9X dựng kho linh vật Việt bằng 3D

Làm chủ công nghệ tương tác ảo ba chiều VR3D, Nguyễn Trí Quang (sinh năm 1997), hiện có trong tay cả trăm mẫu linh vật Việt bằng hình ảnh 3D.

“Du học” tại chỗ

 

Gặp Nguyễn Trí Quang tại nhà riêng ở ngõ Văn Chương (Khâm Thiên, Hà Nội), trông cậu chững chạc hơn tuổi 17. Tháng trước, sơ kết chiến dịch dọn dẹp hiện vật ngoại lai, Bộ VHTT&DL tuyên dương Quang vì đã giới thiệu nhiều hình tượng linh vật Việt thông qua trang web riêng. Vào trang web VR3D.vn vừa nhanh, nhẹ lại có thể xoay, di chuyển xung quanh các mẫu vật để xem được mọi góc độ sống động như thật.

 

Năm lớp 8, Quang nảy ra ý tưởng về một công nghệ giúp đưa vật thực lên web dưới dạng 3D và cậu xin gia đình nghỉ học để theo đuổi.

 

“Lúc ấy em xin phép gia đình cho dừng học văn hóa để có đủ thời gian phát triển công nghệ mới này. Gia đình ban đầu chưa đồng ý ngay, bảo cứ vừa học vừa tìm hiểu thêm. Sau gần một năm, em đã có thành quả bước đầu-đưa được file 3D lên web dù còn rất nhiều nhược điểm về tốc độ, tương thích. Nhưng nó cũng đủ để em thuyết phục được gia đình, toàn tâm toàn ý theo đuổi công nghệ này”, Quang nói. Theo cậu, công nghệ này có tiềm năng ứng dụng rất lớn.

 

Trong một xã hội khá coi trọng bằng cấp, việc nghỉ học sớm có thể hơi liều và lạ? “Thực ra, em nghĩ, nếu mình làm tốt công việc này thì bằng cấp không phải là vấn đề gì lớn. Chỉ e làm không tốt thì đúng là không biết xin việc ở đâu. Cùng lắm lại về tiếp quản xưởng của gia đình”, Quang nói.

 
9X dựng kho linh vật Việt bằng 3D
Đôi sư tử chùa Thông (Thanh Hóa) bị đập vỡ, nay được Trí Quang phục dựng nguyên trạng bằng công nghệ 3D. Ảnh: vr3d.
 

Quang là con trai thứ hai trong gia đình sở hữu xưởng chế tác đồ mỹ nghệ, chị gái cả là sinh viên năm hai, dưới cậu còn hai em. Ông nội và bố Quang xuất thân dân điêu khắc, hiện tại bố Quang làm chủ xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ, bán buôn cho các điểm du lịch.

 

Theo lời Quang công nghệ ảo hóa 3D trên thế giới cũng chưa phát triển, hầu hết vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa hoàn thiện, chủ yếu cậu phải mày mò. “Nhà em hay gọi là “du học” tại chỗ”, cậu nói.

 

Trăm mẫu linh vật

 

Hằng ngày, nếu không đến di tích, Quang thường “cắm mặt” vào máy tính để hoàn thiện sản phẩm 3D. Về quá trình ảo hóa các mẫu linh vật Việt, đầu tiên phải phân tích linh vật để có thể chọn ra loại máy và công nghệ quét phù hợp. Tiếp theo, sử dụng máy quét 3D để thu thập dữ liệu của mẫu vật sao cho không được thiếu một ngóc ngách nào.

 

Thời gian quét nhanh thì vài tiếng, lâu thì cả ngày. Sau đó, nhập dữ liệu vào máy tính để xử lý, tối ưu, lập trình mô phỏng để mọi người đều có thể xem ngay trên web một cách dễ dàng và sống động nhất.
 
Trí Quang tham vọng dựng ngân hàng số hóa di sản Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Trí Quang tham vọng dựng ngân hàng số hóa di sản Việt Nam. Ảnh: NVCC.

 

Không có kiến thức thâm sâu như các nhà nghiên cứu, Quang đưa ảnh lên và “vái tứ phương”, thế là có ngay các chú thích chính xác về niên đại, đặc trưng từng linh vật. Cũng có khi về nhà mới biết thiếu một vài chi tiết nhỏ, mà di tích cách cả trăm cây số nên đành chịu, coi như thất bại.

 

Trong một chuyến đi cùng nhóm Đình làng Việt tháng trước, một anh mê di sản kể nhiều khi bị gây khó dễ khi đến di tích chụp ảnh. Quang ít bị gây khó dễ.

 

“Em thường ưu tiên ảo hóa những di sản xuống cấp nhiều, ít được quan tâm nằm ở nơi đồng không mông quạnh. Vừa để bảo tồn, lưu giữ cũng như quảng bá cho di tích đấy luôn. Tuy nhiên, do địa hình khuất nẻo, nên vận chuyển đồ nghề hay tìm đúng địa điểm cũng mất thời gian lắm”, Quang nói.

 

Trên trang web, linh vật Việt tập trung tại một mục, lên đến gần trăm mẫu. Quang còn nhiều mẫu chưa tung ra. Vào web, dễ dàng tìm được hình ảnh (ba chiều) rồng đá tại hai khu di tích Cổ Loa và Lam Kinh, đôi sư tử thời Trần rất hiếm tại chùa Bóng, nghê đá cổng đền Trần, nghê tại Đại nội Huế...

 

Hỏi về chiến dịch dọn dẹp hiện vật ngoại lai, Quang nói “không có nhận xét gì”. Cậu cho rằng, việc làm của mình “giúp người Việt tham quan hình tượng linh vật Việt dễ dàng hơn, vì thông thường, tư liệu sơ sài, chỉ vài hình ảnh”.

 

Cả trăm mẫu linh vật đến từ những chuyến Quang theo chân bố đến các di tích tham khảo mẫu linh vật cho việc chế tác ở xưởng. Cậu nói rằng, môi trường gia đình ảnh hưởng khá nhiều tới công việc hiện tại, cứ đến di tích là thích thú ngay với những nét mỹ thuật ở đó.

 

Sẽ làm bảo tàng 3D

 

Tháng trước, xưởng điêu khắc Liên Vũ (Hà Nội) tiên phong tạo tác mẫu nghê Việt. Anh chủ xưởng, Nguyễn Văn Vũ, nhắc tới Quang nhiều lần trong câu chuyện, bởi nhờ hình ảnh 3D của Quang và tư vấn của chuyên gia, anh có thể tạo tác con nghê này.

 

Thân gần như mẫu nghê hoàng gia ở đền vua Lê Thánh Tông, còn phần đuôi đã mất lấy từ con nghê đền vua Lê (Thanh Hóa). Nghệ nhân các làng nghề Non Nước (Đà Nẵng), Ninh Vân (Ninh Bình) cũng coi kho tàng 3D của Quang như nguồn tham khảo hữu ích.

 

“Em muốn sử dụng công nghệ 3D này làm dự án số hóa tất cả di sản văn hóa ở Việt Nam, làm nên ngân hàng dữ liệu số, phục vụ lưu trữ, nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá rất tốt. Lâu dài hơn, em muốn phát triển công nghệ này để có thể vươn tầm thế giới”, Quang chia sẻ. Được biết, một số bảo tàng đã liên hệ với Quang cho dự án bảo tàng 3D tương lai.

 

Theo Toan Toan

Tiền phong