Chàng trai trẻ "ngược dòng" gặt hái thành công từ hạt gạo quê hương

Khi còn trẻ, chúng ta luôn đứng trước những ngã rẽ đầu tiên của cuộc đời, phải đối mặt với chọn lựa ở lại hay rời xa quê hương để lập nghiệp. Có người chọn rời quê đi lập nghiệp ở nơi xa, cũng có người khởi nghiệp trên chính mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình. Anh “nông dân” Nguyễn Văn Tuân chính là một trong những người lựa chọn khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương Hải Dương với dự án “Gạo hữu cơ Bãi Rươi” và đã đạt được những thành công bước đầu nhất định.

Tôi trở về vùng đất Hải Dương trong một ngày đầy nắng và gió, tiết trời cuối tháng 4 Âm Lịch, thật may mắn đúng vào vụ gặt vụ lúa Chiêm Xuân. Theo hướng dẫn của anh bạn tôi quen trước kia, cũng là một người nông dân đang tham gia dự án “Gạo hữu cơ Bãi Rươi”, chúng tôi men theo con đê cao vút, rẽ qua rặng tre chắn sóng để tới được vùng Bãi Rươi. Trước mắt tôi là một khung cảnh náo nhiệt: Từng chiếc xe tải nặng trĩu, chở những bao thóc vừa gặt đang lần lượt chuyển bánh. Trên bãi, một vài thửa ruộng đã gặt xong, một số thửa ruộng còn chưa gặt, phủ một màu vàng óng ả. Nhìn gần, những bông lúa vàng ươm và tròn trịa, nổi bật và rất dễ phân biệt với những bông lúa truyền thống trong vùng.

Chàng trai trẻ "ngược dòng" gặt hái thành công từ hạt gạo quê hương - 1

Tôi nhìn thấy nụ cười và những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi giữa nắng hè của người nông dân đất Rươi, những cái bắt tay thật chặt với anh chủ Dự án. Tôi hỏi chuyện một chị đang say sưa chất lúa lên xe, chị cười tươi và niềm nở: “Năm nay bà con chúng tôi phấn khởi lắm! Giống lúa mới năng suất hơn, được giá hơn, nghe nói gạo này cũng ngon cơm lắm”.

Giờ nghỉ giải lao, tôi cùng bà con cùng ngồi nghỉ dưới chân đê. Tôi được anh bạn giới thiệu với chủ dự án, anh Nguyễn Văn Tuân. Chào đón tôi bằng nụ cười thân thiện và ánh mắt hiền hòa, anh chia sẻ rất chân thành. Anh tự đặt cho mình cái nickname “nông dân thời @” vì trước đây anh từng làm Giám đốc của một công ty về công nghệ thông tin tại Hà Nội. Đã có thành công nhất định, nên khi anh quyết định trở về quê và trở thành anh nông dân trồng lúa, rất nhiều người quen biết với anh đều ngỡ ngàng. Anh vấp phải sự phản đối kịch liệt từ người thân, khi ấy chỉ có vợ anh ủng hộ quyết định này, không vì thế mà nản lòng, anh Tuân cùng một người bạn đã ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu dự án với niềm đam mê nông nghiệp và tình yêu quê hương.

Chàng trai trẻ "ngược dòng" gặt hái thành công từ hạt gạo quê hương - 2

Anh chia sẻ, cũng là xuất phát từ nhu cầu gạo sạch của gia đình và bạn bè trong mấy năm gần đây, khi vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan, lại hiểu rõ đặc điểm canh tác lúa ở vùng Bãi Rươi quê nhà, nên anh rất tự tin khi thực hiện dự án này. Theo anh, mô hình “Lúa - Rươi” thực ra đã được người dân quê anh thực hiện từ bao đời nay, nhưng chưa được quan tâm để xây dựng nên một vùng sản xuất hữu cơ thực sự với phương thức canh tác được định hình cụ thể. Vì vậy hiệu quả mang lại không cao, lúa năng suất thấp, gạo trồng ra tuy là rất sạch nhưng lại không ngon nên chỉ được dùng làm thức ăn cho chăn nuôi. Bởi rươi là một loài sinh vật đặc biệt, được coi là đặc sản vùng miền, có giá trị kinh tế rất lớn. Nhưng rươi cũng là loài sinh vật vô cùng “khó tính”, nhạy cảm với hóa chất. Chỉ một lượng hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hay phân bón hóa học) rất nhỏ được sử dụng trên lúa cũng có thể làm cho cả một vùng Bãi Rươi rộng lớn giảm mật độ rươi đáng kể, hoặc không còn con rươi nào. Vì thế, bao đời nay người dân chỉ chú trọng vào khai thác vụ rươi là chính, thu nhập chính đến từ việc khai thác rươi, việc trồng lúa chỉ để tạo sinh cảnh cho rươi sinh trưởng và phát triển nên không được coi trọng.

