Bạn trẻ “lệch quy chuẩn bố mẹ” có bị coi “nổi loạn”?
(Dân trí) - Theo Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, khi người trẻ vấp phải sự phản đối của cha mẹ vì sống khác đi so với những gì đã được kì vọng, giải pháp là “đánh du kích” thuyết phục cha mẹ và lập lộ trình, kế hoạch quản trị cuộc đời.
Ở bài trước, bài viết đã đưa ra những câu chuyện về những người trẻ cụ thể đã sống theo những gì bản thân mong muốn và chịu sự phản đối của gia đình bởi điều đó đi ngược lại những gì người thân vẫn luôn kì vọng, dẫn dắt.
Để người trẻ có thể vượt qua những rào cản đó, Thạc sĩ Đào Lê Hòa An (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) phân tích vấn đề và đưa ra những lời khuyên.
Việc không ít bạn trẻ “sống khác đi” so với định hướng, mong muốn của các bậc phụ huynh bị coi là “ngỗ nghịch” thậm chí “nổi loạn”. Theo anh, sự thay đổi ấy được coi là đúng hay sai?
Cha mẹ nào mà không thương con, mong muốn cho con có được sự thành công, hạnh phúc trong cuộc sống. Bằng kinh nghiệm, sự từng trải, cùng với niềm mong ước mà mình chưa thực hiện được, các bậc phụ huynh thường đặt kì vọng vào con trẻ, vạch ra cho con một lộ trình theo sự sắp đặt sẵn của cha mẹ.
Tuy nhiên, mỗi người khi sống trong cuộc sống này đều là những cá thể độc lập, có những khả năng, sở thích, niềm đam mê, lý tưởng sống, hoài bão, ước mơ hoàn toàn khác nhau.
Vì lẽ đó, chắc chắn sẽ xuất hiện sự xung đột giữa cha mẹ và con cái nếu như những nhận thức, tình cảm và ước vọng của mỗi bên không cùng một “hệ quy chiếu”, không nằm trên một “tọa độ”.
Anh nghĩ việc thoát ra khỏi vòng tay bố mẹ, để trưởng thành theo cách của riêng mình có ý nghĩa như thế nào đối với những người trẻ?
Mỗi người chỉ có một đời để sống. Thực tế cho thấy đã có những người khi về già đã cảm thấy tiếc nuối tuổi thanh xuân vì có những việc mình từng muốn làm nhưng đã không đủ can đảm, không đủ bản lĩnh hoặc do dự vì nhiều lý do.
Tôi đã từng trò chuyện cùng nhiều bạn trẻ, độ tuổi tầm 18-25. Rất ngạc nhiên khi các bạn vẫn nghĩ mình vẫn còn nhỏ, mọi chuyện nên để người lớn lo…
Sự tự lập. tự chủ của các bạn trẻ Việt Nam ta thiếu và yếu một phần cũng do chính cha mẹ bao bọc con một cách quá mức, luôn sợ con sẽ vấp phải “ổ gà, ổ voi” té ngã đau để rồi “lót đường” hoặc “trải thảm” cho con.
Cha mẹ đâu biết rằng, thất bại không có nghĩa là vấp ngã, thất bại chính là nằm lì sau vấp ngã, hành trang kỹ năng sống đó chính là việc học được một tư thế ngã ít bị thương tổn cũng là một điều rất có giá trị.
Việc thoát khỏi vòng tay cha mẹ, sẽ giúp các bạn trẻ rèn luyện tính bản lĩnh, sự tự lập, kỹ năng ra quyết định để có thể tự tin và đối diện trước những thử thách chông gai của cuộc đời.
Ca sĩ Tóc Tiên với quyết định thay đổi ngoài khuôn cách từng khiến gia đình phiền lòng.
Không ít bạn trẻ thoát khỏi “khuôn mẫu” bố mẹ vạch sẵn, đã bị quay lưng, rạn nứt tình cảm. Anh nghĩ họ phải vượt qua điều đó thế nào, và cần làm gì để khiến bố mẹ nguôi giận?
Việc thoát khỏi “khuôn mẫu” chứng tỏ bạn là một người rất quyết đoán và có một niềm đam mê mãnh liệt về một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể thành công nếu bạn thực sự đã có sự tìm hiểu, hoạch định và vẽ ra “tấm bản đồ” thật kỹ lưỡng và chi tiết về con đường mà mình đã chọn.
Việc thuyết phục cha mẹ tất nhiên cần có nhiều thời gian để cha mẹ thẩm thấu và đồng cảm. Bạn có thể chinh phục từ vòng ngoài là những người có tầm ảnh hưởng đến cha mẹ, thuyết phục được những người này, bạn đã có những đồng minh thân cận, sau đó có thể nhờ những người ấy “lời ra tiếng vào” ủng hộ bạn.
Sau đó, bạn sẽ có thể tiến sâu hơn một chút khi chọn lựa một trong hai người cha hoặc mẹ, ai sẽ là người dễ “lung lay” hơn để có thể tác động từng bước một.
Với những bạn trẻ đang có ý định “thay đổi”, “lột xác”, họ cần chú ý điều gì?
Ai đó đã từng nói: “Khi bạn theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Người trẻ cần xác lập cho mình lộ trình và kế hoạch quản trị cuộc đời. Chính bạn phải là người hiểu rõ bản thân của mình nhất.
Hãy lập hồ sơ quản trị cuộc đời và trả lời cho những câu hỏi: Những thành tích đáng nhớ nào mà bạn đã từng đạt được? Những mối quan hệ nào mà bạn cần luôn được duy trì và chăm sóc? Câu chuyện/lời nói/người đã làm thay đổi cuộc đời bạn? Những nguyên tắc sống mà bạn theo đuổi? Những mốc sự kiện quan trọng và đáng nhớ trong cuộc đời bạn?
Xác lập cho mình những mục tiêu ngắn hạn và những mục tiêu dài hạn trong cuộc sống và đề ra kế hoạch thật chi tiết, cụ thể để có thể hoàn thành những mục tiêu ấy.
Bạn nên nhớ: Mục tiêu chính là: “Kết quả cuối cùng mà bạn mong muốn đạt được cộng với thời hạn hoàn thành cụ thể”. Thiếu yếu tố thời gian và sự quyết tâm, mục tiêu đó chỉ mãi là kế hoạch được đặt trên bàn giấy. Mục tiêu cần thỏa mãn 4 tiêu chí: hấp dẫn, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với khả năng của bạn.
Làm được những điều ấy, bạn sẽ có tấm bản đồ màu nhiệm để biết bạn sẽ đi đâu về đâu giữa mê cung của cuộc đời, xác lập lộ trình hướng đến sự thành công lớn trong tương lai.
Cảm ơn anh về những chia sẻ đáng quý này!
Hoài Thư (ghi)