Bảo lưu kết quả ĐH để mở quán xôi "thực tập"
Mỗi sáng sớm, người đi đường Lữ Gia (Q. 11, TP.HCM) lại chú ý đến chõ xôi nóng và các bạn sinh viên, học sinh đến đây để thực tập không lương. “Tác giả” của quán xôi này là bạn Trần Văn Hiếu, sinh viên trường ĐH Y dược TP.HCM.
Để lao vào thực tế
Quyết định bảo lưu kết quả học tập ở trường từ đầu năm thứ ba đại học, Hiếu vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình. Hiếu chia sẻ: “Học ở trường một thời gian, mình có tham gia nhiều hoạt động và cũng như tiếp xúc với nhiều người. Bản thân nhận thấy mình có đam mê về lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là phát triển cộng đồng.
Mình bảo lưu để dành thời gian cùng một số người bạn có chung ý tưởng, lập dự án giúp bạn trẻ có cơ hội và môi trường để phát triển bản thân cũng như tìm thấy những giá trị sống. Quan điểm của mình là sống, học tập không phải vì đồng tiền mà là để có kiến thức nhằm sống đúng với những giá trị của một người chân chính”.
Hiếu trăn trở khi thấy xôi – món ăn truyền thống của Việt Nam đang dần mai một, thay vào đó là những món ăn nhanh được du nhập từ nước ngoài. Anh bạn đã nghĩ ra cách kết hợp bán xôi để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa tạo ra một nơi để cho các bạn trẻ khác đến thực tập, trải nghiệm cuộc sống bằng việc bán hàng.
Nắm xôi yêu thương
Quán xôi mang cái tên là lạ “Ồ Xôi” trở nên nhộn nhịp bởi nhiều tiếng nói cười của những bạn học sinh, sinh viên từ các trường trong thành phố đến thực tập. Đến đây, sinh viên được thử làm người bán hàng với những vai trò khác nhau.
Các bạn được Hiếu hướng dẫn rất kỹ lưỡng từ việc đơm xôi sao cho đầy, cho khéo, đến việc bỏ vào túi và trao đi gói xôi với thái độ phục vụ ân cần, tận tình. Tất cả đều là các kỹ năng phải học. Để thay đổi suy nghĩ “ăn xôi nhanh ngán”, nhóm của Hiếu còn tặng kèm cho khách cả nước trà.
Tuy chỉ là quán xôi nho nhỏ nhưng Hiếu và các bạn trong nhóm bán hàng đã mở thêm những hoạt động “Ngày Chia sẻ”. Đó là ngày tặng xôi cho những người vô gia cư và người lao động nghèo. Các bạn đã chủ động tìm đến người nghèo, phát phiếu cho họ kèm theo lời dặn dò cẩn thận để họ đến nhận xôi miễn phí đúng giờ.
Lúc trao xôi cho những người vô gia cư và thu nhập thấp, nhóm bạn luôn thể hiện thái độ tôn trọng, lịch sự, xem họ giống như những người khách quý. “Có những người từ rất xa đi bộ về đây để lấy xôi. Tụi mình phải làm cho họ cảm thấy vui vẻ. Việc bán hàng như thế này giúp mình có rất nhiều nhận thức về kinh doanh, đúng với ngành đang học”, Anh Tú nói.
Với quan niệm bán xôi không chỉ bán giá trị sử dụng của gói xôi mà còn bán kèm cả một hệ giá trị của những người đã góp nguyên liệu, những người trực tiếp làm ra gói xôi và của người bán xôi, Hiếu chia sẻ: “Mình nhận ra đạo đức kinh doanh là khi bạn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mà bản thân bạn cảm thấy hạnh phúc khi sử dụng chúng. Bán xôi mà không dám ăn xôi của mình, bán sữa mà không dám uống sữa của mình, chứng tỏ đạo đức kinh doanh của bạn có vấn đề”.
Quỳnh Nhi (thực tập viên quán xôi, học sinh lớp 11, trường THPT Đinh Thiện Lý) tâm sự: “Em rất thích đi bán xôi như thế này với các anh chị ở đây. Em học được nhiều điều về những bài học cuộc sống mà trước đó em không hề để ý đến. Thật khó có được sự đồng cảm với khó khăn của một người nếu mình không làm những công việc của chính họ.
Bây giờ, khi bán hàng trong những ngày bình thường hay khi trao xôi trong “Ngày Chia sẻ” yêu thương, em đã hiểu hơn được nỗi vất vả của những người buôn bán vỉa hè, đặc biệt là vào những ngày mưa.
Việc bán mấy chục phần xôi một ngày không hề đơn giản. Nó là một chuỗi những công đoạn. Đó là mồ hôi của việc nấu nướng sao cho có mẻ xôi chất lượng, là thái độ phục vụ, là cách chúng ta mang xôi đến tay người mua, là cách chúng ta cười, và là chuyện thực hiện trách nhiệm xã hội với người nghèo, trẻ em lang thang…”.
Khi được hỏi vì sao tổ chức những ngày phát xôi miễn phí, dù như vậy sẽ mất đi một khoản lợi nhuận lớn, Hiếu cười: “Tặng xôi, bán xôi dưới giá gốc là một hình thức mà chúng mình chọn lựa để thể hiện trách nhiệm cộng đồng. Khá may mắn là khi các khách hàng mua xôi biết đến “Ngày Chia sẻ”, họ đã ủng hộ và giúp đỡ chúng mình nhiều.
Trong tương lai, bọn mình sẽ đầu tư mua các loại ly giấy và hộp đựng xôi mang tính thân thiện với môi trường để phục vụ khách. Mục tiêu xa nhất mà bọn mình muốn làm là xây dựng chuỗi nhà hàng buffet xôi, tạo dựng nó thành một thương hiệu để mọi người khi ăn xôi đều cảm thấy thân thuộc.
Chúng mình còn muốn mở một cơ sở vừa dạy học vừa dạy nghề nấu xôi cho trẻ lang thang, mồ côi, cơ nhỡ. Sắp tới “Ồ Xôi” sẵn sàng chào đón và giúp đỡ bất kỳ bạn trẻ nào muốn tham gia thực tập để phát triển và nâng cao vốn trải nghiệm thực tế”.
Theo Bích Ngọc
Sinh viên Việt Nam