Ẩn họa từ trào lưu chụp ảnh "sống ảo" với tàu điện trên cao
(Dân trí) - Vì mải check-in sống ảo mà nhiều bạn trẻ đã vô tình không để ý tới các quy định an toàn đường sắt, an toàn phòng dịch, đồng thời gây ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Vài ngày trước, đã xảy sự việc xung đột giữa một cô gái trẻ và người đàn ông trên tàu điện, khi cô gái muốn quay video nên đã nhờ một người phụ nữ lùi lại để không lọt vào khung hình, nhưng người đàn ông trên tàu cho rằng đây là một hành động không phù hợp ở nơi công cộng. Hai bên đã to tiếng dẫn tới xô xát.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ tới chụp ảnh đều chỉ mải mê tạo dáng mà không để ý tới các quy định an toàn của tàu, khiến cho các nhân viên phải thường xuyên nhắc nhở. PV Dân trí đã phỏng vấn một số bạn trẻ nêu ý kiến xung quanh tình trạng này.
Số lượng người tới để check-in đổ về ồ ạt
Phí Hải Hà Vi (20 tuổi) là một trong nhiều bạn trẻ đã có cơ hội trải nghiệm tàu điện trên cao trong những ngày vừa qua. Hà Vi rất hào hứng và mong chờ được trải nghiệm chuyến tàu này vì đây là một trong những công trình lớn của Hà Nội.
"Mình tới trải nghiệm tàu điện vào một ngày trong tuần nên không có quá nhiều khách. Tuy nhiên, lượng người tới để check-in thì cũng có thể nói là chiếm phân nửa", Hà Vi cho biết.
Theo Vi, chuyện các bạn trẻ tới chụp ảnh tại đây là một điều khá bình thường. Bạn chia sẻ: "Ở nước ngoài, họ đã có tàu điện từ lâu và đó cũng là một địa điểm chụp ảnh phổ biến. Việt Nam mới có nên lượng người tới chụp ảnh khá đông và có thể gây phiền toái tới người xung quanh. Ranh giới giữa một hành động văn minh và vô văn hóa trở nên rất mong manh".
Trên TikTok, Vi từng lướt thấy video của một bạn quay phim trước đông người trong tàu mà đăng lên lại không che mặt mọi người. "Mình thấy hành động này không được lịch sự vì không phải ai cũng sẽ đồng ý lên hình như vậy. Nếu các bạn tới chụp ảnh hoặc quay video thì hãy hỏi ý kiến những người trong khung hình từ trước", Hà Vi cho biết.
Trong quá trình trải nghiệm tàu điện, Hà Vi cũng thấy nhiều hành khách trong lúc chờ tàu đã tranh thủ chụp ảnh với chiếc tàu dự bị ở ga Cát Linh. Vì không biết, nhiều người đã dựa vào tàu để tạo dáng và bị các nhân viên ga tàu nhắc nhở. Hay mỗi lúc tàu đến, lại còn hàng loạt các bạn trẻ đứng trước tàu, không để ý đến vạch vàng cảnh báo, chỉ để bắt được khoảnh khắc tàu chạy qua.
Đã chờ được 10 năm thì chờ thêm một chút cũng không sao
Nguyễn Phương Oanh (20 tuổi) cũng là một người mong chờ được trải nghiệm tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông. Do đó, bạn cũng cảm thấy phần nào đồng tình với các hoạt động check-in của các bạn trẻ: "Thời tiết Hà Nội đang ở thời điểm đẹp nhất trong năm, cộng thêm sự phát triển của mạng xã hội, các bạn trẻ không nên bỏ lỡ cơ hội này".
Tuy vậy, trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, Phương Oanh cũng không quá hào hứng với ý tưởng cùng bạn bè đi tàu điện công cộng chỉ để chụp ảnh. "Mình đã chờ 10 năm để công trình được hoàn thành, chờ thêm một chút nữa để dịch bệnh đỡ căng thẳng rồi trải nghiệm sau cũng không sao!", Oanh cho biết.
Lý giải cơn sốt chụp ảnh tại tàu điện Cát Linh - Hà Đông, Tường Minh (20 tuổi) cho biết có ba lí do chính. Thứ nhất, ai cũng muốn ghi lại những khoảnh khắc thú vị như dịp ra mắt công trình đã được đón chờ từ lâu. Thứ hai, Tường Minh cho rằng nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội, các bạn trẻ hoàn toàn có thể nổi tiếng qua đêm với những chiếc video ngắn ngủi.
"Với tâm lý muốn được quan tâm, chú ý, không ngạc nhiên khi các bạn ấy lại tích cực quay video, chụp ảnh để lên xu hướng ngay khi sự kiện còn hot. Điều này dẫn tới lý do thứ ba, tâm lý đám đông. Dù trước đó nhiều bạn không biết hoặc không quan tâm nhưng thấy ai cũng đổ xô đi nên bản thân bị thôi thúc phải đi như nhường người khác", Minh nhận xét.
Đối với Tường Minh, cô bạn cũng mong chờ sớm được chụp ảnh tại đây: "Ngày xưa, mẹ mình từng bảo khi đỗ cấp 2 sẽ được đi học bằng tàu điện nhưng bây giờ sắp tốt nghiệp rồi mới được đi". Tuy nhiên, Minh vẫn muốn bản thân đi muộn một chút, lúc mọi người không còn đổ xô đi tàu để được trải nghiệm trọn vẹn nhất.
Hi vọng đây không phải là trào lưu ngắn ngày
H.K. Huyền (20 tuổi) cũng hiểu được sự mong chờ của những người dân Hà Nội để chứng kiến sự lăn bánh của tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông. Thế nhưng, theo K. Huyền, việc đi đến và tụ tập ở nơi đông người lúc dịch bệnh chỉ để có một vài bức hình sống ảo ngàn like thì không nên.
Huyền bộc bạch: "Là một Gen Z đã từng đến nhiều nước và trải nghiệm những phương tiện đi lại khác nhau trên thế giới, bản thân mình cũng có sự hiếu kỳ được đi thử phương tiện này ngay tại đất nước mình để có sự so sánh, chiêm nghiệm của bản thân. Sự tò mò của mình càng được nhân lên khi trang mạng xã hội được lấp đầy bởi những video review hấp dẫn".
Bên cạnh niềm mong chờ, Huyền cũng có nỗi lo lắng rằng đây có thể chỉ là một trào lưu ngắn hạn của các bạn trẻ. "Đối với mình, tàu điện sinh ra không phải để chụp ảnh sống ảo mà để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, mình mong rằng tàu điện sẽ được sử dụng với đúng mục đích ban đầu của nó", bạn bày tỏ.
Việc giới trẻ muốn chụp ảnh tại đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là một hành động có thể hiểu được. Tuy nhiên, tàu điện ra đời là vì mục đích di chuyển của người dân. Do đó, nếu những hành động trên gây ảnh hưởng hoặc mất an toàn tới các hành khách khác, đó sẽ là những hành động thiếu văn hóa và vô ý thức.