9 lời khuyên cho bạn trẻ sắp đi thực tập
(Dân trí) - Chỉ tuyển người có kinh nghiệm thực tế gần như đã trở thành công thức cứng nhắc của nhiều nhà tuyển dụng khi tìm nhân viên. Sinh viên ra trường thường khó bước qua cửa (đầy) ải này, thực tập ngay từ những năm đầu đại học nên được ghi vào sổ tay những việc cần làm của sinh viên mới.
"Hãy biến mỗi chuyến thực tập của mình thành một kinh nghiệm thực sự giúp bạn vững vàng trong cuộc phỏng vấn tuyển việc ngay sau khi bạn ra trường". (Ảnh minh họa)
1. Tìm hiểu kỹ công ty mình sắp làm việc. Mỗi ngày bạn sẽ ở với những người đồng nghiệp (mà nếu may mắn sẽ trở thành những người bạn mới) từ 8 đến 10 tiếng/ngày. Làm sao có thể dành 1/3 thời gian trong ngày với những người bạn không quen biết. Web site, facebook fan page, tài khoản Link In của công ty, FB của chủ đầu tư hay những yếu nhân hay thậm chí là những nhân viên bình thường trong đó, cựu thực tập sinh sẽ là những nguồn thông tin quan trọng với bạn. Những trong những câu hỏi thường gặp là: em biết gì về công ty chúng tôi? Đâu là đối thủ cạnh tranh của công ty? Đâu là những đối tác của công ty? Chúng tôi làm được gì nổi trội trong thời gian qua?
2. Chuẩn bị CV (curriculum vitae - sơ yếu lý lịch) khác biệt. Đương nhiên rồi? Làm gì có ai ra chiến trường tay không! Thế nhưng không phải ai cũng biết làm cho CV của mình trở nên hấp dẫn. Làm thế nào để CV của bạn nổi bật lên trong số hàng chục thậm chí hàng trăm hồ sơ? Nếu không phải gửi CV cho một công ty hay tổ chức nhà nước, hãy đầu tư vào một CV sáng tạo với các tiêu chí: thể hiện đầy đủ và súc tích quá trình học tập và làm việc xã hội (nếu có) của bạn, phông chữ sáng sủa, sáng tạo biến cách ở các chữ cái đầu nhưng không khó đọc (chẳng hạn như font này) (có thể chọn Cambria, tahoma hay classic hơn là arial, time new roman), có thể in màu nhã nhặn (ghi, đen, xanh da trời đậm); nên đầu tư vào giấy in trông sang trọng, có độ dày khác giấy thường để tạo sự khác biệt ngay khi nhà tuyển dụng cầm lên. Hãy dùng cách trình bày CV kiểu phương Tây (Tên tuổi địa chỉ, facebook – trang web cá nhân, Đào tạo, Hoạt động xã hội (danh hiệu), Sở thích và có thể chèn ảnh (năng động, trẻ trung, tránh dùng ảnh thẻ.)
3. Dọn dẹp FB / Blog cá nhân. Ở thời mạng xã hội lên ngôi, cái mà nhà tuyển dụng tìm đến để tìm hiểu thông tin về bạn chính là FB và Blog của bạn. Có gì tốt hơn để tìm hiểu 1 con người khi biết anh ta/chị ta chơi với ai, đọc gì, xem gì, nói gì, suy nghĩ gì, check in ở những đâu? Có những vị trí cần người kín đáo trên FB, có những vị trí cần người bùng nổ trên FB. Phát ngôn, hành động không phù hợp trên FB trong 1 tháng gần đây có thể sẽ làm bạn mất đi cơ hội phỏng vấn hoặc được tuyển.
4. Chuẩn bị kỹ phỏng vấn. Đây chính là cơ hội để bạn “chinh phục” nhà tuyển dụng tương lai. Hãy ăn mặc phù hợp (các phong cách phá cách, hippie, hip hop, xăm trổ lộ liễu,..) không phù hợp với đại đa số nhà tuyển dụng. Nhìn thẳng vào người phỏng vấn. Trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Đặt ra những tình huống giả tưởng trước khi đi phỏng vấn như: tôi có thể làm gì cho công ty, tôi biết công ty phải đối mặt với những ai, tôi mong muốn học được gì ở quý công ty. Hãy chân thành và trung thực.
5. Trường bạn học không quan trọng, quan trọng là khả năng của bạn. Nên nhớ nhà tuyển dụng chọn người phù hợp nhất, không phải người giỏi nhất. Không có gì bảo đảm 1 bảng điểm tốt sẽ làm nên một nhân viên chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong mắt nhà tuyển dụng không có trường lớn, trường bé, chỉ có người hữu dụng hay không. Hãy cho thấy bạn có thể làm gì.
6. Có lương hay không có lương? Gia nhập một doanh nghiệp giống như bạn đang nhảy lên một chuyến tàu cao tốc đang chạy. Đoàn tàu sẽ không dừng lại hay điều chỉnh tốc độ vì bạn. Bạn mới là người cần thay đổi. Có thêm 1 người thực tập có nghĩa là những người có kinh nghiệm, đang làm việc vừa phải hoàn thành công việc của họ, vừa phải dành thời gian hướng dẫn cho bạn. Điều này có thể ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ công việc của họ. Trong thời gian bạn thực tập, nếu xảy ra điều gì, doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng về thu nhập, doanh số, uy tín. Như vậy doanh nghiệp có thêm những mối bận tâm mới và nguy cơ mới do bạn “gây ra” nó có thể tương đương hoặc nhỏ hơn lợi ích mà bạn mang lại. Các công ty đều có hỗ trợ tiền điện thoại hoặc ăn trưa cho thực tập sinh, hãy nghĩ đến những lợi ích không đo đếm được của công việc thực tập để thấy rằng, thực ra bạn đang để dành lương chưa lấy trong tương lai khi đi thực tập.
7. Tác phong chuyên nghiệp: thực hiện công việc đúng chất lượng, đúng khối lượng, đúng thời hạn. Hãy tìm mọi cách để hoàn thành công việc được giao như thể mình là nhân viên chính thức của công ty, tìm hiểu mọi khía cạnh của công việc ấy, chỉ nói “không thể”, “không có”, “không tìm thấy” chỉ khi đã tìm kiếm, tìm hiểu thông tin nhiều ngày trời, xuống thực địa và tìm trên internet, tìm qua người quen. Làm việc với can do attitude: không có gì là không thể. Đây chính là điều đang thiếu ở nhiều người lao động Việt Nam.
8. Không có việc nhỏ, việc lớn để trở thành một director/manager sau này, bạn cần biết công việc được tổ chức như thế nào, cần nắm vững những kiến thức và kỹ năng của một nhân viên hỗ trợ. Trước khi trở thành một vị tướng, một binh nhì hãy học cách trở thành binh nhất. Chính vì vậy hãy nhìn thấy yếu tố tích cực trong mọi công việc được giao, rèn luyện sự nhẫn nại. Photocopie, gửi fax, soạn thư, làm label, viết bài quảng cáo, lấy số liệu cơ sở, phân loại hóa đơn, chứng từ, đo diện tích bài báo lên trang, tìm kiếm, tổng hợp thông tin về 1 sản phẩm,.. không có gì là vô ích. Cho thấy công ty đang lãng phí vô cùng khi “chỉ” sử dụng bạn vào việc hiện tại.
9. Nguyên lý 3C: hãy nhớ câu thần chú: Cười, Chào, Cảm ơn để cho mọi người thấy bạn sẵn sàng là một thành viên của team và góp phần tích cực tạo dựng một hình ảnh tương trẻ, hòa đồng của team.
Nguyễn Đình Thành