Sau khi nghiên cứu kỹ càng về mô hình mà mình đang thực hiện, anh Tuân nhận ra mảnh đất này cần đến một loại lúa mới để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn loại lúa mà người dân vẫn canh tác, mà vẫn không ảnh hưởng đến sản lượng rươi. Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia, anh đã tìm ra giống Japonica J02 – giống lúa thuần có nguồn gốc từ Nhật Bản. Đây là giống lúa cho năng suất khá cao, gạo thơm ngon, có hạt tròn, cơm dẻo thơm vị đậm, giàu chất dinh dưỡng. Quan trọng hơn cả, đây là giống lúa có khả năng chống chịu thời tiết và sâu bệnh rất tốt, phù hợp với điều kiện canh tác 100% hữu cơ của vùng Bãi Rươi.

Chàng trai trẻ "ngược dòng" gặt hái thành công từ hạt gạo quê hương - 3

Khi anh trình bày về việc đưa giống mới vào sản xuất sẽ cho năng suất cao hơn, người dân có thêm thu nhập đáng kể từ cây lúa ngoài nguồn thu từ rươi, và việc canh tác đảm bảo sẽ không làm ảnh hưởng tới sản lượng rươi trong vùng, người dân đều chưa hứng thú. Bởi lẽ họ vẫn chưa tin tưởng anh – từ một kỹ sư công nghệ, “tay ngang” sang trồng lúa. Thời gian đầu, anh đã mất rất nhiều công sức và thời gian để thuyết phục người dân. Nhưng sau một thời gian kiên trì thuyết phục, đa số người dân đã ủng hộ và muốn tham gia dự án. Bởi đó cũng là mong muốn của nông dân vùng rươi từ lâu nay, nhưng chưa có một định hướng cụ thể nào, nên họ chỉ làm theo thói quen, đặc biệt là chưa có sự gắn kết giữa khâu sản xuất với tiêu thụ. Nắm bắt được những vấn đề đó, anh Tuân đã thành lập Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới và thực hiện hiện dự án “Lúa - Rươi dựa trên mô hình liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp. Với sự tham gia hỗ trợ về khoa học của các chuyên gia từ Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện sinh thái và môi trường nhiệt đới; sự tạo điều kiện của Chính quyền địa phương và sự phối hợp của Hợp tác xã Nông nghiệp quê nhà.

Chàng trai trẻ "ngược dòng" gặt hái thành công từ hạt gạo quê hương - 4

Với sự chân thành và nhiệt huyết của mình, anh Tuân đã dần thay đổi được suy nghĩ của người dân và dự án của anh cũng bắt đầu đi vào hoạt động một cách suôn sẻ. Bằng giọng hào hứng, anh nói rằng sau bao khó khăn vất vả thì anh đã được đền đáp xứng đáng. Vụ mùa đầu tiên của dự án đã cơ bản thành công như mong đợi, cho ra những bông lúa không những sạch mà còn thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng, rất có giá trị kinh tế. Sản phẩm gạo hữu cơ Bãi Rươi của công ty anh đã sẵn sàng để được đưa ra thị trường. Công ty của của anh cũng trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc sản xuất nông nghiệp theo phương thức hữu cơ – một phương thức còn rất mới tại Việt Nam, và đang nhận được sự khuyến khích của nhà nước nhằm thay đổi tư duy trong canh tác nông nghiệp.

Cảm giác như vừa đi với anh một chút mà cũng đã đến chiều, tôi vẫn còn đang say mê trong câu chuyện khởi nghiệp thú vị của anh nhưng lại phải trở về cho kịp chuyến xe cuối lên Hà Nội. Tạm biệt chàng “nông dân thời @”, tôi lên xe nhưng không quên ngoái nhìn anh với nụ cười rạng ngời giữa cánh đồng lúa vàng óng đang chờ thu hoạch. Anh đã cho tôi cảm thấy cuộc sống này vẫn còn rất nhiều điều đáng quý. Chuyến đi lần này tôi đã có thêm một người bạn mới, một người bạn thú vị, dám từ bỏ cuộc sống giàu sang nơi thành thị để trở về làm giàu cho mảnh đất quê hương. Tôi thầm chúc anh thành công với những dự định mới trong tương lại, một chàng trai bản lĩnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm