi học
Với cô bé 12 tuổi Antonella Bordon (Argentina), việc lần đầu tiên phải cắt mái tóc mình nâng niu có ý nghĩa lớn lao hơn chứ không đơn thuần chỉ là một sự thay đổi phong cách.
Trong suốt thời thơ ấu, mái tóc mềm mượt tựa suối mây của Bordon chảy dài từ vai cho đến bắp chân. Mẹ và chị gái thường giúp cô bé chải và dưỡng tóc hằng ngày bằng tinh dầu hương thảo. Đồng thời, vào mùa hè nóng nực ở Argentina, họ giúp Bordon tạo kiểu tóc phù hợp nhất.
"Đêm đầu tiên sau khi cắt tóc, em cảm thấy như mình thiếu một thứ gì đó, hay gần như đã đánh mất thứ gì đó quý giá", Bordon tâm sự.
Mặc dù em hiểu, mái tóc là một nét đặc trưng riêng biệt của mình, nhưng những gì xảy ra trong 2 năm qua giúp Bordon biết được điều gì thực sự quan trọng với mình.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, trường học buộc phải đóng cửa, cô bé có cảm giác mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires. Bordon tỏ ra đã quá nhàm chán với lịch trình hằng ngày: học online trên Zoom qua chiếc điện thoại di động của mẹ. Cô bé ước ao một ngày mọi thứ sẽ trở lại quỹ đạo như bình thường. Bordon tự hứa rằng: Khi được trở lại trường học, cô sẽ cắt phăng mái tóc dài chấm gót này.
Irina Werning, nhiếp ảnh gia đến từ Buenos Aires (Argentina) cũng từng có mái tóc rất dài khi còn nhỏ. Cô chỉ nhận thấy phong cách này là đặc trưng của trẻ em Mỹ Latinh sau khi sinh sống ở nước ngoài nhiều năm. Cô nói: "Đôi khi chúng ta phải rời khỏi thì mới hiểu được đất nước của mình".
Werning đã thực hiện một bộ phim tài liệu về các cô gái tóc dài đến từ Argentina trong suốt 15 năm. Cô cũng tìm hiểu lý do tại sao hầu hết phụ nữ và trẻ em ở đây để tóc dài, điều hiếm thấy ở phương Tây. Sau đó, cô hiểu rằng, mái tóc của các cô gái được mẹ chăm chút, nâng niu. Hơn nữa, mái tóc còn là một biểu trưng thiêng liêng, thể hiện bản thân của mỗi người.
"Truyền thống và các giá trị văn hóa thường dựa trên lịch sử truyền miệng - từ thế hệ này qua thế hệ khác, đôi khi không cần phải giải thích nhiều. Ở Argentina, mẹ chăm sóc mái tóc dài cho con gái đã trở thành một nét văn hóa", Werning giải thích.
Cô bắt đầu chụp ảnh mái tóc dài của Bordon cách đây 3 năm và tiếp tục theo đuổi công việc này sau khi đại dịch ập đến đất nước này. Những khoảnh khắc không chỉ đơn thuần là nói đến mái tóc, mà hơn hết, còn kể về trải nghiệm của Bordon - một cô gái trẻ phải đối mặt với những đợt phong tỏa vì dịch bệnh thời gian dài nhất thế giới.
"Em luôn nghĩ nếu cắt tóc sẽ là đánh mất thứ gì đó. Nhưng khi trường học buộc phải đóng cửa thì em cũng có cảm giác mất mát như vậy", Bordon nói.
Werning bắt đầu dự án với "nhân vật chính" là mái tóc. Thế nhưng, khi nghe Bordon nói rằng sẽ cắt mái tóc dài, cô lại cảm thấy vui mừng. "Tôi hy vọng em ấy có thể đi học trở lại, nên tôi thực sự muốn em cắt tóc, mặc dù điều này mâu thuẫn với dự án của tôi", Werning bộc bạch.
Werning đã chụp ảnh Bordon trong suốt thời gian "lockdown". Dự án La Promesa (Lời hứa) của cô cũng được chú ý từ câu chuyện cô bé 12 tuổi cắt phăng mái tóc dài với mong muốn được đi học trở lại đã truyền tải thông điệp cuộc khủng hoảng giáo dục và khoảng cách bất bình đẳng do đại dịch gây ra.
Đại dịch "đẩy" trẻ em khỏi trường học
Các trường học trên khắp thế giới buộc phải đóng cửa khi Covid-19 ập đến. Tại châu Mỹ - Latinh, trường học "đóng cửa cài then" với thời gian dài hơn vì khu vực này đang phải vật lộn để kiểm soát sự lây lan của virus. Trẻ em ở đây bị "hụt" mất thời gian đến trường nhiều hơn khoảng 3 tháng so với những nơi khác và buồn thay, hơn 3 triệu trẻ em có thể không bao giờ quay lại trường.
Ở Argentina, hơn 40% dân số rơi vào tình cảnh nghèo đói. Trẻ em sống tại các khu vực có thu nhập thấp không thể học trực tuyến vì điều kiện mạng internet không cho phép hoặc không tiếp cận được với công nghệ. Theo một tổ chức tư vấn giáo dục tại Buenos Aires vào năm 2020, cứ 4 trẻ em ở Argentina thì có 1 em thất học do gia đình quá nghèo.
Werning nói: "Việc học từ xa không dành cho tất cả vì một số người không có điện thoại di động, gặp vấn đề về internet hay một số trường học chỉ gửi bài tập cho phụ huynh qua WhatsApp", Werning nói.
Trường học của Bordon vẫn đóng cửa, điều này khiến cô bé cảm thấy mọi thứ thật khó khăn. Bordon sống cùng bố mẹ trong một ngôi nhà nhỏ vẻn vẹn 30m2. Bố mẹ cô bé bị mất việc làm vì dịch bệnh, họ đã mở một cửa hàng nhỏ tại nhà để xoay sở sống.
Nữ nhiếp ảnh gốc Argentina đã ghi lại mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của cô bé. Từ việc học qua zoom, cô bé ngồi thẫn thờ lo lắng về tương lai, hay khi Bordon giúp đỡ bố mẹ tại tiệm tạp hóa. Trong những bức ảnh ấy, mái tóc dài như suối của cô bé là nhân vật chính.
Tuy nhiên, có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, Bordon vẫn còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác. Cô bé sinh ra trong một gia đình ưu tiên giáo dục; mẹ cô bé luôn chuẩn bị sẵn điện thoại để Bordon có thể học trực tuyến.
"Nhưng đôi khi Zoom không hoạt động bình thường. Vì vậy, em không thể hiểu được hết bài học. Khi đi học trực tiếp em cảm thấy thích thú, hiểu bài và có thể đặt câu hỏi", Bordon kể.
Khi trường học mở cửa trở lại, cô bé quyết định cắt phăng mái tóc dài trước sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình. Mọi người đều bật khóc khi lần lượt thay nhau cắt tóc cho Bordon. Mái tóc dài được gói cẩn thận trong một chiếc túi đặt trên bàn của Werning, chờ được quyên góp để làm tóc giả cho bệnh nhân ung thư.
Werning nhấn mạnh "Mái tóc dài chính là điểm nổi bật của cô bé", nhưng Bordon lại nói "Em không còn buồn khi phải nói lời tạm biệt tóc dài".