Bà bầu sinh viên: Lên xe hoa sau lần “thua độ”

Mùa World Cup 2014, Ngọc và Nam cá độ trận chung kết. Ngọc muốn cá độ ăn uống nhưng Nam mạnh bạo đề nghị “nếu em thua, em về làm dâu nhà anh nhé”. Ngọc nghĩ đơn giản là trêu đùa.

Nên duyên từ bóng đá

 

Vũ Thị Kim Ngọc, sinh năm 1993, sinh viên ĐHSP chưa bao giờ nghĩ mình sẽ yêu và lấy người như Nguyễn Tuấn Nam, sinh năm 1990. “Anh Nam hồi đó là mẫu đàn ông mình không thiện cảm. Qua bạn bè, mình biết anh ấy nghịch ngợm và chơi bời”.

 

Mẹ Ngọc và mẹ Nam là chỗ bạn bè thân thiết nên hai bạn trẻ biết nhau. Lần đầu tiên gặp mặt, khi Ngọc theo mẹ đến chơi, sự kiêu kì của cô gái trẻ khiến Nam chú ý. Một bên mắt bị hỏng nhưng Nam cảm nhận rõ, ở Ngọc toát sự tự tin và tự chủ, không hề có sự mặc cảm, tự ti.

 

Xin số Ngọc qua mẹ, Nam nhắn tin hỏi thăm, kết bạn. Ngọc đáp lại theo phép lịch sự, không tỏ ra hào hứng. Trường kì tin nhắn điện thoại mà những câu chuyện vẫn luẩn quẩn thăm hỏi, Nam quyết định thay đổi chiến thuật. Phát hiện ra Ngọc cũng mê bóng đá như mình, những lần nhắn tin, gọi điện sau đó, Nam thường xuyên đề cập đến bóng đá. Câu chuyện rôm rả hẳn.

 
Ngọc thua Nam lần “cá độ” cuộc đời trong trận Chung kết World Cup 2014.
Ngọc thua Nam lần “cá độ” cuộc đời trong trận Chung kết World Cup 2014.
 

Từ bóng đá, những câu chuyện móc nối sang chủ đề, vấn đề khác. Hai người dần trở nên thân thiết. Những lần gặp mặt, những cuộc nói chuyện trực tiếp sau đó, Nam hiểu nhiều hơn về Ngọc. Anh khâm phục, quý trọng cô gái trẻ về nghị lực, bản lĩnh sống.

 

“Ngọc mạnh mẽ, tự tin, chưa bao giờ coi khuyết tật của bản thân là rào cản trong cuộc sống. Ngọc sống tình cảm, sâu sắc và rất có trách nhiệm”. Ngọc khiến Nam tự vấn chính mình, anh thấy xấu hổ về cuộc sống hưởng thụ chỉ biết ăn chơi và dần thay đổi.

 

Ban đầu, Ngọc cho rằng Nam là một cái thùng rỗng, nổi trên mặt nước vì bên trong chẳng có gì. “Khi biết anh ấy cũng say bóng đá, mình thấy anh ấy không vô vị như mình nghĩ. Qua nói chuyện, mình nhận ra sự chơi bời, nổi loạn khi còn ít tuổi của anh ấy là cách để khẳng định bản thân”. Bằng câu chuyện của chính mình, những người xung quanh, Ngọc kéo Nam về một cuộc sống thiết thực. Không biết từ khi nào hai người yêu nhau.

 

Yêu thích bóng đá, Ngọc và Nam thường xuyên theo dõi những giải đấu lớn trên thế giới. Những tin nhắn, những cú điện thoại đánh thức nhau lúc nửa đêm để dậy xem ti vi. Hai người trong hai không gian khác nhau, sôi nổi bình luận, dự đoán tỉ số qua điện thoại.

 

Mùa World Cup 2014, Ngọc và Nam yêu nhau được 2 năm. Cả 2 cá độ trận chung kết. Ngọc đơn giản muốn cá độ ăn uống nhưng Nam mạnh bạo với đề nghị “nếu em thua, em về làm dâu nhà anh nhé”. Ngọc nghĩ đơn giản là trêu đùa.

 

Ngọc thua trong trận cá độ ấy, Nam nhắc lại “khế ước” giữa hai người. Đó cũng là lời cầu hôn ngọt ngào anh dành cho cô. “Mình suy nghĩ nhiều lắm. Khi đó mình bước vào năm cuối đại học. Mình muốn ra trường công việc ổn định rồi tính tiếp. Nhưng trong thâm tâm, mình muốn sớm được ở bên anh. Cả hai cùng yêu thương, chăm sóc nhau”, Ngọc chia sẻ.

 

Được sự ủng hộ, đồng ý của 2 gia đình, Ngọc và Nam chính thức lên xe hoa vào tháng 8/2014.

 
Ngọc lên xe hoa khi đang là sinh viên. Ảnh minh họa.
Ngọc lên xe hoa khi đang là sinh viên. Ảnh minh họa.
 

Bà bầu sinh viên

 

Một tháng sau khi cưới, Ngọc có bầu. Thời điểm đó, cô quay lại giảng đường đại học. Hai vợ chồng phải xa nhau. Ở Vĩnh Phúc, Ngọc thuê trọ một mình nên Nam lo lắng cho vợ. “Sợ nhất là những lúc ốm đau không có người bên cạnh chăm sóc, giúp đỡ. Ngày nào, mình cũng nhắn tin, gọi điện cho vợ. Biết vợ khỏe mạnh mới yên tâm làm việc”. Cuối tuần, anh từ Hà Nội lên Vĩnh Phúc thăm Ngọc.

 

Làm mẹ, với Ngọc, là một trải nghiệm tuyệt vời. Ở đó, cô nhận ra sự trưởng thành của chính bản thân. Vốn là người năng động, Ngọc tham gia nhiều hoạt động của trường, lớp. Khi có bầu, Ngọc phải gác lại mọi chuyện. “Nhiều lúc thấy cuồng chân lắm nhưng vì con mình có thể làm tất cả…”

 

Ngọc sống quy củ và khoa học hơn. Cô từ bỏ những thói quen không tốt cho thai nhi như uống cà phê, đi ngủ muộn, ăn đồ cay, nóng. “Mình vốn nghiện đồ cay và uống cà phê. Những thứ đấy không tốt cho em bé nên nhiều lúc dù rất thèm, mình buộc phải kiềm chế”.

Khi chưa có em bé, Ngọc hay bỏ ăn sáng, đi học về, ăn uống qua quýt cho xong nhưng giờ cô chú trọng tất cả các bữa ăn, chú trọng trong cả việc tắm giặt để giữ gìn sức khỏe. Hôm nào Nam cũng gọi điện nhắc vợ ăn uống đầy đủ, cẩn thận.

 

Đợt ốm nghén, Ngọc tủi thân vì chỉ có một mình. Nhiều lúc mệt quá, không ăn uống được nhiều, cô nằm khóc. “Mình chỉ ước có Nam ở bên chăm sóc, an ủi nhưng hoàn cảnh như thế thì đành chấp nhận, thông cảm cho nhau”.

 

Những lần ốm qua, không quá mệt, Ngọc không nói với Nam vì sợ anh lo lắng. “Có lần, mình ốm, anh nghỉ cả việc để lên chăm mình”. Không có người thân bên cạnh, Ngọc nhận được sự giúp đỡ của những người bạn trong xóm trọ.

 

Hạnh phúc của Ngọc là buổi tối, khi chồng đi làm về, có thời gian rảnh gọi điện cho vợ. Nam nghe Ngọc kể chuyện con cựa quậy trong bụng mẹ ra sao. Cô áp điện thoại để con được nghe tiếng bố hát. Ngọc mong những ngày cuối tuần, chồng lên thăm. Hôm ấy, anh sẽ giành làm mọi việc từ nấu cơm, đi chợ, giặt quần áo...

 

* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi

 

Theo Thúy An

Tấm gương/Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm