Nhân Tài Đất Việt 2005

Phần mềm Phát triển Thông tin về độ thấm - DSP

(Dân Trí) - Như Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã nói, Nhân Tài Đất Việt là cuộc thi có tính cạnh tranh rất cao, là sân chơi chung giữa các thế hệ, giữa thầy và trò, giữa bạn bè đồng nghiệp với nhau. Cuộc thi đã ghi nhận sự tham gia của một người thầy - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa Học Nguyễn Văn Gia và các cộng sự của ông với sản phẩm Phần mềm Phát triển thông tin về độ thấm-DSP.

DSP có nguồn gốc từ nhu cầu khai thác hiệu quả mỏ dầu Bạch Hổ, nơi chứa đựng kho tài nguyên khổng lồ của nước ta. Nơi đây, do đặc điểm kiến tạo địa chất của thềm lục địa Việt Nam mà dầu được phân bố chủ yếu ở lớp đá móng dưới đáy biển, độ sâu từ 3000m đến 4500m.

Ở lớp độ sâu chưa đến 3000m, mỏ Bạch Hổ cũng tương tự như các mỏ dầu khác đã biết trên thế giới nên việc thiết lập sơ đồ công nghệ cùng với kỹ thuật khai thác không có khó khăn gì. Đến độ sâu dưới 3000m, mỏ Bạch Hổ có kiến tạo địa chất hoàn toàn mới: dầu chứa trong đá móng, tính bất đồng nhất của mỏ rất cao, theo mọi hướng, và đặc biệt là hơn 80% trữ lượng dầu của mỏ Bạch Hổ có tại đây.

Bài toán mới đặt ra cho khai thác có hiệu quả mỏ Bạch Hổ là phải biết trường độ thấm của phần mỏ này. Trường độ thấm là một trong các số liệu đầu vào quan trọng nhất để lập ra sơ đồ công nghệ khai thác. Bài toán mới này đã được một số công ty dầu khí lớn của thế giới quan tâm nghiên cứu ngay từ khi phát hiện ra. Đến năm 1997, bài toán vẫn chưa có lời giải.

Nhóm nghiên cứu của PSG-TSKH Nguyễn Văn Gia đứng trước một yêu cầu khó khăn: Giải một bài toán thiếu thông tin. Ông phải từ 300 mẫu giá trị từ các mũi khoan thăm dò và khai thác để tìm ra khoảng 40.000 và thậm chí hàng triệu mẫu giá trị về độ thấm với kết quả chấp nhận được cho toàn mỏ Bạch Hổ, đưa vào thiết kế mỏ.

Các phương pháp nội ngoại suy toán học vẫn áp dụng tìm trường độ thấm của các mỏ dầu như ở nhiều nơi trên thế giới không còn thích hợp cho mỏ Bạch Hổ, phần đá móng. Từ năm 1993, ông đã bắt tay vào nghiên cứu phương pháp luận để giải bài toán thiếu thông tin. Bài toán này chưa có tài liệu tham khảo. Ông đã tìm ra phương pháp giải bài toán vào năm 1997. Tìm trường độ thấm của mỏ Bạch Hổ là ứng dụng đầu tiên của phương pháp này: bài toán được lập ra, giải thuật được xây dựng, phần mềm DSP ra đời hiện thực hoá ý tưởng của phương pháp.

 PGS Gia cho biết: “Với một bài toán thiếu thông tin, lời giải của nó không là duy nhất mà là một tập hợp lời giải. Nhân tố quyết định thành công chính là những chuyên gia Việt Nam tại XNLD Vietsovpetro. Với tri thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết, họ là người quyết định sẽ chọn nghiệm nào trong tập hợp vô vàn nghiệm của bài toán. Ba lần phần mềm DSP được sử dụng thì cả ba lần các chuyên gia VN đều đã chọn được các nghiệm “tốt” đưa vào thiết kế khai thác. DSP là thành tích tập thể không chỉ riêng của nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu.

Đánh giá về phần mềm này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Thiết kế Dầu khí Biển thuộc Vietsovpetro, TS Hoàng Văn Quý cho biết, đối với một bài toán thực tế đang để ngỏ, phương pháp giải nào cho ra kết quả sát với thực tế nhất thì phương pháp đó là tốt. Hơn nữa, phần mềm này cũng đã được Hội đồng Kỹ thuật của hai Nhà nuớc Việt Nam và Nga kiểm tra nghiêm ngặt. Chính vì hai lẽ đó, phần mềm DSP đã được chấp nhận là phần mềm hỗ trợ thiết kế công nghệ khai thác tại Vietsovpetro từ năm 1998 đến nay.

Được biết, phần mềm DSP của TSKH Nguyễn Văn Gia và các cộng sự đã đạt giải Nhất tại Hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Tp HCM 2003 rồi tiếp tục đạt được giải Nhì VIFOTEC 2004. Đó là phần thưởng cao quý và xứng đáng cho một công trình nghiên cứu khoa học đem lại lợi ích rất lớn cho ngành dầu khí. Đến với cuộc thi Nhân Tài Đất Việt 2005, ông không sợ thất bại vì theo ông, nếu không được giải thì có nghĩa cuộc thi đã thu hút được nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng cao hơn, Việt Nam ta có nhiều người giỏi, tín hiệu rất đáng mừng.

Phóng viên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm