Quán quân NTĐV 2016 với tham vọng quy tụ chất xám của du học sinh Việt Nam

Biết tận dụng sức mạnh trí tuệ nhân tạo và những công nghệ mới nhất trên thế giới, Công ty Cổ phần Công Nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe) với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC đã xuất sắc giành Giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2016 lĩnh vực sản phẩm công nghệ thông tin triển vọng.

Ngay sau Lễ trao giải, phóng viên báo điện tử VnMedia đã có cuộc phóng vấn trưởng nhóm Lê Công Thành cũng chính là Giám đốc công ty InfoRe.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Tiến sĩ Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải Nhất lĩnh vực CNTT triển vọng.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Tiến sĩ Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải Nhất lĩnh vực CNTT triển vọng cho nhóm SMCC.

– Là một sản phẩm dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích tự động, chắt lọc ra những thông tin giá trị nhằm giải quyết các bài toán khó của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan sản xuất thông tin, báo chí và truyền thông, anh có thể chia sẻ từ đâu nhóm có ý tưởng tạo ra sản phẩm này?

Anh Lê Công Thành: Ý tưởng phát triển hệ thống của chúng tôi bắt nguồn từ mong muốn rất xa của cả nhóm. Lúc đầu chúng tôi thành lập công ty đều là những du học sinh nước ngoài và mọi người suy nghĩ phải làm cái gì đó để đóng góp cho xã hội Việt Nam. Lúc đầu chúng tôi xuất phát từ một dự án xã hội – dự án lietsi.com. Hiện giờ dự án đó vẫn đang hoạt động và đã số hóa được 95% nghĩa trang liệt sĩ tại Việt Nam.

Sau đó chúng tôi cũng muốn đem những kiến thức thức của mình lao vào mảng kinh doanh để giải quyết các bài toán khác nhau của xã hội. Chúng tôi nhìn thấy 2 thứ mà chúng tôi muốn giải quyết. Đó là mô hình làm thế nào để thu hút được dòng chất xám những người Việt Nam đi du học nhưng chưa có điều kiện quay trở lại Việt Nam. Thông qua mô hình startup theo hướng của chúng tôi, mọi người có thể cộng tác với nhau và có thể làm được một cái gì đó ở Việt Nam và nó trở thành bệ đỡ để mọi người quay về Việt Nam trong khoảng thời gian nào đó. Đó là ý tưởng ban đầu.

Ý tưởng thứ hai mà chúng tôi nhìn thấy là qua sự phát triển của mạng xã hội, Internet, thông tin ở Việt Nam rất hỗn loạn, có rất nhiều thông tin không chính thống trôi nổi trên Internet lẫn lộn với những thông tin có giá trị. Do đó chúng tôi muốn xây dựng ra “Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC”. Hệ thống này tổng hợp toàn bộ những thông tin được xuất bản hàng ngày và dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu tự động. Từ đó xếp hạng, đoán biết được ngữ nghĩa cũng như chất lượng của nguồn tin để cung cấp cho mọi người công cụ đánh giá thông tin được tốt hơn. Qua đó phục vụ bài toán của các doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan sản xuất thông tin, báo chí và truyền thông.

4 thành viên của nhóm SMCC
4 thành viên của nhóm SMCC “ăn mừng” sau chiến thắng vinh quang.

– Hiện tại SMCC đã được áp dụng như thế nào ở Việt Nam?

Hiện giờ sản phẩm SMCC đang được dùng cho một số doanh nghiệp lớn như Ngân hàng BIDV, tổng cục du lịch Việt Nam, Flamingo Đại Lải, FLC…, dùng cho rất nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ như quản trị truyền thông, chăm sóc khách hàng hoặc là bán hàng, tiếp thị, bán lẻ, rất nhiều hướng khác. Các công ty có khối lượng dữ liệu lớn cũng muốn tích hợp sản phẩm SMCC để tạo ra dữ liệu quý giá hơn rất nhiều so với từng cụm dữ liệu hiện tại. Hiện công ty đã có những khách hàng tương đối lớn

– Sau khi đạt Giải Nhất NTĐV 2016 lĩnh vực CNTT triển vọng, kế hoạch tiếp theo của nhóm là gì?

Hiện SMCC có mấy hướng cải tiến gồm đẩy cao hơn nữa khối lượng dữ liệu; tối ưu về thuật toán, đào sâu các thuật toán hiện đại trên thế giới vì các thuật toán mới trong ngành chúng tôi xuất hiện liên tục, thậm chí là hàng ngày, ngủ dậy là có những nhóm nghiên cứu mới trên thế giới công bố những thuật toán có chất lượng cao hơn. Một mặt chúng tôi nghiên cứu và một mặt theo dõi các hướng nghiên cứu trên thế giới. Ngoài ra SMCC cũng cần cải tiến giao diện người dùng, nhiều tính năng, cho ra đời các phiên bản tiếp theo.

Trưởng nhóm Lê Công Thành:

Đồng thời dựa trên khối dữ liệu SMCC đang có, chúng tôi sẽ xây thêm các bài toán xa hơn nữa, không chỉ theo dõi thông tin mà có thể mô hình hóa người dùng, có thể biết được mối quan tâm của từng người trên Internet nếu họ cung cấp thông tin. Nhờ đó sẽ giúp giải quyết nhiều bài toán xa hơn nữa cho các doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, hiện giờ chúng tôi đang nghiên cứu những bộ xử lý tiếng Thái Lan, Indonesia, tiếng Anh cho một số nước sử dụng tiếng Anh như Singapore. Sắp tới chúng tôi sẽ đưa sản phẩm này ra thị trường Đông Nam Á, xa hơn nữa có thể tiếp xúc với những quốc gia có khối lượng dân số ít như New Zealand hay Australia nhưng họ có giá trị của từng người sử dụng trên Internet rất cao. Chúng tôi đang có kế hoạch tiếp xúc các quốc gia như vậy.

– Đã phải trải qua cả một chặng đường dài để giành giải cao nhất NTĐV 2016, anh có thể chia sẻ cảm nhận của mình về Giải thưởng này cũng như những giá trị mà Giải thưởng mang lại?

Tôi nhận thấy giải thưởng NTĐV là bệ đỡ rất vững chắc, rất mạnh cho những nhóm khởi nghiệp, sáng tạo, các nhóm startup. Có lẽ Việt Nam hiện giờ mới có giải thưởng NTĐV là Giải thưởng uy tín nhất, tốt nhất. Khi bảo vệ sản phẩm, tôi đã giật mình khi Hội đồng Giám khảo đều là những chuyên gia đầu ngành về Viễn thông, Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khi phản biện, mọi người trao đổi nhiều vấn đề rất sâu, chi tiết về sản phẩm cũng như định hướng và tôi cảm thấy rất thú vị. Tôi học hỏi rất nhiều và cảm nhận Giải thưởng là bệ đỡ rất mạnh để giúp các nhóm startup trong quá trình phát triển sản phẩm cũng như giúp mọi người biết đến giá trị của chúng tôi tốt hơn, đồng thời mở ra những con đường mới cho các startup.

– Một lần nữa xin chúc mừng anh và nhóm đã giành Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016. Chúc nhóm tiếp tục gặt hái thêm những thành công mới trong thời gian tới!

B.H – VnMedia