Nhiều trường đại học đồng loạt tăng học phí, sinh viên gồng sức xoay xở
(Dân trí) - Sinh viên các trường đại học "than thở" chuyện học phí tăng cao nên phải xem xét đi làm thêm kiếm tiền để có thể chi trả học phí.
Sinh viên xoay xở đi làm thêm để kiếm tiền học phí, thấy thương bố mẹ nhiều hơn
Doãn Nhật Hoàng, sinh viên chuyên ngành IoT (Internet of Things), Đại học FPT chia sẻ: "Về góc độ của một sinh viên, tăng học phí là một vấn đề luôn được quan tâm và ảnh hưởng lớn đến đời sống của chúng mình từ trước đến nay.
Mình đã nghe nhiều từ bạn bè cũng như anh chị đang là sinh viên của các trường đại học "than thở" chuyện học phí quá mức và phải xem xét đi làm thêm kiếm tiền để có thể tiếp tục học tập".
Cùng nhìn nhận về việc tăng học phí, Đỗ Thị Ngọc Linh sinh viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế trường Học viện Ngoại giao (DAV) cho rằng: "Mặt bằng chung, mình nghĩ đây là hiện tượng phổ biến và dễ hiểu bởi mức sống người dân Việt Nam đang tăng lên, cơ sở vật chất tốt lên đồng thời các trường lại đang tạo cơ hội cho sinh viên thực tập, tham gia các hoạt động phát triển kỹ năng, đào tạo sớm... thì việc tăng học phí là hợp lý".
Tuy nhiên, cô nàng Gen Z cho rằng việc tăng học phí bất ngờ sẽ làm nhiều học sinh, sinh viên khó khăn trong vấn đề chi trả hay ảnh hưởng đến lựa chọn của các bạn khi quyết định trường.
Đối với Ngọc Linh, việc tăng học phí gây ảnh hưởng đến phần lớn sinh viên: "Thành thật mà nói vào năm 2021 một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của mình khi chọn thi vào Học viện Ngoại giao là học phí. Tuy nhiên khi vào trường và biết trường đang bắt đầu tự chủ và tăng học phí thì mình khá bất ngờ cũng như lo lắng.
May mắn là mức tăng học phí này chưa quá cao. Tuy nhiên nếu năm sau học phí tiếp tục tăng sẽ là một nỗi lo lớn cho gia đình mình. Và có thể bản thân mình cũng phải bắt đầu suy xét nhiều hơn đến vấn đề đi làm thêm".
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bạn T.H sinh viên Đại học Y Hà Nội cảm thấy đôi chút khó khăn khi ngôi trường bạn đang theo học thông báo tăng học phí: "Bản thân mình là một sinh viên nên mình không mong muốn việc tăng học phí xảy ra. Tuy mình đang học tại trường công nhưng mức học phí không hề thấp, trung bình mỗi kỳ học phí đã hơn 7 triệu đồng.
Nếu bây giờ, nhà trường quyết định tăng học phí lên tiền triệu thì không chỉ mình mà các bạn sinh viên đồng lứa chắc đều phải "rớt nước mắt". Gia đình sẽ thêm gánh nặng về tiền bạc, thêm một mối lo chi phí, mình thấy thương bố mẹ nhiều hơn".
Lo lắng sinh viên học giỏi không còn cơ hội học tập vì học phí cao
Khi nhận được thông tin các trường đại học tăng học phí, đặc biệt là khối ngành y dược tăng chóng mặt đến mức 71,3%, bạn Lê Quỳnh Anh, sinh viên chuyên ngành Khúc xạ nhãn khoa trường Đại học Y Hà Nội tỏ ra rất bất ngờ.
"Mình nghĩ việc tăng học phí như vậy phải chăng là quá cao so với học phí ban đầu, sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với các bạn sinh viên chuyên ngành y.
Đối với ngành y thì thời gian học tập so với các trường đại học khác khá là dài mà học phí lại tăng cao như thế, mình lo rằng sẽ có nhiều bạn học giỏi nhưng hoàn cảnh không đủ đáp ứng điều kiện và khó có thể theo học lâu dài.
Điều này sẽ làm mất đi cơ hội học tập của nhiều sinh viên, nhất là những sinh viên có năng lực, không phải sẽ là điều đáng tiếc nuối sao?".
Bạn Nhật Hoàng cho biết với mức học phí tăng cao là khó khăn rất lớn đối với những sinh viên không có điều kiện kinh tế tốt.
Sau đó, vấn đề học phí sẽ tạo ra những áp lực tâm lý vô hình đối với các bạn sinh viên ở nhiều trường đại học. Các bạn sẽ không thoải mái trong việc học mà còn trở nên lo lắng, cố gắng đi làm thêm để trang trải tiền học phí.
"Liệu việc chăm chăm vào làm thêm kiếm tiền có thể đảm bảo được chất lượng học tập như trước? Mình nghĩ đây là một vấn đề mà các trường đại học nên cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra giải pháp thích hợp", Nhật Hoàng bày tỏ.
Với mức học phí hiện tại nhiều sinh viên vẫn phải tự thân vận động đi làm thêm chi trả học phí, sinh hoạt. Nếu như học phí tăng cao, có lẽ những bạn sinh viên ấy sẽ phải làm thêm nhiều công việc để phục vụ việc học có thể nói "khó khăn học tập chồng khó khăn học phí".
