Chung cư "dát vàng" ở Thủ đô bị "om" sổ đỏ: Vì đâu nên nỗi?

(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đến nay chủ đầu tư không thống nhất, không đồng ý với kết quả của các cơ quan ban ngành về việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung tại dự án Hòa Bình Green City.

Nhùng nhằng tiền sử dụng đất

Chung cư Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư đã bắt đầu bàn giao cho cư dân về ở từ năm 2014. Thế nhưng, đến nay dù đã bàn giao căn hộ hơn 3 năm nhiều hộ gia đình tại chung cư vẫn chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) khiến người dân bức xúc.

Mới đây, ngày 1/7, cả trăm cư dân chung cư cao cấp Hòa Bình Green City, đã tập trung treo băng rôn với nhiều nội dung yêu cầu chủ đầu tư trả sổ đỏ, đòi phí bảo trì và thành lập ban quản trị.

Chung cư "dát vàng" ở Thủ đô bị "om" sổ đỏ: Vì đâu nên nỗi? - 1

Cư dân chung cư Hòa Bình Green City 505 Minh Khai đội nắng 40 độ C căng băng rôn đòi quyền lợi ngày 1/7.

Liên quan đến vấn đề cấp sổ đỏ tại dự án này, ngày 26/6 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã có văn bản gửi Công ty TNHH Hòa Bình – Chủ đầu tư chung cư Hòa Bình Green City về việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung và cấp sổ đỏ cho các hộ gia định tại dự án.

Theo đó, ngày 10/10/2012, UBND TP Hà Nội có quyết định về việc cho phép công ty CP nông sản AGREXIM chuyển mục đích sử dụng 17.377m2 đất tại số 505 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu dịch vụ công cộng, thương mại, nhà trẻ kết hợp chung cư cao tầng – Hòa Bình Green City.

Năm 2013, UBND TP có quyết định về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất dự án đầu tư xây dựng dự án Hòa Bình Green City. Tổng số tiền sử dụng đất phải nộp là hơn 322 tỷ đồng.

Ngày 24/2/2016, tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Hòa Bình Green City được Cục thuế TP xác nhận, chủ đầu tư đã nộp số tiền sử dụng đất là hơn 129 tỷ đồng.

Chung cư "dát vàng" ở Thủ đô bị "om" sổ đỏ: Vì đâu nên nỗi? - 2

Cư dân chung cư Hòa Bình Green City 505 Minh Khai đội nắng 40 độ C căng băng rôn đòi quyền lợi ngày 1/7.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch tại dự án Hòa Bình Green City 505 Minh Khai đã dẫn tới nhiều khó khăn vướng mắc trong việc xác định giá đất cụ thể làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung tại dự án này.

Sở TN&MT Hà Nội cho biết, sau khi UBND TP có quyết định 2507 ngày 14/5/2014 về việc điều chỉnh điều 1 quyết định 4507 năm 2012 về việc cho phép công ty CP nông sản AGREXIM chuyển mục đích sử dụng 17.377m2 đất tại số 505 phố Minh Khai (trong đó điều chỉnh quy hoạch của dự án) do có vướng mắc Sở này đã nhiều lần có văn bản báo cáo khó khăn vướng mắc trong việc xác định giá đất cụ thể làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung tại dự án.

Vướng mắc kéo dài trong hơn 3 năm qua, hàng loạt các văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài Chính hướng dẫn, trao đổi về vấn đề xác định giá đất dự án này. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa đạt được sự thống nhất với chủ đầu tư.

Ngày 10/5 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo UBND TP kết quả rà soát phương án xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung tại dự án Hòa Bình Green City. Đồng thời, Sở này cũng đề xuất với UBND TP: “Yêu cầu nhà đầu tư thống nhất phương án và bàn giao cho UBND quận Hai Bà Trưng quản lý, sử dụng đối với diện tích bố trí trường mầm non, trụ sở UBND phường, trụ sở Công an phường tại dự án theo quy định. Nhà đầu tư chịu hoàn toàn các chi phí xây dựng.

Đối với diện tích 25.000m2 quỹ sàn thương mại tại dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đối với điện tích này theo quy định. UBND TP không hoàn trả chi phí xây dựng…”.

Đến ngày 21/6, Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP đã có buổi họp với các đơn vị Sở, cục Thuế và chủ đầu tư về việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung tại dự án Hòa Bình Green City. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nêu ra phương án đề xuất nghĩa vụ tài chính bổ sung chủ đầu tư phải nộp khi điều chỉnh quy hoạch là hơn 13 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại buổi họp trên, chủ đầu tư vẫn không đồng ý với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung trên.

Liên tục điều chỉnh

Có thể thấy những nhùng nhằng vướng mắc trong việc xác định giá đất cụ thể làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung tại dự án Hòa Bình Green City xuất phát từ việc điều chỉnh quy hoạch tại dự án này.

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, tháng 10/2012, UBND TP Hà Nội có Quyết định cho phép Công ty CP Nông sản AGREXIM chuyển mục đích sử dụng hơn 17.000 m2 đất tại số 505 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai để thực hiện xây dựng Khu dịch vụ công cộng, thương mại, nhà trẻ kết hợp chung cư cao tầng – Hòa Bình Green City.

Tháng 2/2014, UBND TP đã có quyết định phê duyệt cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà ở thương mại (tòa CT-02) của dự án Hòa Bình Green City.

Tháng 5/2014, UBND TP lại có quyết định về việc điều chỉnh Điều 1 quyết định năm 2012.

Đến tháng 12/2014, UBND TP tiếp tục có quyết định điều chỉnh một số nội dung ghi tại quyết định tháng 5 trên.

Và đến tháng 6/2015, UBND TP ban hành quyết định về việc điều chỉnh khoản 1,2 Điều 1 tại quyết định tháng 12 trên.

Trong đó, bổ sung khoản 2 như sau: “Công ty CP Nông sản AGREXIM có trách nhiệm liên hệ với Sở tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xác định tiền sử dụng đất và chênh lệch tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung (nếu có) theo quy định”.

Bổ sung khoản 2a, 2b như sau: “Đối với 25.000 m2 sàn tầng hầm 1 và các sàn từ tầng 1 đến tầng 5 của tòa CT01: Nhà nước chưa thu tiền sử dụng đất, chưa tính chi phí đầu tư xây dựng vào chi phí dự án để xác định giá đất… Trường hợp Công ty CP Nông sản AGREXIM sử dụng diện tích sàn nêu trên để cho thuê có thu tiền hoặc chuyển nhượng sở hữu, chuyển giao cho thuê cho tổ chức, cá nhân khác thì phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định…”.

Những nhùng nhằng trên kéo dài suốt vài năm qua. Trong khi, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư vẫn chưa có sự thống nhất về phương án xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch dự án thì những người dân chính là người đầu tiên đang phải gánh chịu thiệt thòi.

Doanh nghiệp đổ lỗi cho Hà Nội?

Liên quan đến vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án chung cư Hòa Bình Green City, ngày 10/6, ông Nguyễn Hữu Đường – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình đã có Công văn Số 93/2018/CV-HB trả lời cư dân Hòa Bình Green City. “Liên quan đến việc cấp sổ hồng cho các căn hộ, công ty chúng tôi đang vướng mắc liên quan đến quyết định hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất tại dự án của UBND TP Hà Nội” - nội dung công văn số 93.

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV VietNamNet đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Đường – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình. Ông Đường cho biết: “Đây hoàn toàn là do thủ tục hành chính của Hà Nội. 3 năm nay không ra quyết định công nhận công ty đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuế đất”.

Về việc điều chỉnh quy hoạch, thay đổi công năng tại dự án, theo ông Đường, thay đổi công năng thì đương nhiên phải tính toán lại tiền. “Tính toán lại tiền thì công ty đã nộp đủ rồi nhưng lại chưa công nhận” – ông Đường nói.

Trong khi đó, trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho hay, trước đây đã có quyết định về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất dự án, chủ đầu tư cũng đã nộp rồi. Sau đó có thay đổi quy hoạch nên có bổ sung về nghĩa vụ tài chính.

“Vấn đề này đã làm từ nhiều năm nay nhưng chủ đầu tư không thống nhất, không đồng ý với kết quả của các cơ quan ban ngành. Sở đã có báo cáo UBND thành phố sau đó lại xin ý kiến cả các bộ liên quan. Cái chính là do chủ đầu tư không thống nhất với cách tính” – ông Nghĩa nói.

Và trong văn bản số 5079 ngày 26/6 mới đây trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Hòa Bình, Sở TN&MT cũng nêu rõ: “Rất mong sự phối hợp của chủ đầu tư để hoàn tất việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án theo đúng quy định pháp luật”.

Chung cư Hòa Bình Green City được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, văn phòng quản lý đất đai thuộc Sở này đã thẩm định Hồ sơ pháp lý cho tòa CT01 thuộc dự án chung cư Hòa Bình Gren City với 352/556 căn hộ đã được cấp sổ đỏ.

Theo Hồng Khanh
VietnamNet