3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể

(Dân trí) - 3 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 là TS. Lê Hoàng Sơn (sinh năm 1984, ĐHKH Tự nhiên - ĐHQGHN), Nguyễn Hải Ninh (sinh năm 1987, top 30 Under 30 châu Á và Việt Nam) và nghệ sĩ Lưu Đức Anh (sinh năm 1993, Học viện âm nhạc Malmo Thụy Điển) đã có những chia sẻ về thành tích, hành trình có được thành quả hiện nay và cả những chia sẻ bên ngoài công việc với độc giả Dân trí.

* Cho dù đang rất bận với những chuyến công tác (Nguyễn Hải Ninh đang tham gia hội nghị quốc tế, nghệ sĩ Lưu Đức Anh đang biểu diễn tại Thụy Điển, TS Lê Hoàng Sơn công tác tại ĐHQG) nhưng cả 3 vị khách mời đều đã dành thời gian để trả lời những câu hỏi từ phía độc giả Dân trí.

** Trong thời gian 2 tiếng 30 phút (nhiều hơn 30 phút so với dự kiến), rất nhiều câu hỏi của độc giả, người hâm mộ đã được gửi tới TS Lê Hoàng Sơn, anh Nguyễn Hải Ninh và nghệ sĩ trẻ Lưu Đức Anh.

Tuy nhiên do nhiều câu hỏi trùng lặp nội dung và thời gian có hạn nên 3 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 không thể trả lời được hết những vấn đề được hỏi.

BTC hy vọng những câu trả lời dưới đây của buổi giao lưu phần nào giúp độc giả hiểu rõ hơn về những thành tích, hành trình có được thành quả hiện nay và cả những chia sẻ bên ngoài công việc của những gương mặt trẻ tài năng này.

Xin chân thành cảm ơn.

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 1

Xin mời độc giả cùng theo dõi toàn bộ nội dung buổi giao lưu:

16h30:

Câu hỏi cuối, điều anh muốn nhắn gửi tới nửa kia của thế giới nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3?

TS Lê Hoàng Sơn: Chúc cho các bà các mẹ và các chị em một ngày 8/3 vui vẻ, và không quên rằng thế giới này vẫn còn một nửa kia luôn quan tâm, nâng niu và trân trọng các chị em. Chúc cho mọi điều ước trở thành hiện thực. Trân trọng cảm ơn.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Xin chúc tất cả các bạn nữ ngày một xinh đẹp và tràn đầy sức sống, những chị em đã có công việc thì càng ngày càng thành công và phát đạt, những cô bác đã có gia đình thì mãi mạnh khỏe để hạnh phúc cùng con cháu.

Đâu là mục tiêu phấn đấu của anh trong năm 2018? Và trong 5 năm tới, độc giả sẽ thấy một hình ảnh của anh như thế nào?

TS Lê Hoàng Sơn: Năm nay sẽ năm bản lề trong cả nghiên cứu và ứng dụng của tôi. Hy vọng rằng tôi sẽ hoàn thành một số sản phẩm đang dang dở và có nhiều kết quả hơn nữa.

5 năm tới, độc giả sẽ có thể thấy một người trưởng thành, một nhà khoa học và một người cha của gia đình.

Nguyễn Hải Ninh: Có 3 điều:

- Xây dựng một công ty khác biệt: tạo dựng bởi con người để phục vụ con người.

- Làm cho mọi người trong công ty hạnh phúc, giàu có

- Mang được cà phê và trà Việt Nam ra ngoài thế giới

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Năm 2018 là năm mình sẽ thực hiện rất nhiều những dự án lớn nhỏ ở Việt Nam, nhiều hơn bất cứ năm nào trước đây.

Hi vọng trong 5 năm tới, khán giả không chỉ nhớ đến mình như một nghệ sĩ trên sân khấu mà còn thấy được hình ảnh mình cống hiến đóng góp hết mình vì nền nghệ thuật của đất nước.

Nhân vật nào truyền cảm hứng cho anh nhiều nhất? Vì sao?

TS Lê Hoàng Sơn: Bill Gates - tôi đã có cơ hội gặp Bill Gates khi ông ấy đến Việt Nam và trao học bổng Microsoft cho 10 sinh viên tiêu biểu Việt Nam năm 2005. Sự đam mê, kiên định với con đường, và ý tưởng sáng tạo của ông đã truyền cảm hứng cho tôi trong công việc.

Nguyễn Hải Ninh: Jack Ma

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Mình luôn có sự cảm phục và hâm mộ đối với những con người thành công nhưng khuyết tật, ví dụ như nghệ sĩ Piano khiếm thị người Nhật Nobuyuki Tsujii.

Hình ảnh anh chiến thắng giải nhất tại cuộc thi Van Cliburn (cuộc thi Piano lớn nhất thế giới) luôn là động lực để mình giữ vững tinh thần tập luyện, bởi mình vẫn còn có may mắn và lợi thế hơn nhiều người khác.

Một người nữa chính là nhạc sĩ Ludwig van Beethoven, nếu như ai nghe nhạc của ông và đồng thời biết được ông đã phải sống một cuộc sống đau khổ như thế nào thì họ sẽ phải công nhận ông là một trong những con người vĩ đại nhất mọi thời đại.

Mặc cho đau khổ, thậm chí là bị điếc, đối với một nhạc sĩ mà không được nghe chính những tác phẩm mình viết ra quả là một mất mát quá lớn, nhưng âm nhạc của ông vẫn như những lời khẳng định đanh thép không bao giờ đầu hàng số phận.

Câu nói nào được coi là kim chỉ nam hành động của anh?

TS Lê Hoàng Sơn: Tôi thích câu “Cuộc sống là không chờ đợi”. Vì đời người rất ngắn nên cần làm điều gì có ý nghĩa để sau này không phải hối hận.

Nguyễn Hải Ninh: Never give up

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Có rất nhiều câu nói hay nhưng có lẽ mình cũng tự có kim chỉ nam của chính mình rút sau rất nhiều năm học tập và biểu diễn, đó là điều quan trọng nhất không phải mình sống bao lâu, sống có thoải mái hay không mà là mình sẽ để lại được gì khi mình không còn sống nữa, người ta thương tiếc mình vì một con người qua đời hay thương tiếc mình vì những gì mình đã làm được.

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 2

Cuốn sách “gối đầu giường” của anh là gì?

TS Lê Hoàng Sơn: Đó là cuốn “The 46 Rules of Genius” của Marty Neumeier. Sách này dạy cho ta các ý tưởng và triết lý của sự sáng tạo. Tôi luôn yêu thích cái mới và tìm tòi cái mới. Chính vì thế, đây là một cuốn sách tốt cho ai muốn khám phá và suy nghĩ khác thông lệ.

Nguyễn Hải Ninh: Cuốn "Tiến bước" (tác giả Howard Schultz - PV)

Thạc sĩ Lưu Đức Anh: “Thần khúc” của Dante Alighieri. Lúc đầu mình cũng không nghĩ là sẽ đọc và hiểu nổi nhưng càng đọc thì mình càng thấy hay và cuốn hút. Đồng thời, bản trường ca này cũng có quan hệ rất mật thiết với âm nhạc cổ điển.

Chào anh Ninh, xin được hỏi, nổi tiếng sau khi nhận được các giải thưởng, anh có thấy áp lực hay phiền phức hay không?

Nguyễn Hải Ninh: Ninh không chú ý nhiều lắm vào các giải thưởng. Suy cho cùng, cảm nhận của Ninh là những giải thưởng, danh hiệu mục đích lớn nhất không phải để tôn vinh một vài cá nhân cụ thể mà nhiều hơn là câu chuyện của những con người ấy sẽ là nguồn cảm hứng cho những người khác, khuyến khích họ làm những điều có ý nghĩa.

Về cá nhân, Ninh mong muốn được thấy mình của ngày hôm nay trưởng thành hơn ngày hôm trước ra sao, hơn là quan tâm đến những người khác cảm nhận sao về mình.

Anh Ninh ơi, anh có ý định vươn ra quốc tế không?

Nguyễn Hải Ninh: Một ước mơ lớn Ninh muốn thực hiện trong đời là mang hạt cà phê chất lượng cao Việt Nam ra ngoài thế giới.

Đức Anh có "sợ" mình sẽ lấy vợ cùng nghiệp biểu diễn âm nhạc không? Vì lúc đi lưu diễn sẽ không có ai nấu cơm cho cả nhà chẳng hạn?

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Mình hiện tại cũng chưa quá bận tâm về điều đó, nếu như hai người thực sự yêu nhau và quan tâm đến nhau thì sẽ luôn có đủ thời gian cho nhau thôi. Kể cả khác nghề mà không biết quan tâm đến mình thì dù có ở nhà cả ngày với mình mình cũng sẽ chẳng hạnh phúc.

Đâu là điều Đức Anh muốn nhắn nhủ những bạn trẻ Việt muốn theo đuổi âm nhạc ở trời Âu?

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Điều mình muốn gửi gắm nhất đến các bạn là tuy đây là một con đường rất dài, rất tốn kém và khó khăn nhưng âm nhạc cổ điển ở Việt Nam hiện vẫn đang rất cần sự đóng góp của thế hệ trẻ.

Nó không mang lại lợi ích về tài chính ngay cho các bạn như những ngành nghề khác nhưng nó mang lại cho các bạn một sứ mệnh để cuộc sống của các bạn trở nên ý nghĩa hơn.

Mong các bạn cùng đoàn kết và không bao giờ nản chí trên con đường gian nan này.

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 3

16h15:

Người thầy mà anh kính trọng nhất?

TS Lê Hoàng Sơn: Tôi xin nhắc tên một người thầy tiêu biểu với mình là GS.TSKH Phạm Kỳ Anh - nguyên trưởng khoa Toán Cơ - Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nguyên giám đốc Trung tâm Tính toán Hiệu năng cao.

Thầy là người đã nối nhịp đưa tôi về công tác tại đơn vị. Thầy luôn truyền lửa, nghiêm khắc và nhắc nhở tôi làm việc đến cùng. Trong khoa học, thầy là chuyên gia đầu ngành uy tín. Bao giờ thầy cũng luôn có mặt tại cơ quan sớm nhất để làm việc lúc 6h sáng và cũng là người về muộn nhất. Trong đời sống, thầy tình cảm, sống hết lòng vì người khác.

Hiện nay, thầy đã 70 tuổi nhưng vẫn say mê nghiên cứu khoa học. Trước tấm gương của thầy, tôi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Nguyễn Hải Ninh: Có rất nhiều tấm gương, người đi trước cho mình cảm hứng. Nhưng người dạy Ninh nhiều nhất là các bạn nhân viên, là khách hang. Họ dạy cho mình làm sao để làm tốt hơn.

Theo Đức Anh, hạn chế lớn nhất của bạn trẻ Việt khi sang châu Âu học tập là gì?

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Theo như mình thấy ở nhiều du học sinh mà mình biết thì đó chính là sự tự tin thể hiện bản thân. Một phần do hạn chế về ngôn ngữ, rất nhiều người luôn mang tư tưởng sai lầm là sinh viên Việt Nam thì luôn kém cỏi hơn sinh viên nước ngoài, luôn mang tâm lý sợ sệt, tự ti nhưng lại muốn giấu không để người khác biết.

Thậm chí nếu mình không hiểu biết bằng người ta cũng phải mạnh dạn học hỏi để thay đổi chứ không được giấu hoặc giả vờ là biết rồi, như vậy thì đi du học chả có tác dụng gì cả.

Món quà đầu tiên mà Đức Anh mua khi giành giải thưởng đầu tiên với piano là gì?

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Mình không nhớ rõ nữa, hồi đó còn bé nên tiền thì mình cũng có biết sử dụng làm gì đâu. Hình như ngay sau lúc trao giải là cả nhà mình đi ăn.

Anh nghĩ mình sẽ theo đuổi công việc nghiên cứu tới khi nào?

TS Lê Hoàng Sơn: Tôi sẽ làm nghiên cứu đến chừng nào có thể (cười). Tuy nhiên, tôi đã đặt ra giới hạn cho bản thân. Hy vọng trước 45 tuổi tôi có thể làm một điều gì đó vĩ đại. Xin cho phép bí mật ở đây (cười).

Câu hỏi dành cho anh Hải Ninh, nếu không là doanh nhân, anh muốn thử sức trong lĩnh vực gì?

Nguyễn Hải Ninh: Khi đi học, chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ làm kinh doanh. Sau này mọi thứ đến như là một lựa chọn hiển nhiên nên Ninh nghĩ dù làm lĩnh vực nào thì cuối cùng mình cũng sẽ quay về con đường này mà thôi.

Đức Anh ngoài đời có bị cho là người nói nhiều không? Bởi em nghĩ lúc tập trung để tập luyện thì không được nói, hết giờ tập chắc phải nói bù nhỉ?

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Thực tế thì mình cũng là người ít nói, trong lúc tập luyện thì đương nhiên không cần phải nói chuyện với ai cả, nhưng mà không ức chế đến mức tập xong phải đi nói bù như xả stress như vậy.

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 4

16h00:

Ngoài chuyên môn, đâu là tài lẻ và sở thích của anh?

TS Lê Hoàng Sơn: Bên cạnh công việc nghiên cứu và giảng dạy, tôi có đam mê cho bóng đá và ca nhạc. Tất nhiên, tôi không phải là cầu thủ và ca sĩ giỏi rồi. Chỉ là đam mê thôi (Cười).

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Những năm gần đây mình có tìm hiểu nhiều thêm và khá yêu thích về ẩm thực, nấu ăn. Mình nghĩ nấu ăn là một sở thích mới của mình và mình nghĩ sẽ cố dành nhiều thời gian hơn cho sở thích này.

Xin hỏi anh Ninh, năm 2011 khi sáng lập Urban Station, anh chỉ là sinh viên mới ra trường. Khi đó anh đã lập nghiệp với suy nghĩ và sự thúc đẩy nào?

Nguyễn Hải Ninh: Minh làm điều mình thích, và khi đó mở một quán cà phê là điều mình thích. Bắt đầu một điều gì mới luôn đầy khó khăn, và mình nghĩ bản thân mình đã không vượt qua được nếu đó không phải là điều mình đam mê

Nếu không theo đuổi công việc hiện tại, anh nghĩ mình phù hợp với công việc gì nhất?

TS Lê Hoàng Sơn: Một nhà hoạt động xã hội – tình nguyện chẳng hạn để đưa kiến thức và vật chất về cho trẻ em vùng sâu vùng xa, những nơi mà điều kiện còn nhiều thiếu thốn.

Tô có nhớ hồi bé, tôi đã có ước mơ trở thành một bác sĩ khám chữa bệnh cho người nghèo và bệnh nhân. Sau này vì một số lý do, tôi đã chuyển sang làm trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên tôi vẫn thực hiện nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực liên ngành Tin học - Y tế.

Một trong những sản phẩm mà chúng tôi triển khai là hệ thống hỗ trợ chẩn đoán bệnh sử dụng công nghệ vạn vật kết nối (IoT). Công nghệ này cho phép đo thông số của bệnh nhân từ xa và đưa ra các cảnh báo sử dụng các kỹ thuật Trí tuệ nhân tạo.

Hay một ứng dụng khác về hệ thống phân tích hình thái đầu mặt cho người Việt phối hợp với các chuyên gia ở Đại học Y Hà Nội. Hệ thống giúp đo đạc chỉ số, so sánh và phân tích các quá trình phát triển đầu mặt theo thời gian, hay tái dựng hình ảnh kỹ thuật số tương ứng của đối tượng quan sát, hỗ trợ đắc lực trong y học và nhiều chuyên ngành khác như bảo hộ lao động, an toàn giao thông, nhận dạng hình sự,…

Như vậy, tôi vừa có thể “thỏa mãn” đam mê hồi bé và đồng thời tạo được nhiều sản phẩm có ý nghĩa cho xã hội.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Mình thấy khá yêu thích và nghĩ là cũng hợp với nghề đạo diễn phim ảnh.

Xin hỏi thầy Sơn, khi còn bé, thầy có nghĩ mình sẽ trở thành con người như bây giờ hay không?

TS Lê Hoàng Sơn: Hồi bé tôi mơ ước sẽ trở thành một bác sĩ, nhưng rồi thực tế thay đổi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng dù làm gì đi nữa thì hãy làm hết sức mình. Nhiều cá nhân mạnh sẽ làm cho tổ chức mạnh, nhiều tổ chức mạnh sẽ là động lực cho đất nước phát triển.

Công việc hiện tại, sự nghiệp và gia đình là những yếu tố then chốt giúp tôi tiếp tục nỗ lực cho đến ngày hôm nay.

Trong cuộc sống, bố mẹ tôi khá nghiêm khắc, và luôn nhắc tôi không ngừng rèn luyện bản thân, vì sự trì trệ và tự mãn là con đường nhanh nhất dẫn đến thất bại. Tôi luôn tâm niệm điều đó và luôn cố gắng phấn đấu.

Có lúc nào Đức Anh thấy bất lực với đàn piano và muốn đập đàn chưa?

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Bất lực thì cũng có nhiều rồi đến mức đập đàn thì chưa. Có nhiều khi tập mãi không qua được một ô nhịp trong bài, mình cũng thấy rất chán. Những lúc như vậy mình thường bỏ hẳn không tập chỗ đó một vài ngày, vài ngày sau mới tập lại.

Thường thì đầu óc con người cũng không thể tiếp thu được tất cả mọi thứ cùng một lúc, mình cần phải chia ra thì hiệu quả tập luyện sẽ cao hơn.

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 5

Anh có đọc được một số bài báo nói về dự định kéo người trẻ Việt gần với âm nhạc cổ điển của Đức Anh. Tuy nhiên không rõ dự định này của em thực hiện đến đâu rồi, có mâu thuẫn với những buổi trình diễn "bác học" trên các sân khấu lớn châu Âu của bạn không?

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Đưa người trẻ Việt tới với nhạc cổ điển không có nghĩa là ép họ phải thích dòng âm nhạc này. Những dự định của em đơn giản là giúp tất cả khán thính giả, không chỉ người trẻ có được nhìn nhận đúng đắn hơn về thể loại nghệ thuật này và nhận ra được sự quan trọng của nó.

Âm nhạc cổ điển đa dạng từ rất đơn giản đến rất phức tạp, có những tác phẩm nhỏ, dễ nghe, có thể dùng để giải trí, có những tác phẩm lớn, phức tạp, cần phải rất tập trung suy nghĩ và có một số lượng kiến thức nhất định về âm nhạc và nghệ thuật mới có thể hiểu và thích được.

Hiện tại em vẫn đưa tới khán giả những tác phẩm chỉ vừa vượt qua mức giải trí một chút và bắt đầu để khán giả vừa nghe vừa phải suy nghĩ và cảm nhận được một gì đó khác biệt trong thể loại âm nhạc này.

Không như nhạc Pop hay Rock, yếu tố giải trí chỉ là một phần nhỏ trong âm nhạc cổ điển, mục đích chính của nó vẫn là truyền đạt lại những tri thức, những suy nghĩ, cảm xúc vượt quá giới hạn của ngôn ngữ mà những nhà soạn nhạc, những vĩ nhân thời trước đã và đang để lại cho chúng ta.

Xin được hỏi anh Hải Ninh, bí quyết thành công của kinh doanh thương hiệu là gì, thưa anh?

Nguyễn Hải Ninh: Có rất nhiều lý do để kinh doanh thành công, nhưng có một điều Ninh tâm đắc là luôn làm mọi thứ với một động cơ tốt đẹp. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm tới trái tim.

Câu hỏi gửi TS Sơn, anh nghĩ như thế nào về thời đại của công nghệ 4.0? Và Việt Nam chúng ta có cơ hội để đuổi kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin trên thế giới hay không?

TS Lê Hoàng Sơn: Đây là thời đại của các hệ thống thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo kết hợp với sự phát triển của các thiết bị phần cứng, các cảm biến. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo cuộc cách mạng lớn lao, giúp giải phóng con người khỏi những lao động giản đơn mà vẫn đem lại hiệu quả cao.

Trong thời đại này, vai trò của những kỹ sư, lao động “chất xám” sẽ mang đến giá trị thặng dư lớn cho xã hội. Chính vì vậy, việc thiết lập chính sách hỗ trợ và khuyến khích các tri thức trẻ là rất cần thiết để họ có điều kiện triển khai các ứng dụng phục vụ cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việt Nam chúng ta có cơ hội để đuổi kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin trên thế giới hay không? Đây là câu hỏi mà chúng ta luôn suy nghĩ và tìm cách thực hiện từ rất lâu. Bắt đầu từ thời điểm chuyển mình khi Internet về Việt Nam năm 1997 và sự xuất hiện của các công ty gia công phần mềm, cho đến nay chúng ta đã có một lượng lớn các kỹ sư về Công nghệ thông tin tốt nghiệp tại các Đại học.

Tôi cho rằng Việt Nam có thể đuổi kịp sự phát triển của Công nghệ thông tin thế giới nếu chúng ta có chính sách phát triển đồng bộ từ hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, và phát triển các ứng dụng có hàm lượng tri thức cao, tận dụng nguồn “chất xám” vốn là ưu điểm của người Việt Nam.

Điều gì trong giảng dạy hay nghiên cứu hiện nay khiến thầy Sơn băn khoăn, trăn trở?

TS Lê Hoàng Sơn: Về thực trạng các thầy cô giáo thì đồng lương và trang thiết bị còn thiếu thốn không toàn tâm giảng dạy. Trong khi đó nhiều sinh viên có năng lực nhưng hoàn cảnh điều kiện vật chất thiếu thốn, phải đi làm thêm để trang trải học phí. Tôi mong sao nhà nước có chính sách hỗ trợ để nâng cao chất lượng giáo dục.

Hiện nay có rất nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng ra nước ngoài sinh sống và làm việc để có điều kiện tốt hơn, anh Sơn nghĩ sao về hiện tượng này?

TS Lê Hoàng Sơn: Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển mình về phát triển khoa học công nghệ khi các rào cản về địa lý và văn hóa đã không còn nữa.

Thế giới trở nên “phẳng hơn” và một chuyên gia giỏi hoàn toàn có thể làm cho các công ty nước ngoài được. Nền kinh tế tri thức đòi hỏi rất nhiều các nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ có trình độ, để làm nền tảng trong việc xây dựng các sản phẩm made chất lượng cao.

Tôi nghĩ việc “dịch chuyển” là tất yếu khi nước ngoài cung cấp các phương tiện và điều kiện cần thiết để nghiên cứu. Câu hỏi quan trọng hơn cần giải quyết là làm thế nào để giữ chân các nhà khoa học để làm tiền đề phát triển nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức.

Làm được điều này, Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện để phát triển hơn nữa trong tương lai.

Câu hỏi dành cho Đức Anh, mình thấy bạn chọn âm nhạc cổ điển là rất dũng cảm vì có thể nói so với nhiều nước châu Âu, Việt Nam khó sánh bằng. Đâu là động lực để bạn tỏa sáng tại trời Âu?

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Chính vì Việt Nam chưa thể sánh bằng nên đó mới là động lực để mình phấn đấu.

Mình có may mắn được tiếp cận và tìm hiểu sâu về loại hình nghệ thuật này. Mình nhận thấy nó có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển văn hóa nghệ thuật của mỗi quốc gia.

Mình luôn lấy việc được góp một phần vào sự phát triển văn hóa nghệ thuật làm một sứ mệnh cần phải làm bên cạnh thực hiện các ước mơ khác.

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 6

15h45:

Nếu có một cô gái trẻ, xinh do biết đến danh tiếng của anh mà chủ động ngỏ lời yêu. Anh sẽ nói điều gì với cô ấy?

TS Lê Hoàng Sơn: Tôi sẽ nói là “mình làm bạn nhé” (Cười). Vì thực tế là tôi đã lập gia đình rồi.

Nguyễn Hải Ninh: (cười)

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Mình sẵn sàng kết bạn với những ai là fan hâm mộ thôi, nhưng mà mình chỉ muốn yêu ai mà người đó yêu con người mình nhiều hơn chứ không phải là hình ảnh nghệ sĩ trên sân khấu, thậm chí yêu rồi mới biết mình là nghệ sĩ Piano cũng được.

Ngoài ra thì yêu cũng cần nhiều yếu tố khác nữa không phải cứ nhìn thấy xinh là yêu được, mình cũng không còn quá trẻ nữa để mà không nhận ra điều đó.

Anh tự nhận mình là tuýp người hướng nội hay hướng ngoại? Giữa một cô gái nhu mì hiền lành với một cô gái cá tính, mạnh dạn, anh muốn lấy ai làm vợ?

TS Lê Hoàng Sơn: Hướng nội. Trong công việc tôi luôn dùng lý trí để quyết định. Thỉnh thoảng cũng hơi khô khan. Tôi cũng đang cải thiện dần vì bị chê nhiều quá (Cười).

Trong hai cô gái, chắc tôi thích túyp cô gái cá tính vì cuộc sống sẽ thú vị hơn. Tuy nhiên cá tính cũng có “mức độ” nhé (Cười).

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Mình tự nhận mình hướng nội, một phần vì đặc thù của nghề, mình rất cần không gian tĩnh lặng một mình để đạt được hiệu quả cao nhất trong tập luyện và nghiên cứu.

Còn chọn vợ thì trước đây mình vẫn luôn thiên về một cô gái hiền lành hơn nhưng bây giờ lớn hơn, mình cũng không quan trọng điều đó nữa, hiền lành hay cá tính, quan trọng là người ta có đủ yêu mình nhiều để sẵn sàng cùng nhau vượt qua những khó khăn sẽ bất ngờ ập đến trong cuộc sống gia đình hay không.

Mình không nghĩ có một ai hoàn toàn hiền lành cũng như hoàn toàn cá tính, luôn luôn có hai mặt đối lập trong một con người. Sống yên ổn hàng ngày thì mình ở với ai mình cũng có cách hòa nhập được, nhưng đến khi có sự cố hay vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra mới biết được ai mới là người xứng đáng.

Nếu gia đình bạn gái không thích con của họ yêu người bận rộn, anh sẽ làm gì?

TS Lê Hoàng Sơn: Tôi sẽ giải thích rằng sự bận rộn chỉ là nhất thời, và rằng tôi luôn cân đối giữa công việc – sức khỏe – gia đình. Tuy nhiên đến một thời điểm nào đó khi sức khỏe không cho phép, có lẽ tôi cũng phải giảm cường độ làm việc.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Đối với mình hiện tại, mình còn trẻ nên mình thực sự thể dành hết thời gian cố gắng thay đổi điều đó được. Mình sẽ vẫn sống như mình đang sống thôi, mình vẫn phải lấy mục tiêu trở thành một con người tốt, có sự nghiệp thành công.

Cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại, càng muốn thành công thì lại càng bận rộn. Bạn có thể làm việc ít và ở cạnh người yêu của mình nhiều hơn nhưng sau khoảng 5 năm giả sử muốn cưới, lúc đó bạn lấy đâu ra khả năng để lập gia đình và sống cuộc sống đầy đủ cho cả con cái nữa bởi bạn không đầu tư cho sự nghiệp từ khi còn trẻ.

Là người trẻ, anh nghĩ sao về những thiếu nữ thích tung clip sốc (thiếu vải, phát ngôn dung tục...) chỉ để nổi tiếng trên mạng xã hội?

TS Lê Hoàng Sơn: Tôi nghĩ đây là một cách để “quảng cáo” trong Showbiz khi người ta không dùng tài năng của mình để “quảng cáo” được. Tôi không cổ vũ theo cách “quảng cáo” này vì nó thể hiện font văn hóa và nhận thức không được tốt.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Mình nghĩ là có nhiều người quá tuyệt vọng để được nổi tiếng, họ không có một chuyên môn hay khả năng gì thực tế để tự tin đi ra với cuộc sống nên phải tìm đến những cách như thế. Nhưng nổi tiếng chỉ nên là thứ đến sau chuyên môn và khả năng. Khi thực sự có một chuyên môn cao rồi, bạn sẽ thấy là bạn không hề có nhu cầu cần phải có người biết đến, mỗi khi ra đường bạn sẽ luôn thấy rất tự tin về bản thân.

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 7

15h30:

Là người khá nổi trong lĩnh vực kinh doanh - khởi nghiệp, anh Ninh có bao giờ so sánh bản thân với người khác không?

Nguyễn Hải Ninh: Ít khi, nhưng khi gặp vấn đề thỉnh thoảng mình hay nghĩ nếu đặt trong tình huống này anh/chị đó mà mình ngưỡng mộ sẽ hành động/suy nghĩ thế nào?

Điều"nổi loạn" nhất mà anh từng làm khi còn ngồi ghế nhà trường?

TS Lê Hoàng Sơn: Đó là làm game! Trong thời sinh viên, tôi có mơ ước là làm một game của riêng mình. Vì vậy, tôi đã làm 1 game snake (bắt rắn) đơn giản bằng ngôn ngữ lập trình Pascal.

Để làm game trong thời gian trước không đơn giản chút nào khi tài liệu và các công cụ không có sẵn như hiện nay. Tuy nhiên, tôi đã mày mò tìm hiểu các tài liệu về lập trình Graphic trong Pascal và đã tạo thành công Game.

Sau này, tôi còn làm một số phần mềm tạo Screen Saver bằng Visual Basic 6 cho bạn bè để tỏ tình với người yêu. Đó là những kỷ niệm hết sức thú vị.

Thạc sĩ Lưu Đức Anh: Cũng có kha khá nhiều, nhưng mà có lẽ lần trốn học đầu tiên là lúc học mẫu giáo, mình vẫn nhớ tới tận bây giờ.

Hôm đó mình và một nhóm bạn nữa phải đi học tiết học thể dục ở một phòng học khác, nhưng vì không tìm được phòng học, thay vì hỏi mọi người thì cả lũ đã chạy ra sân chơi, sau đó quay lại lớp học chính như không có gì xảy ra.

TS Sơn có biệt danh do sinh viên đặt cho mình hay không? Điều quan trọng nhất mà anh thường truyền đạt cho sinh viên của mình là gì?

Có lẽ tôi không hay để ý các biệt danh do sinh viên đặt cho mình lắm, nhưng trên lớp tôi là người khá nghiêm túc, nhưng vẫn tràn đầy năng lượng và tình cảm (Cười).

Điều quan trọng nhất tôi muốn truyền đạt tới sinh viên là sự đam mê và định hướng đúng đắn. Theo tôi, nếu không có đam mê trong học tập và nghiên cứu thì sẽ không đi được đến đâu cả.

Khi người ta đam mê thì sẽ có ý chí mãnh liệt và bền bỉ để vượt qua mọi vất vả, rào cản, và khó khăn. Đam mê cộng với định hướng đúng của người thầy, bạn bè, và gia đình sẽ là con đường nhanh nhất dẫn đến thành công.

Trong nghiên cứu, nhóm chúng tôi cũng đã nhiều lần gặp thất bại, nhưng quan trọng nhất là không từ bỏ, tiếp tục tìm hiểu và rút kinh nghiệm để tìm ra chân lý. Các kinh nghiệm và kiến thức thu được sau mỗi lần vấp ngã là những bài học vô cùng giá trị.

Anh Đức Anh ơi, em rất thích con trai gảy đàn, nhìn rất manly. Nhưng con trai đánh piano, em cứ thấy yểu điệu thế nào ý. Anh có bao giờ bị trêu chọc vì đã chọn bộ môn piano chưa?

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Thực sự thì mình chưa bị trực tiếp hỏi câu hỏi nào như thế cả. Mình nghĩ mạnh mẽ hay yểu điệu nó phụ thuộc vào người chơi thế nào nhiều hơn là nhạc cụ.

Anh có bao nhiêu người bạn thân sẵn sàng ngồi nghe anh chia sẻ ý tưởng hoặc đơn giản ngồi tán dóc khi anh bị stress?

TS Lê Hoàng Sơn: Nghề nghiên cứu đôi khi hay bị rơi vào trạng thái stress do không tìm được giải pháp hay bế tắc tại một số khâu.

Khi đó, tôi thường trao đổi với nhóm nghiên cứu tại Lab tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, có thể ở phòng hoặc quán café. Đôi khi ý tưởng nảy sinh từ những trao đổi tự nhiên như vậy. Trao đổi cũng là cách để giảm stress hiệu quả.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Nếu tính ra thì chắc cũng có khoảng 10 người bạn là mình thường xuyên nói chuyện nhất và cảm thấy là có thể kể được bất cứ chuyện gì.

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 8

15h20:

Anh Ninh ơi, người ta thường nói thành công khi còn trẻ là một chướng ngại của con người trên con đường phát triển. Với anh, có được thành công khi còn rất trẻ có phải là một thử thách không?

Nguyễn Hải Ninh: Mỗi người có một định nghĩa thành công khác nhau. Ninh thích được làm việc với con người, được mang niềm vui cho đồng nghiệp, khách hàng và mỗi ngày được làm việc này là thành công với Ninh.

Còn thử thách thì lúc nào cũng có, mỗi ngày đi làm là một một thử thách mới đến từ việc phát triển của công ty. Thử thách đó với mình thú vị hơn nhiều.

Xin được hỏi các anh đã có người yêu hay lập gia đình chưa?

TS Lê Hoàng Sơn: Tôi đã lập gia đình hơn 10 năm và đã có 2 con. Trong cuộc sống, vợ tôi là người chịu khó, lo toan cho gia đình và các con. Noi gương ông bà, cả tôi và vợ đều kính trên nhường dưới, quan tâm anh chị em. Như vậy các con sẽ học được nhiều.

Nguyễn Hải Ninh: Minh chưa lập gia đình, nhưng trong 3 tỷ người trên thế giới này, mình chỉ cần 1 người thôi và mình tin mình đã tìm được người đó rồi và mình hạnh phúc với điều đó.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Mình chưa lập gia đình, mình đã từng yêu, còn bây giờ có người yêu hay chưa thì xin phép xin được giữ làm vấn đề riêng tư.

Công việc nghiên cứu/điều hành/tập luyện của các anh đòi hỏi nhiều thời gian trong ngày. Vậy các anh dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày cho gia đình/người yêu?

TS Lê Hoàng Sơn: Thực tế trong một ngày sau khi về nhà là lúc tôi dành thời gian cho gia đình, nói chuyện chia sẻ công việc và chăm sóc, chơi với các con.

Tôi nghĩ trong cuộc sống có ba điều rất quan trọng: công việc, gia đình, và sức khỏe. Trong một ngày quỹ thời gian của mỗi người không đổi thì ta cần cân bằng cả ba điều trên. Đối với tôi, về nhà là lúc tôi chỉ quan tâm đến gia đình và sức khỏe. Điều này tạo cho ta hứng khởi cho ngày làm việc kế tiếp.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Mình thường phải tập luyện ít nhất 6-7 tiếng mỗi ngày. Sau mỗi lần tập luyện như vậy thường đầu óc rất mệt mỏi, chỉ muốn thư giãn một mình hoặc đi ngủ luôn.

Gia đình và bạn bè cũng hiểu điều này vì đặc thù của nghề nên không hề ép mình gì cả, những lúc rảnh rỗi mình vẫn nhắn tin hoặc gọi điện cho gia đình và bạn bè.

Rất khó để tính ra bao nhiêu thời gian mỗi ngày, có hôm rảnh rỗi thì mình gọi nói chuyện lâu, hôm nào bận hơn thì chỉ nhắn tin vài câu, hoặc có những hôm cũng không liên lạc vì phải bận biểu diễn hoặc thi cử.

Xin hỏi TS. Sơn, vừa là nhà nghiên cứu, vừa là giảng viên, anh thích công việc nào hơn?

TS Lê Hoàng Sơn: Có lẽ là cả hai vì thực tế một trong những mục tiêu của nghiên cứu khoa học là phục vụ đào tạo và giảng dạy. Sinh viên sẽ học được nhiều kiến thức bổ ích từ những nghiên cứu của thầy, qua đó không những giúp nắm rõ bài giảng mà còn có thể mở rộng các kiến thức đã có.

Một trong những điều cơ bản của người thầy là truyền cảm hứng cho học trò trong học tập và nghiên cứu. Các bài giảng bắt đầu từ những nghiên cứu thực tiễn sẽ kích thích, tạo động cơ cho học sinh tìm tòi khám phá. Người thầy như là tấm gương phản chiếu để học sinh học theo.

Ngược lại, những câu hỏi của học trò sẽ là động lực thôi thúc người thầy nghiên cứu tìm tòi cái mới, mở rộng bài giảng hơn nữa.


TS Lê Hoàng Sơn đã có 43 công bố khoa học, trong đó có 15 bài báo trên các tạp chí ISI thuộc nhóm Q1 trong bảng xếp hạng Scimago - một bảng xếp hạng về công bố khoa học uy tín nhất trên thế giới.

TS Lê Hoàng Sơn đã có 43 công bố khoa học, trong đó có 15 bài báo trên các tạp chí ISI thuộc nhóm Q1 trong bảng xếp hạng Scimago - một bảng xếp hạng về công bố khoa học uy tín nhất trên thế giới.

15h05:

Thưa thầy Sơn, em rất nể phục số lượng những công bố khoa học cấp quốc tế của thầy. Thầy cho em hỏi đề tài nghiên cứu khoa học nào khiến thầy tâm đắc nhất ạ?

TS Lê Hoàng Sơn: Trong quãng đường nghiên cứu khoa học và công nghệ, tôi đã thực hiện nhiều đề tài và hơn nửa trong số đó là ở nước ngoài.

Các đề tài này bắt nguồn từ các bài toán do nhu cầu thực tiễn và dẫn đến cải tiến về lý thuyết và quay ngược trở lại phục vụ cộng đồng. Trong nước, chúng tôi tham gia phối hợp với các viện/trường trong triển khai các nghiên cứu liên ngành phục vụ xã hội.

Có lẽ tôi chỉ xin lấy một ví dụ về xây dựng phần mềm phân tích hình thái đầu mặt cho người Việt. Đây là ứng dụng nhằm hỗ trợ đánh giá tổng thể về chỉ số đầu mặt là những thông tin rất quan trọng giúp chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị để phục hồi các chức năng cơ bản, cũng như thẩm mỹ đã mất do bệnh lý vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động.

Trên thế giới, việc sử dụng phần mềm và máy vi tính trong việc phân tích và nghiên cứu hình thái đầu mặt là một xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới. Việc ứng dụng này mang lại nhiều giá trị to lớn, giúp bác sỹ có thể đo đạc, thống kê, phân tích một cách tiện lợi và có chọn lọc những thông tin cần thiết trên một tập hợp lớn các bệnh nhân.

Dựa trên các nghiên cứu phân tích chuyên sâu, trong thời gian dài, các phần mềm có thể cung cấp các công cụ hỗ trợ trong việc hoạch định kế hoạch điều trị và phần nào dự báo kết quả điều trị.

Do các nghiên cứu chuyên ngành được thực hiện tại Việt Nam chưa đầy đủ, phần mềm được xây dựng để chuyên phân tích đầu mặt cho người Việt cũng không có. Hiện tại, Việt Nam chủ yếu sử dụng các phần mềm và các thiết bị nước ngoài. Do vậy, việc phát triển phần mềm phân tích hình thái đầu mặt cho người Việt là khá cấp bách.

Trong thời gian làm đề tài, nhóm nghiên cứu đã phải đọc nhiều tài liệu về giải phẫu và y học để phục vụ nghiên cứu cũng như kết hợp trao đổi với các chuyên gia trong ngành để điều chỉnh phần mềm cho phù hợp thực tế. Kết quả thu được sau một năm triển khai là rất đáng khích lệ. Phần mềm đã ứng dụng tại Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, ĐH Y Hà Nội và một số cơ sở khác.

Để đạt được những kết quả đáng nể phục, có lẽ các anh đều phải trải qua khó khăn và cả những thất bại mà không phải ai cũng biết. Anh có thể chia sẻ một thất bại "để đời" với độc giả được không?

TS Lê Hoàng Sơn: Để đi đến thành công và chân lý, người ta phải trả giá bằng những thất bại. Tôi không phải là ngoại lệ.

Có những nghiên cứu do làm khảo sát chưa tốt nên đánh giá và ước lượng sai kế hoạch. Khi đó người sử dụng sản phẩm có ý kiến phản hồi, thậm chí có khả năng đổ vỡ sản phẩm.

Khi đó, tôi rút ra những bài học quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng: đó là cần hiểu rõ yêu cầu và ý tưởng, xác định rõ kế hoạch và phương pháp thực hiện, liên tục trao đổi với người sử dụng sản phẩm để rút kinh nghiệm, và quan trọng là cần có thời gian phân chia hợp lý.

Tất cả những phần trên là các kỹ năng (mềm) về lập kế hoạch, truyền thông, giao tiếp, .. mà tôi thường chia sẻ với sinh viên và những người đi sau để có kinh nghiệm triển khai thực tiễn.

Thạc sĩ Lưu Đức Anh: Thất bại mình nhớ nhất không liên quan trực tiếp đến âm nhạc nhưng cũng là kí ức mình nhớ nhất và luôn nhắc nhở mình mỗi ngày cho đến tận hôm nay.

Khoảng 10 năm trước, mình vẫn chưa hề thực sự có ý định nghiêm túc về việc trở thành một nghệ sĩ biểu diễn mặc dù rất đam mê. Lúc đó là kì thi đầu vào cấp 3. Mình luôn muốn vào một ngôi trường tốt có uy tín để có điều kiện học tập tốt nhất để thi vào một trường Đại học nào đó, năm đó mình đăng ký thi vào PTTH Thăng Long, đó cũng là quyết tâm của mình trong suốt những năm cấp 2.

Mình luôn tự tin mình là đứa có học lực giỏi, các thầy cô giáo cấp 2 cũng rất tự tin và tin chắc mình sẽ đỗ không chút khó khăn gì. Tuy nhiên, lúc làm bài kiểm tra môn Toán, không hiểu sao mình lại bất cẩn làm sai ngay câu đầu tiên (thường là câu dễ nhất và nhiều điểm nhất). Và đương nhiên là mình không đủ điểm để vào Thăng Long và phải chuyển sang học ở THPT Trần Phú.

Những ngày tháng chờ đợi kết quả mặc dù biết chắc là mình trượt thực sự rất khó khăn và căng thẳng. Nhưng một thời gian sau nghĩ lại, mình luôn cho rằng đây là số phận đã quyết đưa mình tới với âm nhạc, nếu như ngày đó thi đỗ, có khi bây giờ mình đang làm một ngành nghề hoàn toàn khác rồi.

Do đó, kỉ niệm này luôn là lời nhắc nhở rằng mình có một sứ mệnh với âm nhạc và phải nỗ lực cống hiến bằng hết tất cả khả năng của mình.


Nguyễn Hải Ninh từng lọt Top 30 Gương mặt trẻ dưới 30 nổi bật nhất của Việt Nam và châu Á do Forbes bình chọn.

Nguyễn Hải Ninh từng lọt Top "30 Gương mặt trẻ dưới 30 nổi bật nhất" của Việt Nam và châu Á do Forbes bình chọn.

15h00:

Đâu là bước ngoặt lớn nhất khiến các anh quyết định theo đuổi nghiệp hiện tại?

TS Lê Hoàng Sơn: Bước ngoặt đến bắt đầu khi tôi tốt nghiệp Đại học. Khi đó tôi có cơ hội làm trong công ty nước ngoài về phần mềm do đã có thời gian thực tập tại các công ty trong nước trong thời gian học Đại học.

Tuy nhiên thời điểm đó, tôi cũng được chuyển tiếp học Thạc sĩ không qua thi tuyển và đồng thời cũng được giữ lại ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

Lúc đó, tôi tự hỏi bản thân: niềm đam mê lớn nhất của mình là gì? Và tôi nhận ra rằng đam mê lớn nhất của mình là được làm điều mình thích, nghĩa là nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm mới có ích cho xã hội.

Chính vì thế tôi đã ở lại công tác tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho đến nay. Thời gian đã chứng minh quyết định của tôi là hoàn toàn đúng đắn.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Con đường sự nghiệp âm nhạc hiện tại của mình được xây dựng qua một quá trình rất dài từ khi còn nhỏ, bởi âm nhạc không thể hứng lên quyết tâm trong một vài ngày là tự nhiên sẽ được.

Mình theo học từ 4 tuổi như rất nhiều những bạn khác, cũng đi học, hồi bé mình cũng ham chơi nữa. Nhưng mình may mắn khi có gia đình luôn sát sao với việc học hành và tập đàn, dần dần, kĩ thuật chơi đàn ngày càng tiến bộ, càng lớn càng tập nhiều, mình càng khám phá được nhiều thứ hơn trong âm nhạc. Và dần dần, âm nhạc đã như trở thành máu chảy trong người.

Câu hỏi dành cho anh Nguyễn Hải Ninh: Dường như anh là người rất kiệm lời và kiệm cả...xuất hiện. Vì sao anh Ninh rất ít khi lộ diện trước công chúng trong khi với những giải thường đã đạt được, anh có thể trở thành người đại diện hình ảnh cho chính những thương hiệu mà anh đang quản lý?

Nguyễn Hải Ninh: Ninh nghĩ rằng có rất nhiều cách để quảng cáo, giới thiệu cho thương hiệu và đơn giản là bọn mình không chọn cách đó.

Cá nhân Ninh mong muốn ít bị chú ý và tập trung làm những việc Ninh cho là ý nghĩa.

Anh Đức Anh ơi, tại sao anh không chọn những nhạc cụ nhẹ nhàng (theo nghĩa mang vác như guitar, sáo...) mà lại chọn nhạc cụ vừa cồng kềnh, thiếu cơ động lại đắt tiền như piano?

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Thực ra thì không hề có lí do cụ thể gì cả. Hồi bé nhà mình có một cây đàn Piano nhỏ của bố dạy học.

Piano là nhạc cụ mình được tiếp cận đầu tiên nên nó đã theo mình tới tận bây giờ thôi, nếu như lúc đó mình được học violin hay sáo trước thì có lẽ bây giờ mình cũng đang chơi nhạc cụ khác rồi. Nói văn hoa chút thì có lẽ là duyên số đã khiến mình chọn Piano.


Đối với nghệ sĩ trẻ Lưu Đức Anh, mỗi giải thưởng chỉ như một lời động viên nho nhỏ, mình vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa...

Đối với nghệ sĩ trẻ Lưu Đức Anh, "mỗi giải thưởng chỉ như một lời động viên nho nhỏ, mình vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa..."

14h45:

Trong bảng thành tích ấn tượng của mình, đâu là công trình, giải thưởng thậm chí là ý tưởng mà các anh cảm thấy ấn tượng nhất cho đến thời điểm này?

TS Lê Hoàng Sơn: Trong suốt quá trình làm nghiên cứu cho đến thời điểm này, tôi đã có được một số kết quả cả về lý thuyết và ứng dụng: Xuất bản 100 bài báo khoa học trong đó có 48 bài trên các tạp chí uy tín thế giới trong danh mục ISI; Tham gia biên soạn 03 giáo trình, 01 chương sách tại nhà xuất bản quốc tế; Nhận 04 giải thưởng KHCN cấp quốc gia; Có 01 bằng sáng chế phần mềm phân tích hình thái đầu mặt cho người Việt Nam; và Tham gia Ban biên tập Tạp chí khoa học quốc tế, hội nghị quốc tế.

Trong tất cả các kết quả đó, tôi nhớ mãi kỷ niệm về những ngày đầu tiên làm nghiên cứu, loay hoay trong các ý tưởng và triển khai ứng dụng. Câu hỏi làm thế nào để hiểu và phân tích ứng dụng thành các bài toán lý thuyết, làm thế nào để đưa ra giải pháp hiệu quả cho từng bài toán con và gộp kết quả lại để trở thành ứng dụng có ý nghĩa luôn khiến tôi trăn trở.

Có những thời điểm tôi làm việc liên tục 14 tiếng/ngày chỉ để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên. Sau mỗi lần nghiên cứu và thử nghiệm, kiến thức và kinh nghiệm của tôi ngày trở nên vững vàng hơn.

Các kết quả về hệ thống chẩn đoán bệnh trong Y tế, hệ thống phân tích hình thái đầu mặt, và các ứng dụng tại nước ngoài đã triển khai là kết quả rõ nét nhất cho những ý tưởng và nỗ lực đã trở thành hiện thực.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Rất là khó để chọn ra một giải thưởng mình thấy ấn tượng nhất, mình đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi quốc tế nhưng thực sự mình vẫn chưa đủ vừa lòng với bất cứ giải thưởng nào cả, mỗi giải thưởng chỉ như một lời động viên nho nhỏ, mình vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, trong năm 2017, mình thấy rất vui vì đã cùng 3 người đồng nghiệp sáng lập thành công tổ chức âm nhạc Maestoso, startup về tổ chức hòa nhạc cổ điển và kết nối những nghệ sĩ cổ điển tài năng của Việt Nam.

Maestoso đã có lễ khai trương ngày 23/12 và tổ chức buổi hòa nhạc Christmas Concert ngày 25/12 tại Nhà thờ lớn Hà Nội, đây cũng là lần đầu tiên một buổi hòa nhạc cổ điển có quy mô lớn được diễn ra bên trong thánh đường của Nhà thờ lớn.

Mọi thứ vẫn chỉ là những bước đi đầu tiên trên con đường rất rất dài nhưng đây có lẽ sẽ là một trong những dự án mà mình cảm thấy ấn tượng nhất.

14h30:

Anh nhận được tin nằm trong 20 đề cử cuối cùng của Giải thưởng 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 trong hoàn cảnh nào? Cảm xúc của anh khi đó?

TS Lê Hoàng Sơn: Tôi nhận được thông báo qua các báo mạng. Cảm xúc lúc đó là vui và hồi hộp. Được nằm trong danh sách đề cử gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 là vinh dự và là động lực để tôi phấn đấu hơn nữa.

Nguyễn Hải Ninh: Tôi nhận được điện thoại của Ban tổ chức chương trình. Đầu tiên Ninh cảm thấy ngạc nhiên, sau đó là cảm thấy vinh dự.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Mình cũng mới nhận được tin thôi, hôm đó là buổi sáng, mình vừa mới tới trường thì một người bạn ở Việt Nam gửi cho mình một đường link công bố về đề cử 20 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

Thấy tên mình trong danh sách, đầu tiên mình thấy rất vui và vinh dự. Đây là một giải thưởng danh giá và được nằm trong đề cử của giải thưởng này thực sự đã động viên tinh thần mình rất nhiều để tiếp tục cố gắng hơn nữa trên con đường hiện tại.

Xin hỏi TS Lê Hoàng Sơn, anh có biết những người khác trong danh sách 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu không? Và anh cảm thấy ấn tượng với ai nhất trong số 20 đề cử này?

TS Lê Hoàng Sơn: Trong danh sách này, tôi có biết một số người như em Đinh Quang Hiếu - Huy chương vàng kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế, em Lưu Đức Anh - thần đồng piano cùng tham gia buổi giao lưu này và một số người khác.

Tôi nghĩ đây là những cá nhân rất tiêu biểu cho thế hệ trẻ và khát vọng của người Việt Nam muốn vươn ra thế giới. Và ấn tượng nhất thì tôi nghĩ đó là em Đinh Quang Hiếu - Huy chương vàng kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế vì em ấy có nghị lực và đại diện cho khát vọng về nền kinh tế tri thức của Việt Nam trong tương lai không xa.

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 12

Thông tin về 3 nhân vật được đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 giao lưu với độc giả Dân trí:

1. TS Lê Hoàng Sơn

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 13

Sinh năm: 1984

Đơn vị: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội

Lĩnh vực đề cử: Nghiên cứu khoa học

Khen thưởng:

- Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2013, 2014, 2015, 2016.

- Giấy khen của Đảng bộ, của trường ĐH Quốc gia năm 2012, 2013,2014.

- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2016.

Thành tích:

- Đã có 43 công bố khoa học, trong đó có 15 bài báo trên các tạp chí ISI (ISI là các tạp chí có uy tín của khoa học tự nhiên) thuộc nhóm Q1 trong bảng xếp hạng SCIMago - một bảng xếp hạng về công bố khoa học uy tín nhất trên thế giới. Tác giả của hai cuốn giáo trình về lập trình ứng dụng mobile và lập trình ứng dụng WebGIS.

- Tham gia thực hiện hơn 20 đề tài nghiên cứu khoa học quốc tế, quốc gia, NAFOSTED, cấp ĐHQGHN và cấp trường.

- Đã thực hiện nhiều nghiên cứu theo đơn đặt hàng của công ty Pasec của Italy. Đó là các đề tài: Hệ thống 3D GIS trong thiết kế hạ tầng mạng viễn thông (COMGIS), Xây dựng ứng dụng Iphone trên Android, Xây dựng Web Portal về các loại rượu bằng công nghệ Amazon (Wine Terminal), Bảo tàng trực tuyến (XPOMarket), Xây dựng ứng dụng hiến máu trên Android, Xây dựng ứng dụng quản lí địa chính trên Iphone… Đều là các đề tài mang tính ứng dụng cao và được các công ty phát triển công nghệ sử dụng ở nước ngoài.

2. Nguyễn Hải Ninh

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 14

Sinh năm: 1987

Đơn vị: Đồng sáng lập chuỗi Urban Station, hiện là sáng lập kiêm quản lý chuỗi The Coffee House

Lĩnh vực đề cử: Kinh doanh – Khởi nghiệp

Thành tích:

- Trước khi lọt vào Top "30 Under 30" châu Á, Nguyễn Hải Ninh từng lọt Top "30 Gương mặt trẻ dưới 30 nổi bật nhất Việt Nam" do Forbes Việt Nam bình chọn

- Đồng sáng lập nên Urban Station, là CEO của The Coffee House, tham gia xây dựng nên chuỗi cửa hàng Loft và là thành viên của quỹ đầu tư Seedcom, chàng trai 8X này là một trong những gương mặt có tầm ảnh hướng nhất châu Á do Forbes bình chọn (Top 30 Under 30 Asia).

- Xuất thân từ khối ngành kĩ thuật, từng là quản trị viên tập sự của Pepsi, những bước đi ban đầu của anh vốn dĩ là ước mơ và sự hài lòng của rất nhiều người. Điều đó cũng trở thành những khó khăn khi anh quyết định khởi nghiệp, khi nhận được sự lo ngại từ gia đình và bạn bè.

- Năm 2011, sáng lập Urban Station, dừng lại khi chuỗi cà phê đã lấy lại phong độ và phát triển với tốc độ bất ngờ

- Năm 2014, The Coffee House ra đời như giấc mơ được thực hiện tròn vẹn hơn về ngành cà phê Việt và giá trị kết nối của con người.

- Đối với anh, nhân viên mới là cốt lõi cho sự bền vững của doanh nghiệp. Xây dựng được hạnh phúc, chú trọng con đường sự nghiệp cho nhân viên, sự hài lòng trong công việc và môi trường làm việc tích cực là những điều anh nhất quán phải luôn làm được cho 1700 nhân viên hiện tại của mình.

- Minh chứng cho định hướng giá trị cốt lõi của The Coffee House mà Hải Ninh tin tưởng và theo đuổi, là sự phát triển không ngừng của chuỗi doanh nghiệp, phục vụ hơn 40.0000 khách hàng mỗi ngày, đã hơn 80 cửa hàng phủ sóng 5 thành phố lớn của Việt Nam chỉ trong vòng 3 năm.

- Năm 2017 là sự khởi đầu cho những cột mốc mới của The Coffee House

- Thành lập và phát triển chuỗi doanh nghiệp mới – Trà Ten Ren, thực hiện giấc mơ nâng tầm Trà Cà Phê Việt

- Ra đời cửa hàng chuyên sâu về hạt và hương vị cà phê- “The Coffee House Signature”

- Hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng của quy trình từ Nông trại đến ly cà phê cho khách hàng - Sáp nhập mảng rang xay của Cầu Đất Farm.

3. Nghệ sĩ Lưu Đức Anh

3 đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2017 và những câu chuyện chưa từng được kể - 15

Sinh năm: 1993

Đơn vị: Học viện âm nhạc Malmö, Thuỵ Điển

Lĩnh vực: Văn hoá nghệ thuật

Thành tích:

- Năm 2018: Anh xuất hiện với tư cách Soloist với dàn nhạc giao hưởng Helsingborg, Thuỵ Điển và dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam. Anh cũng đã nhiều lần biểu diễn soloist cùng Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hoàng gia Liege, Bỉ.

Anh đã xuất hiện trên rất nhiều sân khấu tại các nước Việt Nam, Bỉ, Pháp, Hà Lan, Đức, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Ba Lan, Ý, Úc, Nhật,... đồng thời tham dự masterclass của những giáo sư, nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Đặng Thái Sơn, Avedis Kouyoumdjian, Jean-Bernard Pommier, Tibor Szasz, Georg-Friedrich Schenck, Johan Schmidt, Claude Bessmann, Gabriele Vianello...

Anh cũng đã được nhận học bổng để tham gia nhiều festival âm nhạc lớn như Kirishima International Music Festival tại Nhật và Festival Pablo Casals tại Pháp.

- Năm 2017: Giải nhất cuộc thi Piano quốc tế Stockholm tại Stocmholm-Thuỵ Điển, Giải đặc biệt cuộc thi Piano quốc tế “Alain Marinaro” tại Collioure - Pháp.

Anh là nghệ sĩ tiên phong của Việt Nam trong việc thực hiện các buổi hòa nhạc chuyên đề một tác giả, năm 2016 với Franz Liszt và năm 2017 với Johannes Brahms.

Tháng 6 năm 2017, anh lọt vào top 9 pianist trẻ được mời tham dự Grand Prix Marinaro và biểu diễn tại festival âm nhạc “Piano à Collioure”.

* Mời bạn ấn Ctrl+ F5 để liên tục cập nhật nội dung buổi giao lưu. Xin cảm ơn.

Nhóm PV