Nhật Hoàng chia sẻ thêm câu chuyện về một người bạn chỉ mới chỉ là sinh viên năm nhất, nhưng dành đa phần quỹ thời gian của mình để đi làm thêm khi mức học phí đang gia tăng với một tốc độ chóng mặt như hiện nay.
Sinh viên thắc mắc về việc tăng học phí
Với việc tăng học phí của các trường đại học, bạn T.H cảm thấy khó hiểu: "Mình cảm thấy thắc mắc chuyện này vì về phía nhà trường khi tăng học phí cao như vậy thì mình vẫn chưa biết sinh viên có được hưởng thêm quyền lợi hay chất lượng đào tạo hơn trước hay không?
Theo mình, chương trình học của các trường có tăng thêm số tín nhưng kiến thức nhận được là vẫn như cũ, gần như không có thay đổi quá lớn. Với mức học phí tăng nhiều như vậy thì mình thấy chưa hợp lý và xứng đáng với lượng kiến thức mà sinh viên nhận được".
Đồng tình với ý kiến của T.H, Quỳnh Anh lại nghĩ rằng: "Đối với cá nhân mình luôn quan niệm "học, học nữa, học mãi" và học y là học cả đời, vì ngành y là ngành học rất khó cũng như yêu cầu cao trong công việc.
Mình nghĩ đầu tư vào việc học là đúng đắn, để bản thân có thể được học tập tốt nhất, tiếp cận với những công nghệ y tế tiên tiến nhất, trở thành bác sĩ giỏi. Mặc dù sẽ có khó khăn trong việc chi trả học phí nhưng gia đình mình thì vẫn có khả năng để đảm bảo việc học.
Mặc dù vậy, mình nghĩ rằng về phía nhà trường nên tạo điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên, nhất là khi việc tăng học phí chỉ mới được thông báo nhưng chưa hề có giải thích về ý nghĩa của việc này, khiến nhiều sinh viên rất hoang mang và không đồng tình".
Ngoài ra, Ngọc Linh cũng chia sẻ thêm về câu chuyện có rất nhiều các bạn học sinh đã "quay xe" khi trường có thông báo tăng học phí: "Mình có nhớ đến một câu chuyện được đăng trên confession trường, có một bạn đã bày tỏ rất thích trường DAV và nỗ lực rất nhiều trong kỳ thi THPT, tuy nhiên sau khi biết trường DAV tăng học phí thì bạn dù không muốn nhưng phải chọn một trường khác có mức học phí phù hợp hơn vì gia cảnh bạn không cho phép".
Giải pháp nào cho việc tăng học phí?
Để khắc phục những khó khăn của sinh viên đối với việc tăng học phí, các trường cũng chú ý đến chính sách hỗ trợ học bổng, vay tín chấp lãi suất thấp với sinh viên khó khăn để sinh viên có tiền đóng học phí và trang trải chi phí sinh hoạt.
Ngọc Linh có quan điểm khá khách quan về giải pháp này: "Cá nhân mình chưa tìm hiểu cụ thể về các chính sách nên không thể đảm bảo có một cái nhìn toàn diện nhưng dựa trên quan sát của mình, những chính sách này có thể phần nào giúp đỡ những sinh viên rất khó khăn, đặc biệt là chính sách cho vay lãi suất thấp.
Tuy nhiên, mức độ phân hóa giàu nghèo cũng đang ngày càng lớn hơn trong các trường. Nhóm học sinh có hoàn cảnh gia đình thu nhập trung bình cũng là một nhóm đối tượng đáng lưu tâm vì nhóm này không đến mức không thể chi trả học phí nhưng cũng không hoàn toàn là không gặp khó khăn. Vì vậy khó mà phớt lờ hoàn toàn nhóm đối tượng này và gộp họ vào số đông đủ khả năng chi trả học phí".
Trái ngược, Nhật Hoàng và T.H có chung quan điểm là giải pháp của nhà trường chưa thật sự giải quyết được vấn đề khó khăn của sinh viên. Cả hai bạn đều cho rằng về học bổng rất khó để có thể đạt được, chỉ tiêu học bổng quá ít ỏi. Học bổng chỉ giải quyết được phần nào chi phí học tập chứ không thể giải quyết được lâu dài.
Còn về việc vay tín chấp lãi suất thấp với sinh viên khó khăn, hai bạn đều cho rằng không khả quan, T.H chia sẻ: "Việc vay tín chấp với ngành của mình thì không biết ra trường bao lâu mới trả được nếu có vay, nhất là với các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chỉ là trì hoãn việc chi trả học phí thêm chứ không giảm đi được áp lực về tiền bạc".
Bên cạnh đó, Nhật Hoàng thêm ý kiến: "Theo mình, vay tín chấp lãi suất thấp hay không lãi suất đều là khó khăn đối với sinh viên, không chỉ thế khi vay sinh viên sẽ cảm thấy bản thân đang phải chịu khoản nợ ngay từ khi đi học, điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý cũng như quá trình học tập của sinh viên".
Bạn suy nghĩ sao về vấn đề này, hãy chia sẻ dưới phần bình luận bên dưới nhé!