“Bật mí” thành công của quán quân CNTT Nhân tài Đất Việt 2017

Năm 2017, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực CNTT đã vinh danh duy nhất một sản phẩm giải Nhất đó là “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe” của nhóm tác giả đến từ Đại học Duy Tân - Đà Nẵng.

Chương trình xây dựng mô hình mô phỏng hệ giải phẫu người bằng công nghệ thực tại ảo 3D tương tác, gồm tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể người như: Hệ xương, hệ cơ, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết và sinh dục, các tuyến và hạch. Sản phẩm mô phỏng đầy đủ các hệ giải phẫu cơ thể người dưới dạng mô hình 3D, các mốc giải phẫu.

Công trình của nhóm tác giả ứng dụng công nghệ thực tại ảo 3D, tạo nên một cơ thể người hoàn chỉnh, có thể tương tác đa dạng về cách thức lên các đối tượng mô hình các cơ quan, hệ cơ quan, thậm chí các chi tiết giải phẫu rất nhỏ, với bộ dữ liệu khoa học thống nhất, chính xác hướng đến các đối tượng người học là sinh viên, giảng viên, người nghiên cứu hoặc bác sĩ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao giải Nhất lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 cho nhóm tác giả đoạt giải.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao giải Nhất lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 cho nhóm tác giả đoạt giải.

Nhóm tác giả lựa chọn, nghiên cứu và triển khai “ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe” được xuất phát từ chính nhu cầu giảng dạy và học tập thực tế. Giải phẫu vốn là môn học quan trọng nhất và xuyên suốt trong quá trình học của sinh viên ngành Y, tuy nhiên, trên thực tế, các trường đào tạo về Y không phải trường nào cũng có thể cho sinh viên được “thực tế” mà thường chữa cháy bằng cách học trên tranh ảnh, các phần mềm không có bản quyền hoặc mô hình nhựa plastic dẫn đến quá tải phòng thực hành và thiếu trực quan.

Với những việc “mắt thấy tai nghe” như thế, các thành viên của nhóm đã đặt câu hỏi: tại sao chúng ta không mô phỏng thực tại ảo cơ thể người để có thể giúp cho sinh viên, học sinh nghiên cứu? Thậm chí có thể mô phỏng các hệ cơ quan trong cơ thể cử động như thật… Với ý tưởng ban đầu làm hệ xương và hệ cơ, nay nhóm đã phát triển toàn bộ các thể trong cơ thể đồng thời giả lập các hệ cử động của các cơ quan.

Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005 và được đồng tổ chức bởi Báo Dân trí cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đến nay Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã bước sang năm thứ 14, trở thành giải thưởng uy tín mang tầm vóc quốc gia. Tổng Công ty Truyền thông VNPT-Media vinh dự là đơn vị bảo trợ truyền thông cho Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018.

Thời gian nhận bài dự thi lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 đến hết ngày 30/9/2018; Công tác chấm giải từ ngày 01/10/2018 đến ngày 15/11/2018; Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Nơi nhận hồ sơ đăng ký: Báo điện tử VnMedia – Tầng 14 – Tòa nhà VNPT – 57 Huỳnh Thúc Kháng – Hà Nội. Các thông tin về Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2018 sẽ được đăng tải đầy đủ trên website chính thức của Giải thưởng tại địa chỉ: http://nhantaidatviet.dantri.com.vn hoặc địa chỉ http://vnmedia.vn và http://dantri.com.vn.

Theo Lê Văn Chung – thành viên của nhóm tác giả, kỳ vọng của nhóm tác giả khi tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 là được lọt vào top 3 sản phẩm có giải. Mục tiêu khác của nhóm đó là thông qua cuộc thi được cả nước biết đến sản phẩm chúng tôi, biết đến chúng tôi đang làm gì? Bởi thành phần Ban giám khảo là những người có chuyên môn cao và uy tín của Giải thưởng. Thế nhưng, họ đã làm được hơn cả những điều kỳ vọng ấy. Và sản phẩm đã và đang ngày càng được hoàn thiện hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho ngành Y.

Chia sẻ về bí quyết để đi tới thành công của một sinh viên công nghệ, Lê Văn Chung cho hay, bản thân anh và nhóm chưa nghĩ mình là người thành công. Nhưng theo Chung, để làm được sản phẩm có chút giá trị nào đấy thì ngoài đam mê ra cần phải có suy nghĩ sáng tạo. Sáng tạo ở đây bao hàm cả không ngại đánh đổi cái mình đang có.

Theo Chung, muốn nghiên cứu và triển khai một sản phẩm CNTT điều kiện cần là phải có tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề nếu không có kỹ năng này thì không thể theo ngành CNTT. Điều kiện đủ là phải có đam mê, đam mê tới cùng cộng thêm một chút may mắn. Tin rằng với những đam mê luôn thắp lửa đó, nhóm tác giả và Lê Văn Chung sẽ tiếp tục gặt hái thêm những thành công mới trên con đường khám phá, chinh phục công nghệ.

Phạm Lê – VnMedia

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm