Những câu hỏi "khó đỡ" trong dịp Tết: GenZ gỡ rối

Hồng Minh

(Dân trí) - Tết đến xuân về, bên cạnh niềm vui đoàn tụ bên gia đình, bạn trẻ còn phải chuẩn bị tinh thần đối diện những "màn hỏi cung quốc dân". Hãy xem Gen Z xử trí những tình huống khó đỡ như thế nào?

Những câu hỏi khó đỡ trong dịp Tết: GenZ gỡ rối - 1

Đào Trang Nhung - sinh viên ĐH Ngoại thương.

Mỗi khi nhắc về Tết, khoảnh khắc đầu tiên hiện lên trong tâm trí mình là thời điểm đồng hồ đếm ngược tới giao thừa. Lúc đó, mình với bố mẹ cùng nâng ly, trao nhau những bao lì xì và tặng nhau những lời chúc chân thành.

Đối với mình, gia đình đoàn tụ là món quà Tết tuyệt vời nhất mà mình nhận được hằng năm. Bởi vậy, mình không quá khó chịu khi nhận được những câu hỏi quan tâm của người thân, mà sẽ chọn trả lời hóm hỉnh, xoa dịu bầu không khí và cả nhà đều vui.

Bố mẹ mình cũng là những người rất tâm lý, chắc sẽ không có chuyện hỏi khó, hoặc bắt con cái làm quá nhiều việc nhà hay lủi thủi lau dọn, nấu nướng đâu. Từ khi vào ĐH, mình đã rất hay bị hỏi "Bao giờ lấy chồng?", nhất là về quê. Mỗi khi bị hỏi như thế, mình cũng vui vẻ nói: "Cháu vẫn muốn ở với bố mẹ cơ!".

Những câu hỏi khó đỡ trong dịp Tết: GenZ gỡ rối - 2

Tống Ngọc Lan - sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển.

Ngày Tết, mình rất muốn giành thời gian cho gia đình, cùng cả nhà dọn dẹp sắp tết, cùng mẹ đi chợ làm cỗ vì cả năm bận rộn ít có thời gian. Bởi vậy, nếu có bị bắt nấu cỗ, rửa bát, chặt gà, đồ xôi..., mình sẽ vui vẻ làm cùng bố mẹ. Công đoạn nào chưa biết làm, chưa thành thạo, mình sẽ hỏi mẹ và tập làm thôi, biết thêm một kĩ năng mới luôn là điều thú vị.

Những câu hỏi khó đỡ trong dịp Tết: GenZ gỡ rối - 3

Hoàng Nguyên Ngân Thảo - sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh - TPHCM.

Vì bản thân mình còn đang đi học, nên hầu như sẽ nhận được câu hỏi là học hành thành tích như thế nào. Để trả lời được câu hỏi này thì mình phải cố gắng học hành cho thật tốt, trau dồi chuyên môn, kĩ năng trong nghề và trả lời thật thôi. Những bước trưởng thành, thành công, dấu ấn nghệ thuật của mình sẽ là câu hồi đáp thiết thực nhất tới những người thân đang quan tâm tới mình.

Với những việc chuẩn bị cho dịp Tết, chăm sóc nhà cửa, gia đình, mình không cảm thấy đây là chuyện phiền toái gì đâu. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau. Để duy trì bầu không khí vui vẻ cho gia đình, mình và chị gái sẽ chia nhau làm hết các "gạch đầu dòng" cần thiết. Không chỉ đỡ đần bố mẹ mà đây còn là dịp để mình trổ tài khả năng nội trợ của bản thân mà. Bản thân không cảm thấy khó chịu thì những việc trên mình cũng sẽ vui vẻ làm được thôi.

Những câu hỏi khó đỡ trong dịp Tết: GenZ gỡ rối - 4

Lục Thị Băng Trinh - tình nguyện viên chống dịch.

Năm vừa qua, do dịch bệnh nên cuộc sống của mình bị ảnh hưởng rất là nhiều: mất việc làm và cũng trở thành bệnh nhân Covid-19. Kinh tế cá nhân trở nên khó khăn, không thể phụ giúp gia đình. Bản thân mình cũng gặp nhiều di chứng sau khi khỏi bệnh hoàn toàn, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nên cũng chưa thể trở lại công việc. Bởi vậy, mình nghĩ Tết sắp tới sẽ không có ai hỏi là thưởng tết hay lương bao nhiêu...

Với câu hỏi "Bao giờ lấy chồng?" thì mình vẫn sẽ trả lời như cũ: "Cháu thì có ai lấy đâu! Lấy chồng để làm gì? Cháu mới 26, còn trẻ chán, vội gì!"

Bên cạnh đó, mình cũng không ngại vào bếp, làm việc nhà, bày mâm cỗ cùng mẹ vì mình tự nhận thấy bản thân khá đảm đang, và được cùng mẹ chăm sóc gia đình cũng là một niềm vui mà.

Những câu hỏi khó đỡ trong dịp Tết: GenZ gỡ rối - 5

Phan Nguyễn Trúc Phương - sinh viên ĐH Văn Lang.

Mình cảm thấy khá là bình thường đối với những câu hỏi được cho là "quen thuộc" vào những dịp Tết, bởi suy cho cùng, đó đều là sự quan tâm và tình cảm của người thân trong gia đình. Đôi khi, mình còn cảm thấy khá vui vì vẫn được mọi người quan tâm hỏi han.

Thường người ta có câu, "của ít lòng nhiều, quan trọng là tấm lòng" mà. Mình vẫn sẽ trả lời chân thành, thật thà và thẳng thắn. Biết đâu khi thấy mình vui vẻ chia sẻ tình hình khởi nghiệp, hoặc "trạng thái yêu đương", các cô chú lại lì xì thêm để lấy may. Chân thành sẽ đổi lại được chân tình mà, mình tin vậy.

Những câu hỏi khó đỡ trong dịp Tết: GenZ gỡ rối - 6

Nguyễn Hoàng Minh - sinh viên ĐH Công nghiệp TPHCM.

Ngày trước khi còn ở gần gia đình thì mình hay bị sai vặt dịp Tết, nó khiến mình cáu gắt, khó chịu với gia đình. Thế nhưng, khi bắt đầu học xa nhà thì mỗi dịp Tết về, ba mẹ mình chỉ mong mình tận hưởng khoảng thời gian Tết trọn vẹn nên mình không còn "bị" sai vặt như trước nữa. Dù là vậy nhưng trách nhiệm của một người con, mình vẫn tự giác phụ giúp gia đình, và coi đó là một niềm vui nho nhỏ.

Những câu hỏi khó đỡ trong dịp Tết: GenZ gỡ rối - 7

Phùng Long Vũ - nhiếp ảnh gia.

Là con cả và là người đầu tiên trong gia đình có hướng làm ngành nghề về nghệ thuật, chuyện đón nhận những câu hỏi về sự khác lạ và quyết định của bản thân là khó tránh khỏi đối với mình. Nhưng khi được hỏi, mình cũng thấy vui mà vì đó là cách mà mọi người quan tâm và là dịp để mình được bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của bản thân. Mình thường đối diện một cách vui vẻ và tìm cách trả lời hài hòa, gây thiện cảm để được sự thấu hiểu từ ông bà, người thân.

Mình sẽ khoe được làm với nhiều người nổi tiếng, được tham gia các hoạt động đoàn thể, đi làm ở những địa điểm đẹp... là mọi người đều trầm trồ và không "hỏi xoáy đáp xoay" nữa.

Còn với việc nhà dịp Tết, mỗi vùng sẽ có những tục lệ riêng. Với một người con đã trưởng thành, việc chia sẻ việc nhà cùng gia đình là điều nên làm. Mình sẽ không "ôm điện thoại, lướt TikTok" trong khi bố mẹ dọn dẹp đâu. Đây là dịp để hiểu bố mẹ nhiều hơn, cũng như luyện cho bản thân bớt vụng về và trở nên tự tin hơn khi bước vào cuộc sống tự lập mà.

Những câu hỏi khó đỡ trong dịp Tết: GenZ gỡ rối - 8

Nguyễn Quý Dương - sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội.

Cứ mỗi đợt Tết đến xuân về, mọi người lại xôn xao chia sẻ về những màn "hỏi cung quốc dân" khó xử. Theo ý kiến cá nhân của em, những câu hỏi đó có thể xuất phát từ sự quan tâm thật sự từ người đối diện, do cả năm dài mới có một dịp gặp mặt hay chỉ đơn giản là do sự tò mò, "kiếm câu chuyện làm quà".

Đối diện với những câu hỏi đó, cái khó là không lảng tránh gây hụt hẫng, đưa ra một câu trả lời chung chung nhưng vẫn không quên sự tinh tế, khéo léo để chuyển sang một chủ đề khác vui vẻ hơn thì hoàn toàn "vẹn cả đôi đường" và có thể ghi điểm trong mắt mọi người nữa.

Em sẽ trả lời thật, kèm với nụ cười thân thiện để thể hiện sự chân thành của mình. Khi có một tinh thần tích cực thì mọi việc đều sẽ trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả và đặc biệt là "enjoy cái moment này" hơn, và có một cái Tết thật vui vẻ, đầm ấm bên gia đình.

Những câu hỏi khó đỡ trong dịp Tết: GenZ gỡ rối - 9

Lê Phan Huyền Trinh - Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng.

Giả sử mình gặp những tình huống "khó đỡ" như các câu hỏi "truyền thống", chắc mình sẽ vui vẻ đón nhận và đáp lại một cách vui vẻ: "Cuối năm con cưới, mà cuối năm nào thì con không biết".

Đối với việc bị chê lì xì ít, mình sẽ "né" bằng cách tặng các em nhỏ một món quà đầu năm, thay vì phong bao đựng tiền. Ngoài ra, mình không quên chia sẻ với các bé nhỏ rằng ý nghĩa của việc lì xì là tài lộc, là may mắn đầu năm, chứ không nằm ở giá trị của số tiền lớn hay nhỏ.

Trong dịp Tết, mình sẽ không bị "bắt" làm quá nhiều việc đâu, mà thường mình sẽ tự nguyện làm. Vì mình rất thích khoảng thời gian trước tết được "bận rộn" dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ cùng gia đình. Mình học đại học xa nhà, nên chỉ có dịp Tết đến như thế này mới có thời gian quây quần bên gia đình nhiều hơn, phụ giúp bố mẹ công việc nhà và là cơ hội để mình trổ tài "nữ công gia chánh".

Ảnh: NVCC