1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá dịch vụ trong tay nhà đầu tư - khi người mua luôn nắm đằng lưỡi

Cùng với xu hướng đô thị hóa, hiện nay việc chọn chung cư làm chốn an cư tại các thành phố lớn đang thu hút sự quan tâm của nhiều gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi do có thể mua căn hộ như ý và phù hợp túi tiền, thì chung cư cũng là nơi tiềm ẩn các cuộc tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư mà nguyên nhân chính là mức phí quản lý.

Hiện giá dịch vụ tại các khu nhà chung cư trên địa bàn cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM rất khác nhau. Ngoài những nơi có giá dịch vụ tương xứng với chất lượng và phù hợp khả năng chi trả của cư dân; thì cũng có không ít nơi giá dịch vụ vừa cao, vừa không tương xứng với chất lượng, gây bức xúc cho người cư trú tại chung cư. Điển hình có thể kể là các vụ lùm xùm tại chung cư cao cấp The Manor, Golden Westlake, Keangnam, 151 Thụy Khuê (quận Tây Hồ), 93 Lò Đúc và chung cư N05 - Đông Nam Trần Duy Hưng (Hà Nội), hay việc gần 100 hộ dân chung cư cao cấp Saigon Pearl ở quận Bình Thạnh tại TP.HCM khiếu nại chủ đầu tư và công ty quản lý cúp nước do họ chậm nộp phí bảo trì… Qua đó cho thấy, việc thu phí quản lý nhà chung cư đangcó những tác động không nhỏ đến khách hàng có nhu cầu về nhà ở, buộc họ phải tính toán trước khi quyết định sống ở chung cư hay mua nhà phố.

Giá dịch vụ trong tay nhà đầu tư - khi người mua luôn nắm đằng lưỡi
Tồn tại không ít dự án chung cư mang danh “cao cấp” nhưng dịch vụ cung cấp còn thấp hơn cả “bình dân”

Nhằm hạn chế tranh chấp, mâu thuẫn giữa cư dân với chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; trên cơ sở hai lần đề xuất từ Sở Xây Dựng Hà Nội, cuối tháng 5/2013, Phó Chủ Tịch UBND Thành Phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đã ký quyết định số 3431/QĐ-UBND về điều chỉnh giá dịch vụ chung cư trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, giá dịch vụ áp dụng cho chung cư có thang máy có mức tối thiểu là 800 đồng/m2/tháng và tối đa là 16.500 đồng/m2/tháng. Với chung cư không có thang máy, mức giá tối thiểu 450 đồng/m2/tháng và tối đa là 5.000 đồng/m2/tháng. Theo quy định, mức giá này chưa bao gồm các dịch vụ như bể bơi, sân tennis, tắm hơi hoặc những dịch vụ cao cấp khác và được áp dụng trong thời hạn 1 năm tính từ ngày 31/5/2013. Như vậy, so với mức phí cũ tại quyết định 4520 có mức tối đa là 4.000 đồng/m2/tháng, thì khung giá dịch vụ chung cư mới ban hành này đã tăng hơn 4 lần. Ước mơ bao giờ thành hiện thực?
Giá dịch vụ trong tay nhà đầu tư - khi người mua luôn nắm đằng lưỡi
Mệt mỏi vì những cuộc đấu tranh triền miên dai dẳng với chủ đầu tư để dành lại quyền lợi chính đáng, cư dân chung cư biết đến khi nào mới tìm được hai chữ “bình an” trong chính tổ ấm của mình?
Trong các cuộc tranh chấp không “khoan nhượng” quanh mức phí dịch vụ quản lý chung cư trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội cho thấy, thật ra yêu cầu của cư dân ở chung cư cũng “nhẹ nhàng”, bởi cư dân cũng chỉ đề nghị sử dụng đúng và hiệu quả tiền phí dịch vụ. Trong đó, mức phí phải tương ứng chất lượng dịch vụ, và việc tăng phí dịch vụ phải được công khai, minh bạch rõ ràng. Tuy ước muốn của cư dân chỉ là vậy, thế nhưng trong thực tế điều này lại có vẻ khó thực hiện. Báo cáo của Sở Xây Dựng Hà Nội về kết quả khảo sát, kiểm tra giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội công bố đầu năm 2013 cho thấy, nhiều chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư vẫn chưa công khai, minh bạch giá dịch vụ nhà chung cư. Điều này thể hiện qua diện tích thuộc sở hữu chung trong tòa nhà chung cư do chủ đầu tư quản lý và kinh doanh không được đưa vào hạch toán tính bù trừ để kéo giảm phí dịch vụ cho cư dân trong tòa nhà. Bên cạnh đó, các khoản thu phát sinh từ hoạt động phát sinh tại tòa nhà như cho thuê treo bảng quảng cáo, hay cho khai thác tiện ích chung, thu thêm tiền của các hộ không chính chủ… cũng không được đưa ra công khai.

TS. Đỗ Thị Loan, Phó Chủ Tịch thường trực Hiệp Hội Bất Ðng Sản TP.HCM (viết tắt là HOREA) cho biết: “Hiện nay, nguồn cung nhà ở khá dồi dào và được bổ sung liên tục. Vấn đề để bán được hàng thì các chủ đầu tư dự án nào cũng nói rất tốt về mình nhưng khi khách hàng bỏ tiền vào đầu tư thì mọi thứ lại diễn ra không như mong đợi, thậm chí càng lúc càng xấu đi. Phí quản lý chung cư là một điển hình. Sở dĩ câu chuyện này chưa bao giờ có hồi kết vì vấn đề chưa thực sự được giải quyết từ gốc, và cái gốc ở đây không phải đến từ văn bản luật hay chính sách chế tài mà phải đến từ sự trách nhiệm và minh bạch trong thu-chi của chủ đầu tư”.

Không chỉ vậy tại Khoản 4, Điều 9 Thông tư 37/2009/TT-BXD cũng có quy định: “Trường hợp xảy ra tranh chấp về giá dịch vụ nhà chung cư thì doanh nghiệp quản lý vận hành được tạm thu theo mức giá trần hoặc giá trong khung giá dịch vụ nhà chung cư do UBND cấp tỉnh ban hành cho đến khi giải quyết xong tranh chấp”. Việc này gây khó khăn cho các bên liên quan trong công tác giải quyết tranh chấp, đặc biệt đối với công tác thu phí dịch vụ để thu chi cho công tác quản lý nhà chung cư tạm thời.

Tóm lại, một khi chủ đầu tư các dự án chung cư vẫn áp dụng chiến thuật im hơi lặng tiếng trước những phản hồi mang tính chất xây dựng và hết sức cấp thiết của người dân, đồng thời tiếp tục “bùa chú” biểu phí quản lý thì các hộ dân cư sẽ phải biết cách trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết, yêu cầu các điều kiện ràng buộc cụ thể, minh bạch trên “giấy trắng mực đen” đồng thời xoay chuyển tình thế, đưa cán cân “chủ đầu tư-cư dân chung cư” dần trở về thế cân bằng.

Trọng Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm