Áp lực khiến Gen Z trở nên mạnh mẽ
(Dân trí) - "Trốn tránh không phải là cách tốt để đối phó với những áp lực. Điều quan trọng chính là lòng tin, vì lòng tin sẽ khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn bao giờ hết".
Dạo gần đây, chủ đề về "áp lực" đang nóng trở lại khi liên tiếp những sự việc đau thương xảy ra. Dư luận đang tranh luận không dứt câu hỏi: "Áp lực có thật sự tạo ra kim cương?".
Chia sẻ về vấn đề này cùng Dân trí, đã có rất nhiều những quan điểm được đưa ra bởi các bạn trẻ nằm trong lứa tuổi Gen Z.
Áp lực chính là động lực
Nguyễn Thục Lâm, sinh viên Học viện Ngoại giao chia sẻ: "Áp lực lớn nhất mà mình đã từng phải trải qua chính là vào kỳ thi chuyển từ cấp 2 lên cấp 3. Khi đó mình là một cô bé 15 tuổi, luôn tự ti về xuất phát điểm của bản thân khi mình không phải là học sinh của một trường điểm, mình còn kém cỏi hơn khi so sánh với bạn bè đồng trang lứa. Dù đã dành phần lớn thời gian cho việc học, nhưng mình vẫn bị tụt lại phía sau và mình thật sự kiệt sức vì điều đó".
"Không những thế, mình còn phải chịu những áp lực gấp đôi, thậm chí gấp ba khi bố mẹ kỳ vọng quá nhiều vào bản thân mình. Mình không được quyền thất bại và mình phải trở thành một đứa trẻ "xuất chúng". Nhưng sự xuất chúng là quá sức mình.
Tuy nhiên, đối với mình khoảng thời gian đó thật đáng quý. Bởi lẽ, sau những áp lực đè nén mình đã học được cách trở thành một con người mạnh mẽ. Mạnh mẽ để đối diện với thử thách, mạnh mẽ để đương đầu với sóng gió ngoài kia. Nếu không có những áp lực từ bố mẹ, có thể sẽ không có mình ở hiện tại. Bởi vì, đôi khi áp lực chính là động lực để giúp chúng ta phát triển. Tuy nhiên, áp lực quá thì sẽ tạo ra những "tác dụng phụ" nhất là đối với những đứa trẻ còn chưa có sự phát triển hoàn thiện trong tư duy".
Nguyễn Trần Nhật Vy, sinh viên Học viện Tài chính chia sẻ: "Gen Z là một thế hệ với khả năng thích ứng cao. Sự vươn lên để khẳng định bản thân chính là một dấu ấn riêng biệt của các bạn trẻ Gen Z. Khi cuộc sống biến đổi quá nhanh thì chúng ta cũng cần phải học cách thích ứng thật nhanh. Thế nên, việc đủ mạnh mẽ để thích nghi với những biến động của thế giới bên ngoài là một điều cần thiết và nó nên trở thành một kỹ năng cần phải có".
"Trốn tránh không phải là cách tốt để đối phó với những áp lực. Điều quan trọng chính là lòng tin, vì lòng tin sẽ khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn bao giờ hết", Nhật Vy chia sẻ thêm.
"Con nhà người ta"
Nguyễn Lan Phương, sinh viên trường Đại học FPT chia sẻ: " Có thể nói, trong mắt của bố mẹ và mọi người, mình là một hình mẫu "con nhà người ta". Những mỹ từ mà mọi người mặc định lên bản thân chính là một "cái bẫy" khiến mình bị mắc kẹt lại trong cái mớ bòng bong của sự kỳ vọng. Và rồi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, mình đã không đạt được những mong mỏi của bản thân và gia đình.
Có lẽ, mọi người đã khoác lên cho mình một chiếc áo quá rộng mà bản thân mình lại quá bé nhỏ để mặc vừa với nó. Mình đã phải tự vùng vẫy trong chiếc áo để tìm cách tự giải thoát.
"Tiếp tục hay buông bỏ?", đó chính là câu hỏi mình luôn băn khoăn. Và rồi, mình đã chọn cách tiếp tục chiến đấu, chiến đấu vì bản thân, chiến đấu vì những lý tưởng mà mình luôn theo đuổi".
"Khi đối diện với những áp lực, sợ hãi chỉ càng làm chúng ta thêm phần bất an. Áp lực sẽ luôn hiện hữu trong mọi khía cạnh của cuộc sống, điều quan trọng chính là thái độ khi chúng ta nhìn nhận về nó.
Nếu ta nhìn áp lực theo hướng tiêu cực, thì ta sẽ luôn trốn tránh và cảm thấy chông chênh khi đối diện. Ngược lại, định nghĩa áp lực theo một cách nhân bản hơn thì chúng ta sẽ nhìn thấy những góc nhìn tích cực hơn khi đương đầu với chúng", Lan Phương bộc bạch.
Gen Z cho rằng đừng nên biện minh rằng bản thân yếu đuối khi đối diện với những áp lực. Yếu đuối không phải là một giải pháp mà yếu đuối chính là một niềm tin độc hại, nó sẽ "bao trùm" và "nuốt chửng" chúng ta bất cứ khi nào.
Cùng có những quan điểm về vấn đề này, Lê Anh Minh, sinh viên Học viện Tài chính bày tỏ: "Chúng ta đang sống trong một xã hội thúc ép. Sự thúc ép ấy trước hết đến từ phía chủ quan, mỗi chúng ta thúc ép bản thân nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để trở thành phiên bản tốt hơn. Không những thế, sự thúc ép còn đến từ những yếu tố khách quan, công việc và những giới hạn vô hình đòi hỏi chúng ta phải vươn lên để ứng phó với những bất biến không ngừng của cuộc sống. Nếu chúng ta không hối thúc bản thân chạy nhanh hơn trên đường đua của cuộc đời, thì chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau".
Áp lực có thực sự tạo nên được kim cương?
Chia sẻ về vấn đề này, Lan Phương nhìn nhận: "Mình là một sản phẩm của những áp lực. Tuy nhiên, chính những áp lực đã giúp mình tìm ra được lý tưởng và mục tiêu sống. Mình đã dám bứt phá mọi giới hạn và tìm kiếm những điều không tưởng ở bản thân. Theo mình, áp lực sẽ tạo ra được kim cương nếu bạn có đủ bản lĩnh để đương đầu với chúng, nhưng cái gì quá thì cũng không tốt và áp lực cũng vậy. Chúng ta chỉ nên tạo áp lực ở mức độ vừa đủ và cần phải có những khoảng nghỉ để "lên dây cót" cho bản thân".
Nhật Vy cũng có những quan điểm liên quan đến vấn đề này: "Cuộc sống là những giới hạn cần được phá bỏ. Tuy nhiên, trên hành trình đầy chông gai đó, sẽ không thiếu những khó khăn đang chờ đợi chúng ta. Tuy nhiên, đấy không phải là lý do để ta ngừng cố gắng. Vạch ra những ranh giới để phá bỏ những ranh giới, đối diện với áp lực để trở nên mạnh mẽ trước áp lực".
Kim cương khác than đá là ở chỗ nó phải trải qua những ngày tháng được nung luyện dưới áp lực cao, không chịu được áp lực thì sẽ không có được kim cương.
Bạn nghĩ sao về vấn đề này, hãy chia sẻ quan điểm của mình dưới phần bình luận nhé!