Sáng chế giúp người khiếm thị “nhìn” được người đối diện

“Chào cậu, tôi có thể giúp gì không?”, nhiều người không khỏi bất ngờ khi ông Kim, một người khiếm thị chào đúng giới tính người đối diện. Ông còn biết, chàng trai đứng trước mình tầm 20-22 tuổi.

Đó là “lát cắt” được ghi lại tại buổi thử nghiệm sản phẩm lọt vào chung kết Nhân tài Đất Việt 2016 VIETGLASSES (Cách nhìn thế giới của người khiếm thị) tại Hội người mù TPHCM. Ngoài việc giúp người khiếm thị có thể “nhìn” được người đối diện, VIETGLASSES còn có rất nhiều tính năng đưa đến những điều kỳ diệu cho người khiếm thị.

Phá vỡ các rào cản

Ông Nguyễn Đình Kim, Chủ tịch Hội người mù TPHCM là người trực tiếp sử dụng thử nghiệm chiếc kính cung cấp thông tin cho người khiếm thị này. Những khoảnh khắc ông Kim vừa trải qua là những trải nghiệm mà với ông từng chỉ xuất hiện trong mơ.

Ông không còn phải bỡ ngỡ khi giao tiếp mà không biết người đối diện mình là nam hay nữ, khoảng tầm bao nhiêu tuổi; nhận biết được hành động của họ cũng như ông có thể phát hiện và nhận biết cảnh vật, đồ vật, sự kiện trước mắt.

Với giải pháp tự động rút trích các thông tin hiển thị trên báo hàng ngày, người dùng có thể lắng nghe báo đọc mà không cần phải dùng đến chữ nổi braille. Tính năng tự động nhận biết tiền Việt và tính tổng số tiền phân biệt và tính toán tổng số tiền hiện có của người dùng, hỗ trợ người khiếm thị có thể mua bán, thanh toán tiền hiệu quả.

Từng biết và trải nghiệm rất nhiều sản phẩm công nghệ hỗ trợ người khiếm thị, ông Nguyễn Đình Kim đánh giá VIETGLASSES rất hữu dụng, đúng với nhu cầu của người khiếm thị. Nó hữu dụng và có giá trị nhân văn rất cao, giúp người khiếm thị hội nhập với cuộc sống một cách thuận lợi hơn. Bản thân ông mong muốn sản phẩm ra đời càng nhanh càng tốt.

Sản phẩm của “5 chàng lính ngự lâm”

Lâu nay, các sáng chế dành cho người khiếm thị tập trung vào việc giúp họ tránh các vật cản phía trước. Khát khao về việc có thể “nhìn” cảnh vật xung quanh, chủ động nắm bắt thông tin vẫn là ao ước của họ.

Biết được nhu cầu thiết thực này, cùng với sự “kích thích” từ cuộc thi Nhân Tài Đất Việt, chàng sinh viên Trường ĐH KHTN TPHCM Nguyễn Đình Luận đã nảy ra ý tưởng phải cho ra một giải pháp nào đó để người khiếm thị làm được nhiều thứ hơn là tránh vật cản.

Để thực hiện, Luận đã kết nối với bạn bè, cùng với 4 chàng trai khác, có 3 sinh viên và một kỹ sư từng bước mày mò cho ra đời VIETGLASSES với thời gian 3 tháng.

Điều đặc biệt, 5 chàng trai dù không có điều kiện làm việc chung nhưng với cách làm việc khoa học, mỗi người một việc đúng với thế mạnh, sản phẩm từng bước được “lắp ráp” để hoàn thiện dần sản phẩm.

Bạn Nguyễn Thành Vinh, SV Trường ĐH Bách Khoa, thành viên nhóm tác giả chia sẻ trong quá trình cùng làm việc, họ gặp không ít trục trặc như thử nghiệm không giống lý thuyết, khác với dự tính. Cũng có lúc muốn “buông” vì thấy mơ hồ, xa vời. Nhưng rồi với tinh thần của họ cũng giống với ý tưởng về sản phẩm đều mang thông thông điệp: Vượt lên mọi rào cản nên các thành viên cùng quyết không được bỏ cuộc.

Nếu được sản xuất với số lượng lớn, Vinh cho hay giá thành choVietGlasses có thể ở mức 1 – 2 triệu đồng, có thể đưa vào sử dụng rộng rãi.

Ở phiên bản hiện tại (phiên bản thứ 2), bộ sản phẩm VietGlasses bao gồm:
– 1 board Raspberry Pi 3 (mạch xử lí )

– 1 pin sạc

– 1 kính bảo hộ gắn webcam

– 1 tai nghe

– 1 mạch 5 phím nhấn

– các loại cáp và dây dẫn

Ông Nguyễn Đình Kim cho rằng VietGlasses cần cải tiến một số yếu tố như:

– Thời gian chụp, mô tả người và sự vật xung quanh cần được xử lý nhanh hơn để người dùng nắm bắt sự vật nhanh hơn.

– Cần chi tiết hơn về nét mặt, nụ cười, trang phục của người đối diện

– Đọc được nhiều tờ báo hơn nữa để người khiếm thị tiếp nhận nhiều nguồn thông tin

– Thiết kế nên gọn hơn để dễ dàng cho việc sử dụng, dịch chuyển.

Hoài Nam – Dân Trí

Clip: Gia Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm