106 nhân tài từ nước ngoài về dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2
(Dân trí) - Trong số 233 đại biểu dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 có 106 đại biểu đang sinh sống, làm việc ở 23 quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài nước; 127 đại biểu còn lại là trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, làm việc trong nước. Có 42 đại biểu là Phó Giáo sư, Tiến sĩ (chiếm tỉ lệ 21%).
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 năm 2019 có chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước” sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 26 đến ngày 28/11. Diễn đàn có sự tham gia của 233 đại biểu, có các phiên thảo luận có chủ đề về khoa học, công nghệ, giáo dục, phát triển và công bằng xã hội.
Chiều 21/11, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2. Dự và chủ trì họp báo có anh Nguyễn Tường Lâm - Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam – Phó trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn; PGS. TS. Trần Xuân Bách -Tổng thư ký Diễn đàn.
Anh Nguyễn Tường Lâm - Phó trưởng ban tổ chức cho biết: Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu được tổ chức nhằm mục đích tiếp tục củng cố Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ người Việt trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu.
Đồng thời diễn đàn đề xuất các cơ chế phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước; đề xuất các sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước; tạo kênh tham vấn để Chính phủ và các cơ quan chức năng đặt hàng trí thức trẻ về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển đất nước.
Các đại biểu tham gia Diễn đàn có quốc tịch Việt Nam (hoặc gốc Việt Nam). Trong số 233 đại biểu có 106 đại biểu đang sinh sống, làm việc ở 23 quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài nước; 127 đại biểu còn lại là trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, làm việc trong nước. Có 42 đại biểu là Phó Giáo sư, Tiến sĩ (chiếm tỉ lệ 21%).
Nhiều đại biểu lần thứ hai tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, như: TS. Lưu Vĩnh Toàn (Thụy Sỹ) và TS. Phạm Xuân Lâm, Trưởng Bộ môn Công nghệ thông tin - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đã phát triển ứng dụng VietSearch nhằm khai thác tri thức và chia sẻ thông tin cho mạng lưới chuyên gia người Việt quốc tế và sáng kiến này đã xuất sắc đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019.
TS. Nguyễn Duy Tâm (Singapore) có kinh nghiệm, phương pháp khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong điều kiện của Việt Nam; TS Hà Hoàng Thi (ĐH Harvard, Hoa Kỳ) với sáng kiến kết nối du học sinh Việt Nam toàn cầu xây dựng Quỹ Học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi đến trường.
Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp vào 4 nội dung chính gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số; nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội.
Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu sẽ thông qua Báo cáo đề xuất, khuyến nghị của Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần 2, 2019; Báo cáo chuyên môn về các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển bền vững; Báo cáo ghi nhận các cơ chế, khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và Kỷ yếu diễn đàn, danh sách các nhóm nghiên cứu chuyên sâu.
Nhận xét sau 1 năm tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 1 và hoạt động Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, Tổng thư ký Diễn đàn, PGS. TS. Trần Xuân Bách nói: "Đặc trưng của Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tương đối khác biệt với các hội thảo, diễn đàn khoa học.
Diễn đàn không dừng lại ở khía cạnh chuyên môn mà vươn đến sự định hướng, lan tỏa tinh thần thanh niên, sự kết nối cộng hưởng của rất nhiều các nhà nghiên cứu, nhóm nghiên cứu trẻ trong và ngoài nước".
PGS. Trần Xuân Bách tin rằng Diễn đàn lần thứ nhất đã nhận được sự quan tâm của lực lượng học viện, du học sinh là người Việt Nam, trí thức là Việt kiều rất nhiều nước quan tâm tới cộng sự, đơn vị nghiên cứu ở Việt Nam. Điều đó thể hiện sự mở rộng các mạng lưới cộng tác khoa học của trí thức Việt Nam.
"Thông qua Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, các nhà khoa học trẻ đã mở rộng mạng lưới liên kết, trao đổi chuyên môn ở các quốc gia châu Âu, Mỹ, châu Á và những vùng trọng điểm của khoa học công nghệ...
Từ đó, các nhà khoa học liên lạc kết nối xây dựng chương trình đào tạo, chương trình hội thảo, học bổng, nghiên cứu khoa học xin được tài trợ với số lượng lớn. Có những đại biểu của Diễn đàn được mời tham gia cộng tác ở các trường đại học. Tôi cho đó là thành quả bước đầu lớn.
Chúng ta bước đầu chuyển đổi từ chỗ đặt câu hỏi du học sinh về hay ở lại nước ngoài tới chỗ chủ động tạo ra kênh kết nối để thức Việt dù ở nơi đâu cũng có thể đóng góp được cho đất nước", PGS. Trần Xuân Bách chia sẻ.
Mai Châm