Bảo “ếch” và cơ hội thành tỷ phú
Sau nhiều năm “tha hương” vào Nam, cuối cùng anh Giáp Văn Bảo (30 tuổi, xã Quế Nham, Tân Yên, Bắc Giang) nhận ra quê hương chính là mảnh đất làm giàu thiết thực nhất với mô hình nuôi ếch tại ao nhà, kết hợp nuôi chim trĩ đỏ, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Từ đôi bàn tay trắng
Đam mê và theo học ngành cơ khí tại một trường trung cấp, song sau khi tốt nghiệp, do không tìm được việc làm nên anh Bảo lặn lội vào Nam lập nghiệp. Anh xin vào làm cho một doanh nghiệp nhưng lương tháng không đủ ăn, đủ tiêu.
Rời miền Nam về quê nhà, anh quyết định lập nghiệp với nghề chăn nuôi. Không có một đồng vốn dắt lưng, năm 2008, anh vay mượn mua được 3 cặp nhím giá 48 triệu đồng về nuôi nhưng thua lỗ vì giá nhím xuống mạnh.
Không nản, anh mở rộng hướng chăn nuôi bằng mô hình nuôi ếch thương phẩm và ếch đẻ. Để nhân rộng mô hình, năm 2010, anh Bảo tìm tòi, đưa ếch Thái Lan về nuôi. Anh lặn lội về Hưng Yên và Hải Dương để tìm hiểu kỹ thuật và mua con giống.
Trên diện tích 3.000 m2, anh tận dụng mặt ao, mua lưới về làm thành các tráng nuôi ếch khác nhau. Để ếch có môi trường sinh sản tốt nhất, anh đầu tư trên 100 triệu đồng mua ếch giống, lưới, cọc, dây thép... Mức giá mua ếch ở thời điểm ấy từ 1.100- 1.500 đồng/ con. Độc đáo trong cách chăn nuôi của anh là kết hợp nuôi cá và nuôi ếch với nhau.
Anh Bảo cho biết: “Căn cứ vào độ rộng vừa phải của tráng mà biết cách làm cho đáy tráng xấp xỉ với mặt nước. Trong đó, chú trọng tới việc tránh để nước ngập sâu. Đây là điểm lưu ý đặc biệt nhằm mục đích để ếch không ăn lẫn nhau khi còn nhỏ”.
Theo anh Bảo, mục đích của việc kết hợp giữa nuôi cá với nuôi ếch là để tiết kiệm công vệ sinh cho ếch. Theo đó, màng ếch được cá ăn, từ đó môi trường lồng ếch luôn được vệ sinh sạch sẽ. Với 1.000 con ếch nhập ban đầu, hiện tại số lượng ếch thương phẩm và ếch đẻ trong tráng đã lên tới hơn 60.000 con.
Anh Bảo cho biết thêm: Cứ sau 2,5 tháng ếch cho thu nhập một lứa, sản lượng đạt 2,5 lạng/con, bình quân sản lượng ước đạt 1,7 tấn/2,5 tháng. Với giá bán trên thị trường từ 45- 50.000 đồng/kg, anh Bảo thu cả trăm triệu đồng mỗi lứa.
Thầy dạy nông dân
“Vào thời điểm mùa mưa, ếch rất dễ bị nhiễm bệnh do độ a- xít cao. Ngoài ra, nước ao dâng tráng ếch sẽ bị ngập, diện tích tráng thu hẹp lại nên khả năng hô hấp của ếch bị hạn chế. Đặc biệt, phải tốn thêm công chăm sóc, nâng lại tráng, mở rộng và làm mới tráng để ếch có điều kiện phát triển tốt nhất”, anh Bảo chia sẻ kinh nghiệm.
Không chỉ “mát tay” trong việc chăn nuôi, anh Bảo rất nhiệt huyết với việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống cho những hộ có nhu cầu nuôi ếch trong xã.
Phương châm “phải thành công trước năm 40 tuổi” đã thôi thúc anh Bảo làm việc không ngừng nghỉ. Anh tiếp tục đầu tư gần trăm triệu đồng để xây chuồng trại và nhập giống chim trĩ đỏ, bồ câu về nuôi.
Hàng trăm cặp chim trĩ, bồ câu… đều được anh duy trì chăn nuôi trong cả năm. Đặc biệt, chim trĩ đỏ được nhiều người dân muốn nuôi lấy thịt và làm cảnh. Anh dự định trong thời gian tới sẽ mua máy ấp trứng để phục vụ nhu cầu con giống cho thị trường.
Ông Giáp Văn Tùng, trưởng thôn Ngọc Trai, cho biết: “Mô hình chăn nuôi kết hợp của hộ gia đình anh Bảo được nhiều người biết đến và khâm phục.
Nhờ đổi mới phương thức trong chăn nuôi, đặc biệt là nuôi ếch mà gia đình anh Bảo vươn lên làm giàu. Đặc biệt, đầu năm 2014, anh Bảo trực tiếp đứng ra giảng dạy về kỹ thuật chăn nuôi cho những nông dân trên địa bàn. Theo đó, 100% số hộ trong thôn đều nhiệt tình tham gia học hỏi”.
Theo Ái Liên
Tiền phong