8X thu nhập nửa tỷ/năm từ cây quý

Nhận thấy nhu cầu cây dược liệu rất cao nên anh Tú đã quyết định học hỏi và mở mô hình ươm dược liệu quý.

Cách Hà Nội 80km, tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc có một chàng trai được đặt biệt danh “cây dược liệu quý” bởi sự năng động, giỏi giang và có mô hình kinh tế độc đáo. Anh Nguyễn Ngọc Tú (34 tuổi), quê ở thôn Quang Ngoại, xã Tam Quan huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

 

Vượt ngàn dặm đường rừng đi tìm giống cây dược liệu

 

Nguyễn Ngọc Tú là cái tên khá quen thuộc với người dân thôn Quang Ngoại vì đã tiên phong tạo dựng mô hình kinh tế độc đáo: trồng và nhân giống cây dược liệu.

 

Cây dược liệu có vai trò quan trọng trong việc chữa bệnh nhưng ở Việt Nam nguồn cây quý này lại ngày càng trở nên cạn kiệt do khai thác bừa bãi.

 

Trên thực tế, gần 90% số dược liệu đang được kinh doanh và sử dụng tại đây đều phải nhập khẩu.  Sớm phát hiện ra tiềm năng của cây dược liệu, anh Nguyễn Ngọc Tú đã tạo nên mô hình trồng và nhân giống cây dược liệu của riêng mình.

 

Anh Nguyễn Ngọc Tú làm giàu từ mô hình trồng và ươm giống cây dược liệu
Anh Nguyễn Ngọc Tú làm giàu từ mô hình trồng và ươm giống cây dược liệu

 

Tốt nghiệp phổ thông, anh Tú khăn gói xuống Hà Nội tìm kiếm việc làm. Lăn lộn đủ nghề để kiếm sống song công việc vất vả mà thu nhập không đáp ứng được cuộc sống, anh quyết định trở về quê hương.

 

Anh đến với cây dược liệu rất tình cờ, như cái duyên tiền định. Ông nội và chú anh làm nghề thầy thuốc nên có người tìm đến hỏi mua những cây dược liệu về chữa bệnh. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông nội và chú anh cũng đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

 

Nhận thấy sự bất cập trong cung cầu, anh đã nảy ra ý tưởng ươm trồng cây dược liệu quý và từ đó, mô hình phát triển kinh tế từ cây dược liệu đã ra đời.

 

Đơn hàng đầu tiên anh Tú nhận được là 2000 cây ba kích. Lo sợ không thể đáp ứng nổi nhu cầu thu mua của khách hàng nhưng trong đầu anh vẫn luôn kiên định với công việc, quyết tâm làm hết sức, làm tới cùng.

 

Anh quyết định vào rừng tìm kiếm giống cây, bất chấp ở nơi rừng thiêng có nhiều rắn độc, ong rừng và thời tiết không thuận lợi. “Tôi đã phải lần theo đường suối nhiều ngày liền, lội xuống những khe đá lớn để tìm cây ca kích.
 
Lần vào rừng đầu tiên, tôi bị ong rừng tấn công, đau đớn vô cùng nhưng tôi vẫn đem được một vài cây về. Không may, khi xem xong, ông nội nói đó không phải là cây ba kích. Cho đến khi quay lại rừng lần thứ ba, tôi mới tìm được đúng loại cây này”, anh Tú chia sẻ.

 

Ba kích là loại cây dược liệu đầu tiên được anh Tú nhân giống với hơn 1kg hạt hái được trong rừng. Anh lấy kinh nghiệm bao năm chăm sóc cây cảnh để áp dụng vào chăm sóc cây dược liệu. Rồi cây cũng không phụ công người, lứa cây ba kích đầu tiên với hơn 2000 cây đã cho kết quả như mong đợi. Anh bán được với giá 2000 đồng/cây.

 

Khi ba kích hết hạt để tạo giống, anh Tú nảy ra ý tưởng tạo giống cây dược liệu mới bằng hom (là những cành to, khỏe, đủ tiêu chuẩn để ươm thành cây mới). Quá trình ươm cây này thuận lợi và dễ dàng hơn với số lượng trồng tự nhiên rất nhiều. Tuy nhiên, mọi việc cũng không đơn giản như anh tưởng.

 

Ươm cây dược liệu bằng hom là phương pháp nhân giống hiệu quả
Ươm cây dược liệu bằng hom là phương pháp nhân giống hiệu quả

 

“70% là số lượng hom đầu tiên bị chết khiến tôi vô cùng chán nản bởi trước đó, tôi đã phải bỏ ra nhiều ngày liền vào rừng kiếm hom. Nhưng nghĩ lúc này có ngồi đó kêu trời thì cây cũng không sống lại được nên tôi đã tỉ mẩn nghiên cứu quy trình sai ở bước nào. Kiên trì khắc phục khuyết điểm, cuối cùng những bầu ba kích giống được trồng bằng hom đã tươi tốt dần”, anh Tú tâm sự.

