Bà bầu sinh viên: Con biết chạy, mẹ mới lên xe hoa

“Nhìn người ta mặc áo cô dâu, lên xe hoa là thấy tủi thân. Thèm lắm chứ. Mình cũng mong muốn có một gia đình trọn vẹn nhưng trước mắt, cùng nhau bước qua từng ngày đã là quý rồi”, Thêm chia sẻ.

Gia đình quay lưng

 

Trong căn phòng trọ lụp xụp, ẩm ướt chưa đầy 10 mét vuông ở một con ngõ nhỏ ở Hà Nội, với những vật dụng vừa đủ để duy trì cuộc sống, gia đình nhỏ 3 người đang hàng ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh.

 

Chồng tên P.V.Chung sinh năm 1990, quê ở Nam Định, vợ là N.T.Thêm sinh năm 1991, quê ở Hải Dương. Hai người quen nhau và bén duyên năm 2009, khi Chung đang là sinh viên năm hai ĐH còn Thêm là sinh viên năm nhất một trường CĐ ở Hà Nội.

 

Năm 2010, cảm thấy đã đủ yêu thương, hai người quyết định dọn về ở chung. Không lâu sau, Thêm thấy người “khang khác”. Thêm giấu Chung lên mạng tìm hiểu và bàng hoàng khi những triệu chứng của cô trùng khớp với biểu hiện người mang bầu.

 

“Chưa dám tin đã dính bầu, mình ra hiệu thuốc mua que thử ngay tối đó. Hai vạch hiện lên rõ ràng nhưng mình vẫn không tin. Thấy ghi chú nên thử vào buổi sáng để có kết quả chính xác nhất, mình thức trắng đêm để đợi bình minh. Khi đó mình đã cầu nguyện đó không phải sự thật”, Thêm kể.

 
Bà bầu sinh viên: Con biết chạy, mẹ mới lên xe hoa
Gia đình không đồng ý, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
 

Lấy hết can đảm nói với Chung, Thêm đã nghĩ đến việc Chung sẽ rũ bỏ cô. “Lúc ấy, mình chỉ nghĩ đến việc bố mẹ sẽ xấu hổ như thế nào, bạn bè khinh thường và liệu rằng sau này có thể làm mẹ không?

 

Bao nhiêu đêm trằn trọc suy nghĩ nhưng cả hai đang đi học, gia đình khó khăn, chưa làm ra tiền lấy gì để nuôi sống nhau chứ đừng nói đến việc chăm sóc con nhỏ. Hơn nữa, nếu biết chuyện này, bố mình không những đuổi ra khỏi nhà mà có thể sẽ giết mình mất. Cuối cùng mình đồng ý quyết định của “chồng” là đi bỏ bào thai chưa kịp thành hình”, Thêm nghẹn ngào.

 

Sau đợt ấy, sức khoẻ của Thêm giảm đi trông thấy. Người cô gầy rạc đi, héo hon, thiếu sức sống. Cho đến giờ, cô vẫn không quên cảm giác đau quặn ruột, cồn cào khi nhân viên y tế đưa một ống bơm vào trong người rút máu, rút sự sống của con cô. Về nhà, Chung chỉ còn tiền mua một lạng thịt băm nấu canh với rau ngót để tẩm bổ cho Thêm. “Đến bữa cơm, nước mắt cứ thế trào ra”, Thêm nói.

 

Đến năm 2011, một lần “sơ suất” Thêm lại tiếp tục dính bầu. Đón “sản phẩm” của tình yêu trong bộn bề nỗi lo. Lần này, cả hai quyết tâm dũng cảm để đối diện với hai bên gia đình. Vì sự đã rồi nên hai bên gia đình chấp nhận nhưng tuyên bố: Hai đứa tự quyết cuộc sống, hạnh phúc của mình. Khổ cũng phải tự chịu. Bố mẹ hai bên không ép lấy nhau, không ép sinh con nên tự lực cánh sinh mà nuôi nhau. Bố mẹ đến đây đã hết trách nhiệm.

 

Con biết chạy, mẹ mới lên xe hoa

 

Từ khi Thêm vác bụng bầu, hai người dọn về sống chung trong khu trọ dành cho người lao động có thu nhập thấp với nhiều thành phần phức tạp. Hầu hết là người dân các vùng miền về Hà Nội bươn trải cuộc sống mưu sinh.

 

Bố mẹ hai bên cắt mọi viện trợ nên để lo toan cho vợ bụng mang dạ chửa, Chung vừa học vừa chạy xe ôm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Còn Thêm bảo lưu kết quả học vì mang bầu đi lại khó khăn, hơn nữa cũng không có tiền nộp học phí.
 
Đến khi con biết chạy, Thêm mới lên xe hoa. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Đến khi con biết chạy, Thêm mới lên xe hoa. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

 

Gánh nặng cơm áo đè nặng khiến Chung không thể đều đặn một buổi đến lớp, một buổi đi làm như quyết tâm ban đầu. Rồi nợ môn, túng bấn Chung nghỉ hẳn, bảo lưu để chuyên tâm đi làm lo cho vợ con.

 

Có những khoảng thời gian không có khách đi xe, không có tiền ăn Chung phải “cắm” thẻ sinh viên để trang trải cuộc sống. Nhiều khi vợ chồng lời qua tiếng lại cũng chỉ vì tiền. Dù thế không ai nghĩ đến chuyện li hôn hay chia tay bởi khi đã có con thì nhìn vào con để sống chứ không còn bốc đồng, nông nổi nữa.

 

9 tháng 10 ngày mang bầu nhưng Chung chỉ có tiền mua duy nhất một hộp sữa bầu nhỏ nhỏ cho Thêm uống. Cuộc sống nghèo khó, Thêm hiểu nên cũng không bao giờ ca thán hay đòi hỏi gì. Vợ chồng an ủi nhau, có cơm ăn qua ngày là được.

 

Ngày Thêm trở dạ, giữa đêm khuya, một mình Chung tất bật chuẩn bị mọi thứ nhưng thiếu hết cái này đến cái khác. Mang được bộ tã lót thì quên bỉm, mang phích nước thì quên xô chậu. “Lúc con chào đời cũng là lần đầu tiên mình khóc. Lúc ấy, chỉ tự hứa sẽ cố gắng hơn để chăm lo cho con. Bởi con thiệt thòi từ khi còn trong bụng mẹ”, Chung nói.

 

Theo lời Chung, thời gian đầu, vì con còn nhỏ chưa thể cai sữa mẹ để gửi về quê ngoại nên hai vợ chồng cùng con tiếp tục thuê trọ. Cũng vì điều kiện kinh tế không có, tiền sống qua ngày còn chật vật nên cả hai không nghĩ đến việc chuyển đến một nơi sạch sẽ, tiện nghi hơn. Nhưng Chung lo ngại, xóm trọ lộn xộn với đủ hạng người, sẽ ảnh hưởng đến con, nên khi con lớn thêm một chút, hai vợ chồng sẽ gửi con về quê.

 

Nhắc lại quãng thời gian cực nhọc đã qua, Chung nghèn nghẹn: “Đôi khi, mình cũng muốn buông xuôi, bỏ mặc mẹ con cô ấy để tung hoành, tự do đời trai trẻ nhưng nghĩ đến trách nhiệm, nghĩ đến vợ con nên mình phải cố”.

 

Theo dự định ban đầu, sau khi Thêm sinh con, hai người sẽ làm đám cưới nhỏ thông báo cho người thân và bạn bè nhưng mãi đến khi con biết chạy, họ mới thực hiện được. “Dù đám cưới muộn và chỉ là hình thức nhưng mình vẫn thuê xe hoa để đón hai mẹ con Thêm về nhà. Vợ mình thiệt thòi nhiều rồi, đám cưới qua loa mình sợ cô ấy sẽ tủi thân với bạn bè”, Chung chia sẻ.

 

Nói về dự định tương lai, Chung cương quyết “không thể chạy xe ôm cả đời”. Chung nói, một ngày nào đó khi cuộc sống tạm ổn sẽ quay lại trường, lấy tấm bằng để đi làm cho đàng hoàng. Còn Thêm thì lắc đầu. Cô cho rằng sẽ làm tốt thiên chức người mẹ, chăm lo cho gia đình chứ không thiết tha học hành, bằng cấp.

 

* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi

 

Theo Thanh Nga

Tấm gương/Tiền phong