14,2 tuổi - trong sự hụt hẫng nền văn hoá chung sống
Để ứng phó với <a href="http://dantri.com.vn/nhipsongtre/2005/6/60644.vip">cái tin 14,2 tuổi..., </a>có lẽ, thay vì chỉ yêu cầu các thầy cô giáo đột ngột lên lớp chỉ cho học trò thấy cách sử dụng bao cao su, chúng ta cần xem lại chi tiết và tổng thể của cái nền văn hoá ứng xử đã bị hụt hẫng quá nhiều của chúng ta, để bón gốc chứ không chỉ chăm ngọn...
UB Dân số - Gia đình và Trẻ em vừa công bố một con số khiến không ít người sửng sốt. Chẳng là qua điều tra khảo sát của UB này thì độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu (QHTDLD) ở VN hiện nay là 14,2 tuổi, thay vì 19 tuổi như trước kia. Theo quy định của VN, lớp tuổi này vẫn được xếp vào hàng trẻ em, "biết ăn ngủ biết học hành là ngoan".
Trước tin này, nhiều người lắc đầu lè lưỡi: trẻ con bây giờ ghê thật. Hư thật! Làm sao bây giờ?
Khi mà tỉ lệ nạo phá thai vị thành niên ở VN đã và đang ở vị trí kỷ lục. Ngày càng nhiều những cô bé mười ba mười bốn tuổi ngơ ngác với đứa con ngày một lớn lên trong bụng, trong khi "tình lang nhí" của cô hay tin trái quả tình yêu đã đậu, thì không làm được việc gì hay hơn là bắt chước chàng họ Sở, "quất ngựa truy phong", bỏ lại mẹ con người tình đã "thề non hẹn biển".
Và hậu quả là đứa con vô thừa nhận. Còn lại với nó là người mẹ nhí tuyệt vọng, học hành dở dang, không việc làm, không tiền bạc, gia đình tủi hổ rẻ rúng, xã hội và pháp luật không giang tay bảo vệ mẹ con cô khỏi thói vô trách nhiệm của người tình Sở Khanh. Tai họa không chịu dừng lại ở đó. Sự thiếu hụt này đẻ ra những nỗi đau khác. Thậm chí là những thiệt thòi đời đời kiếp kiếp mà xã hội không dễ gì một sớm một chiều dang tay cứu chữa.
14,2 tuổi! Thực ra, chẳng có gì là lạ. Độ tuổi QHTDLD tại nhiều nước ở "Tây" còn sớm hơn thế mà VN ta từ xưa đã thế. Các cụ còn cho dựng vợ gả chồng từ 13, 15, thậm chí 9 tuổi cơ mà. Vậy, để cứu chữa, hãy thử ngoái cổ nhìn sang "Tây" và các cụ ta ngày xưa một chút, xem họ ứng xử ra sao với tình trạng trẻ con lại cứ nhất nhất dậy thì sớm thế?
Ở Tây - các nước phát triển ở Âu - Mỹ, để phòng ngừa việc nạo phá thai, sinh con ở tuổi vị thành niên và những đứa con bị bỏ rơi, ngoài việc quan tâm đến giáo dục giới tính cho học sinh ngay từ trong trường học, pháp luật đã đưa ra những quy định rất chặt chẽ về hệ thống văn hóa ứng xử để buộc người đàn ông phải có trách nhiệm nuôi nấng đứa con của họ, và họ sẽ bị bắt giam nếu không thực hiện nghĩa vụ tài chính với người đàn bà và đứa con mà vì họ đã được sinh ra. Pháp luật cũng quy định việc xã hội phải dành một phần phúc lợi rất lớn để chu cấp cho người mẹ một mình có thể đủ nuôi con, để đứa con được có cơ hội trở thành một công dân không bị tước đoạt các cơ hội tối thiểu. Để con người không bị dồn vào tình thế quẫn bách, vì quẫn bách không những có hại cho họ mà còn là mối nguy cơ với xã hội.
Còn cha ông ta - các cụ theo nền giáo dục Nho giáo trở về trước. Các cụ đã chấp nhận hiện trạng đó và điềm tĩnh hơn chúng ta bây giờ. Các cụ cho con cháu lấy vợ lấy chồng sớm, đón trước tuổi dậy thì của nam nữ để mà gán đôi gán lứa để "chúng khỏi làm loạn". Và, bên cạnh đó, các cụ đã bảo vệ, phòng ngừa bằng việc đặt ra những nguyên tắc của một nền văn hoá chung sống nghiêm cẩn với khá nhiều khắt khe, mà chúng ta vẫn gọi là nền lễ giáo phong kiến.
Trong nền lễ giáo này có một số điều đáng phê phán, chẳng hạn trọng nam khinh nữ hoặc chấp nhận tảo hôn... Nhưng phải thừa nhận rằng, có những điều lệ quy định chặt chẽ buộc những thành viên trong gia đình và ngoài xã hội phải có trách nhiệm với nhau, coi trọng danh dự, lẽ phải. Chẳng hạn, Khổng giáo quy định "phu phụ tương kính như tân" (vợ chồng phải kính trọng nhau như chủ khách), đi ra ngoài xã hội phải trọng danh dự, đề cao sự cao thượng và lý tưởng phấn đấu làm người quân tử "Quân tử tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", biết trọng danh dự ngay từ trong gia đình, trước kẻ yếu... Và khi nam giới là một bậc quân tử, khi vợ chồng kính nhau như chủ khách, khi "nam nữ thụ thụ bất thân", thì dù trẻ em dậy thì sớm, có quan hệ tình dục sớm, xã hội cũng khó "loạn"...
Còn ta nay, thì sao?
Trong sách giáo khoa, cũng như các chương trình phát thanh truyền hình thiếu nhi, có vô số "điều" khiến trẻ em ta rất giỏi nói giọng cụ non, giỏi hô khẩu hiệu.
Một tiết học giáo dục giới tính ở nước ngoài. |
Chúng ta đã dạy dỗ nhiều, rất nhiều. Chúng ta biết rất rõ rằng ai đã ngồi trên tàu vũ trụ mà Liên Xô đã phóng lên mặt trăng, song những kiến thức tối thiểu nhất để vào đời, từ đánh răng hay tắm, hay cư xử ra sao khi người thân đau ốm, cách yêu và chăm sóc người ruột thịt, người tình, vợ chồng, những người ruột thịt; hoặc cách viết một lá đơn xin việc ra sao thì chúng ta không được dạy... Tóm lại, chúng ta gần như mù về kiến thức tối thiểu để xoay xở với cuộc chung sống đầy bất trắc của cõi người.
Và chúng ta quờ quạng trong mớ kiến thức học mót, hết sức lỗ mỗ, từ những người xung quanh, cũng vốn hết sức lỗ mỗ về kiến thức làm người và văn hoá chung sống. Mớ kiến thức đó, khốn thay, đã tước bỏ hầu hết những di sản tốt đẹp từ ông cha bằng sự miệt thị "lễ giáo phong kiến lạc hậu" của chúng ta. Mất gốc rồi, lại thêm nỗi khinh miệt Tây phương "sống gấp". Chúng ta châng lâng giữa trời, xoay xở chật vật và ngơ ngác trong sự hụt hẫng về một nền văn hoá chung sống.
Phải chăng, chúng ta cố tình lờ đi một thực tại, là trẻ em cũng biết yêu và có những cảm xúc khác gíới từ rất sớm, dù ai trong chúng ta cũng có thể đã từng mê mẩn một cậu bé hoặc một cô bé hàng xóm từ lúc 12 tuổi. Khi thành người lớn, nói dối đã quen, chúng ta cố dỗ dành mình rằng trẻ con chẳng biết yêu đâu. Và bây giờ, khi thấy chứng cứ hiển nhiên là trẻ con cũng biết yêu, thậm chí còn biết làm ra em bé, thì chúng ta tá hỏa, nhồi ngay vào nhà trường cái gọi là giáo dục giới tính.
Giáo dục gíới tính, chúng ta đưa vào nhà trường cũng đã khá lâu. Tại sao không mấy hiệu quả nhỉ? Bởi vì, chúng ta giáo dục giới tính, mà không có gốc. Không đặt cách ứng xử giới tính vào hệ thống ứng xử của một nền Văn hoá chung sống, thì giáo dục cách gì được?
Giới tính, tách riêng ra, chỉ là "cơ học". Thậm chí phi ái tình. Chỉ để thoả mãn phần "con" của loài người. Nhưng giới tính, nếu đặt chung trong chuỗi hệ thống văn hoá ứng xử mà chỉ riêng loài người mới có, thì mới có thể gọi là ái tình. Ái tình, ngoài cảm xúc giới tính, là một chuỗi những âu yếm và ân tình. Âu yếm và ân tình là để giữ cho con người, sau khi những cảm xúc giới tính qua đi, không cư xử với bạn tình và cái kết quả của cuộc tình đó, giống như loài mèo.
Cái chuỗi ứng xử đó không thể tự nhiên mà có. Nó phải được tạo thành từ những nét chi li, cụ thể, lặp đi lặp lại, từ người này qua người khác, trở thành một phẩm chất của cộng đồng, tạo thành một nền văn hoá ứng xử. Để con người được bảo vệ. Để không làm đau người khác vì sự ích kỷ của mình. Vì, con người tiếng là cao sang vậy, nhưng trong bản năng mỗi người vẫn có xu hướng ích kỷ muốn lặp lại thói ứng xử của loài mèo. Làm mèo thì gọn nhẹ. Làm người thì nhiêu khê.
Nhưng chúng ta sinh ra để làm người chứ không để làm mèo. Vậy, để ứng phó với cái tin 14,2 tuổi..., có lẽ, thay vì chỉ yêu cầu các thầy cô giáo đột ngột lên lớp chỉ cho học trò thấy cách sử dụng bao cao su, chúng ta cần xem lại chi tiết và tổng thể của cái nền văn hoá ứng xử đã bị hụt hẫng quá nhiều của chúng ta, để bón gốc chứ không chỉ chăm ngọn...
Nhà văn Võ Thị Hảo
Vietnamnet