10 cách giúp sinh viên trang trải chi phí học đại học
(Dân trí) - Nhiều trường đại học và ngành nghề có mức học phí không hề rẻ, tạo gánh nặng tài chính nhất định, đặc biệt là với những gia đình không có nhiều điều kiện kinh tế.
Học đại học rất tốn kém, nhưng giáo dục sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của bản thân sau này, là nền tảng để xây dựng sự nghiệp. Do đó, phụ huynh luôn muốn giúp con chi trả các khoản học phí, nhưng việc đó không phải lúc nào cũng khả thi. Rất nhiều gia đình gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, cần con cái tự lực trang trải một số khoản cho việc học của mình.
Học được cách tự lập tài chính, nỗ lực lao động để có thể tự mua được món đồ mình yêu thích là một phần của cuộc sống trưởng thành.
Dưới đây là một vài gợi ý giúp sinh viên có thể san sẻ gánh nặng học phí với gia đình.
1. Tìm việc làm
Đây chắc chắn là giải pháp phổ biến nhất, thanh thiếu niên có thể độc lập tài chính sớm bằng cách kiếm việc làm thêm ngoài giờ học. Kiếm việc và kiếm tiền có thể không phải là phần khó nhất, bởi lẽ có rất nhiều công việc làm thêm cần nhân công là các bạn trẻ.
Phần khó nhất sẽ là tiết kiệm tiền và chi tiêu hợp lý. Bạn có thể hỏi kinh nghiệm từ bố mẹ để được hướng dẫn mở tài khoản tiết kiệm và trích phần trăm lương hàng tháng để chi trả học phí.
2. Trợ cấp tài chính
Có nhiều cách để sinh viên nhận được trợ cấp tài chính. Phụ huynh và con nên cùng xem xét các chính sách hỗ trợ sinh viên của các trường. Nếu gia đình có đủ điều kiện thì trường học sẽ thông qua hồ sơ xin trợ cấp hoặc cho vay một khoản nhất định giúp sinh viên trả tiền học phí.
3. Khoản vay tư nhân
Nếu bạn vẫn là trẻ vị thành niên, bạn sẽ cần cha mẹ cùng ký vào khoản vay này. Đây có thể không phải là lựa chọn tốt nhất, nhưng là một lựa chọn luôn có sẵn. Nên lựa chọn các địa điểm cho vay, ngân hàng uy tín có hỗ trợ lãi suất ưu đãi dành cho sinh viên.
4. Bán đồ cũ
Bạn cũng có thể xem xét việc bán lại những đồ dùng cũ, không còn cần thiết, hết giá trị sử dụng với bạn, như sách giáo khoa cũ, các bộ sưu tầm mà bạn đã hết hứng thú. Bạn sẽ sớm đi học và trải nghiệm một môi trường mới nên đó là một cách tuyệt vời để dọn bỏ những thứ không cần thiết và kiếm một khoản kha khá bỏ túi.
5. Học bổng
Có rất nhiều chương trình học bổng mỗi năm, và tất cả những gì bạn cần làm là chăm chỉ học tập. Đây là một sự lựa chọn tuyệt vời không chỉ giải quyết các vấn đề tài chính của bạn mà còn có thể làm đẹp bảng điểm, kết quả học tập.
6. Rửa xe
Đây là một cách không tồi để kiếm thêm tiền, và nếu bạn chọn đúng khu vực và có đủ khách hàng, bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền theo cách này. Bạn thậm chí có thể tổ chức một tiệm rửa xe.
Nếu biết mục đích của tiệm rửa xe là tiết kiệm tiền để học đại học, khách hàng có thể quay lại ủng hộ những lần sau.
7. Chương trình vừa học vừa làm
Sinh viên có thể xem xét các chương trình vừa học vừa làm. Đây là một kiểu hỗ trợ tài chính thông qua một số công việc được liên kết với ngành nghề hay trường mà sinh viên hiện đang theo học. Chương trình học có xu hướng linh hoạt hơn để sinh viên có thể làm việc mà không ảnh hưởng đến lịch học cá nhân.
8. Gây quỹ
Khi nghe từ "gây quỹ", chúng ta thường nghĩ đến các tổ chức từ thiện. Thế nhưng, thanh thiếu niên cũng có thể gây quỹ cho việc học đại học của mình. Có rất nhiều cách mà thanh thiếu niên có thể làm, chẳng hạn như thể hiện tài năng, cá tính trên mạng xã hội để kêu gọi quỹ cho đam mê của mình. Ngoài ra, bạn cũng gây quỹ trực tiếp từ người thân như họ hàng và bạn bè.
9. Công việc nhà
Nhiều bậc phụ huynh muốn con nhận thức được giá trị của đồng tiền từ sớm và hiểu được sự khó khăn của lao động nên muốn con trẻ tự chịu trách nhiệm cho học phí của mình khi trưởng thành. Tuy vậy, nếu con trẻ quá chật vật để có thể tích cóp đủ học phí thì cha mẹ cũng có thể khuyến khích con bằng cách giao việc nhà và trả tiền cho chúng trên từng đầu việc khác nhau.
10. Khoản vay dành cho sinh viên
Nếu sinh viên không thể kiếm đủ tiền, thì luôn có các khoản vay dành cho sinh viên của thành phố hay chương trình đào tạo của bạn tại đại học. Khoản vay này ngoài lãi suất có thể đi kèm với một số điều kiện về kết quả học tập, cũng như hợp đồng lao động nếu sau này bạn tốt nghiệp ra trường.
Giải pháp này phổ biến hơn tại các trường đại học phương Tây. Tuy nhiên, đây nên là biện pháp cuối cùng vì có thể cực kỳ khó trả nợ, đặc biệt là khi mới bắt đầu ra trường.