 

Nhìn lứa ba kích giống đầu tiên xanh tươi mơn mởn, anh càng có động lực và niềm tin để phát triển mô hình ươm giống cây dược liệu quý.

 

Làm giàu từ cây dược liệu quý

 

Năm 27 tuổi, anh Tú sở hữu 70 các loại cây dược liệu khác nhau như: kim tiền thảo, hà thủ ô, cam thảo, ba kích… và một số  cây dược liệu quý được ghi trong sách đỏ như: kim ngân hoa, khôi nhung, chè hoa vàng…

 

Mô hình trồng và nhân giống cây dược liệu do  anh Tú tạo dựng đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường cây dược liệu.

 

Với tổng diện tích đất gần 1 héc-ta, anh Tú sử dụng 3000 mét vuông làm nhà lưới ươm giống, diện tích còn lại anh sử dụng trồng cây dược liệu. Tổng thu nhập hàng năm từ vườn trồng và ươm giống cây dược liệu của anh lên đến 500 – 600 triệu đồng.

 

Trước khi làm ông chủ của vườn cây dược liệu, anh Nguyễn Ngọc Tú từng làm thuê tại các vườn cây cảnh. Những kinh nghiệm thu được từ thời làm thuê, làm mướn đó đã giúp anh rất nhiều trong việc gây dựng sự nghiệp sau này.

 

Anh chia sẻ: “Theo cách thông thường, nhân giống một loại cây có thể dùng tế bào mô hoặc trồng bằng hạt. Nhưng từ lúc trồng cây cho đến khi thu hoạch phải mất rất nhiều thời gian. Với kinh nghiệm có được, tôi thử ươm cây dược liệu bằng hom, tức là cắt những cành trên cây dược liệu ra rồi ươm bằng bầu đất. Thời gian trồng cho đến khi thu hoạch giảm đi một nửa”.

 

Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu trồng và nhân giống cây dược liệu, anh Tú đã thành lập công ty riêng, tập trung vào mô hình ươm và trồng cây dược liệu quý. Mô hình của anh thu hút nhiều đoàn khách đến thăm quan và học hỏi.

 

Cây khôi nhung một loại dược liệu quý hiếm trong thiên nhiên
Cây khôi nhung một loại dược liệu quý hiếm trong thiên nhiên

 

Ông Đinh Công Duật (nhà thuốc đông y tại huyện Ba Vì, Hà Nội ) cho biết : “Tú trẻ tuổi mà lại có niềm đam mê mãnh liệt với cây dược liệu đông y. Mô hình trồng nhân giống cây dược liệu của anh rất khoa học. Tôi đã cùng Tú trao đổi cách làm, cùng nhau học hỏi kiến thức để có nhiều giống cây dược liệu quý hơn nữa”.

 

Anh Nguyễn Ngọc Tú là người đầu tiên tạo ra website về cây dược liệu, cung cấp thông tin về cây dược liệu cho người tiêu dùng. Anh luôn đăng tải những hướng dẫn tỉ mỉ cho khách hàng về cách sử dụng nguồn thảo dược quý này.

 

Không chỉ tạo ra thu nhập cá nhân, mô hình kinh tế của anh Tú còn tạo công ăn việc làm cho 3 -5 lao động cố định và hàng chục lao động mùa vụ với mức lương 120.000 đồng/ngày. Ngoài ra, anh còn là Bí thư chi đoàn thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tích cực tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương.

 

Đồng chí Lê Văn Tảo ( Phó Bí thư đoàn xã Tam Quan- Tam Đảo) chia sẻ : “Mô  hình trồng và nhân giống cây dược liệu của anh Tú không chỉ giúp gia đình có nguồn thu nhập cao mà còn giúp bảo tồn và nhân giống nhiều cây dược liệu quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên. Hàng tháng ban chấp hành Đoàn xã có tổ chức cho các đoàn viên đến thăm quan, học hỏi mô hình của anh Tú với hy vọng sẽ có nhiều hơn những vườn ươm quý như thế này được ra đời”.

 

Sáu năm gây dựng sự nghiệp, vườn cây dược liệu của anh Tú đã có chỗ đứng vững chắc và những đơn đặt hàng liên tiếp là một minh chứng cho sự thành công sau bao năm nỗ lực của anh.

 

Theo Minh Trang

Dân Việt