8X môi giới chứng khoán

Người ta gọi họ là “cò” môi giới, là dân “buôn nước bọt”, “quân sư quạt mo”... Nhưng Đức Hoàng, broker (môi giới chứng khoán), 25 tuổi của Công ty chứng khoán ngân hàng Ngoại thương thanh minh ngay lập tức: “Chúng tôi không phải cò!”.

“Gọi là “cò” tức là chuyên lân la để lừa đảo khách, còn chúng tôi lại bám sát để tư vấn có lợi cho khách hàng cơ mà! Nói thế, oan chết!” - Hoàng nói.

 

Lực lượng broker tại VN chỉ bằng 1/100 so với broker Mỹ. Hiện nay, sàn chứng khoán New York là nơi duy nhất còn sử dụng hình thức đặt lệnh trực tiếp trên sàn với những broker ra lệnh mua, bán hoàn toàn bằng ngôn ngữ ngón tay - cách giao dịch cổ điển nhất trên sàn chứng khoán.

 

Trên sàn chứng khoán này có tới hàng nghìn broker cho mỗi phiên giao dịch, thường là 1 kèm 1 với nhà đầu tư. Trong khi đó tại VN, các nhà đầu tư quen dùng hình thức đặt lệnh qua phần mềm phân tích, nhập lệnh của các công ty chứng khoán hơn là giao dịch trực tiếp tại sàn.

 

Hoàng tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân, làm broker được một năm. Công việc chính vẫn là tiếp khách và tư vấn cho khách. “Hiện nay, VN mình làm gì đã có phí tư vấn. Tư vấn trở thành trách nhiệm của broker với khách hàng và với công ty. Chính vì nhiều người cứ nghĩ bọn mình là “cò”, lại còn là “cò trẻ”, chắc sẽ “xơi tái” một khoản nào đó, thế nên các bác, các chú 45-50 nghi ngờ lắm, chẳng mặn mà gì với sân chơi này đâu”.

 

Một phiên giao dịch chứng khoán chỉ diễn ra khoảng 20 phút. Các phiên hiện nay chủ yếu kéo dài trong hai giờ đồng hồ buổi sáng. Sau đó, các broker trở về với công việc văn phòng là thu thập thông tin thị trường, các tài liệu về khách hàng, về phiên giao dịch... Nhưng việc tiếp cận và tư vấn đầu tư cho khách đúng với vai trò của một anh chàng môi giới chứng khoán thì diễn ra vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

 

“Đã là môi giới thì phải bám sát khách hàng, tạo sự thân thiện để tìm thấy niềm tin ở khách hàng. Nhưng cũng có nhiều người khó tính lắm. Họ mù tịt về thị trường chứng khoán, nhưng lại cho rằng chỉ cần gặp broker một lần là hiểu hết! Về mặt này thì broker giỏi nhất cũng vừa cười vừa mếu! Mình chỉ có thể khuyên họ nên tìm hiểu trước một số kiến thức sơ đẳng, cung cấp nguồn tin cho họ rồi hẹn họ lần sau”.

 

“Khách hàng tư vấn đầu tiên của tớ là một “anh giai” cực có nghề. Ngôn ngữ tài chính mà anh ấy nói chính xác đến 100%. Tớ bị choáng nặng. Thì lúc ấy vừa chân ướt chân ráo ra trường, vào công ty, được đào tạo xong. Tự dưng tớ thấy run, không biết mình đang tư vấn cho họ hay họ tư vấn cho mình nữa.

 

Cuối cùng thì sau cả buổi nói chuyện, tớ chẳng đưa ra được nhận định nào mang tính chủ quan của bản thân cả. Kết quả là anh ấy hướng dẫn cho tớ, còn tớ thì biết cái gì thật chắc mới dám nói. Thế nhưng chắc nhờ thái độ... thành thật của tớ mà “anh giai” rất quý, bây giờ thỉnh thoảng anh em vẫn rủ nhau đi cà phê bàn chuyện chứng khoán đấy chứ” - Quý Đức, 23 tuổi, broker trẻ nhất của Công ty chứng khoán ngân hàng Ngoại thương (VCBS), nhớ lại.

 

Còn kỷ niệm đáng nhớ nhất của Hoàng lại là một anh chàng cực mê chứng khoán, rất thích trao đổi với cậu về chứng khoán, nhưng lại thích tự quyết định. Chẳng hạn như theo Hoàng đánh giá thì thời điểm này cổ phiếu đang xuống và sẽ còn xuống nữa, vậy thì đừng nên giữ cổ phiếu A nữa mà bán đi, chấp nhận lỗ một chút để quay vòng sang mua cổ phiếu B, anh ta lại nhất định vẫn theo cách của mình.

 

“Có đúng một lần nghe lời mình, thì anh ta thắng. Còn lại là chỉ có thua và thua, liểng xiểng. Khách hàng cứ máu mê thế, mình nói họ không theo thì cũng chịu! Được cái càng thua anh ấy càng hăng chơi. Cứ sau vài phiên lại rủ mình đi nhậu để... bàn bạc tiếp”.

 

“Môi giới chứng khoán cần nhất là cái duyên làm ăn. Gặp nhau, cảm thấy nói chuyện dễ và tin tưởng nhau được là họ thích mình chứ không ngại mình trẻ, mình ít kinh nghiệm. Phong thái thân thiện và tự tin lại là thế mạnh của dân 8X mình. Mình cũng phải nhập cuộc cùng với khách hàng. Nếu họ biết mình cũng đang là người chơi như họ, họ yên tâm hơn nhiều...”.

 

Một phương châm của broker trẻ: “Thử nghiệm trên bản thân trước khi thử với khách hàng. Dẫu biết rằng “Bụt chùa nhà không thiêng”, có khi tư vấn cho khách trúng lớn, nhưng bản thân lại thua thậm tệ.

 

Hoài Linh, một broker 8X của VCBS tâm sự: “Luật cho phép chúng tôi mua bán cổ phiếu như một nhà đầu tư. Thường thì anh em nhờ vốn gia đình, ít thì 100 triệu, nhiều có khi đến 1 tỷ. Thời gian đầu khi thị trường đang xuống, lúc chúng tôi bắt đầu mua vào, giá đã chững rồi. Sau đó giá xuống đến tận mức sàn. Mỗi ngày xuống một ít, anh em đến công ty gặp nhau cười méo mó: “Hôm nay lại mất một cái điện thoại rồi!”. Có ngày mất đến 2 cái.

 

Dân trẻ mình “máu”, nhưng nhiều khi lại “tỉnh” hơn những người tính toán thận trọng. Bọn tôi bảo nhau: “Sau 10 phút không quyết được là bán, mua hay giữ, coi như thất bại. Với nhiều người sợ lỗ, khi giá cổ phiếu xuống, nghĩ rằng rồi giá sẽ lên nên cố giữ lại. Không ngờ càng giữ giá càng giảm. Còn chúng tôi thì phải tính đến chuyện bán ở thời điểm hiện tại, chấp nhận lỗ ít rồi quay vòng vốn sang mua cổ phiếu khác. Thà mạo hiểm như thế lại hay...”.

 

Vừa có cơ hội làm nghề, lại có cơ hội thử kinh doanh chứng khoán, các broker trẻ coi đây như một sân chơi mới của thử thách. Bạn mong muốn có một thu nhập tốt? Hoàn toàn có thể nếu bạn biết tự tìm kiếm khách hàng để tư vấn, thậm chí là ăn chênh lệch tương đối lớn giữa người mua và người bán trên thị trường tự do với các cổ phiếu chưa được niêm yết. Thêm vào đó nữa là vận dụng chính kiến thức mình có để thử sức với chứng khoán.

 

Nhưng suy nghĩ của những 8X đang say nghề này lại khác. Hoàng tâm sự: “Thu nhập quan trọng, đương nhiên, nhưng điều mình nghĩ nhiều hơn là tìm được hình ảnh của mình trên một thị trường còn đang rất mới như ở VN. Không biết các bạn khác ra sao, nhưng mình luôn muốn khách hàng cần mình, và mình đủ khả năng về kiến thức, bản lĩnh để họ tin tưởng. Một broker trẻ chỉ có thể bứt phá khi anh ta là người đầu tiên nắm thông tin, là người đưa ra quyết sách tự tin và chính xác. Là chỗ dựa vững vàng cho mọi người, đó mới thực sự là ước mơ của những broker trẻ như mình...”.

 

Từ sàn chứng khoán đầu tiên là Bảo Việt ra đời ở VN, đã có tất cả 13 công ty chứng khoán, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cũng đều đã có công ty chứng khoán. Vì thế, cơ hội cho bạn rất lớn.

 

Học ở đâu? Nghiệp vụ broker nằm trong ngành học Tài chính Ngân hàng, môn Thị trường Chứng khoán (có ở một số trường ĐH như Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương). Tuy nhiên, để có thể ra làm nghề, bạn còn phải trải qua một khoá đào tạo nghiệp vụ 3 tháng do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức sau mỗi đợt thi tuyển vào ngân hàng nói chung.

 

Những nghiệp vụ cần biết:

 

1. Nhập lệnh của khách hàng chính xác và chuyển ra cho bộ phận nhận lệnh ở sàn giao dịch.

 

2. Nghiệp vụ phân tích thị trường để tư vấn cho khách hàng khi họ muốn tìm hiểu về thị trường chứng khoán hoặc quyết định đầu tư. Phân tích có 2 yếu tố: Phân tích thương mại và phân tích kỹ thuật.

 

Với phân tích thương mại, các broker thường dựa vào các chỉ số tài chính, các thông tin liên quan đến cổ đông, hoạt động của công ty để đánh giá mức lên hay xuống của cổ phiếu công ty, từ đó tư vấn nhà đầu tư nên mua, bán hay giữ cổ phiếu.

 

Phân tích kỹ thuật lại phải dựa vào số liệu trên biểu đồ quá khứ của công ty, gọi là đường dự báo. Từ đó nhận định xu hướng tăng hay giảm giá của cổ phiếu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo Sinh Viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm