Bạn trẻ và nỗi "ám ảnh" mỗi dịp Tết đến xuân về

Hồng Minh

(Dân trí) - Tết mang nhiều niềm vui nhưng cũng đem đến nỗi sợ mà hầu như bạn trẻ nào cũng từng trải qua.

Một cái Tết nữa đã đến gần, cộng đồng mạng lại được dịp rộn ràng chia sẻ những nỗi "ám ảnh" thường trực, từ chuyện nếp nhà, phong tục khác nhau, cho đến việc phải lau dọn bàn ghế chạm trổ, ăn những món ăn béo ngậy, hay nỗi sợ rửa cả chục mâm bát, những câu hỏi thiếu ý tứ của họ hàng, người quen... Thậm chí, nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch đi chơi trong suốt những ngày Tết như một cách để chạy trốn khỏi những nỗi lo "quá khổ".

Ngày hội "toàn dân" khoe nỗi sợ

Mỗi bức ảnh, mỗi dòng trạng thái với đề tài "nỗi ám ảnh" ngày Tết trở lại đều trở thành đề tài nhận được nhiều sự đồng cảm của bạn bè, người thân và cả những người bạn phương xa chưa từng gặp mặt.

Bạn trẻ và nỗi ám ảnh mỗi dịp Tết đến xuân về - 1
Xuất phát từ lịch sử lâu đời, truyền thống của người Việt Nam, người dân từ xa xưa vốn kham khổ, dành cả năm để lao động vất vả, ăn uống đạm bạc nên các món ăn ngày Tết thường được chế biến cầu kì, nhiều hương vị hòa quyện và giàu dinh dưỡng như một cách "bù" lại. Tuy vậy, khi đời sống đã được nâng cao, việc nhiều gia đình cố gắng lưu giữ truyền thống, chuẩn bị đủ các món ẩm thực cổ truyền như bánh chưng, nem rán, thịt kho, canh măng... lại khiến nhiều bạn trẻ ái ngại vì có phần gây ngán và dễ tăng cân suốt nhiều ngày nghỉ lễ.
Bạn trẻ và nỗi ám ảnh mỗi dịp Tết đến xuân về - 2

Khi đã bước qua tuổi 17-18, nhiều bạn trẻ (nhất là các bạn nam) còn phải đối mặt với một nỗi sợ khác: hủ tục ép uống bia, uống rượu cùng người lớn trong gia đình và khách khứa. Đây quả thực là điều cần trừ bỏ, bởi dễ gây ra nhiều hậu quả khó lường như tai nạn giao thông, sự mất kiểm soát hoặc các căn bệnh về tim, mạch, gan...

Bạn trẻ và nỗi ám ảnh mỗi dịp Tết đến xuân về - 3

Đối với học sinh, nỗi ám ảnh lớn nhất trước Tết chính là "bài tập Tết". Đối với những người lớn hơn, đó là deadline. Không ai muốn giữa thời điểm nghỉ ngơi, xả hơi vẫn phải vẩn vương những nỗi lo về công việc chưa được hoàn thành, hoặc tục Khai bút đầu năm bị phá hỏng bởi một bài tập khó. Bởi vậy, ai ai cũng cố gắng "vắt chân lên cổ" để hoàn thành phần việc này một cách nhanh chóng, mong có một kì nghỉ lễ trọn vẹn.

Bạn trẻ và nỗi ám ảnh mỗi dịp Tết đến xuân về - 4

Đối với những đứa con trong gia đình, những ngày trước Tết trở thành chuỗi ngày phải vùi mình trong căn bếp đầy dầu mỡ, tự tay làm món ăn, chuẩn bị mâm cỗ cúng, và dọn dẹp, rửa bát sau khi cả nhà đã no nê. Đáng sợ hơn nữa, đó là những bộ bàn ghế chạm trổ đã bám bụi cả năm, phải dành nhiều thời gian để cọ rửa từng chi tiết nhỏ, rất dễ gây oải và đau mỏi toàn thân.

Bạn trẻ và nỗi ám ảnh mỗi dịp Tết đến xuân về - 5
Nhưng những điều kể trên vẫn chưa đáng sợ bằng một "hung thần" trong căn bếp: những hộp nhựa trong dính dầu mỡ. Vì tính chất nhựa dễ bám mỡ, khó lau rửa, những chiếc hộp đựng thực phẩm này trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất với các bạn trẻ - những người thường được giao "trọng trách" rửa dọn đồ đạc trong nhà sau mỗi bữa tiệc.
Bạn trẻ và nỗi ám ảnh mỗi dịp Tết đến xuân về - 6

Giới trẻ rất sợ "combo" những câu hỏi "chí mạng" như: Bao giờ lấy chồng? Đã có người yêu chưa? Lương tháng bao nhiêu? Nghề ngỗng gì chưa? Bao giờ cho bố mẹ bế cháu? Có biết nấu ăn không?...

Bạn trẻ và nỗi ám ảnh mỗi dịp Tết đến xuân về - 7

Và nếu đang ở độ tuổi 23-30 tuổi, một số bạn trẻ còn rơi vào tình cảnh thê thảm hơn: 7 ngày nghỉ lễ Tết trở thành 7 ngày cùng bố mẹ rong ruổi đến nhà "ông bạn thân", "cô hàng xóm"... để xem mắt, kết đôi, gán ghép cùng những người con của họ, trải qua những cuộc hội thoại sống sượng, những ánh mắt ngại ngùng chỉ để làm hài lòng đấng sinh thành.

Gia đình gắn kết, đó mới là Tết

Bạn trẻ và nỗi ám ảnh mỗi dịp Tết đến xuân về - 8

Xã hội ngày càng phát triển, mỗi người cũng nên thay đổi cách nghĩ về Tết. Trong dịp này, chúng ta có thể đơn giản hóa mọi lễ nghi, chỉ cần làm mọi thứ thật gọn nhẹ để gia đình vui vẻ, sum vầy, đầm ấm bên nhau trong những ngày cuối năm.

Tết là để nghỉ ngơi, là để thả lỏng tâm trí, là cảm nhận hạnh phúc từ những điều bình dị nhất. Khi gặp nhau, đừng khiến đối phương khó xử và thêm xa cách vì những câu hỏi "khó đỡ" hoặc những hủ tục rườm rà, mệt mỏi. Hãy đơn giản hóa mâm cỗ tất niên, tân niên, đón một mùa Tết "xanh" vừa để gia đình cùng vui, vừa để đảm bảo sức khỏe, cân bằng dinh dưỡng, vừa giảm thiểu những phần rác thải nilon, nhựa khó phân hủy ra môi trường, giúp những người lao công cũng có một mùa Tết đỡ vất vả.

Ai cũng vừa trải qua một năm quay cuồng vì dịch, xin đừng tạo thêm phiền muộn, mệt mỏi cho bạn bè, người thân!

Tổng hợp

Nguồn ảnh: FB

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm